Doanh nghiệp nhà nước với nhiệm vụ bảo vệ nền tư tưởng của Đảng (Kì 1)

Kì 1 – Nhận thức về nền tảng tư tưởng của Đảng từ góc độ kinh tế

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định là nền tảng tư tưởng. Đó là những tư tưởng, quan điểm, ý thức hệ, là cơ sở để xây dựng đường lối phát triển trên từng lĩnh vực, là “kim chỉ nam” để đảm bảo phát triển đất nước theo đường lối đã định. Trong nhiều bài học của cách mạng Việt Nam, có một bài học được nhắc lại nhiều lần nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là: “Đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.  Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trong lĩnh vực kinh tế, muốn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước hết phải có nhận thức đúng về đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta.

Ảnh: Chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng CSVN (Nguồn: Internet)

Đường lối phát triển kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam được bổ sung, phát triển qua các thời kỳ, cùng với sự hoàn thiện nhận thức về lý luận, cập nhật với tình hình thực tiễn trong thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cụ thể ở nước ta. Quá trình bổ sung, hoàn thiện đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta được khái quát qua những giai đoạn sau:

  1. “Đổi mới” – Bước ngoặt đầu tiên trong đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta

Trên cơ sở nhận thức đầy đủ hơn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đại hội VI (tháng 12-1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước nhằm thực hiện có hiệu quả hơn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đại hội đưa ra những quan niệm mới về con đường, phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là quan niệm về công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ, về cơ cấu kinh tế, thừa nhận sự tồn tại khách quan của sản xuất hàng hóa và thị trường, phê phán triệt để cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, và khẳng định chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh. Đại hội chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với những hình thức kinh doanh phù hợp; coi trọng việc kết hợp lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và xã hội để tạo động lực phát triển; chăm lo toàn diện và phát huy nhân tố con người, có nhận thức mới về tầm quan trọng của chính sách xã hội.

Đại hội VI là một cột mốc đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là kết quả của cả một quá trình tìm tòi, thử nghiệm, đấu tranh tư tưởng rất gắt gao, kết tinh trí tuệ và công sức của toàn Đảng, toàn dân trong nhiều năm.

  1. Những bước phát triển quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta

Hơn 2 năm sau Đại hội VI, hội nghị Trung ương 6 khóa VI (tháng 3-1989), đưa ra quan điểm phát triển nền kinh tế hàng hóa có kế hoạch gồm nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội, phát triển thêm một bước, coi “chính sách kinh tế nhiều thành phần có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội”

Sự hoàn thiện về nhận thức đối với cơ chế vận hành của nền kinh tế nước ta được thể hiện rõ hơn tại Đại hội VII (tháng 6-1991), Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nói rõ hơn chủ trương này và khẳng định đây là chủ trương chiến lược, là con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hộicủa Đảng khẳng định: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng Xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.

Tiếp theo đó, Đại hội VIII của Đảng (tháng 6-1996) đưa ra một kết luận mới hết sức quan trọng: “Sản xuất hàng hóa không đối lập với Chủ nghĩa xã hội mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi Chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng”. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cũng mới chỉ có khái niệm “nền kinh tế hàng hóa” và “cơ chế thị trường” được đề cập đến, chưa sử dụng khái niệm “kinh tế thị trường”.

Đến Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) mới chính thức đưa ra khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội khẳng định: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đường lối chiến lược nhất quán, là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, tổng kết thực tiễn; và là bước phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.

  1. Nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực kinh tế

Trên bình diện kinh tế, nền tảng tư tưởng của Đảng, hiểu một cách cụ thể nhất, rõ ràng nhất chính là cơ sở để xây dựng đường lối phát triển kinh tế. Với Việt Nam, đường lối phát triển kinh tế hiện nay được xác định là xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa”. Đây là mô hình tổng quát của thời kỳ quá độ, phù hợp với đặc điểm và tình hình Việt Nam. Thực tiễn đã cho thấy tính đúng đắn của quan điểm này từ khi đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới đến nay.

Đặc thù của mô hình này là vận dụng cơ chế thị trường trong phát triển kinh tế, đưa đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy, điều kiện trước tiên cần đặc biệt nhấn mạnh là: Phát triển nền kinh tế hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Theo đó, phát triển kinh tế được nhấn mạnh phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, gắn ngay từ đầu, trong từng bước đi, trong từng chính sách phát triển. Bên cạnh đó, cần xác định kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo, trong đó doanh nghiệp nhà nước có vị trí quan trọng, đảm bảo khả năng dẫn dắt, mở đường, nêu gương, chấp hành pháp luật, tạo cơ sở thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Tại Đại hội IX, Đảng ta khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng Xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa  và đó là “mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Có thể thấy, chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa thể hiện tư duy, quan niệm của Đảng ta về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, thể hiện sự nhận thức ngày càng sâu sắc và vận dụng đúng đắn, linh hoạt chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh thực tế của đất nước.

 

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.