Hướng về kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2024)

Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7 hằng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ngày tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng, liệt sỹ, cũng là ngày để người dân Việt Nam thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng những hậu quả và dư âm của nó còn sót lại vẫn rất lớn lao và khốc liệt, ghi dấu mãi mãi trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam, ngày 27/7 đó là ngày mà nhân dân cả nước đã giành riêng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống hi sinh vì đất nước, vì độc lập tự do. Các anh ra đi vì những mục tiêu cao đẹp và ngã xuống hào hùng, bàn tay của giặc đã tàn phá dày xéo đất nước nhưng không bao giờ làm thay đổi được bản chất của con người Việt Nam.  Biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay từ ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, lúc đó Bác Hồ là Chủ tịch nước, mặc dù bận rất nhiều công việc, đất nước lại đang cảnh thù trong, giặc ngoài, Bác vừa cùng Đảng ta lãnh đạo nhân dân kháng chiến và kiến quốc, nhưng vẫn không quên nghĩ đến công ơn của các thương binh, liệt sĩ. Năm 1946, Bác đã cùng Trung ương chỉ đạo thành phố Hà Nội thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam để giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Bác Hồ đã viết: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cho nên đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”, và Người giải thích: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ, để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”.

Bác Hồ dâng hương, đặt vòng hoa trước Tượng đài liệt sỹ tại thủ đô Hà Nội (31/12/1954). Ảnh tư liệu

Ngày 16/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”.  Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ. Để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, biết ơn đối với những thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước tháng 6.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh – Liệt sĩ”.

Thực hiện Chỉ thị của Người, tháng 6.1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ, Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác Thương binh Liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Từ tháng 7.1955, Ngày Thương binh được đổi thành Ngày Thương binh – Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị số 223/CT-TW ngày 8.7.1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27.7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh – Liệt sĩ của cả nước.

Hằng năm, cứ vào dịp 27.7, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc thương binh, bệnh binh, tặng quà cho người có công chăm sóc thương binh, bệnh binh, mang ý nghĩa thiết thực. Việc chăm lo, tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đưa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trở thành một nét đẹp trong đời sống ngày thường của mỗi người, đền đáp sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh cho cuộc sống hoà bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay.

Đoàn đại biểu TCT tại di tích Trung ương Cục miền Nam. (Ảnh: Thế Dự)

Xuất thân từ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các đơn vị tiền thân của TCT đã đóng góp công sức, máu xương để cùng dân tộc làm nên chiến thắng. Trung đoàn 919, nay là Đoàn Bay 919, đã trực tiếp tham gia chiến đấu, đồng thời, thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự kết hợp phục vụ dân dụng. Phi công của Trung đoàn đã dùng máy bay chiến lợi phẩm bắn rơi máy bay địch, ghi chiến công mở đầu thắng lợi trên mặt trận “không đối không”; đánh chìm tàu biệt kích của địch trên vùng biển Thanh Hóa, lập chiến công đầu trên mặt trận “không đối biển” và tập kích, tiêu diệt căn cứ rađa Pa-thí trên đất Lào ghi chiến công đầu trên mặt trận “không đối đất” của Không quân nhân dân Việt Nam. Hàng nghìn chuyến bay của lực lượng Không quân vận tải đã vận chuyển cán bộ, chiến sĩ, vũ khí, phương tiện kỹ thuật, thuốc men, chi viện cho nhu cầu cấp bách của chiến trường. Cán bộ, chiến sỹ C22 (đơn vị tiền thân của Công ty TNHH MTV nhiên liệu Hàng không Việt Nam) trong điều kiện khó khăn đã thực hiện việc vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản, tra nạp xăng dầu cho các chuyến bay chuyên chở bộ đội, đạn dược, hàng hóa theo yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường và thực hiện nhiệm vụ tra nạp tại các sân bay mới giải phóng, trực tiếp phục vụ cho chi bộ, c… Để làm nên chiến công đó, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã anh dũng hy sinh hoặc bỏ lại một phần xương, máu của mình nơi chiến trường.

Lãnh đạo TCT dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ. (Ảnh: Thế Dự)

Hằng năm vào dịp 27/7, TCT tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ, nêu bật các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa của TCT và cơ quan, đơn vị; gương người tốt, việc tốt liên quan đến hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các thương, bệnh binh, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách; các hoạt động thăm viếng nghĩa trang Liệt sỹ, thắp nến tri ân, tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động trong đơn vị là thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sỹ địa phương nơi đơn vị đóng trụ sở… góp phần bù đắp cho những hy sinh to lớn đó của các thương bệnh binh, gia đình có công với nước với TCT.

Trong giai đoạn hiện nay, TCT còn gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19 để lại, cùng với đó là những khó khăn mới xuất hiện, song toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động TCT vẫn đang nỗ lực, cố gắng thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TCT lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025, tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ TCT lần thứ VI, nhiệm kỳ 2025-2030. Với khí thế và quyết tâm mới, chúng ta sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tư duy sáng tạo và quản trị doanh nghiệp tiên tiến, tăng sức cạnh tranh, phục hồi SXKD, xây dựng TCT tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Ảnh chào cờ quý III/2024

Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, với lòng biết ơn vô hạn, tập thể Đảng bộ, chính quyền và người lao động TCT kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất đất nước và nguyện tiếp tục nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả- Nhớ người trồng cây” bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động TCT nguyện không ngừng lao động, rèn luyện, cống hiến hết mình vì sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của TCT. Đảng ủy, Ban Lãnh đạo TCT xin gửi lời tri ân đến toàn thể gia đình các thân nhân liệt sĩ của TCT đã có nhiều đóng góp lớn trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đã cống hiến, hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc; đồng thời mong muốn các đồng chí là thân nhân các gia đình liệt sĩ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu đi đầu trong lĩnh vực công tác, góp phần tích cực vào việc xây dựng quê hương, đất nước và xây dựng Vietnam Airlines ngày càng phát triển.

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.