Hành trình đặc biệt tới Hà Nội của cựu tù Côn Đảo và thương binh chiến trường Campuchia

Hai bác thương binh nặng 81% và 91% đã có một chuyến đi đặc biệt khi cùng các đồng đội đáp máy bay từ Đà Nẵng đi Hà Nội để dự Hội nghị biểu dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ngày 25/7, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị biểu dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Là 2 trong số gần 500 đại biểu thương binh nặng khắp cả nước ra Hà Nội dự hội nghị lần này, ông Lý Hồng Sơn (SN 1949, quê huyện Thăng Bình, Quảng Nam, cựu tù Côn Đảo với tỉ lệ thương tật 91%) và ông Võ Văn Đến (SN 1958, quê huyện Quế Sơn, Quảng Nam, cựu binh từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia với tỉ lệ thương tật 81%) bày tỏ niềm vinh dự, tự hào. Hai ông đều rất háo hức khi lần đầu tiên được ra Hà Nội, lại là đi bằng máy bay.

Ông Võ Văn Đến cho biết lần đi máy bay trước đây của mình chính là vào tháng 7-1984, khi ông được máy bay trực thăng cứu thương của quân đội đưa từ Xiêm Riệp (Campuchia) về TP HCM trong tình trạng mê man bất tỉnh sau khi bị trúng mìn. “Lần này ra Hà Nội, tôi rất hồi hộp, cảm giác lâng lâng, phấn khởi khiến đêm qua không ngủ được”- ông chia sẻ.

Ông Võ Văn Đến, cựu binh từng chiến đấu ở Campuchia với tỉ lệ thương tật 81%. 

Trên chuyến bay VN 168 hành trình Đà Nẵng – Hà Nội sáng hôm ấy có 9 thương binh nặng, tỉ lệ thương tật đều trên 81%. Ngồi trong phòng chờ VIP của sân bay Đà Nẵng, các đồng đội cũ chia sẻ với nhau về bao kỷ niệm trong chiến đấu, những trận đánh ác liệt, những vết thương, buồn vui trong cuộc sống hiện tại, chuyện gia đình, con cái…

Ông Lý Hồng Sơn đã vĩnh viễn mất 2 chân, phải ngồi trên chiếc xe lăn sau những trận đòn roi, tra tấn ở nhà tù Côn Đảo. Nhớ về những ký ức đã qua với khóe mắt đỏ quạch, giọng nói lạc đi, ông cho biết mình tham gia cách mạng vào tháng 10-1964, nhập ngũ năm 1967 và chiến đấu tại chiến trường quân khu 5 tại mảnh đất Quảng Nam. Trong một trận đánh khốc liệt, ông Sơn bị địch bắt giữ vào năm 1972 và đưa ra giam giữ tại nhà tù Côn Đảo.

3 năm bị giam giữ trong “địa ngục trần gian”, ông Sơn không thể nhớ hết được những trận đòn roi, tra tấn hay bị bỏ đói và những lời động viên chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tù nhân trong hệ thống nhà tù Côn Đảo bị giam trong chuồng cọp không chỉ bị bỏ đói, bị xiềng xích mà còn bị tra tấn dã man như đổ vôi bột từ trên sàn xuống, dội nước nóng vào. Vôi trắng gặp nước sôi sùng sục trên khắp thân thể người tù, vệt cháy nham nhở trên da. Vết thương không được băng bó, không được gội rửa, lâu ngày mưng mủ, nhiễm trùng.

Thậm chí, tù nhân sau khi bị tra tấn sẽ bắt lao dịch khổ sai như đập đá làm đường, xây dựng cầu tàu, đốn gỗ, xay lúa, nung vôi… Lao động vất vả như vậy nhưng chế độ ăn uống vô cùng kham khổ, thậm chí cơm bị cai ngục trộn lẫn với cát, sạn, thóc, trấu bắt ăn.

