Tôi còn nhớ, thập niên 80 của thế kỉ trước, ngay giữa trung tâm phố cổ, cứ đến 5 giờ chiều là… vắng hoe. Khi ấy chỉ lác đác, lèo tèo thỉnh thoảng vài cái xe đạp kẽo kẹt lăn qua, cùng lắm là có mấy đứa trẻ con chúng tôi hò la chạy nhảy. Chưa đông người không nhiều xe cộ, phố xá vắng lặng, thậm chí, dường như người ta còn có thể nghe được tiếng ù ù của những con chim sắt khổng lồ thỉnh thoảng lắm mới thấy xuất hiện trên bầu trời.
Thời đó, không chỉ lũ trẻ con là háo hức mỗi khi nhìn thấy máy bay, tất cả mọi người, già trẻ lớn bé, đều hướng lên vật thể bay đã xác định ấy, trầm trồ ngắm nghía một lúc lâu, mãi cho đến khi chiếc máy bay chỉ còn là một chấm nhỏ bé xíu, lẫn vào trong mây. Sau khi cùng tiếc rẻ khoảnh khắc ấy, phố xá về lại vẻ im lìm cố hữu.
Không ai nói ai, tuy nhiên, ai cũng chung một khát khao và tò mò, chờ đợi được thấy lại con chim sắt ấy, rồi tưởng tượng xem bên thứ tối tân ấy, có những con người may mắn đang được ăn uống linh đình sung sướng thế nào.
40 năm sau, internet phát triển mạnh, công nghệ phóng nhanh hơn vũ bão, đời sống nâng cao, phương tiện máy bay dần trở nên quen thuộc. Cậu bé của thập niên 80 giờ đã trở thành TVT của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam và đã kịp chứng kiến nhiều khoảnh khắc hạnh phúc của nhiều con người thực hiện được giấc mơ bay.
Cậu bé Nguyễn Hồng Quý của thập niên 80 giờ đã trở thành TVT của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam và đã kịp chứng kiến nhiều khoảnh khắc hạnh phúc của nhiều con người thực hiện được giấc mơ bay (Ảnh: NVCC).
Nơi ghi dấu nhật ký hành trình ở độ cao 40.000ft
40.000ft, hay 10km so với mực nước biển, đây là độ cao tại thời điểm bay bằng của máy bay. Khi đó, máy bay lao vùn vụt trên mây với vận tốc hơn 900km/h. Nếu bạn ngồi trong máy bay, nhìn ra ngoài sẽ thấy mình còn… cao hơn mây. Vươn tầm nhìn ra xa, những bãi mây ngút ngàn trải dài như cát mịn ngoài biển. Bên trong máy bay, tôi vừa được một vị khách dúi vào tay cuốn sổ rất đẹp.
Tôi gọi đây là nhật kí hành trình bay. Thỉnh thoảng, có những hành khách đưa cho tiếp viên hàng không cuốn sổ này. Bên trong cuốn sổ, những chuyến đi người ta từng thực hiện được ghi chép lại. Chủ nhân của cuốn sổ, một cậu bé người Nhật dù mới 5 tuổi nhưng đã đi đủ mấy châu lục với rất nhiều quốc gia.
Cậu chưa biết chữ, nhưng hẳn nhiên, trải nghiệm về cuộc sống của cậu phải vô vàn màu sắc. Chủ nhân cuốn sổ muốn nhờ tôi ghi cho một vài lời kèm theo chữ ký của cơ trưởng chuyến bay và cả chữ kí của tiếp viên trưởng là tôi. Thú thực, mỗi khi được khách đưa cuốn sổ này, tôi rất vui, bởi đã lên đến máy bay thì có ai lại không đam mê dịch chuyển đây đó.
