Hành trình “Về Nguồn” của đoàn chúng tôi càng thêm ý nghĩa khi đúng dịp kỷ niệm 20 năm ngày VNA chuyển đổi biểu tượng nhận diện thương hiệu sang hình ảnh Bông Sen Vàng. Đây cũng là hành trình chúng tôi mong đợi đã khá lâu sau những ngày dài ngớt cánh bay vì Covid, nhưng dồn sức để bảo quản tàu bay duy trì các nguồn lực để đến thời gian qua lại căng sức triển khai lại các chuyến bay cao hơn và xa hơn…
Cảm xúc của chúng tôi càng trở nên sâu lắng hơn trong cuộc giao lưu nho nhỏ giữa cán bộ đảng viên và các quần chúng tiêu biểu của Ban Kỹ thuật do đồng chí Lãnh đạo Khối kỹ thuật dẫn đầu với các cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Quản lý Lăng, những người có vinh dự lớn lao là chăm sóc, bảo quản di hài Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta suốt hơn 50 năm qua.
Các câu chuyện thân mật được chia sẻ mang lại cho chúng tôi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác… Chúng tôi khó mà có thể hình dung trước được rằng, bên cạnh bao trọng trách nặng nề là bảo quản, bảo về thi hài Bác, tổ chức thăm viếng cho các đoàn từ trung ương, chính phủ đến đông đảo các đoàn thể xã hội, các tàng lớp nhân dân vào Lăng viếng Bác, các đồng chí ấy còn hiểu biết rất rõ về lịch sử phát triển của ngành Hàng không Việt Nam.
Lịch sử ấy bắt đầu từ những ngày đầu thành lập năm 1956 với sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Bác Hồ cho đến sự ra đời của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam chúng tôi cách đây 27 năm.
Đó còn là những nhiệm vụ vẻ vang của Tổng cục Hàng không Dân dụng Việt Nam đến Tổng công ty Hàng không Việt Nam ngày nay được phục vụ chính trị quan trọng của Đảng và Chính phủ và nhu cầu đi lại bằng máy bay của nhân dân trong ngần ấy năm qua.
Câu chuyện nối tiếp khiến cho hai đơn vị càng có thê những điểm chung gắn kết thú vị không chỉ là chung một số nhiệm vụ chính trị-xã hội được Đảng, Bác Hồ và Chính phủ giao. Đó một tiêu chí mang tính kỹ thuật chung rất cao giữa hai đơn vị để đảm bảo nhiệm vụ đặc thù riêng.
Chúng tôi được đọc, được kể rằng để có được lần đầu tiên đêm 23 tháng 12 năm 1969 thi hài Bác được di chuyển thành công lên Đá Chông (K9) thì đơn vị với 3 xe chuyên dụng đã phải luyện tập hàng tháng trời với 1 thiết bị “đảm bảo” cho thi hài Bác không bị rung lắc đó là chiếc cốc đầy nước đặt trên lồng kính mô phỏng không được trào nước ra trong suốt quá trình di chuyển…
Thế mới biết cán bộ, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh hồi ấy đã phải gian nan, vất vả thế nào để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho thi hài Bác trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, lạc hậu lúc bấy giờ.
Bất giác, chúng tôi nghĩ ngay đến ngành nghề kỹ thuật hàng không của chúng tôi từ thuở sơ khai đến giờ vẫn luôn cần phải duy trì tốt một hệ thống thiết bị giúp đo đạc, canh chỉnh và ổn định hướng cho máy bay. Đó chính là hệ thống Con Quay Hồi Chuyến 3 Trục tự do (tiếng Anh hay tiếng Nga đều gọi là “Gyroscope”) dù là các thế hệ đầu tiên cấu tạo cơ học đến hiện đại như bây giờ đã được ứng dụng kỹ thuật Laser 3 chiều…
Câu chuyện dường như không liên quan lắm đến chuyên môn và nhiệm vụ của hai đơn vị nhưng gần như gắn kết chúng tôi lại với nhau ở một điểm chung sâu lắng nhất, đó là làm sao giữ cho được sự ổn định.
Hành trình “Về Nguồn” và giao lưu hai đơn vị dường như vẫn thiếu nhiều thời gian để hàn huyên, tâm sự bao điều khác nữa. Chúng tôi chia tay nhau trong bịn rịn và nỗi niềm bâng khuâng, dạt dào cảm xúc của bao sự kiện dồn nén với âm hưởng của ca khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của nhạc sỹ Huy Thục.