Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn của các “bác sĩ” VAECO

Nhờ đổi mới nâng cao công tác bảo dưỡng dụng cụ cầm tay, Tổ Bảo dưỡng trang thiết bị – Trung tâm Bảo dưỡng Ngoại trường – Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay VAECO đã giúp đơn vị tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng chi phí đầu tư trang thiết bị mỗi năm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bảo dưỡng máy bay là một công việc phức tạp đòi hỏi sự giám sát liên tục và tỉ mỉ của kỹ sư. Với những kỹ sư bảo dưỡng máy bay, những người được ví như “bác sĩ của những chú chim sắt”, dụng cụ cầm tay (hand tool) đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Một dụng cụ tốt sẽ giúp chất lượng bảo dưỡng đạt hiệu quả tối đa. Ngược lại, dụng cụ không đảm bảo chất lượng sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình bảo dưỡng.

Thực tế quá trình làm việc cho thấy, số lượng tàu bay không ngừng mở rộng với nhiều dòng tàu bay khác nhau của Vietnam Airlines khiến tần suất sử dụng công cụ bảo dưỡng luôn ở mức liên tục. Điều này khiến các đơn vị phải thường xuyên sửa chữa dụng cụ tại các đơn vị đối tác nước ngoài khiến chi phí bảo dưỡng luôn ở mức cao.

Thực trạng này đặt ra cho Tổ bảo dưỡng trang thiết bị một bài toán cấp thiết. Đó là làm thế nào để nhanh chóng cải thiện chất lượng của dụng cụ cầm tay. Đồng thời, tuổi thọ dụng cụ cũng cần phải nâng lên tối đa nhằm gia tăng hiệu suất sử dụng.

Sau quá trình tìm hiểu, các thành viên của Tổ phát hiện ra có 2 nguyên nhân chính ảnh hưởng tới chất lượng dụng cụ. Đầu tiên, quy trình quản lý và sử dụng công cụ của đơn vị còn nhiều hạn chế, chưa phát huy tối đa khả năng dụng cụ mang lại cho công việc. Bên cạnh đó, môi trường làm việc ngoài sân bãi, mưa nắng thất thường cũng ảnh hưởng trực tiếp tới tuổi đời công cụ.

Nắm bắt được nguyên nhân, Tổ đã nhanh chóng nghiên cứu và đưa ra các giải pháp khắc phục. Giải pháp quan trọng nhất được mọi người thực hiện là tuyên truyền nâng cao nhận thức sử dụng dụng cụ cầm tay cho nhân viên. Các buổi đào tạo giới thiệu, chia sẻ và hướng dẫn cách sử dụng công cụ hiệu quả được tổ chức thường xuyên tới các cấp đơn vị. Những tấm gương lao động điển hình được tuyên dương khen thưởng nhằm đẩy mạnh nhận thức chung, loại bỏ thói quen làm việc cũ, chuyển đổi phương thức làm việc mới hiệu quả hơn.

Thành quả đã đến khi những dụng cụ được sửa chữa đều mang lại hiệu quả cao về kinh tế trong quá trình sửa chữa tàu bay. (Ảnh: VAECO).

Một giải pháp quan trọng khác của Tổ là tìm cách sửa chữa và nâng cao công tác bảo dưỡng dụng cụ hiện có. Đây được đánh giá là thách thức lớn nhất với Tổ do việc tìm linh phụ kiện vô cùng khó khăn. Bởi việc nhập linh kiện từ nước ngoài thường tốn rất nhiều chi phí trong khi việc tìm nguồn cung cấp từ trong nước cũng không dễ dàng.

Trong khó khăn đó, Tổ đã chủ động tìm cách tận dụng những gì có sẵn. Hàng ngày, bên cạnh những công việc cố định, các thành viên lại cùng nhau tập trung tại phòng làm việc để bàn bạc thêm về cách khắc phục vấn đề liên quan tới dụng cụ. Người lập danh sách quản lý trang thiết bị theo ngày để theo dõi, người lại nghiên cứu cấu tạo chi tiết của từng công cụ. Cứ mỗi lần bàn bạc là lại một lần những chiếc bàn trong phòng làm việc tràn ngập chi tiết linh kiện, cùng với đó là những bản vẽ thiết kế dài thêm ngày qua ngày.

