Học tập về vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta, Nguyễn Ái Quốc, tôi vẫn nhớ như in cuộc trao đổi với một giảng viên Trường ĐHNN-ĐHQG Hà Nội rằng “nghiên cứu về sự nghiệp của Hồ Chí Minh luôn là một đề tài lý luận khoa học rất đặc biệt mà ở đó chúng ta có thể dành cả đời tìm hiểu sự nghiệp của Người cũng chưa thể hiểu hết được những tầm vóc tư tưởng mà Bác đã dành cả đời dâng hiến cho tổ quốc,nhân dân ta…”
Tôi cũng có cơ hội lắng nghe Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo – Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương kể chuyện rất chân thực về Bác “Bác cũng như những người bình thường khác, chúng ta đừng thần thánh hóa Bác…” Tôi đã rất thấm thía về các câu nói đó và cũng trăn trở tự nhủ bản thân để ngày càng dành thời gian để tìm hiểu về Bác nhiều hơn.
Năm nay 2021 là một năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đất nước ta khi mà chúng ta vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc Lần thứ XIII. Năm nay cũng là năm chúng ta kỷ niệm 110 năm Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước. Tôi xin được tóm lược hành trình những năm tháng người hoạt động ở nước ngoài đến khi Đảng ra đời :
Bối cảnh Quốc tế Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20:
Tại các nước phát triển chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, các nước tư bản đế quốc vừa tăng cường bóc lột nhân dân lao động trong nước vừa xâm lược và áp bức nhân dân các dân tộc thuộc địa.
Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ ở các nước thuộc địa.
Các nước tư bản đế quốc vừa tăng cường bóc lột nhân dân lao động trong nước vừa xâm lược và áp bức nhân dân các dân tộc thuộc địa (Ảnh tư liệu)
Bối cảnh Việt Nam:
Bán đảo Đông Dương mà trung tâm là Việt Nam sẽ là một thuộc địa có giá trị nên vào năm 1858 Thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược nước ta, và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam, biến một quốc gia phong kiến thành thuộc địa nửa phong kiến. Nhân dân ta bị ví “như một cổ hai tròng” trong khi đó người Pháp kiếm được những khoản tiền khổng lồ nhờ cao su và gạo xuất khẩu còn những người dân bản địa thì lại đước rất ít trên chính mảnh đất của mình.
“Cây cao su quý hơn vàng
Mỗi cây bón một xác người công nhân”
Các giai tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc này đều mang thân phận người dân mất nước và ở những mức độ khác nhau, đều bị thực dân áp bức, bóc lột.
Phu kéo thời Pháp thuộc, và kéo cày thay trâu (Ảnh Tư Liệu)
Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của nhân dân ta mà đứng đầu là các chí sỹ yêu nước chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng đều không mang lại kết quả như phong trào Cần Vương , cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (năm 1896)
Phong trào nông dân, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài mấy chục năm cũng thất bại vào năm 1913.
Phong trào yêu nước do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại và bị dìm trong biển máu vì do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước mặc dù các phong trào yêu nước luôn có sự tiếp nối truyền thống yêu nước được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử.
… Hành trình Nguyễn Ái Quốc với những năm tháng ở nước ngoài và sự thành lập Đảng
Năm 1910, trong thời gian thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, làm quan tại tỉnh Bình Định, lúc đó chàng trai Nguyễn Tất Thành rời Huế vào Nam, đến thăm cha và ở lại mảnh đất này. Khi thấy con trai đến, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã hỏi con: – “Con đến đây làm gì?” – “Con đến đây tìm cha”. Nghe vậy, cụ Sắc trìu mến nói với con: – “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?” Câu nói của cha đã thôi thúc Người phải mạnh mẽ, nhanh chóng ra đi tìm đường cứu nước và không còn được gặp lại người cha kính yêu của mình nữa…
“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi”
…Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở,
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!
Nguyễn Tất Thành đã trở thành “anh Ba” làm phụ bếp dưới tàu thủy “Đô đốc La Treville”. Hồi đó, cũng đã có những người sang Pháp, trong đó có những người yêu nước muốn tìm đường cứu nước. Nhưng đi sang Pháp bằng con đường lao động cực nhọc như Nguyễn Tất Thành thì chỉ có một.
