Khi nhắc tới hàng không, người ta thường hay nghĩ ngay đến đội ngũ tuyến đầu là phi công hay tiếp viên – những người trực tiếp phục vụ hành khách. Tuy nhiên, để một chuyến bay có thể vận hành thuận lợi, an toàn thì đằng sau đó còn là sự phối hợp của rất nhiều bộ phận, vị trí, trong đó có nhân viên bảo dưỡng kỹ thuật – những chú ong thợ cần mẫn đầy thầm lặng.
Để đảm bảo an toàn cho một chuyến bay, nhân viên bảo dưỡng kỹ thuật phải giám sát nhiều thông số và sửa chữa nhiều thiết bị khác nhau. Thay phanh ngoại trường là một nhiệm vụ như vậy. Đây là công việc khó khăn bởi vị trí làm việc ngoài sân đỗ, không có phương tiện hỗ trợ gọn nhẹ như trong hangar. Nhân viên khi tháo và lắp phanh cần thường xuyên sử dụng bằng tay gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Mỗi cụm phanh máy bay có thể nặng tới 100kg, nếu thao tác không đúng cách hoặc quá sức có thể gây ra các chấn thương cổ tay ngay tức khắc.
Yêu cầu của việc thay phanh “chim sắt” cũng đặc thù, đòi hỏi sự an toàn, chính xác với hiệu suất công việc luôn phải đảm ở tiêu chuẩn cao. Thông thường, để thay một bộ phanh máy bay cần phải có tối thiểu 4 người cùng nhau thực hiện trong vòng ít nhất 2 tiếng. Quá trình này phải thực hiện định kỳ, thường xuyên trong khi công cụ hỗ trợ làm việc hiện tại không đáp ứng được các tiêu chí nhanh và giảm tải. Điều này ảnh hưởng tới hiệu suất chung của quá trình bảo dưỡng máy bay.
Với 15 năm kinh nghiệm đồng hành cùng VNA, từ lâu anh Hoàng Thanh Tùng đã nhận ra những hạn chế trên ảnh hưởng tới công việc của mình. Điều này đã thúc giục anh cùng hai đồng nghiệp Nguyễn Tiến Đô (Phó Trưởng phòng Trung tâm Bảo dưỡng Ngoại trường hanline VAECO) và Nguyễn Văn Thái (Tổ trưởng) chủ động tìm nhiều cách cải thiện quá trình bảo dưỡng máy bay mà gần đây nhất là việc thay và lắp phanh máy bay 787, 350 và A321. Ý tưởng này của các anh đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình và hỗ trợ của lãnh đạo VAECO với định hướng làm sao phải tìm được công cụ hỗ trợ tương đương nhất có thể với công cụ của nhà sản xuất.
Nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo, nhóm của anh Tùng càng thêm quyết tâm với kế hoạch của mình. Anh cùng đồng nghiệp phân công nhiệm vụ cho từng người. Người đọc các tài liệu để tìm hiểu, người tìm kiếm các công cụ đang có trên thị trường để nghiên cứu.
Bài toán tìm nơi sản xuất công cụ chế tạo khiến kế hoạch của nhóm anh Tùng từng nhiều lần rơi vào bế tắc. Bởi công cụ dùng trong ngành hàng không thường có đòi hỏi cao về các chỉ số kỹ thuật. Để đảm bảo an toàn, các hãng hàng không thường sử dụng công cụ của các hãng lớn như Boeing hay Airbus để sửa chữa. Trong khi đó, ngân sách sản xuất của nhóm lại có hạn nên phải tìm nguồn cung cấp công cụ trong nước.
Sau nhiều lần tìm kiếm, cuối cùng, với sự giúp đỡ của đơn vị, bạn bè, đồng nghiệp, nhóm anh Tùng cũng “có công mài sắt có ngày nên kim”. Họ đã tìm được một nhà máy trong nước có thể cung cấp linh kiện đáp ứng được nhu cầu công việc với mức giá phải chăng. Ngay lập tức, nhóm anh đã bắt tay vào sản xuất sản phẩm. Tiến độ công việc rất thuận lợi nhờ có sự góp sức của nhiều bộ phận và các trung tâm thuộc VAECO, đặc biệt là Phòng kỹ thuật hanline và Phòng kỹ thuật của Trung tâm phục vụ bảo dưỡng. Thành quả đã đến khi các anh sáng chế thành công bộ công cụ hỗ trợ thay phanh tàu bay Boeing 787, Airbus 350 và A321.
Niềm vui nhanh chóng đến tiếp với anh Tùng và đồng nghiệp khi sáng kiến của nhóm đã thử nghiệm thành công ngay từ lần đầu tiên. Sản phẩm được lãnh đạo VAECO và các đơn vị đánh giá cao nhờ phương thức sử dụng an toàn, hiệu quả, tiết kiệm nhân lực và bảo vệ lâu dài sức khỏe người lao động. Ngoài ra, sản phẩm cũng có tính cơ động khi có thể di chuyển dễ dàng giữa nhiều khu vực làm việc khác nhau.
Sau quá trình kiểm tra đánh giá chuyên môn, bộ công cụ hỗ trợ thay phanh máy bay của nhóm anh Tùng cũng đã đạt được các tiêu chí an toàn cho người sử dụng và trang thiết bị. Không giấu được niềm vui, anh Tùng chia sẻ: “Kết quả thử nghiệm cho thấy, sản phẩm không những đáp ứng được yêu cầu lắp và thay phanh máy bay mà còn giúp tăng năng suất làm việc của người lao động. Từ 4-5 người thay một bộ phanh trong 2 tiếng, giờ đây với bộ giá đỡ này chỉ cần 3 người thực hiện trong 2 tiếng. Thậm chí, 5 người có thể thay 2 bộ phanh chỉ trong vòng 2 tiếng”.
Cùng với đó, sáng chế của nhóm anh Tùng còn giúp công ty tiết kiệm chi phí mua sắm trang thiết bị. Trước kia, VAECO thường phải chi từ 10.000 – 20.000 USD để nhập khẩu từ nước ngoài một bộ công cụ hỗ trợ thay phanh máy bay. Song nhờ nỗ lực và sáng tạo, nhóm anh Tùng đã sáng chế ra sản phẩm có chất lượng tương đương với mức giá thấp hơn. Hiện tại, cụm nâng phanh trên đã được đơn vị đưa vào sử dụng trong thực tế. Không dừng lại ở đó, sản phẩm vẫn đang được nhóm anh Tùng tiếp tục nâng cấp để tăng năng suất trong công việc tại đơn vị.
Trái ngọt của nhóm anh Tùng một lần nữa đã tỏa sáng rạng ngời tinh thần tìm tòi, không ngừng sáng tạo, cống hiến, nỗ lực của CBNV Vietnam Airlines. Dù ở bất cứ vị trí nào, tất cả CBNV Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình với nguyên tắc “An toàn là số 1”, từ đó góp phần duy trì vị thế cánh chim đầu đàn của hàng không Việt cũng như vươn xa tới khắp bầu trời năm châu.