Cuộc sống thật khó lường!
Năm 21 tuổi tôi vào làm việc tại ngành Hàng không, 23 tuổi tôi lấy chồng cũng là một nhân viên Hàng không. Năm năm sau chúng tôi có hai con đủ trai, đủ gái. Kinh tế thuộc dạng đủ ăn, đủ tiêu. Gia đình tôi là hình mẫu lý tưởng cho các bạn thuở thiếu thời. Thật là hạnh phúc.
Nhưng trớ trêu thay, tất cả không như những gì ta vẫn nhìn thấy hàng ngày, hạnh phúc không cứ tiếp diễn để ta tận hưởng trong mường tượng.
Rất nhiều thứ còn dở dang ở cái tuổi 50. Với cuộc đời tôi vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh: chưa được ngồi sui, chưa được nhận sổ hưu, chưa được thấy tình yêu vợ chồng như thề ước “đến đầu bạc răng long”… Tôi vẫn biết không phải mục tiêu nào cũng hoàn thành trọn vẹn, không công việc nào cũng đều kết thúc thành công, không phải mối quan hệ nào cũng giữ được bền lâu, không tình yêu nào rồi cũng là vĩnh cửu, không phải ước mơ nào cũng trở thành hiện thực. Nhưng tôi vẫn còn nhiều dự định ấp ủ.
Bản án :” Ung thư bóng vater” đến với tôi vào một chiều tháng ba nóng nảy lửa giữa Sài Gòn. Tôi không hoảng sợ, không suy sụp, cũng chẳng bất ngờ, chỉ một chút thoảng thốt lướt qua thật nhẹ nhàng thay vào ngay sau đó làm một cảm giác bình tĩnh chấp nhận như là một cái gì đó cố hữu tất yếu phải chào đón.
Sau hai lần phẫu thuật tôi được ra viện về nhà chuẩn bị chiến đấu tiếp với “Căn bệnh hiếm”- theo lời bác sĩ.
Đã nhiều đêm tôi thức bứt rứt và vật vã với đống thuốc giảm đau và thuốc ngủ. Căn bệnh đang bào mòn lòng dũng cảm của người phụ nữ trung niên không phải chỉ bằng cái đau đớn thể xác, mà hơn cả là nỗi đau đáu của một người Mẹ mong muốn được thấy con trai mặc lễ phục, con gái mặc váy cưới, được bế những đứa trẻ vui đùa. Lẽ thường đó ở đời mà với tôi bây giờ nó trở lên xa vời quá. Tim tôi chợt đau nhói. Chồng và con dành cho tôi những lời động viên, chăm sóc đến người ngoài còn phải ganh tỵ, hãnh diện đón nhận nhưng trong sâu thẳm tâm hồn tôi cảm nhận thời gian đang ngắn lại với mình. Chồng tôi còn phong độ, còn là ước mơ của bao phụ nữ (“cuộc sống dù sung sướng hay khổ đau ta cũng nên san sẻ” – Tôi đã nghe câu đó ở đâu ấy nhỉ? – tôi lại ích kỷ rồi! ). Con tôi đứa lớn mới ra trường được 3 năm, đứa nhỏ đang học đại học, chúng lớn thật rồi song chưa đủ khôn. Nỗi lòng người Mẹ vẫn làm tôi quặn đau. Lòng tôi ngổn ngan bao điều dù vẫn biết có sinh – có tử.
Lại một sáng tháng năm, tin anh bạn thân vừa mất vì ung thư xương sau 3 tháng phát bệnh, lòng tôi tĩnh lặng. Sự sống thật ngắn ngủi.
Ngay hôm sau tôi xin với cơ quan được đi làm trở lại để vực dậy: “ý chí kiên cường” – lời chồng tôi. Sau gần 2 tháng nghỉ việc điều trị căn bệnh quái ác tôi bước vào cơ quan với sự đón nhận của đồng nghiệp. Mọi người chia sẻ với tôi một cái chạm tay thân thiện, một sự im lặng cảm thông và thật nhiều những món quà nho nhỏ, những tấm thiệp xinh xinh giữa mùa Covid – 19 của các bạn đồng nghiệp. Những câu nhắn nhủ:”Em phải ăn khỏe vào nhé”, ”Anh và mọi người trong Phòng sẽ đồng hành với em trong cuộc chiến này”, “Chị vô tư đi nhé”…Bất giác tôi hiểu tình người ấm áp mà mọi người trong cơ quan dành cho tôi thật quý giá, cảm động và trân trọng. Tôi có thể phụ lòng họ để đầu hàng bệnh tật được không? Một sức sống mãnh liệt thức tỉnh sự thỏa hiệp trong tôi với bệnh tật. Đến ngày 55 của căn bệnh tôi ngộ ra một điều: Tôi cũng có ỹ nghĩa với mọi người đấy chứ. Đó là các con của tôi, là gia đình của tôi , là bạn bè , đồng nghiệp. Họ vẫn quan tâm và trân quý tôi giữa cuộc đời đầy khó khăn khăn và biến cố này. Vậy tôi có cam lòng đầu hàng định mệnh, cam lòng khuất phục trước cửa ải này. KHÔNG. Tôi sẽ kiên cường như thuở Cha Mẹ vừa sinh tôi ra. Thời gian dù trôi nhanh hay chậm tôi vẫn chọn cách sống và cách chết đậm nét như những gì mọi người nghĩ về con người tôi.
Sự khát khao được sống trỗi dậy, tôi không trông đợi một phép mầu, nên tôi có kế hoạch nho nhỏ cho quãng thời gian quý giá của mình. Làm những việc mà trước đây tôi chưa từng làm. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao trước đây tôi có một cuộc sống buồn tẻ đến vậy. Thật là lố bịch khi danh sách những việc thú vị này còn rất dài và cần rất- rất nhiều thời gian (!). Hơn bao giờ hết tôi thấy mình như được sống với chính mình, được khám phá ngay với bản thân mình. Một niền vui lớn tràn trề trong tôi. Nó ý nghĩa đến từng phút giây của cuộc sống mà trước đây tôi đã từng bỏ phí.
Tất cả những gì tôi muốn ngay bây giờ là phải nỗ lực bền bỉ mới là điều quan trọng- chứ không phải buông xuôi buồn bã và hãy cố gắng vươn lên, hướng về phía trước – cho dù bất cứ điều gì xảy ra.
Nguyễn Thị Thúy – Skypec