Vâng, đất nước đẹp vô cùng và đau khổ vô cùng. Vì thế, Nguyễn Tất Thành phải ra đi để thành Nguyễn Ái Quốc, một cái tên soi sáng một con đường. Trong những năm đầu Người đã đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã phát hiện ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa.
Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng hoạt động tại Pháp (Ảnh tư liệu )
Từ những năm 1911-1917, trong giai đoạn hoạt động ở nước ngoài Người đã trải qua bao nhiêu công việc nhọc nhằn, làm đủ mọi nghề ,các trang tài liệu mà sở mật thám Pháp ngày càng dày thêm để theo dõi các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc nhưng đều thất bại bởi lẽ Người muốn biết tư tưởng của nước Pháp về “Tự do, bình đẳng, bác ái” được thực hiện như thế nào tại Pháp và tại sao ở Việt Nam họ lại tiến hành một hệ thống cai trị thực dân nặng nề và tàn ác đến như vậy…
Trải qua muôn ngàn gian khó với biết bao thử thách, gian lao, cuối cùng tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin và từ tư tưởng đó Người đã tìm được chân lý cách mạng và cũng là con đường sáng cho dân tộc:
Luận cương đến Bác Hồ, và người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin
Người đón nhận chân lý cách mạng ấy bằng tất cả con tim và khối óc của mình. Những vật vô tri bên Bác cũng cảm thông với giây phút thiêng liêng này, tất cả như cùng sẻ chia, cùng hòa chung niềm xúc động để rồi niềm hạnh phúc, sung sướng chợt vỡ òa và:
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi”
Hình của Đảng lồng trong hình của nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười
Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước chuyển quan trọng của con đường giải phóng dân tộc Việt Nam: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản.
Luận cương của Lê-nin theo người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa, bóng Bác hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai
Cách nói của nhà thơ Chế Lan Viên thật độc đáo rất tài tình về sự giản dị mà vĩ đại của Bác. Mang trên vai sứ mệnh cao cả, nay Bác trở về với chân lý sáng ngời đưa cả dân tộc thoát khỏi đêm trường nô lệ.
Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhấn mạnh: cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo; Đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác-Lênin.
Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào cộng sản ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 7/2/1930.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
Có thể thấy rằng việc sự thành lập đảng là một quá trình xuyên suốt, xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước được kế thừa tinh hoa của chủ nghĩa yêu nước truyền thống, vừa bao hàm một tinh thần đổi mới phù hợp với yêu cầu và xu thế của thời đại và là tiền đề đưa Người đến cuộc gặp gỡ kỳ thú với Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, đã làm sáng tỏ con đường đi tìm chân lý cho dân tộc – chủ nghĩa cộng sản. Từ bước chuyển căn bản trong nhận thức tư tưởng đó… và cuối cùng, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam – một sự thắng lợi rực rỡ vào bậc nhất của phong trào công nhân và dân tộc.
Trong không khí kỷ niệm 91 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2021), chào mừng thành công Đại Hội Đảng toàn quôc lần thứ XIII. Việc tìm hiểu về những hoạt động ở nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng cho mỗi cán bộ,nhân viên,tiếp viên hàng không để nâng cao kiến thức cho bản thân.
Đoàn tiếp viên cùng toàn bộ các công ty thành viên trong tổng công ty Hàng không Việt Nam – VNA – một thành viên trong liên minh hàng không Skyteam đã nỗ lực hết mình để phục vụ sự di chuyển các đại biểu về dự đại hội Đảng lần thứ XIII góp phần nhỏ bé của mình vào sự thành công của đại hội và cùng toàn xã hội chung tay trong tuyến đầu phòng chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện các chuyến bay an toàn để đưa đón đồng bào về ăn tết cổ truyền của dân tộc mà ít ngày nữa sẽ đến trong không khí vui tươi đầm ấm và hạnh phúc.
Mong rằng dịch bệnh sớm hết để các chuyến bay quốc nội và quốc tế ngày càng nhộn nhịp ,các tiêu chuẩn và dịch vụ của VNA ngày càng nâng cấp để sớm trở thành hãng Hàng không quốc tế 5 sao đáp ứng nhu cầu thưởng thức dịch vụ trên không đẳng cấp thế giới của khách hàng.