Cuốn sổ của cậu được tôi ghi chép đầy đủ cẩn thận những điều đáng yêu về nước Việt, kèm theo chữ kí của các thành viên tổ bay ngày hôm ấy. Tôi cũng không quên cài thêm vào cuốn sổ của cậu một chiếc thiếp và móc khóa nhỏ xinh làm quà kỉ niệm của VNA để chúc cho vị khách nhỏ tuổi không bao giờ hết yêu những chuyến đi.
Thường thì, chủ nhân của những cuốn sổ này là những cô bé cậu bé tuổi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, có lần, tôi nhận được một cuốn sổ nhật kí bay rất đặc biệt.
Cuốn sổ thuộc về vị khách người Nhật ngoài 70 tuổi. Tôi cầm cuốn sổ của bà đưa, lật giở từng trang. Cuốn sổ đã sử dụng được khoảng 1/3. Trong đó không chỉ có chữ kí của các thành viên tổ bay trên các chuyến bay như bình thường mà còn thêm cảm nhận của những khách sạn – nhà hàng ngoại quốc mà bà có dịp ghé thăm.
Nhật Bản nổi tiếng là dân tộc biết hưởng thụ với khái niệm ăn ngon, mặc đẹp và rất yêu thích du lịch. Nhật Bản được thống kê là quốc gia chăm đi du lịch nhất thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội đi đây đi đó nhiều.
Chủ nhân quyển sổ in hoa anh đòa rực rỡ này chính là một ví dụ như vậy. Mãi đến khi về già, có thể là bà đã tự thấy mình hoàn thành trách nhiệm với gia đình, cộng đồng nên mới cho phép bản thân thực hiện cuốn nhật kí bay. Cầu kì, tỉ mẩn, háo hức và nhiệt tình đến nỗi, bà còn xin cả chữ kí các nhà hàng trên chuyến du hành của mình.
Trên trang giấy bay cùng VNA, tôi chúc bà sức khỏe và may mắn. Tôi viết dặn bà khi đến từng nơi trên mảnh đất chữ S nhớ phải nếm thử bánh mì, phở, bún chả. Tôi cũng không quên kẹp vào cuốn sổ phong bao lì xì cầu chúc bình an cho vị khách vô cùng đáng yêu.
Chúng tôi trao nhau cuốn sổ bằng ngôn ngữ vô cùng yêu thương trìu mến. Tôi luôn tin, mỗi người, dù sớm hay muộn, đều có nhiều mùa xuân tươi đẹp đáng nhớ dành tặng riêng cho bản thân.
Mùa xuân đó, ngập tràn sắc hoa anh đào.
Ai cũng có thể bay
Tiếp viên hàng không (TVHK) là công việc thú vị. Không chỉ giúp bạn có cơ hội đi đây đi đó khắp 5 châu 4 bể, nghề nghiệp này tạo cho bạn muôn vàn cơ hội tiếp xúc với rất nhiều con người ở đủ mọi trình độ, nhận thức.
Bên cạnh phần đông những khách hàng bình thường, TVHK cũng thường xuyên tiếp xúc hành khách Wheelchair (xe lăn).
Trên một chuyến bay, tôi đón hành khách xe lăn quốc tịch Úc. Rất nhập tâm, bà mê mải đọc cuốn sách du lịch chủ đề Cambodia – Angkor Wat – Angkor Thom. Hỗ trợ đưa bà lên máy bay, bà kéo tay tôi lại và hỏi: “Cậu biết gì về Đà Nẵng không?”
Như được mở tấm lòng, tôi thao thao bất tuyệt kể với bà về món ngon miền Trung, về bãi An Bàng, về biển Cửa Đại, về nhịp sống phố Hội. Bà rạng rỡ khoe: “Vậy tôi chọn Đà Nẵng là đúng rồi; cậu biết không, chồng tôi còn già hơn tôi, không thích đi đâu khác, chỉ ngồi nhà thôi; thế là tôi một mình lên đường du lịch.”
