Năm nay, hai quốc gia Việt Nam và Lào tổ chức kỷ niệm trọng thể 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 – 5/9/2022); 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977 – 18/7/2022) và chào mừng Năm Hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.
Tuy nhiên có lẽ ít người được biết, trước đó từ rất lâu, Trung đoàn Không quân Vận tải 919 – Đoàn bay 919, VNA ngày hôm nay đã có rất nhiều đóng góp quan trọng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, tự do của Lào. Đặc biệt, trong giai đoạn có tầm quan trọng quyết định đến vận mệnh đất nước Lào, giai đoạn từ năm 1960 cho đến khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào được ký kết. Máu đào của chiến sĩ Trung đoàn Không quân Vận tải 919 đã góp phần tô thắm lích sử tình hữu nghị hai nước Việt – Lào.
Những tháng cuối năm 1960, trong khi Đoàn bay 919 mới được thành lập, đang trong giai đoạn củng cố, xây dựng lực lượng, chủ yếu tham gia vận tải quân sự và phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, lúc này tình hình nước Lào có nhiều diễn biến mới, phức tạp.
Theo yêu cầu của Mặt trận Lào yêu nước, một bộ phận quân tình nguyện Việt Nam được cử sang phối hợp chiến đấu với quân đội Pathét Lào. Trung đoàn Không quân vận tải 919 . Hàng không dân dụng được giao nhiệm vụ sử dụng tất cả các loại máy bay hiện có IL-14, Li-2, AN-2 và Mi-4 vận chuyển vũ khí đạn dược, lương thực, quân trang quân dụng, chuyển quân, đưa thương binh về tuyến sau, bay trinh sát, liên lạc, cấp cứu phục vụ các lực lượng vũ trang bạn và bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu. Phương thức hoạt động chính là thả dù, thả hàng và hạ cánh trên các sân bay, các bãi dã chiến ở địa hình rừng núi.
Thực hiện nghĩa vụ quốc tế theo yêu cầu của lực lượng cách mạng Lào, Liên Xô đã lập cầu hàng không Liên Xô – Việt Nam – Lào, sát cánh cùng không quân vận tải Việt Nam giúp đỡ nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Lào.
Hai sân bay Gia Lâm, Cát Bi là những căn cứ xuất phát chính của Trung đoàn 919 và Không quân Liên Xô. Các căn cứ này đã được trang bị thêm một số thiết bị kỹ thuật để có thể bảo đảm bay đêm. Các sân bay Vinh, Nà Sản, Điện Biên Phủ được bổ sung quân số và trang bị.
Hai sân bay Kép, Chũ được sửa chữa gấp để có thể nhanh chóng đưa vào sử dụng. Một số thiết bị hàng không và hàng chục nghìn chiếc dù do các nước bạn viện trợ được chở gấp đến các sân bay, sẵn sàng phục vụ các đơn vị bay nhiệm vụ. Chỉ huy điều hành tất cả các lực lượng trên là từ Sở chỉ huy của Hàng không Việt Nam.
Sau chuyến bay mở đường thành công xuống sân bay Sầm Nưa đầy nguy hiểm, các máy bay Li-2 của Liên Xô và Việt Nam từ Gia Lâm bay lên Điện Biên Phủ và từ đây đã thực hiện 184 chuyến bay sang Sầm Nưa an toàn, hoàn thành nhiệm vụ cơ động lực lượng và vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm đúng thời gian quy định. Cùng thời gian trên, các tổ bay IL-14, AN-2 liên tục cất cánh thả dù và hàng ở một số khu vực khác như Buôn Hồng, Văng Viềng, Mường Pồn, Xalaphu Khum…
Được Trung đoàn 919 và không quân Liên Xô cơ động lực lượng và tiếp tế kịp thời, lực lượng vũ trang cách mạng Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam nhanh chóng phát triển tiến công trên các hướng, đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, giành lại vùng giải phóng đã bị địch lấn chiếm thuộc hai tỉnh Sầm Nưa, Phong Sa Lỳ và giải phóng phần lớn tỉnh Xiêng Khoảng, trong đó có địa bàn chiến lược Cánh Đồng Chum (01/01/1961).