Nhìn thấy sự nỗ lực và kiên trì của các anh, những thành viên VAECO khác đều nể phục. Dẫu vậy, đã có những thời điểm các thành viên trong Tổ cũng tự hỏi về con đường đi của kế hoạch này. Bởi đây vốn dĩ là một nhiệm vụ khó, đòi hỏi yêu cầu cao về trình độ kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc này cũng thuộc ngoài phạm trù của Tổ và chưa từng xảy ra từ trước đến nay.

Tuy nhiên, càng khó khăn thì ý chí hoàn thành kế hoạch của các thành viên trong Tổ lại càng được hun đúc vững vàng. Những buổi tăng ca ngày càng xuất hiện thường xuyên và đã trở thành điều bình thường với các anh. Thậm chí, nhiều người đã phải gác lại những kỳ nghỉ lễ của mình để có thể theo kịp tiến độ của kế hoạch chung.

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Sau những ngày miệt mài, thành quả đã đến khi sản phẩm thử nghiệm đã hoạt động hiệu quả khi được sửa chữa bằng chính những linh kiện có sẵn trong nước. Giây phút chiếc dụng cụ đầu tiên hoạt động ổn định sau khi được sửa chữa cũng là lúc tất cả thành viên biết rằng từ giờ những nỗ lực của nhóm đã không trở nên vô ích.

Các thành viên Tổ Bảo dưỡng trang thiết bị – Trung tâm Bảo dưỡng Ngoại trường góp phần tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng chi phí đầu tư trang thiết bị mỗi năm. (Ảnh: VAECO).

Niềm vui các thành viên trong Tổ lại càng được nhân lên nhiều phần do những dụng cụ được sửa chữa đều mang lại hiệu quả cao về kinh tế trong quá trình sửa chữa tàu bay. “Tỷ lệ thay mới thiết bị giảm đáng kể, từ khoảng 10 thiết bị/năm xuống chỉ còn 2 thiết bị/năm. Từ đó giúp công ty tiết kiệm được khoảng 300 triệu đồng mỗi năm cho việc mua sắm thiết bị linh kiện dự phòng”, đại diện Tổ chia sẻ.

Quan trọng hơn nữa, những dụng cụ cầm tay sau khi được sửa chữa đều có thể lắp đặt được trên ô tô đã được chuyển đổi công năng cho việc bảo dưỡng máy bay của đơn vị. Đây là sáng kiến được chính các thành viên trong Tổ dày công nghiên cứu từ 3 năm trước. Nhờ vậy, quá trình đi lại trong bãi đỗ của nhân viên được thuận tiện, phạm vi sửa chữa được nâng lên, công đoạn sửa chữa được bớt đi và tối ưu được hiệu quả lao động. Việc sử dụng công cụ tự sửa chữa đã giúp đơn vị tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho chi phí đầu tư thiết bị dụng cụ cho loại ô tô trên.

Những dụng cụ cầm tay sau khi được sửa chữa đều có thể lắp đặt được trên ô tô đã được chuyển đổi công năng cho việc bảo dưỡng máy bay của đơn vị. (Ảnh: VAECO).

Nhìn những người đồng nghiệp của mình kể từ đây không cần phải xách hộp trang thiết bị nặng tới 25kg loanh quanh sân đỗ rộng lớn, trong lòng mọi thành viên của Tổ đều cảm thấy vui mừng. Từ đây, những cải tiến của các anh đã góp phần giảm đi sự vất vả trong công việc của các đồng nghiệp, xua tan nỗi lo về chất lượng dụng cụ bảo dưỡng cũng như mang lại thêm những khoảnh khắc nghỉ ngơi trọn vẹn cho các đồng nghiệp.

Khi được hỏi về thành quả mà nhóm đạt được, đại diện Tổ khiêm tốn chia sẻ: “Đó chỉ là các cải tiến nhỏ dựa vào các dụng cụ có sẵn chứ không phải sáng kiến gì to lớn”. Tuy nhiên, những nỗ lực cải tiến của các anh đã nói lên tinh thần tìm tòi, không ngừng sáng tạo của CBNV VAECO nói riêng và Vietnam Airlines nói chung.

Bên cạnh đó, câu chuyện của các anh cũng minh chứng cho truyền thống đoàn kết, đồng lòng, cùng nhìn chung một hướng để hướng tới thành công của người VNA xuyên suốt 30 năm qua. Tất cả không gì khác ngoài khát vọng mang lại những chuyến bay an toàn nhất cho hành khách của Vietnam Airlines, từ đó đưa những cánh chim xanh của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam ngày càng vươn xa hơn nữa trong tương lai.

Le Thi Hang-COMM
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.