Theo ông Lý Hồng Sơn, khi đi đánh giặc nếu có trải qua ăn mật nằm gai, uống nước suối ăn rau rừng dù có chết nhưng còn được tự do tự tại như chim bay, đằng này bị giam cầm thể xác giày vò, ăn uống khổ sở “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”. Tuy nhiên, ông Sơn cùng đồng đội “Chưa bao giờ có suy nghĩ đầu hàng, có chết cũng không khai, nếu giết thì giết. Niềm tin vào cách mạng chiến thắng đã giúp những tử tù Côn Đảo vượt qua ngưỡng của sự tra tấn cả về thể xác và tinh thần.”

Hiện nay, ông Lý Hồng Sơn đã lập gia đình, vợ ông cũng là thương binh 2/4. “Những ngày trái gió trở chiều, phần chân còn lại đau nhức, giật tanh tách. Bà nằm bên kia rên, tôi bên này cũng rên”- ông Sơn chia sẻ. Song, điều may mắn với ông bà là các con đều đã trưởng thành, xây dựng gia đình, đặc biệt con thứ 3 giờ làm Đại học Y khoa TP HCM.

Ông Lý Hồng Sơn, cựu tù Côn Đảo với tỉ lệ thương tật 91% trò chuyện cùng ông Đào Mạnh Kiên, Giám đốc Vietnam Airlines chi nhánh miền Trung, lúc chờ lên máy bay tại phòng chờ VIP của sân bay Đà Nẵng.

Vinh dự khi được cùng 500 thương binh nặng, mất sức lao động từ 81% đại diện cho khoảng 12.000 thương binh nặng trên cả nước tham dự Hội nghị biểu dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 trong sáng nay (ngày 25-7), ông Sơn mất ngủ cả 2 đêm trước khi ra Hà Nội.

“Lần đầu tiên được đi máy bay, được các nhân viên Vietnam Airlines hỗ trợ tiếp đón nồng nhiệt bằng cách bố trí xe đón và đưa đoàn các bác thương binh, đại biểu đến sân bay, có quầy làm thủ tục riêng, được Giám đốc Vietnam Airlines chi nhánh miền Trung đến thăm hỏi, chia sẻ. Thậm chí, Cơ trưởng Phạm Hải Băng gửi lời chào và chúc mừng các bác thương binh, đoàn đại biểu qua loa phát thanh ngay khi đoàn vừa ổn định chỗ ngồi trên máy bay. Sau khi chuyến bay kết thúc và các hành khách khác đã xuống hết, Cơ trưởng và Cơ phó xuống khoang hành khách gặp gỡ, cảm ơn những chiến sĩ già đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, đem lại hòa bình cho thế hệ mai sau khiến chúng tôi hết sức xúc động” – ông Sơn rưng rưng nói.

Còn ông Võ Văn Đến chia sẻ khi bị vướng mìn ông mới hơn 20 tuổi, ông nghĩ đời mình thế là hết nên đã có ý định dại dột muốn chết luôn. Khi nằm trong hố mìn, ông bảo đồng đội đưa súng để bắn mấy viên “giã từ vũ khí”, song người đồng đội biết tính ông nên không đưa súng, nếu đưa chắc ông đã chết rồi. Sau đó khi mất cả 2 chân, mảnh đạn vẫn còn trong đầu, ông có lúc bi quan không muốn lập gia đình nữa. Nhưng sau đó, được sự ưu ái của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của tổ chức, ông dần hồi phục, ổn định tư tưởng, lập gia đình. Hiện 2 con ông, 1 người học năm thứ 3 Đại học Nội vụ ở Đà Nẵng, 1 con học năm thứ 2 Đại học Luật Huế, còn vợ ông làm điều dưỡng ngay tại Trung tâm Nuôi dưỡng – điều dưỡng người có công Quảng Nam – nơi ông đang được chăm sóc, còn bản thân ông cũng tích cực tham gia các phong trào đoàn thể tại Trung tâm.

Cảm động vì được Giám đốc Vietnam Airlines chi nhánh miền Trung tới tận nơi thăm hỏi, chia sẻ, ông Đến cho biết lần ra Hà Nội đầu tiên này rất mong được đi thăm Lăng Bác, ông cũng đã liên lạc với đồng đội cũ hiện đang ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam hẹn hội ngộ trong chuyến đi đặc biệt này.

