Phòng An toàn Chất lượng Khai thác Bay làm những công việc gì?
Không chỉ đảm bảo an toàn chất lượng trong công tác khai thác bay, SQF còn có vai trò huấn luyện khai thác bay, bao gồm liên quan đến Phi công, Tiếp viên và cả Nhân viên điều phái.
Với vai trò nhiệm vụ của mình, SQF sẽ thực hiện đánh giá hoạt động tại các sân bay Vietnam Airlines khai thác, đánh giá công tác huấn luyện Phi công, Tiếp viên và Nhân viên điều phái và đặc biệt là Đánh giá trên không (LOSA) đối với hoạt động trong buồng lái và trong khoang khách, nhằm phát hiện các mối đe dọa và sai lỗi phổ biến trong khai thác bay thông qua việc quan sát thực tế nhưng không can thiệp vào hoạt động của phi công và tiếp viên trên chuyến bay.
Ngoài ra, Phòng ATCL Khai thác Bay còn có vai trò phân tích và “giải mã” dữ liệu bay (Flight Data Analysis Program), để từ đó Vietnam Airlines đánh giá nhận diện các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn, xác định nguyên nhân và đánh giá xu hướng, đề xuất các khuyến nghị và giải pháp giảm thiểu rủi ro an toàn; Điều tra các sự cố/ vụ việc an toàn trong lĩnh vực khai thác bay.
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trên máy bay và biết rằng có một đội ngũ chuyên gia đang làm việc không ngừng để đảm bảo sự an toàn của bạn. Đó chính là cảm giác mà Phòng ATCL Khai thác Bay mang lại.
Anh Phạm Lê Long – Trưởng phòng ATCL Khai thác bay chia sẻ, để mọi hoạt động bay diễn ra an toàn, Phòng cần đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn chất lượng khắt khe trong khai thác như:
Bộ Quy chế An toàn Hàng không Việt Nam (VARs) gồm 23 phần. Trong đó phần 10 “Khai thác tàu bay” là phần quan trọng nhất, quy định các yêu cầu về khai thác, nhiệm vụ và trách nhiệm của thành viên tổ bay, quy tắc bay và các phê chuẩn khai thác đặc biệt…
Tiêu chuẩn IOSA: Chương trình đánh giá an toàn khai thác của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA). Đây là tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá hệ thống quản lý và kiểm soát an toàn trong hoạt động khai thác của các hãng hàng không. Vietnam Airlines đã đạt Chứng nhận An toàn khai thác IOSA từ năm 2006.
Quy trình phân tích đánh giá quá trình bay của Vietnam Airlines
Liên quan đến quá trình bay của Người lái, Phòng SQF có 02 công cụ giám sát và đánh giá chính là Hệ thống Phân tích dữ liệu bay – AGS và chương trình Đánh giá an toàn trên không – LOSA.
Trong đó, việc thực hiện giám sát an toàn thông qua Hệ thống phân tích dữ liệu bay – AGS là quá trình phân tích các dữ liệu trên chuyến bay được ghi lại qua các thiết bị ghi dữ liệu nhằm mục đích nâng cao an toàn cho hoạt động bay.
Hiện nay khoảng 90% các chuyến bay của Vietnam Airlines đều được ghi lại dữ liệu và phân tích sau chuyến bay để giám sát quá trình bay của Người lái có tuân thủ quy trình an toàn bay hay không. Hoạt động này hỗ trợ không chỉ Vietnam Airlines mà các Hãng hàng không trên thế giới trong việc nhận diện mối nguy hiểm, định lượng và chỉ ra các rủi ro tiềm tàng trong hoạt động khai thác.
Bên cạnh Hệ thống Phân tích dữ liệu bay AGS, Chương trình đánh giá an toàn trên không – LOSA là công cụ để Phòng SQF phát hiện các mối đe dọa trong khai thác tới quá trình bay và cách thức xử lý của Người lái trước các mối đe dọa đó.
Đây là phương pháp thu thập thông tin về hoạt động khai thác bay bằng cách quan sát, ghi chép (và phỏng vấn nếu cần thiết) về hoạt động trong buồng lái trên các chuyến bay khai thác và phân tích thông tin thu thập được.
Trong chương trình đánh giá này, các Đánh giá viên của SQF sẽ ngồi ghế phụ (Jumpseat) trong buồng lái chỉ để quan sát. Thông tin ghi nhận được của từng chuyến bay sẽ được thu thập lại và thống kê dựa trên số lượng chuyến bay quan sát đủ lớn để nhận diện ra những mối đe dọa và sai lỗi phổ biến trong quá trình bay.
Những điểm nổi bật trong quá trình khai thác bay của Vietnam Airlines
Đại diện Phòng ATCL Khai thác bay cho biết, thông qua chương trình trao đổi dữ liệu bay FDX, các chỉ số cho thấy Vietnam Airlines đang giữ vững ở mức độ an toàn rất tốt so với các hãng không chỉ trong nước mà với cả các hãng hàng không quốc tế.
Ví dụ chỉ số an toàn điển hình cho mọi hãng hàng không: tiếp cận không ổn định – Unstable Approach. Biểu đồ cho thấy tỉ lệ trung bình các hãng đang ở mức rất cao, khoảng 806.9 Event/ 10,000 chuyến bay. Trong khi đó với Vietnam Airlines chỉ khoảng 43.7 Event/ 10,000 chuyến bay và xu hướng ngày càng giảm.
Là thành viên của Tổ công tác an toàn khai thác bay – SAG1, mọi kết quả phân tích đánh giá của Phòng ATCL Khai thác bay đều được đưa vào nội dung họp Tổ SAG1 hàng tháng. Tham dự cuộc họp do PTGĐ Khai thác bay – Tổ trưởng Tổ SAG1 chủ trì, các CQĐV trong lĩnh vực Khai thác bay và các CQĐV liên quan khác như Ban ANHK, DVHK, KHPT… cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề an toàn đang tồn tại.
Sau 16 năm áp dụng Hệ thống Phân tích dữ liệu bay AGS, tỉ lệ các vụ việc rủi ro an toàn mức độ cao (Event Level 3) trên 10,000 chuyến bay của Vietnam Airlines giảm từ 17.98 vào năm 2010 xuống hiện nay còn 1.83. Bên cạnh đó, các sự cố vụ việc mất an toàn xảy ra cũng giảm rõ rệt.
Chương trình LOSA cũng giúp hệ thống phát hiện nhiều bất cập và sai lỗi phổ biến trong quá trình bay, ví dụ như: Tình trạng hỏng hóc kéo dài của tàu bay, Phương thức tiếp cận tại các sân bay có địa hình phức tạp, Quy trình bay tránh khu vực thời tiết xấu, Tuân thủ giới hạn độ cao và tốc độ trong quá trình tiếp cận, Tuân thủ quy trình liên lạc ATC… Các phát hiện này đều đã được Lãnh đạo các cấp xem xét điều chỉnh hệ thống quy trình cho phù hợp và thông tin đến toàn thể đội ngũ Người lái được biết.
Sự nỗ lực không ngừng của các CBNV Phòng ATCL Khai thác bay đã góp phần giúp hàng triệu hành khách mỗi năm của Vietnam Airlines có những chuyến bay an toàn và thoải mái.