“Tháp mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”
Hình ảnh Bác Hồ kính yêu luôn gần gũi với non nước, làng quê bình dị, con người Việt Nam. Vì vậy, dù Bác đã “đi xa” hơn 50 năm nhưng trái tim chúng ta luôn nghẹn ngào, xúc động mỗi khi nhớ về Bác- một vị Lãnh tụ vĩ đại, một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, một danh nhân văn hoá thế giới với tình yêu nước nước nồng nàn, yêu con người Việt Nam vô bờ bến.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng ta có thể học từ Bác rất nhiều điều quý giá. Trước tiên, về tư tưởng, Bác là người có tư tưởng lớn, gắn liền thực tế “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” luôn hy sinh sự riêng tư, cá nhân vì dân vì nước:
“Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình, cho hết thảy
Như dòng sông chảy, nặng phù sa”
Và trên hành trình đi tìm tự do cho nhân dân, cho Tổ quốc, Người luôn chứa chan tình thương bao la, rộng lớn với muôn loài, với muôn nhà, nhất là với người già, trẻ em:
“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già”
Người luôn chứa chan tình thương bao la, rộng lớn. (Ảnh: sưu tầm)
Ngay cả trong giây phút thiêng liêng, đứng trên cương vị cao nhất, Người cũng luôn ân cần, quan tâm, hỏi han đến muôn dân:
“Người đọc tuyên ngôn…. Rồi chợt hỏi:
“Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”
Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi
Rất đơn sơ mà ấm bao lòng!
Cả muôn triệu một lời đáp: “Có!”
Như Trường Sơn say gió biển Đông
Vâng, Bác nói, chúng con nghe rõ
Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông”
Với tấm lòng thương dân như thương con, xuyên suốt cả cuộc đời Bác là những bài học quý, là kim chỉ nam để thế hệ con cháu noi theo. Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Về tính vượt khó, luôn cố gắng vươn lên dù trong hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như về ngoại ngữ, hiếm có vị nguyên thủ Quốc gia nào trên Thế giới khi đi công tác nước ngoài không cần người phiên dịch như Bác. Bác thông thạo rất nhiều ngôn ngữ như Hán, Anh, Pháp, Đức, Nga, Ý….Và hầu hết các ngoại ngữ Bác đều tự học.
Bác thông thạo rất nhiều ngôn ngữ. (Ảnh: sưu tầm)
Chúng ta học ở Bác sự giản dị, gần gũi đến lạ thường. Cả cuộc đời Bác hy sinh vì nước, vì dân, hơn 30 năm bôn ba xứ người để tìm đường cứu nước, khi trở về quê hương, khi đã là Chủ tịch nước, nhưng hành trang của Bác lúc nào cũng chỉ gói gọn vài bộ đồ kaki cũ quen thuộc, đôi dép cao su…Thậm chí, khi đi công tác, Bác dặn các đồng chí giúp việc chuẩn bị sẵn thức ăn và mang theo nồi tự nấu cơm để không tốn kém của dân. Hay có lần, chiếc tất của Bác bị rách nhưng chưa kịp vá, anh em phục vụ đưa đôi tất mới để Bác dùng. Bác cầm chiếc tất rách và xoay xoay chỗ rách vào bên trong rồi cười “ Đấy, có trông thấy rách nữa đâu !”
Bác luôn mang sự hài hước, vui tươi, dí dỏm để xóa tan không khí căng thẳng, để tạo năng lượng tích cực đến mọi người. Chuyện kể rằng khi Bác phong hàm tướng cho vị tướng lĩnh đầu tiên của Việt Nam bấy giờ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nước trên thế giới rất bất ngờ. Bởi lẽ, họ đánh giá chiến tranh Việt Nam là chiến tranh du kích, do Việt Nam chưa có máy bay to, chưa có tàu chiến lớn, hay vũ khí tối tân…Vì vậy, các nhà ngoại giao nước ngoài muốn nhân cơ hội này làm khó Bác nên đã cố tình hỏi Bác dựa vào đâu để phong hàm tướng. Bác rất bình tĩnh, trả lời một cách vui vẻ nhưng đầy thâm thuý, khiến sứ giả các nước vô cùng nể phục: “Đánh thắng cấp nào thì phong hàm cấp đó”. Một câu trả lời cực kỳ thú vị và thuyết phục. Bởi lẽ, bác Giáp đánh thắng tướng thì thật sự đã giỏi hơn tướng!
Chúng ta học ở Bác sự giản dị, gần gũi đến lạ thường. (Ảnh: sưu tầm)
Về phong cách, chúng ta dễ dàng nhận thấy bác là người rất giàu phong cách. Như phong cách tư duy, phong cách làm việc ngăn nắp đúng giờ, khoa học, phong cách quần chúng, trung thực và trách nhiệm… Trong đó, ấn tượng xuyên suốt là phong cách ứng xử tinh tế, luôn tôn trọng người đối thoại, không bao giờ nặng lời với bất cứ ai hay nói cách khác là “không để đau đớn trái tim nhau”. Bác luôn nghiêm khắc với bản thân nhưng bao dung, vị tha, nhân ái với người khác.
