Điều ước đoàn viên trong đại dịch Covid-19

Viết từ Hà Nội, ngày 18/05/2021, tròn 482 ngày kể từ khi Việt Nam chính thức ghi nhận những ca mắc Covid đầu tiên. Đối với tôi và nhiều người khác, 482 ngày vừa qua thực sự là những ngày tháng khó khăn đối với cả Đất nước nói chung, với các tổ chức và với từng cá nhân chúng ta nói riêng. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Việt Nam, những ngày không quên

Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Nền kinh tế Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng nặng nề. Nhưng tôi sẽ không nói thêm về tác động của nó lên các vấn đề vĩ mô của xã hội, bởi lẽ chúng ta có thể dễ dàng tìm đọc chúng trên các trang báo. Ở đây, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn những câu chuyện, những cảm nhận về sự khắc nghiệt của dịch Covid-19 đã len lỏi đến những điều bình dị nhất của cuộc sống.

Quay ngược thời gian trở về những ngày tháng 01/2020 với những ca bệnh đầu tiên, có lẽ không nhiều người có thể hình dung ra một kịch bản khó khăn đến thế trong suốt một năm rưỡi tiếp theo sau đó. Hàng loạt doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực du lịch, sự kiện, vận tải, hàng không… rơi vào tình trạng khốn đốn, nặng thì phá sản, nhẹ thì buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm chi phí, nhân sự. Thu nhập của NLĐ cũng từ đó sụt giảm theo. Nhiều người trong số họ là lao động chính của gia đình, gánh nặng cơm áo gạo tiền với họ chưa khi nào hiện hữu đến thế.

alt text
Khung cảnh vắng vẻ trong mùa dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất

Rồi chúng ta có thêm các ca bệnh, hệ thống y tế buộc phải gồng mình lên chống đỡ. Tôi biết có những y bác sỹ tuyến đầu phải làm việc 20 tiếng/ngày, nhiều tháng trời không được về thăm nhà. Tôi biết những anh bộ đội cụ Hồ phải “ăn lán ngủ rừng”, nhường chỗ ở cho dân, ngày đêm bám trụ nơi biên giới chống dịch. Tôi thương những hoàn cảnh éo le, vì cách ly mà không thể về chịu tang cha lần cuối. Tôi thương những người lao động tự do, người bán hàng rong, thu nhập vốn đã bấp bênh, nay vì dịch bệnh mà càng trở nên khó sống. Tôi thương những em học sinh ở độ tuổi cắp sách đến trường, được gặp thầy cô bạn bè, nay phải ở sau những bức tường, dán mắt vào màn hình vi tính. Và còn nhiều điều khác nữa để thấy rằng, chúng ta đang trải qua giai đoạn khó khăn của lịch sử. Nhưng liệu bức tranh về đại dịch Covid-19 có phải toàn một màu tối? Không, chính trong những hoàn cảnh khó khăn ấy, ta lại được thấy một tinh thần Việt Nam rất đáng tự hào, cùng đoàn kết một lòng vượt qua đại dịch.

Tự hào tinh thần Việt Nam 

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và huy động được sự tham gia đông đảo của người dân cùng toàn xã hội thực hiện các biện pháp chống dịch quyết liệt, mạnh mẽ. Nhờ đó, Việt Nam đã thu được những kết quả hết sức khả quan trong cuộc chiến chống đại dịch. Với số ca mắc và ca tử vong tương đối thấp ngay cả khi so sánh với các cường quốc, Việt Nam được WHO và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số các quốc gia chống dịch hiệu quả nhất trên thế giới. 

Bên cạnh đó, trong những ngày cả nước cùng đồng lòng chống dịch, chúng ta không khỏi nghẹn ngào trước những câu chuyện về tình người, vừa bình dị mà rất đỗi nhân văn. Đó là những chuyến bay thẳng vào tâm dịch của VNA để đón những đồng bào đang hoạn nạn trở về quê hương. Đó là câu chuyện về bà cụ ủng hộ đôi bông tai kỷ niệm cuộc đời cùng số tiền tiết kiệm tuổi già để chống dịch. Đó là hình ảnh từng quả bí, cân gạo bà con gửi vào cho các chú bộ đội để nấu thêm phần ăn cho những người cách ly. Và còn rất nhiều câu chuyện cảm động khác, mà khi nhìn vào đó, ta thấy cuộc sống này vẫn còn rất đẹp, cho ta thêm tự hào về truyền thống và tinh thần người Việt.

