Doanh nghiệp nhà nước với nhiệm vụ bảo vệ nền tư tưởng của Đảng (Kì 4 – Phần 1)

Phần 1: Vận dụng lý luận khoa học & thực tiễn sinh động đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đặc điểm điển hình của nền Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa là có nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, là nhân tố mở đường cho sự phát triển kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Do đó, doanh nghiệp nhà nước có vai trò then chốt; đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế – xã hội và chấp hành pháp luật, là lực lượng chủ chốt trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong phát triển kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó gồm 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Doanh nghiệp nhà nước hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực có vai trò, vị trí quan trọng của nền kinh tế, trong 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (gồm 143 doanh nghiệp thuộc các cơ quan trung ương; 335 doanh nghiệp thuộc địa phương) có 6 tập đoàn kinh tế, 53 tổng công ty nhà nước; 18 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con và 401 công ty TNHH MTV độc lập.

Trong số 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (gồm 35 doanh nghiệp thuộc các cơ quan trung ương, 126 doanh nghiệp thuộc địa phương) có 3 tập đoàn kinh tế, 17 tổng công ty nhà nước; 6 công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con và 172 công ty độc lập. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chủ yếu hoạt động trong các ngành nông-lâm nghiệp, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và sản xuất, kinh doanh (bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng…).

Ở Việt Nam, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước  được hình thành, phát triển trên cơ sở của Quyết định số 91-TTg, ngày 7-3-1994 của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh”. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 3 khoá IX ban hành Nghị quyết “Về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; Nghị định số 101/2009/NĐ-CP, ngày 5-11-2009, của Chính phủ, “Về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước”; Nghị định số 69/2014/NĐ-CP, ngày 15-7-2014, “Về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước”… Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 3-6-2017, của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII “Về đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước” xác định mục tiêu: Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế… Hiện nay, Việt Nam có 19 tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, hoạt động trong các lĩnh vực: Bưu chính Viễn thông, Giao thông vận tải, Năng lượng, lương thực, khoáng sản, tài chính ngân hàng, Xăng dầu, hóa chất, Nông lâm nghiệp, Dệt may… Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là nòng cốt trong dẫn dắt các ngành, lĩnh vực kinh tế hoạt động, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp vào ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng – an ninh, là cơ sở, tiền đề thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.

Các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước

Là “đầu tầu” của nền kinh tế, các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, tiếp tục là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Để tiếp tục thực hiện sứ mệnh quan trọng của mình, các tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp sau:

Vận dụng lý luận khoa học & thực tiễn sinh động đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch

Sự phát triển ổn định, bền vững và đúng định hướng của các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty chính là minh chứng xác thực nhất cho đường lối phát triển kinh tế đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, thông qua cơ quan truyền thông của mình, các Tập đoàn, Tổng công ty có vốn nhà nước tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng của nhà nước trong việc dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và cộng đồng xã hội trong phạm vi ảnh hưởng của doanh nghiệp có nhận thức đúng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cấp ủy doanh nghiệp và toàn bộ cán bộ đảng viên có trách nhiệm nhận thức đầy đủ về đường lối phát triển kinh tế của Đảng, cập nhật thường xuyên tình hình của cộng đồng doanh nghiệp, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người lao động và cộng đồng xã hội về việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với những lý luận cơ bản sau:

Cần khẳng định rõ ràng rằng, việc các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản, coi kinh tế thị trường là sản phẩm  của riêng Chủ nghĩa tư bản là hoàn toàn sai cả về lý luận và thực tiễn.

Về mặt lý luận, kinh tế thị trường là giai đoạn phát triển cao của kinh tế hàng hóa, khi mà đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất đều được thực hiện thông qua thị trường. Như vậy, kinh tế thị trường chỉ là một kiểu tổ chức kinh tế mà xã hội loài người sáng tạo ra, tồn tại ở nhiều chế độ xã hội khác nhau và được Chủ nghĩa tư bản sử dụng làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình.