Người có cách phê bình khéo léo, đắc nhân tâm mà bất kỳ ai tiếp xúc cũng tâm phục khẩu phục. Đó là “Phê bình công việc, không xúc phạm con người”. Chắc hẳn có rất nhiều câu chuyện về Bác Hồ xoay quanh vấn đề này, nhưng bản thân tôi vô cùng ấn tượng với câu chuyện kể về Chiếc bánh tét: Trong một lần Bác về ăn Tết ở khu mỏ Quảng Ninh, qua trò chuyện, hỏi thăm các đồng chí lãnh đạo ở đấy, Bác phát hiện có 1 anh cán bộ không biết bánh tét là gì. Lúc ấy, Bác chỉ trầm ngâm một lát và nói “ Mỗi ngày chúng ta biết thêm một điều mới…chú thì biết thêm cái bánh tét. Còn tôi thì biết có một cán bộ cao cấp chưa biết bánh tét gì!”.
Bác luôn nghiêm khắc với bản thân nhưng bao dung, vị tha, nhân ái với người khác. (Ảnh: sưu tầm)
Tấm lòng bao la như biển trời của Bác không chỉ chiếm trọn trái tim của người dân Việt Nam mà cả người dân yêu chuộng hoà bình trên khắp Thế giới cũng rất yêu quý, kính trọng Bác. Bởi lẽ, Bác luôn luôn mang sự thân quen, ấm áp, lan toả tình yêu thương, hữu nghị của một con người Việt Nam đến bạn bè Quốc tế. Như câu chuyện “Quà của tôi, tôi phải tự nhận lấy” sau đây: Trong một lần đến thăm Ấn Độ, sau khi giao lưu với người dân Ấn Độ ở thủ đô New Deli. Người đại diện Thủ đô đã chuẩn bị sẵn một tấm thảm lớn làm quà tặng Bác. Thông thường, các vị nguyên thủ sẽ nhận quà tượng trưng và trao lại ngay cho người phụ tá giữ. Nhưng trong tình huống đó, Bác đã tự tay vác tấm thảm trên đôi vai nhỏ bé trước sự ngạc nhiên của nhân dân Ấn Độ và nói “Quà của tôi, tôi phải tự nhận lấy” và “tôi vác tình cảm của nhân dân Ấn Độ trên vai”. Người dân Ấn độ vô cùng xúc động, hô to như sấm “Hồ Chí Minh, Zinđaba; Việt Nam Zinđaba; Hin đi Việt Nam, Bhai bhai” ( Zinđaba: muôn năm; Hinđi: Ấn độ; Bhai: anh em)
Tấm lòng bao la như biển trời của Bác không chỉ chiếm trọn trái tim của người dân Việt Nam mà cả người dân yêu chuộng hoà bình trên khắp Thế giới cũng rất yêu quý. (Ảnh: sưu tầm).
Thấm nhuần các bài học về tấm gương, đạo đức, phong cách của Bác, đảng viên thuộc Đảng bộ Trung Tâm Khai Thác TSN (TOC) nói riêng và CBNV TOC nói chung đã vận dụng những nội dung tiếp thu được thành hành động cụ thể trong công việc và cuộc sống hằng ngày.
Khi dịch Covid-19 bùng phát và lan nhanh, ảnh hưởng nặng nề đến VNA và toàn xã hội, tất cả CBNV TOC đã chung sức chung lòng, chia sẻ những khó khăn chung cùng TCT như sẵn sàng nhận điều động làm thêm giờ, tình nguyện đi làm không nhận lương, hay sẵn sàng ngưng việc hoặc đi làm lại khi thị trường phục hồi.
Là đơn vị thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, đảng ủy, lãnh đạo Trung Tâm Khai Thác TSN (TOC) quán triệt từng cá nhân phục vụ hành khách với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đặc biệt, ứng xử tinh tế, khéo léo trong quá trình giao tiếp, phục vụ khách hàng trong giai đoạn giãn cách xã hội, giới hạn tải của chuyến bay… Thường xuyên bám sát tình hình khai thác để có những kiến nghị kịp thời nhằm quản trị chi phí, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, đồng thời triển khai kịp thời các biện pháp bảo sức khỏe cho CBNV qua đó góp phần vào công tác phòng ngừa Covid lây lan cộng đồng của cả nước.
Tài liệu tham khảo:
- Sách “những người con đỡ đầu của Bác Hồ”
- Kể chuyện về Bác Hồ của GS-TS Hoàng Chí Bảo
- Sách “108 Chuyện vui đời thường của Bác Hồ”
- Sách “Những người con đỡ đầu của Bác Hồ”
- Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật số 8-1999.
- Hình ảnh: sưu tầm
Dang Cam Nhung – TOC