Tiếp sau đó, một số máy bay Li-2, AN-2, IL-14 của Trung đoàn 919 đã hạ cánh xuống sân bay Cánh Đồng Chum – một sân bay mà quân địch vừa rút chạy, để kịp thời cung cấp vũ khí, lương thực, thực phẩm cho bộ đội và nhân dân vùng giải phóng.
Cuối tháng 4/1961, Liên quân Lào Việt đập tan tuyến phòng thủ của địch trên đường số 9 dài 100km, giải phóng một địa bàn chiến lược rộng lớn ở Nam Lào, trong đó có hai thị trấn quan trọng là Mường Phìn và Sê Pôn.
Ngày 3/5/1961, chiến dịch kết thúc thắng lợi. Ngày 17/5/1961, Trung đoàn 919 được giao nhiệm vụ mở đường bay xuống phía Nam. Đoàn đã bố trí một chiếc Li-2, cất cánh từ Gia Lâm bay thẳng về phía Nam, hạ cánh ở sân bay Sê Pôn, nằm phía Tây thị xã Quảng Trị 90 km, sát đường 9 Trung Lào.
Sau chuyến bay mở đường này, Đại đội Li-2 của Trung đoàn 919 đã bay tiếp hàng trăm chuyến, trong điều kiện thời tiết phức tạp và bị địch uy hiếp, đem đến cho quân và dân Lào vùng mới giải phóng vũ khí, lương thực thực phẩm… góp phần củng cố vững chắc vùng đất mới được giải phóng
Mùa xuân 1962, Không quân vận tải – hàng không dân dụng được giao nhiệm vụ phục vụ Liên quân Lào – Việt trong chiến dịch Nậm Thà mở rộng vùng giải phóng của bạn ở Thượng Lào. So với hai chiến dịch trước, nhiệm vụ lần này khẩn trương, phạm vi hoạt động rộng, yêu cầu tổ chức hiệp đồng phức tạp hơn, nhưng có thuận lợi là đã rút được kinh nghiệm và lực lượng bay đã được tăng cường với trình độ bay khá đồng đều.
Chiến thắng của ta trong Chiến dịch Nậm Thà (từ ngày 2 đến 8/5/1962) đã thúc đẩy đẩy Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào được ký kết. Đây là điểm chốt, đánh dấu những thất bại quân sự của phái hữu Lào và đế quốc Mĩ (giai đoạn 1960 – 1962). Các bên tham dự Hội nghị đã thoả thuận nội dung của bản tuyên bố, công nhận và tôn trọng chủ quyền, độc lập, trung lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào; cam kết tuân thủ một số nguyên tắc và điều kiện liên quan đến nền độc lập và trung lập Lào.
Phục vụ chiến dịch này đáp ứng yêu cầu của bộ đội rất đầy đủ, ở chiến trường Việt Nam máy bay ta chưa mấy khi phải vận chuyển mắm muối. Ở đây lại rất quan trọng, có khi những chuyến máy bay AN – 2 phải chở cả lợn sống tới nơi cho bộ đội bạn giết thịt. Có những sân bay quân địch chưa rút hết, máy bay ta đã tới. Ở sân bay Mường Sinh khi máy bay ta vào hạ cánh thì máy bay địch cất cánh bị bộ đội ta bắn chặn lại.
Cũng ở chiến dịch này máy bay Li – 2 và AN – 2 chỉ trong một ngày hoàn thành cơ động 2 tiểu đoàn bộ binh tới đến Mường Sài kịp phát triển tiến công. Trong chiến dịch này, lúc máy bay ta hoạt động có lúc cũng gặp hỏa lực địch từ mặt đất bắn lên, trên không thì máy bay địch khiêu khích. Tổ bay Li- 2 của đồng chí Đinh Tôn khi gặp máy bay C – 47 của địch khiêu khích đã đổi hướng, bay thẳng đối đầu với máy bay địch, địch phải rẽ ngang bay đi.
