Hành trình về nguồn “Đất võ, trời văn” – Bình Định

Tháng 7 tạm xa cái nắng oi nồng, nóng rát của Hà Nội, Chi bộ Trung tâm SUCC Ban TTHH chúng tôi có chuyến đi về nguồn đến Bình Định, nơi vẫn được nhắc đến cái tên “đất võ, trời văn”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trên máy bay của VNA tôi đã thấy từng mảng màu của một bức tranh tươi đẹp đang hiện ra trước mắt: trời trong xanh, mây trắng bồng bềnh, nắng vàng mênh mang.

Sân bay Phù Cát tuy nhỏ nhắn, nhưng kiến trúc đẹp và hiện đại, đón những vị khách đang hừng hực khí thế, vừa bước ra từ phi cơ A321 hạ cánh êm ru. Mọi người trong đoàn đều háo hức chờ đón một hành trình thú vị phía trước. 

Chi bộ Trung tâm SUCC Ban TTHH hành về nguồn Bình Định, nơi vẫn được nhắc đến cái tên “đất võ, trời văn”. (Ảnh: NVCC).

Điểm đầu tiên chúng tối đặt chân đến là một địa danh có cái tên rất lạ – Hầm Hô. Nơi đây phong cảnh hữu tình, cỏ cây chen lá, đá chen hoa, nước chảy lững lờ dọc theo triền sông. Những khối đá cheo leo, nhấp nhô, cây cối xanh mướt một màu, những cây cao bóng cả đứng trầm mặc soi bóng bên sông. 

Đoàn đặt chân đến địa danh Hầm Hô. (Ảnh: NVCC).

Theo truyền thuyết, nơi Hầm Hô là nơi luyện võ cho quân lính của tướng Võ Văn Dũng thời khởi nghĩa Tây Sơn cách đây hơn 2 thế kỷ. Trong kháng chiến chống Pháp nơi đây từng là căn cứ địa của phong trào Cần Vương. Chúng tôi thuê những chiêc thuyền nhỏ xuôi theo dòng sông, ngắm cảnh quan 2 bên bờ dưới dòng nước trong xanh, mát rượi. Chúng tôi như hòa mình vào thiên nhiên, trời đất khiến bao mệt nhọc của hành trình tan biến. Văng vẳng bên tai là vần thơ tôi nghe được của một người dân địa phương:

Hầm hô dốc đá cheo leo

Rì rầm như tiếng quân reo thuở nào.

Sau khi tham quan Hầm Hô, chúng tôi xuôi theo hướng Quy Nhơn để đến vùng đất võ nổi tiếng Tây Sơn, thăm bảo tàng Quang Trung. Nơi chúng tôi đến gắn liền với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ. Bảo tàng được xây dựng trên chính nền nhà cũ của ba anh em nhà Tây Sơn – Tây Sơn Tam Kiệt. Nơi đây được lưu giữ hàng ngàn hiện vật có giá trị liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của 3 anh em họ Nguyễn. 

Đoàn thăm bảo tàng Quang Trung. (Ảnh: NVCC).

Nằm trong quần thể bảo tàng còn có điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt: Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và các danh tướng có công trong cuộc khởi nghĩa như Ngô Văn Sở, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Thì Nhậm, Trần Quang Diệu…

Trong khu vườn cũ của gia đình vua Quang Trung còn gìn giữ được cây me cổ thụ hơn 200 tuổi, sừng sững với thời gian, tỏa bóng mát rượi và giếng nước xưa kia gia đình vẫn dùng. Vốc một ngụm nước lên cảm nhận vị ngọt mát của nước giếng trong lành chúng tôi càng thấm thía câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Ngoài ra trong khuôn viên vườn còn rất nhiều những cây cối khác được các lãnh đạo Đảng và nhà nước qua các thời kì trồng lưu niệm, như sự tri ân đến người anh hùng áo vải. 

Bảo tàng không những lưu giữ những hiện vật lịch sử quý giá, mà còn là nơi lưu truyền tinh thần thượng võ của dân tộc ta. Đứng trước tượng đài vua Quang Trung, chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào về truyền thống vẻ vang, đánh giặc, giữ nước, tinh thần bất khuất quật cường của dân tộc Việt Nam, của cha ông chúng ta qua 4000 năm dựng nước và giữ nước.

Tạm biệt vùng đất Tây Sơn, chúng tôi tiếp tục hành trình về thành phố Quy Nhơn. Những con đường lớn rộng mở, những tòa cao ốc hiện đại, đẹp đẽ hiện ra trước mắt chúng tôi trên khắp dọc bờ biển.

Thành phố trẻ Quy Nhơn đón chúng tôi bằng tiếng vỗ rì rào của sóng biển, tiếng lao xao của hàng phi lao trong gió chiều lồng lộng. Trên đường phố những băng rôn đỏ rực, cờ đỏ búa liếm được giăng cao để chào mững Đại hội đảng các cấp và đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng biến đường phố Quy Nhơn như một ngày hội, làm tinh thần cả đoàn chúng tôi cực kì phấn chấn.

Chiều đến khi cái nắng Nam Trung bộ đã dịu dần trên các con đường của thành phố, chúng tôi đến thăm viếng Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Quy Nhơn nằm trên đường Tây Sơn, dưới chân núi Vũng Chua hùng vĩ. Đây là nơi yên nghỉ của gần 600 liệt sỹ có tên và hàng trăm liệt sỹ chưa biết tên đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ…

alt text
alt text

Đến thăm viếng Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Quy Nhơn. (Ảnh: NVCC).

Trong không khí trang nghiêm thành kính chúc tôi đã dành những phút mặc niệm, tưởng nhớ và trii ân đến các liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và xây dựng XHCN.

Chúng tôi chia nhau thắp hương đến từng phần mộ trong nghĩa trang, tự nhủ trong lòng về sự biết ơn này cũng như phải sống sao cho xứng đáng, phấn đấu làm việc tốt cho cơ quan, đơn vị, vượt qua những khó khăn trước mắt để góp phần đưa cả nước thoát khỏi các ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gây nên.

Trong chuyến đi chúng tôi cũng đã tới các địa danh có tiếng ở Quy Nhơn như Eo Gió, Kỳ Co, Ghềnh Giáng, Cảng Quy Nhơn, Cầu cảng Thị Nại… đâu đâu cũng thấy sự phát triển nhanh chóng, chuyển mình mạnh mẽ của vùng đất đầy tiềm năng du lịch và kinh tế. 

Trên đường ra sân bay, chia tay Bình Định chúng tôi đi ngang qua tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành được xây dựng giữa quảng trường trung tâm thành phố Quy Nhơn như lưu giữ dấu tích nơi bác Hồ kính yêu của chúng ta nói lời tạm biệt cha khi cụ Nguyễn Sinh Sắc bị thất sủng, giáng chức tại huyện Bình Khê, Bình Định. Đây là một sự kiện tác động mạnh đến chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trong việc quyết định ly hương đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc.

Tạm biệt Bình Định địa linh nhân kiệt, tạm biệt Quy Nhơn hoang sơ, nhiều tiềm năng. Chúng tôi trở về nhà với những hành trang kiến thức, những điều mắt thấy tai nghe thu hoạch sau chuyến đi ý nghĩa này.

Chúng tôi xin gửi lại đây tình yêu, nỗi nhớ và chúng tôi hứa sẽ quay trở lại trên những chuyến bay của VNA đầy ắp niềm vui.

Bình Định 07/2020

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.