Ông Đào Mạnh Kiên, Giám đốc Vietnam Airlines chi nhánh miền Trung, cho biết khi nhận được thông tin về đoàn khách đặc biệt này, chi nhánh đã phối hợp với các đơn vị của Vietnam Airlines ở Tổng công ty, các đầu sân bay đoàn sẽ đi, đến, chuẩn bị công tác phục vụ, dịch vụ hỗ trợ đặc biệt, trong đó có công tác mặt đất, trên chuyến bay, phi hành đoàn… để việc phục vụ được chu đáo nhất, thuận tiện nhất cho các bác, các cô chú thương binh.

“Việc chuẩn bị đã được khẩn trương triển khai trong vòng 1 tháng. Tổng công ty đã bố trí xe hỗ trợ đón các bác ra sân bay Đà Nẵng, đồng thời bố trí các đơn vị mặt đất phục vụ các bác trong công tác làm thủ tục, kiểm tra an ninh, xe lăn phục vụ di chuyển, đồng thời thông báo cho đầu Hà Nội bố trí phương tiện đặc biệt đón các bác đến sân bay Nội Bài. “Chúng tôi hết sức trân trọng những cống hiến của các bác cho Tổ quốc. Hôm nay, chúng tôi cũng cảm thấy vui và hạnh phúc khi thấy các bác có một chuyến đi thuận lợi”– anh Kiên chia sẻ.

Ông Võ Văn Đến (thứ 3 từ trái qua) cùng đồng đội đang được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng – điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Nam được xe đón từ sáng sớm, bắt đầu hành trình tới Hà Nội. Cùng đi có Phó giám đốc Trung tâm, điều dưỡng và nhân viên của Vietnam Airlines. Đây đều là những thương binh nặng trên 81%, nhiều người trong các bác sử dụng chân, tay giả và còn nhiều mảnh đạn trong người.

Các thương binh nặng được bố trí vị trí làm thủ tục riêng tai sân bay Đà Nẵng. Giám đốc Vietnam Airlines chi nhánh miền Trung Đào Mạnh Kiên thăm hỏi các bác thương binh.

Các đồng đội trò chuyện vui vẻ trong khi chờ làm thủ tục lên máy bay.

Nhân viên trao vé máy bay cho các bác thương binh nặng. 

Qua cửa kiểm soát an ninh. 

Hỗ trợ các bác thương binh sau khi kiểm tra an ninh.

Các bác thương binh được bố trí lên máy bay trước tất cả hành khách khác. 

Vị trí ghế ngồi của các bác thương binh được bố trí gần cửa ra máy bay để thuận tiện cho việc di chuyển trong máy bay (do các bác thương binh được vận chuyển lên máy bay bằng xe lăn, hoặc khi di chuyển trong máy bay thì phải cõng các bác trên lưng).

Tiếp viên đã phục vụ hướng dẫn cách cài dây bảo hiểm cho từng người, hỗ trợ cất hành lý, thường xuyên hỏi thăm tình hình sức khỏe và nhu cầu cá nhân của các bác thương binh (chăn đắp, nước nuống…)

Cơ trưởng gửi lời chào và chúc mừng các bác thương binh, đoàn đại biểu qua loa phát thanh ngay khi đoàn vừa ổn định chỗ ngồi trên máy bay. Sau khi chuyến bay kết thúc, các hành khách khác đã xuống hết, Cơ trưởng và Cơ phó xuống khoang hành khách gặp gỡ, cảm ơn đoàn. Các bác thương binh đã rất vui vẻ cảm ơn phi hành đoàn.

Xe phục vụ đặt biệt (xe chuyên dụng / xe nâng) được điều đến đón các bác thương binh ngay tại cửa máy bay.

Xe của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội được bố trí đỗ ở gần cửa nhà ga, thuận tiện cho đoàn di chuyển.

Theo báo NLĐ

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.