SKYPEC và đại dịch Covid-19 

Trước khi đại dịch diễn ra, năm 2019 là một năm hết sức thành công đối với SKYPEC. Bên cạnh việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu SXKD, mức thu nhập bình quân cho NLĐ đã tăng 8,3% so với năm trước, đồng thời Công ty cũng thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, điều kiện làm việc tốt nhất cho CBNV.

Đầu năm 2020, khi dịch bắt đầu bùng phát, SKYPEC là một trong các DN chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Sản lượng Công ty sụt giảm nghiêm trọng, dòng tiền vô cùng khó khăn khiến cho việc cắt giảm chi phí, trong đó có chi phí lương của NLĐ, là điều không thể tránh khỏi. Từ đó, thu nhập của CBNV Công ty sụt giảm, cuộc sống NLĐ vì thế cũng trở nên khó khăn hơn. 

Thế nhưng khi nhìn sang TCTHKVN và nhiều đơn vị cùng ngành khác, những nơi buộc phải cho 30% nhân sự nghỉ không lương mà không có thêm một khoản hỗ trợ nào, bản thân tôi và rất nhiều đồng nghiệp đều cảm thấy mình vẫn còn may mắn. Suốt năm 2020, dù gặp vô vàn khó khăn, nhưng BLĐ Công ty vẫn cố gắng đảm bảo công việc và thu nhập cơ bản cho toàn bộ NLĐ (không có trường hợp buộc phải tạm hoãn HĐLĐ không hưởng lương). Không những thế, Công ty và CĐ Công ty cũng có những khoản hỗ trợ thu nhập từ nguồn quỹ Phúc lợi, quỹ ATRR hết sức kịp thời cho NLĐ. Các chế độ phúc lợi khác về cơ bản vẫn được duy trì như điều kiện bình thường.

alt text
Công đoàn Công ty quan tâm hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Sang năm 2021, ngay cả khi buộc phải duy trì 20% nhân sự nghỉ không lương, BLĐ Công ty và Công đoàn các cấp vẫn luôn đồng hành cùng NLĐ khi thực hiện trích từ Quỹ phúc lợi để chi hỗ trợ mức 3,3 triệu/tháng, đồng thời đóng BHXH tự nguyện cho NLĐ nghỉ không lương. Mức hỗ trợ trên có thể không lớn nhưng là vô cùng cần thiết và đáng quý, thể hiện sự quan tâm chia sẻ, sự tâm huyết của Công ty và các cấp công đoàn dành cho NLĐ.

Những điều ước bình dị từ một CBNV, một đoàn viên công đoàn

Có thể nói, khoảng thời gian từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 chính là khoảng thời gian khó khăn chưa từng có đối với bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp khác. Và những mong ước trong thời điểm khó khăn như thế này, có khi lại là những thứ rất bình dị trong điều kiện bình thường. Là một CBNV của Công ty và là một đoàn viên Công đoàn, tôi chỉ có những mong muốn sau đây:

Một là, Công ty và Công đoàn Công ty tiếp tục duy trì và đảm bảo công việc, thu nhập cho NLĐ một cách tốt nhất có thể, tiếp tục duy trì và quan tâm hơn nữa tới đối tượng NLĐ nghỉ không hưởng lương, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn;

Hai là, khi tình hình SXKD có tín hiệu phục hồi, Công ty đảm bảo công việc cho 100% NLĐ nghỉ không lương trước đó, để không một ai bị bỏ lại phía sau;

Ba là, thế giới và Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, ngành hàng không phục hồi hoàn toàn, BLĐ Công ty và toàn thể NLĐ cùng đồng lòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ SXKD, đưa Công ty ngày một phát triển vững mạnh, thu nhập và đời sống NLĐ không ngừng được nâng cao.

Cuối cùng, về phía bản thân mỗi CBNV cũng cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình đối với Công ty, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn hiện tại, đó là: Một, bản thân tự thực hiện nghiêm túc, đồng thời tuyên truyền và vận động người thân, bạn bè cùng thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch của Công ty và của địa phương; Hai, tự khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao; sẵn sàng phối hợp, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt công việc trong điều kiện làm việc luân phiên; Ba, chia sẻ khó khăn cùng với Công ty, sẵn sàng giảm thu nhập trong trường hợp bắt buộc để chia sẻ khó khăn cùng Công ty, hiểu và thông cảm cho các quyết định của lãnh đạo Công ty.

Phạm Việt Thắng – Skypec

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.