Đằng sau những chuyến bay, chất lượng là nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi của các CBNV từ các đơn vị mặt đất, kỹ thuật… Đội bay của VNA hiện đang có hàng trăm Toilet seat luôn sẵn sàng phục vụ hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Với tần suất sử dụng dày đặc, hiện tượng các trang thiết bị trở nên cũ và hỏng hóc xuất hiện là điều tất yếu.
Những chiếc SHROUD toilet “hay hỏng”
Trong cấu tạo của những chiếc Toilet seat đặc biệt được trang bị trên máy bay Boeing-787, SHROUD toilet là một trong những phần dễ bị hỏng nhất trong quá trình sử dụng. Nguyên nhân đến từ cơ cấu hãm LID ASSY phải chịu lực momen xoắn rất lớn do LID ASSY khá nặng cùng tác động lực bên ngoài do tay hành khách ấn LID ASSY theo thói quen. Cơ cấu hãm lại liên kết với SHROUD thông qua việc bắt cố định bằng ốc nên toàn bộ momen xoắn này dồn lên phần chân ốc liên kết với SHROUD. Với việc thiết kế của nhà sản xuất phần nhựa bám vào chân ốc mỏng nên sẽ bị bể vỡ sau một thời gian sử dụng dẫn đến tình trạng phải thay mới cả SHROUD ASSY hoặc SHROUD.
Do thấy việc bỏ đi quá phí phạm, cũng như nhiều lúc thấy không mua kịp hàng về để thay thế, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ trên tàu bay, trên cương vị là cán bộ quản lý Đội Nội thất phía Nam – Chi nhánh bảo dưỡng Nội thất (VAECO), sau khi báo cáo lãnh đạo đơn vị, anh Lê Văn Vinh đã được duyệt phương án thành lập nhóm nghiên cứu để đánh giá, xem xét mọi khả năng chế tạo, sửa chữa SHROUD toilet. Số lượng hỏng hóc tại thời điểm trước khi nghiên cứu sáng kiến là khoảng 20 cái.
Bắt tay vào nghiên cứu, các vấn đề bắt đầu nảy sinh, trước tiên là việc tài liệu được cung cấp bởi nhà sản xuất chỉ đề cập đến sửa chữa các vết xước, vết nứt nhỏ của chi tiết nhựa mà không cho phép sửa chữa bể vỡ lớn, cấy insert nên phải đặt hàng thay mới SHROUD ASSY hoặc SHROUD.
Nếu tiến hành sửa chữa chi tiết nhựa nội thất máy bay theo phương án SATTO như thông thường bằng việc sử dụng keo SA20-21, sẽ dễ gây ra tình trạng chỗ sửa chữa bị giòn, chịu lực uốn và nén yếu. Sau nhiều lần thử nghiệm các phương pháp khác nhau cho thấy, chi tiết sửa xong sẽ bị bể vỡ chân ốc ngay trong vài lần thử đầu tiên.
Nhiều phương pháp sửa chữa nhưng đều thất bại, thiết bị đều bị hỏng lại sau khi thử nghiệm do vật liệu không chịu được lực momen xoắn, không chịu được nước, nhiệt độ cao. Mỗi lần thử nghiệm thì cả nhóm đều phải tính toán để đặt cấy insert vào đúng vị trí, phải tạo khuôn cho phần bọc insert do đó khi thất bại thì nhóm sáng kiến rất buồn vì ngoài công sức thực hiện thì vật tư/ hoá chất để thử nghiệm cũng không còn nhiều.
“Tuy cả nhóm toàn những kỹ sư, ARS có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về mảng sửa chữa chi tiết nhựa, composite máy bay nhưng quá trình nghiên cứu vẫn gặp rất nhiều khó khăn do đây là lỗi của nhà sản xuất, để khắc phục được thì phải tính toán, tìm được phương án thực sự khả thi” – Anh Vinh chia sẻ.
Giải pháp siêu rẻ mà vẫn vô cùng hiệu quả
Nhiều giải pháp đưa ra đều chưa mang lại hiệu quả, nhưng điều đó không làm nản lòng anh em trong nhóm triển khai sáng kiến, và sau rất nhiều nỗ lực nghiên cứu tài liệu, thử nghiệm, giải pháp tối ưu đã được đưa ra, đó là sử dụng keo Epoxy EC-1838 B/A Green.
“Là loại keo 2 thành phần, điểm mạnh của Epoxy EC-1838 B/A Green là có độ đàn hồi cao, rất bền để có thể chống lại được lực momen xoắn, thêm nữa có thể chịu được nước, nhiệt độ cao. Khi dùng loại keo này kết hợp với xử lý bề mặt bằng phương pháp sửa chữa SATTO truyền thống sẽ mang đến hiệu quả như kỳ vọng” – anh Vinh nói.
Sau nhiều lần hiệu chỉnh để chọn ra được phương án tối ưu, việc sử dụng keo Epoxy EC-1838 B/A Green 2 thành phần trong sửa chữa SHROUD TOILET ASSY đã mang đến những tín hiệu hết sức khả quan. Sau khi sửa chữa nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm đóng mở LID ASSY 100 lần tương ứng với 50 lần sử dụng của hành khách thì bộ hãm vẫn hoạt động bình thường, insert không có dấu hiệu bị bung vỡ, vật liệu Epoxy EC-1838 B/A Green không bị biến dạng nứt, bể quanh chân insert và SHROUD. Và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nghi nhận hỏng hóc ở vị trí này.
Với việc một Epoxy EC-1838 B/A Green có thể sửa chữa cho 50 SHROUD TOILET ASSY, và nhân lực sửa chữa hết khoảng 400.000đ. Nếu so với việc mua mới, sẽ tiết kiệm số tiền lên đến hơn 6000 USD. Bên cạnh hiệu quả kinh tế rõ rệt, sáng kiến còn góp phần giải quyết bài toán thời gian khi tự sửa chữa chỉ mất có 2 ngày trong khi đặt hàng mua mới sẽ phải chờ từ 2-3 tháng.
Từ thời điểm phương pháp sửa chữa được thử nghiệm thành công đến khi nộp báo cáo sáng kiến cho hội đồng sáng kiến VAECO, đơn vị đã sữa chữa và nhập kho được 50 thiết bị, tiết kiệm số tiền lên đến hơn 300.000 USD.
Đơn vị đã sữa chữa và nhập kho được 50 thiết bị, tiết kiệm số tiền lên đến hơn 300.000 USD. (Ảnh: VAECO).
Việc sửa chữa được SHROUD TOILET đã giúp chủ động trong hoạt động sản xuất, nhanh chóng xử lý các hỏng hóc gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, nâng cao được năng lực bảo dưỡng của Đội cũng như của Chi nhánh Nội thất.
Với xuất phát điểm, sáng kiến, cải tiến để làm lợi cho công ty, không phải để “mang đi thi” nhưng từ sự ghi nhận của hội đồng sáng kiến của VAECO đến Giải nhất hạng mục “Sáng tạo Vietnam Airlines” tại cuộc thi “VNAer tự hào, cống hiến” lần 2 đã cho thấy sự ghi nhận của Công ty cũng như TCT về các giá trị trong việc sửa chữa nội thất mang lại, dù là những chi tiết rất nhỏ. Qua đó sẽ càng khích lệ tinh thần cho người lao động hăng say làm việc, chủ động tìm tòi, cải tiến, sáng tạo hơn nữa để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc sửa chữa, bảo dưỡng nội thất tàu bay. Đóng góp vào thành công chung trên hành trình hồi phục đầy mạnh mẽ của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.