[Tết 2021] Cảm xúc Xuân sang

Lần đầu tiên chúng ta biết sự diệu kỳ của một đất nước có thể đến từ mỗi cá thể dù là nhỏ nhoi nhất, từ những người đứng đầu cho đến những người dân lao động bình thường, từ những y bác sĩ cho đến những người công an, từ những người cha, người mẹ, người con…

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Một cái tết rất khác biệt

Đến với Việt Nam là đến với nền văn hóa lâu đời, một nền văn hóa ăn sâu vào từng sinh hoạt thường ngày. Những tín ngưỡng trở thành cuộc sống của người dân Việt từ 4.000 năm trở về trước và cho đến nay, những phong tục văn hóa tốt đẹp vẫn được lưu truyền và thể hiện thật rõ ràng trong những ngày lễ.

Và chúng ta đã vừa cùng nhau đón chào ngày lễ lớn nhất của dân tộc, ngày lễ mà những văn hóa tốt đẹp được biểu hiện một cách trọn vẹn nhất: Tết cổ truyền – Tết Nguyên Đán. Cứ mỗi mùa xuân về, bao trái tim con người lại háo hức đón chờ. Tết nguyên đán từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt. Nó không chỉ là ngày chào mừng năm mới mà còn là dịp để mọi người sum họp. Vì vậy, không chỉ Việt Nam mới có ngày Tết mà nó còn được phổ biến rộng rãi ở một số nước thuộc châu Á.

Chữ Tết có nhiều cách gọi khác nhau như: Tiết, Tết, Tết cổ truyền, Tết Nguyên đán, … nhưng người Việt chúng ta thì thường hay gọi là “Tết Nguyên đán”. “Nguyên” và “đán” là hai chữ Hán mang ý nghĩa là đổi sang một buổi sáng hay một năm mới.

alt text
Cách đón Tết Tân Sửu 2021 của người dân Việt Nam cũng đã phải thay đổi theo một cách thật đặc biệt so với những năm trước (Ảnh: NVCC).

Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cách đón Tết nguyên đán của người dân Việt Nam phải thay đổi theo một cách thật đặc biệt. Không còn những khu chợ tấp nập, những cửa hàng chật kín những vị khách, nụ cười của mỗi người dân cũng được cất giấu đằng sau những chiếc khẩu trang. Khi nhìn lại một năm cũ, chúng ta thường liệt kê những thành tích, những dấu mốc, những chiến thắng từ nhỏ bé đến lớn lao mà mỗi người đã vất vả đạt được.

Nhìn lại hành trình năm 2020 như một đường chạy việt dã bất tận, đầy căng thẳng nhưng lại chẳng có phần quà nào chờ đợi trước mắt mà thay vào đó là một danh sách dài những chướng ngại vật được giấu kỹ đến phút cuối cùng. Dù ít hay nhiều, dịch bệnh đã để lại ảnh hưởng nhất định, bất kể bạn là ai, còn sung sức hay đã mệt nhoài, làm công việc văn phòng máy lạnh hay dãi nắng dầm mưa, ở Việt Nam hay sống xa tít nửa vòng trái đất. 

Chúng ta vốn quen với cuộc sống của những kế hoạch được lên kỹ càng, của những to-do-list dài sọc, những ước mơ và hoài bão không ai có thể cản bước nên thật lạ lùng, xen lẫn khó chịu khi phải trải qua thời khắc của sự bấp bênh, không chắc chắn. Trong cơn ác mộng hoang đường nhất, chẳng ai nghĩ có ngày thành phố mình sống bị phong tỏa (lockdown), nhiều khu vực rơi vào diện cách ly, học sinh phải nghỉ học dài ngày, người lao động mất việc hàng loạt, các doanh nghiệp lớn nhỏ buộc phải đóng cửa hàng loạt, và những chuyến du lịch nước ngoài bị hoãn vô thời hạn.

2020 – Năm của sự kết nối giữa người với người, của những yêu thương và sự tử tế

Thích nghi và thay đổi – đây là bài học mà chúng ta buộc phải thấm nhuần và làm theo trong năm qua, chẳng phải để phát triển hay bứt phá, mà để tiếp tục tồn tại giữa những diễn biến khắc nghiệt xung quanh. Giống như cách mà Haruki Murakami đã viết trong cuốn Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ: “Đời là vậy. Có lẽ điều duy nhất ta có thể làm là chấp nhận nó, dù không thật sự biết chuyện gì đang xảy ra”.

Nhưng bạn biết điều thú vị nhất là gì không? Đó là trong những lúc tăm tối và tuyệt vọng, khi mà chúng ta tưởng chừng đã buông xuôi và mặc kệ tất cả, thì những điều tốt đẹp lại bất ngờ xuất hiện. Ngọn lửa nhỏ được thắp sáng đúng thời điểm biến thành một phép màu, mang đến nguồn năng lượng dồi dào không ai lường trước. 