Sự phát triển của sức sản xuất đạt đến một trình độ nhất định sẽ làm xuất hiện những điều kiện khách quan cho kinh tế hàng hóa – tiền đề cho sự ra đời và phát triển của kinh tế thị trường. Phân công lao động xã hội và những hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất là những điều kiện xuất hiện trước Chủ nghĩa tư bản và vẫn tiếp tục tồn tại trong Chủ nghĩa xã hội. Như vậy, kinh tế thị trường ra đời trước Chủ nghĩa tư bản và tồn tại trong nhiều hình thái xã hội, phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, không phải là hình thái riêng có của Chủ nghĩa tư bản.

Căn cứ vào những lý luận đã được kiểm chứng, có thể khẳng định: Đất nước ta xuất phát từ nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn do đó kinh tế thị trường là giai đoạn phát triển tất yếu; Việc duy trì và phát triển kinh tế thị trường hiện nay ở nước ta là đúng với quy luật đi lên Chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất nhỏ bỏ qua chế độ Tư bản chủ nghĩa, hoàn toàn không phải là sự “xoay trục sang con đường phát triển Tư bản chủ nghĩa”.

Đảng ta khẳng định bỏ qua chế độ Tư bản chủ nghĩa là “bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư, tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ Xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản”1, trong đó có thành tựu về phát triển kinh tế thị trường.

Trên phương diện thực tiễn, bài học trong những năm đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết đã cho thấy, V.I. Lê nin đã sớm nhận ra sai lầm khi đồng nhất kinh tế hàng hóa với Chủ nghĩa tư bản. Người đã đề ra và tổ chức thực hiện “Chính sách kinh tế mới” (NEP), mà nội dung cơ bản là duy trì và phát triển các quan hệ thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước vô sản. Việc thực hiện kịp thời chính sách NEP đã nhanh chóng dưa nước Nga thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội trong những năm 20 của thế kỷ XX; đồng thời khẳng định tính hiện thực của mô hình kinh tế dung hợp giữa Kinh tế thị trường và Chủ nghĩa xã hội. Nối tiếp con đường đó, vào thập niên 70,80 của thế kỷ XX, Trung Quốc và Việt Nam căn cứ vào tình hình thực tiễn của nước mình tiến hành “đổi mới” theo hướng duy trì và phát triển kinh tế thị trường, hiện thực hóa từng bước các mục tiêu của Chủ nghĩa xã hội của mỗi nước, mang lại những kết quả tích cực.

Chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ Nam cho mọi hành động

Đối với nước ta, việc tổ chức thực hiện đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa gần bốn thập kỷ qua đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước không ngừng tăng lên,. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Các vấn đề an sinh xã hội luôn được chăm lo, ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, hay của đại dịch Covid-19, trở thành một trong những điểm sáng của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ Xã hội chủ nghĩa được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Nền kinh tế quốc gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế với nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường thế giới

Thực tiễn đó đã chứng minh rõ những lợi ích mà sự phát triển kinh tế thị trường đem lại phù hợp với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Nó không đối lập với các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà ngược lại, còn thúc đẩy việc thực hiện những nhiệm vụ đó hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chúng ta không chọn phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, mà chọn phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. “Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường Xã hội chủ nghĩa đầy đủ”2.

Qua gần 40 năm đổi mới, bằng nỗ lực của toàn Đảng và toàn dân ta, nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa với những đặc trưng nói trên đã từng bước hình thành và phát triển. “Thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập, theo định hướng Xã hội chủ nghĩa, từng bước được xác lập”3; “Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển, gắn với thị trường khu vực và thế giới”4. Hầu hết các loại giá cả hàng hóa được xác lập theo nguyên tắc thị trường. Vai trò của nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cũng từng bước phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt.

Phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta. Việc thực hiện thành công đường lối đó sẽ góp phần bổ sung, phát triển lý luận Mác – Lênin về Chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở những nước có nền kinh tế còn kém phát triển; đồng thời, là minh chứng sinh động bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch.

Trần Thị Khánh Ngọc - CNVN
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.