[19/5] Nhớ Người ở Boston

Từ bến cảng Le Havre (Pháp), cuối năm 1911, chàng trai trẻ Văn Ba đã đến thành phố New York và sau đó là Boston – cái nôi của Cách mạng Mỹ để rồi trải qua những tháng ngày vô cùng đáng nhớ, ghi dấu những năm tháng đầu tiên trong hành trình đi tìm độc lập, tự do cho dân tộc.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text
Boston năm 1912 và Boston năm 2017. (Ảnh: St).

Thời điểm ấy, Người có lẽ đã chứng kiến những thời khắc lịch sử vô cùng đặc biệt trên thành phố này.

Năm 1912, đường sắt Green Line đi vào hoạt động. Người có thể là một trong những hành khách đầu tiên. Nhiều tòa nhà và khu phức hợp được hoàn thiện, nay là những công trình mang tính lịch sử như Vườn thú Franklin Park, Bảo tàng dành cho Trẻ em, Liberty Mutual Building, Công viên Fanway, Cảng cá Boston, Trụ sở của Hiệp hội thanh niên Cơ đốc giáo, Tháp Đồng hồ Boston, Nhà ga Park Street, bia đá tưởng niệm Blackstone, hay công trình mái vòm Parkman Bandstand…

Những ngày tháng ấy, không khí Boston sục sôi với những cuộc biểu tình của các tổ chức nghiệp đoàn đòi quyền bỏ phiếu, đòi nữ quyền, đòi điều kiện sống và làm việc tốt hơn cho công nhân, phụ nữ. Trên đường đến nơi làm việc, chàng trai trẻ Văn Ba có thể đã chứng kiến những cuộc tuần hành và nghe các bài phát biểu của “Big Bill” Haywood – nhà lãnh đạo nghiệp đoàn IWW (Industrial Workers of the World). 

alt text
Một sự kiện diễn thuyết ở nhà mái vòm Parkman Bandstand đầu thế kỷ XX. (Ảnh: St).

Khi có thời gian rỗi, Người chắc hẳn đã say mê tìm tòi, nghiên cứu ở Phòng đọc của Thư viện Công cộng Boston. Với vốn kiến thức và ngoại ngữ của mình, từ đây, Người có thể nắm bắt được mọi tin tức về thế giới và gửi về nhà. Sử sách cũng ghi rằng, thời gian sống và làm việc ở Hoa Kỳ cũng là thời điểm mà Người đã nghiên cứu lịch sử, tính cách cũng như các phong tục tập quán, truyền thống văn hóa các dân tộc và cộng đồng nước Mỹ. 

Nơi Người làm việc là tiệm bánh của khách sạn Omni Parker House – một khách sạn được xây dựng từ năm 1855 theo kiến trúc lâu đài cổ của Anh, toạ lạc tại con phố School ở ngay trung tâm sầm uất của Boston. Khách sạn nằm trên cung đường Tự Do nổi tiếng. Chỉ cách bốn tòa nhà, qua hai con đường là đến cảng Boston, bến đỗ của nhiều con tàu đủ các quốc tịch từ khắp nơi trên thế giới.

alt text
Cảng cá Boston đầu thế kỷ XX. (Ảnh: St).

Từ lâu, Parker’s House được biết đến như là nơi tụ tập của các nhà văn, nghệ sĩ, chính trị gia thành phố, cũng như các diễn viên hàng đầu thế giới. Đây là nơi hội họp thường xuyên của các cây bút xuất sắc của nước Mỹ, trong số này có Emerson, Thoreau, Hawthorne và Longfellow trong thời đại Hoàng kim của nền văn học Mỹ.

alt text
Bên ngoài khách sạn Omni Parker House ngày nay. (Ảnh: NVCC).

Ngày nay, văn bản lịch sử còn lưu giữ ở khách sạn Parker House ghi lại, tại nơi này, các thế hệ chính trị gia quốc gia và địa phương đã có nhiều cuộc thảo luận riêng hoặc họp báo, trong đó có Ulysses S. Grant, James Michael Curley, Franklin Delano Roosevelt, John F. Kennedy, Colin Powell, Thomas “Tip” O’Neill, William Jefferson Clinton, Deval Patrick…

alt text
Timeline tái hiện lịch sử khách sạn với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều danh nhân khác. (Ảnh: NVCC).

“Năm 1912, Boston đang trong thời kỳ chuyển đổi có tính bước ngoặt, do đó, chàng thanh niên trẻ Văn Ba, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể đã tiếp xúc với những con người tạo nên những thay đổi đó khi ông đi trên những con phố hoặc khi họ đi ngang qua khách sạn Parker House nơi ông làm việc”. Giáo sư Kevin Bowen chia sẻ.

alt text
Người thanh niên yêu nước – Người thợ bánh vĩ đại. (Ảnh: St).

Ngày nay, khách sạn Omni Parker vẫn còn giữ lại chiếc bàn đá nhỏ từ thế kỷ trước. Người thợ bánh Văn Ba đã đóng góp cho danh tiếng của khách sạn, làm ra những chiếc bánh kem Boston Cream Pies và Lemon Meringue Pies. Món bánh kem Boston và bánh trứng đường với chanh tuyệt vời góp phần làm nên nổi tiếng của khách sạn này, nay được vào danh sách món tráng miệng đặc sắc chính thức tại các cuộc tiếp tân của bang Massachusetts thết đãi khách quý trong nước và nước ngoài.

Omni Parker House với không gian cổ kính như thể không đổi thay từ thế kỷ trước. Những bức tường gỗ sồi nâu đậm, những cánh cửa đồng vàng óng, chùm đèn pha lê và những bộ bàn ghế mang phong cách cổ điển, tất cả khiến ta như cảm thấy thời gian đã dừng lại nơi đây. 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, khách sạn Omni Parker đã nhiều lần được sửa chữa nâng cấp, nhưng gian bếp nhỏ nằm dưới tầng hầm của tòa nhà thì dường như vẫn giữ nguyên. 

Giữa phòng là một chiếc bàn dài bằng đá trắng xám, chiếc bàn đã bị vỡ ở góc phải trong cùng. Năm xưa, Bác Hồ đã làm việc trên chính chiếc bàn đá này. Để bày tỏ tình cảm và sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban quản lý khách sạn vẫn trân trọng lưu giữ, sử dụng kỷ vật đó từ ngày ấy đến giờ.

alt text
Nét cổ kính của Parker’s House còn được giữ tới ngày nay. (Ảnh: NVCC).

Hành trình của chúng tôi ở Boston trở nên đặc biệt hơn khi được nghe những câu chuyện sống động về Bác. Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bờ Đông nước Mỹ được tái hiện lại đầy cảm xúc. 

Bước ra khỏi khách sạn Omni Parker House, tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ/ Những con đường cách mạng đang tìm đi/ Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa…”. 

alt text
Chiếc bàn đá mang trong mình câu chuyện về Bác Hồ và nhiều năm qua đã nhận được sự quan tâm của nhiều du khách khi đến Boston. (Ảnh: NVCC).

Quãng thời gian hai năm ở Boston chắc hẳn đã góp phần trong việc hình thành nên những tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời cách mạng của Người. Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và công bố tại quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã mở đầu bằng câu trích từ bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. 

Những tư tưởng về bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc đã được nhắc đến bởi sự thấu hiểu sâu sắc những nền tảng tư tưởng của cách mạng Mỹ và được trải nghiệm từ những tháng ngày ở Boston – thành phố của cách mạng, tri thức và tinh hoa – để từ đó vận dụng vào hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam.

CTV Mai Phương

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.