Giữa lúc thực tại u ám bao trùm cả thế giới, mỗi ngày trôi qua đều ghi nhận số ca mắc tăng nhanh chóng, chính phủ nhiều nước hoang mang không biết bắt đầu từ đâu thì tại Việt Nam, chúng ta may mắn nhận được sự chăm sóc tận tình và bảo vệ tuyệt đối từ nhà nước, các ban ngành liên quan. Bạn và tôi sẽ không thể yên tâm tiếp tục cuộc sống nếu không có những biện pháp, chính sách được đưa ra kịp thời của nhà nước nhằm hạn chế sự lây lan tối đa của dịch bệnh; những hi sinh thầm lặng nhưng vô cùng mạo hiểm đến từ các y – bác sĩ tuyến đầu ngày đêm vật lộn với loại virus mới toanh; còn là những chuyến bay tự hào xông vào tâm dịch của những “chiến binh sen vàng” để đón những người con xa xứ đang lạc lõng nơi đất khách quê người.

alt text
Mỗi con người nhỏ bé gom góp sự quyết tâm, cố gắng, nuôi những giấc mơ và góp phần tạo nên thứ ánh sáng kỳ diệu cho đất nước này (Ảnh: NVCC)

Mặc dù những chuyến bay vào vùng có dịch luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhưng đội ngũ phi công, tiếp viên của hãng hàng không quốc gia VNA đều xác định đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm đối với hành khách – những người đã gửi gắm niềm tin vào hãng trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, họ đều rất yên tâm bởi để những chuyến bay hồi hương an toàn, VNA đã thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch cho toàn bộ tổ bay và hành khách. Hiên ngang, dứt khoát nhưng đủ chan chứa để mỗi trái tim đều hiểu: “Mình sẽ không bị bỏ lại, mình không cô đơn!” 

Hành trình trở về từ vùng dịch Chuyến bay mang số hiệu VN68 của VNA đáp xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) vào 05h04 phút sáng ngày 10/02/2020 có lẽ sẽ trở thành một chuyến bay đáng nhớ trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam. Bởi đó là chuyến bay được phục vụ theo tiêu chuẩn gắt gao nhất với tổ bay giàu kinh nghiệm, đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, mặt đất có chuyên môn cao và được lựa chọn kỹ lưỡng. 

Toàn bộ những người có mặt trên máy bay đều phải mặc trang phục bảo hộ, máy bay được phun khử trùng nghiêm ngặt. Chiếc máy bay thực hiện hành trình đặc biệt chở 30 công dân Việt Nam trở từ Vũ Hán (Trung Quốc). Đó sẽ là một hành trình không thể nào quên đối với vợ chồng anh Nguyễn Văn Phi  và chị Nguyễn Thị Thanh, quê ở Nghệ An. Lúc đó, chị Thanh đang mang thai tháng thứ 8. 

Trước đó, ngày 9/2, anh Phi và chị Thanh nhận được tin sẽ cùng 28 người khác được trở về quê hương trên cùng 1 chuyến bay vào ngày hôm sau. Nghe tin xong vợ chồng anh vỡ òa hạnh phúc. “Tôi ôm vợ vào lòng, vui sướng vì vợ con tôi chắc chắn sẽ được bình an. Cảm giác như được sống lại lần nữa”, anh Phi chia sẻ. Thời điểm đó Trung Quốc đã có hơn 37.000 ca nhiễm và hơn 800 ca tử vong do Covid-19.

Dù ở tuyến đầu phục vụ trên những chuyến bay đối mặt với hiểm nguy lây nhiễm, hay cách ly để đảm bảo an toàn sức khoẻ, các tiếp viên VNA bay trong mùa dịch Covid-19 vẫn luôn tâm niệm mọi khó khăn rồi sẽ qua, sau cơn mưa trời sẽ lại nắng để những cánh bay VNA tiếp tục vươn mình khắp năm châu.

Tạp chí TIME phát hành số cuối cùng của năm với bìa là dãy số 2020 bị gạch chéo cùng dòng chữ: “The worst year ever” (Năm tồi tệ nhất). Nhưng chúng tôi tin rằng ngay tại mảnh đất hình chữ S này, 2020 là năm mà chính sự kết nối giữa người với người, của những yêu thương và sự tử tế lại một lần nữa sống dậy, đương đầu và hạ gục nỗi ám ảnh mang tên Covid-19. 

Lần đầu tiên chúng ta biết sự diệu kỳ của một đất nước có thể đến từ mỗi cá thể dù là nhỏ nhoi nhất, từ những người đứng đầu cho đến những người dân lao động bình thường, từ những y bác sĩ cho đến những người công an, từ những người cha, người mẹ, người con… Mỗi con người nhỏ bé gom góp sự quyết tâm, cố gắng, nuôi những giấc mơ và góp phần tạo nên thứ ánh sáng kỳ diệu cho đất nước này. Hãy cùng chào đón năm mới 2021 “Tân Sửu” bằng những chuyển biến, kỳ vọng nhiều liên kết mới, khởi sắc và khiến cả thế giới đều hướng về với sự cảm mến.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.