Là một người có quan điểm tích cực và rộng mở, tuy nhiên, tôi vẫn thấy vô cùng ngỡ ngàng và thú vị về vị khách này. Bà sẽ tiếp tục làm gì với chiếc xe lăn của mình ở Đà Nẵng – Hội An, nơi bà sẽ cần đi bộ rất nhiều, cần bơi lặn, cần leo chèo?
Tôi mỉm cười, chúc bà sẽ yêu Đà Nẵng rồi yêu thêm cả nhiều vùng đất trên khắp Việt Nam. Thời gian không buông tha ai cả, xong cũng chẳng thể tước đi được niềm khao khát dịch chuyển bay bổng bên trong mỗi người.
“Kìa con! Cô chú tiếp viên kìa!”
Trong công việc thường ngày của TVHK trên mỗi chuyến bay, chúng tôi dường như đã quá quen thuộc với những câu nói từ khách hàng phụ huynh nào đó đang muốn con trẻ nghe lời, rằng: “Con mà không ngoan là bố mẹ gọi cô chú tiếp viên đến đấy!”…
Dưới mặt đất, nhiều bố mẹ giữ thói quen “gọi” chú công an hay bác bảo vệ đến để con nhỏ trật tự. Trên máy bay, khi “ới” tới TVHK, chúng tôi sẽ làm thế nào với các bạn nhỏ đây? Tôi xin được chia sẻ lại câu chuyện về một đồng nghiệp tên Phương Anh và vị khách nhỏ tuổi tên Yến Phương.
Chuyến bay từ Hà Nội bay sang Frankfurt – Đức ngày 31-7-2020, tổ tiếp viên VNA nhận được thông tin có một vị khách đặc biệt. Khách có tên là Yến Phương, 11 tuổi, là đối tượng khách UM (khách từ 2 tuổi đến dưới 12 tuổi bay không có bố mẹ hay người thân đi cùng ), bị bại liệt bẩm sinh và không giao tiếp được.
Lần đầu tiên bay một mình, xung quanh quá đông đúc toàn người lạ, ở sân bay, Yến Phương đã cảm thấy không thoải mái và lo sợ. Nắm rõ từ trước thông tin về vị khách đặc biệt, TVHK Phương Anh đã chủ động xin thông tin về bố mẹ và người thân của Yến Phương, rồi tiến tới làm quen với em ngay tại sân bay.
Thấy bé rụt rè và khép mình , Phương Anh gọi điện cho bố mẹ Yến Phương bên Đức, rồi cùng tất cả cùng trò chuyện với em, giúp Yến Phương ổn định tâm lý để có thể lên máy bay. Trong suốt chuyến bay, mỗi khi Yến Phương lo lắng và khóc nhiều, tiếp viên Phương Anh ở bên Yến Phương và vỗ về trấn an em.
Từ Việt Nam bay sang Đức dài 12 tiếng hơn, Phương Anh chăm chút bữa ăn giấc ngủ và ổn định tâm lý cho vị khách nhỏ tuổi, rồi viết một bức thư cho bố mẹ Yến Phương kể chi tiết tình hình sức khỏe, tâm lý của em trong suốt nửa ngày bay. Tại Frankfurt, Phương Anh chào tạm biệt Yến Phương cùng bố mẹ em, không quên nhắn về Việt Nam cho gia đình Yến Phương rằng chuyến bay của người bạn nhỏ thượng lộ bình an.
TVHK có cơ hội gặp gỡ và chăm sóc nhiều vị khách đặc biệt như vậy trên những chuyến bay thường lệ của mình. Và từ chính những vị khách ấy đã cho tôi những bài học rằng hãy tận dụng mọi cơ hội để yêu thương hơn những người thân của mình, đồng thời cũng là lúc để nhắc nhở bản thân rằng chúng ta luôn còn rất trẻ khỏe để tự do thực hiện nhiều hơn những chuyến bay tốt đẹp trong đời sống mỗi người.