Trong suốt những năm tháng phục vụ cách mạng Lào, với tinh thần quốc tế cao cả của Liên không quân Hàng không dân dụng Việt Nam Liên Xô, các lực lượng phục vụ mặt đất tại các sân bay, nhất là ở sân bay Gia Lâm đã đóng góp công lao to lớn bảo đảm cung ứng kịp thời xăng dầu, bốc dỡ hàng hóa, gấp dù… Hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã được cử sang đất bạn, trực tiếp tổ chức điều hành các sân bay nằm trong vùng giải phóng của bạn như Sầm Nưa, Cánh Đồng Chum, Vang Viêng, Mường Sài, Sê Pôn…, trong đó Cánh Đồng Chum là căn cứ lớn nhất.
Hoạt động một thời gian dài trên chiến trường nước bạn, tham gia nhiều chiến dịch trên các địa hình khác nhau, điều kiện làm việc, sinh hoạt của cán bộ, nhân viên kỹ thuật hàng không của ta gặp rất nhiều khó khăn, vô cùng gian khổ… Việc chỉ huy và bảo đảm mặt đất có nhiều trở ngại, phần lớn các sân bay thiếu hệ thống bảo đảm phục vụ, kể cả lực lượng bốc xếp hàng. Mỗi lần máy bay hạ cánh, các thành viên tổ bay và cán bộ, nhân viên phục vụ mặt đất đều phải tham gia bốc hàng; trường hợp máy bay không kịp cất cánh, phải thay nhau canh gác suốt đêm để bảo vệ máy bay và hàng hóa.
Sau khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, Trung đoàn 919 tiếp tục làm nhiệm vụ vận chuyển phục vụ quân và dân nước bạn chiến đấu đánh địch lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng, giúp bạn xây dựng các căn cứ sân bay, một số cơ sở vật chất kỹ thuật hàng không, đào tạo giúp bạn 5 tổ bay AN-2 và một số cán bộ, nhân viên kỹ thuật không quân.
Tổng kết chiến dịch làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường nước bạn Lào trong 3 năm 1960, 1961, 1962, Không quân vận tải – hàng không dân dụng và Liên quân Hàng không “Liên Xô – Việt Nam” đã thực hiện 3.821 chuyến bay với 7.527 giờ, vận chuyển 9.419 lượt bộ đội và 743 tấn hàng hóa, thả 3.227 chiếc dù hàng và gói hàng. Đã hạ cánh xuống 10 sân bay, thả dù và thả hàng ở 20 điểm khác nhau trong vùng mới giải phóng. Đảm bảo phục vụ mặt đất cho Liên Xô 2.615 chuyến bay và vận chuyển 270 tấn hàng.
Tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Nậm Thà, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã chuyển lời khen của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đến các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam. Đồng chí nói: “Không quân vận tải của quân đội ta tuy mới ra đời, lực lượng còn non trẻ nhưng rất mưu trí, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến trường, góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi chung cho toàn chiến dịch”.
Hơn 60 năm qua, mối quan hệ Việt – Lào đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào đến mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, hai Đảng, hai Nhà nước đang tiếp tục sát cánh bên nhau để đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị… mang lại cuộc sống ngày càng ấm no và bình yên cho nhân dân mỗi nước.
Nhìn lại những chặng đường lịch sử hào hùng đã qua, mỗi CBNV, phi công Đoàn bay 919 luôn nhắc nhau niềm tự hào lớn lao về những đóng góp của các thế hệ cha anh đi trước, mãi mãi tri ân máu đào của các chiến sĩ Trung đoàn năm xưa đã đổ xuống đã góp phần xây dựng, tô thắm tình hữu nghị, keo sơn bền chặt giữa hai nước Việt – Lào.
TTNB Đoàn bay