Trong suốt bề dày gìn giữ đất nước, lịch sử cách mạng Việt Nam chính là minh chứng sinh động và đầy sức thuyết phục nhất cho việc lựa chọn con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Bằng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, với thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam đã quy tụ được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vùng lên lật đổ chế độ thực dân, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập tự do.
Như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong bài viết: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của CNXH và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định, kiên trì theo đuổi”.
Tổng Bí thư gọi là con đường đi lên CNXH Việt Nam là một chặng đường rất dài; mỗi chặng đường đi trải qua những bước đi cụ thể, với những hình thức, biện pháp cụ thể; cùng với đó, phải tiếp tục tổng kết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Bài viết đã lý giải cặn kẽ, thuyết phục lý do vì sao dân tộc Việt Nam kiên định, kiên trì với mục tiêu xây dựng CNXH.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, người dân được quan tâm; các nhóm xã hội yếu thế, người nghèo được quan tâm chăm sóc; sự phân hóa xã hội được kiềm chế, sự tước đoạt tự nhiên được giảm thiểu. Đây là một mô hình, cách thức tổ chức kinh tế rất sáng tạo, mới mẻ, là kết quả quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến hết sức mau lẹ, khó đoán định, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đạt được trong chặng đường sau 35 năm đổi mới mà Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn là tất yếu và đúng đắn, đã tạo nên những tiền đề vững chắc để đất nước tiếp tục phát triển, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi, đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và trách nhiệm chính trị của mỗi người dân. Dù rằng, đây là “sự nghiệp vĩ đại, khó khăn, không thể nóng vội” nhưng kiên định con đường ấy một cách tiếp thu, bổ sung và sáng tạo có chọn lọc để chủ nghĩa, học thuyết luôn luôn mang hơi thở của thời đại, mà không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu, thì tất yếu, sự nghiệp cách mạng sẽ thành công.
Dân tộc Việt Nam đã in dấu ấn đậm nét khát vọng về một dân tộc Việt Nam độc lập, thống nhất, phát triển cường thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Khát vọng đó không phải tự nhiên mà có, nó được hun đúc từ những giá trị văn hóa hàng nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, được tôi luyện suốt chiều dài lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc, là sự kế thừa và tiếp nối công lao trời biển của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước đã xây dựng nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta như ngày nay.
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định và củng cố niềm tin son sắt cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta về con đường đi tới tương lai của dân tộc ta. Chỉ có Chủ nghĩa xã hội (CNXH) mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho nhân dân ta. “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đoạn: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định dân là gốc, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân… làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Bài viết đã khẳng định cần tạo ra bước cải cách đột phá để tạo đà phát triển toàn diện chính là “coi dân là gốc, tin tưởng, coi trọng dân”.
Là đảng viên trẻ hiện đang làm việc tại Trung tâm khai thác Nội Bài trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam khi được đọc bài viết của Tổng Bí Thư – Nguyễn Phú Trọng, điều khiến tôi tâm đắc nhất đó là những nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong bài viết: trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Cụ thể “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, tạo dấu ấn nổi bật. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt, tích cực”. Không ngừng xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; đổi mới phương thức lãnh đạo; coi trọng công tác chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống; tăng cường trách nhiệm nêu gương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cơ quan Nhà nước. Những trăn trở của Tổng Bí thư đã khiến những đảng viên trẻ như chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân trong việc tự học tập, tự giác rèn luyện, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức của người đảng viên. Do đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần phải được tiến hành toàn diện trên các mặt để Đảng ta luôn xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.
Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, với những giải pháp chiến lược như Tổng Bí thư đã nêu, Việt Nam của chúng ta sẽ đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong bối cảnh đại dịch, những khó khăn của ngành hàng không trên thế giới nói chung và Tổng công ty Hàng không Việt Nam nói riêng, chúng tôi, những Đảng viên trẻ càng nhận thức được rõ hơn trách nhiệm của bản thân, chia sẻ những khó khăn cùng TCT qua những chính sách ban hành, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương của Ban lãnh đạo TCT, cùng động viên nhau rèn luyện, nâng cao học tập, đóng góp những ý kiến sáng tạo, hướng tới ngày không xa Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch và để những chuyến bay của VNA được nhộn nhịp trở lại, xứng đáng là Hãng Hàng không Quốc gia – Vietnam Airlines luôn đồng hành cùng đất nước.
Tran Thi Quynh Nhung-NOC