Cùng nhau nâng tầm văn hóa Vietnam Airlines và vươn tới những thành tựu mới

Hội thảo Văn hoá doanh nghiệp đã khẳng định vai trò của văn hóa trong sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Đối với Vietnam Airlines, văn hóa doanh nghiệp càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ môi trường kinh doanh và từ đối thủ cạnh tranh. Những nội dung từ các chuyên gia đã trình bày, thảo luận cũng đã mang đến nhận thức rõ ràng về giá trị văn hóa đặc thù của Vietnam Airlines.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sáng ngày 12/9, Ban Tuyên giáo Đảng uỷ TCT phối hợp cùng Ban TCNL tổ chức Hội thảo Văn hoá doanh nghiệp Vietnam Airlines.

Hội nghị có sự tham dự của Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà; Phó Bí thư Đảng uỷ TGĐ Lê Hồng Hà; Phó Bí thư Đảng ủy Tạ Mạnh Hùng, Thành viên HĐQT; Ban giám đốc TCT, cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ cấp phòng, công đoàn, đoàn thanh niên trong TCT. Hội thảo cũng được kết nối trực tuyến tại các điểm cầu các cơ quan, đơn vị trong nước, CN nước ngoài và các công ty thành viên.

Đặc biệt, Hội thảo Văn hoá doanh nghiệp lần này có sự tham dự của ông Nguyễn Thành Nam – nguyên TGĐ Tập đoàn FPT, Nhà sáng lập Đại học trực tuyến FUNIX và chuyên gia, diễn giả Hoàng Nam Tiến – Phó chủ tịch hội đồng trường Đại học FPT.

Ban lãnh đạo TCT cùng diễn giả và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tham dự Hội thảo tại phòng Hoa sen. (Ảnh: Thu Hà).

Trong chiến lược cạnh tranh hiện đại, chất lượng sản phẩm mới chỉ là sự khởi đầu, và sự khác biệt trong định vị thương hiệu không còn là yếu tố quyết định. Bản sắc văn hoá mới là nền tảng cốt lõi để chúng ta vượt trội trước đối thủ cạnh tranh, và chinh phục khách hàng. Văn hoá doanh nghiệp là đòn bẩy giúp chúng ta kiến tạo một chiến lược cạnh tranh mới trong bối cảnh chuyển dịch rất nhanh trong thời đại số. Và với Hội thảo lần này chúng ta sẽ cùng nhau nâng tầm văn hóa Vietnam Airlines và vươn tới những thành tựu mới.

Lãnh đạo và đại diện các cơ quan, đơn vị tham dự Hội thảo trực tuyến tại các phòng họp. (Ảnh: Thu Hà).

Nhân dịp này, ông Nguyễn Thành Nam và ông Hoàng Nam Tiến trao tặng 2 cuốn sách “Bí lục FPT và “Ngân hàng tốt nhất thế giới” dành cho lãnh đạo TCT.

Ông Nguyễn Thành Nam và ông Hoàng Nam Tiến trao tặng 2 cuốn sách “Bí lục FPT và “Ngân hàng tốt nhất thế giới” dành cho lãnh đạo TCT. (Ảnh: Thu Hà).

Khẳng định vai trò của văn hóa trong sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc Hội thảo, UVTV, PTGĐ – Đặng Anh Tuấn cho biết, “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” câu nói giản dị, một slogan ngắn gọn của Chủ tịch HCM tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 1 (11/1946) đã nói lên tầm quan trọng của văn hoá và nó đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định giá trị và tính đúng đắn. Văn hoá sẽ định hình cách chúng ta nhìn nhận, tiếp cận, ứng xử, giải quyết, thành công hay thất bại. Văn hoá là cái được xác định, tôi rèn, bồi đắp trong một thời gian, nó còn được bổ sung, chỉnh sửa từ những cái hay hoặc chưa tốt từ bên ngoài.

UVTV, PTGĐ Đặng Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo, khẳng định tầm quan trọng của Văn hoá doanh nghiệp. (Ảnh: Thu Hà).

Xác định văn hóa doanh nghiệp là giá trị cốt lõi, là tài sản đặc biệt của doanh nghiệp, yếu tố quyết định để xây dựng và tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp. Vì vậy, Đảng uỷ TCT quyết định tổ chức Hội thảo với một mong muốn và quyết tâm cùng nhau xác định rõ lần nữa về những giá trị văn hóa mà Vietnam Airlines cần gìn giữ, xây dựng và hướng tới, cùng nhau, cùng tập thể CBNV Vietnam Airlines group triển khai mạnh mẽ, thực sự biến văn hóa Vietnam Airlines là một sức mạnh mềm đặc biệt, quan trọng của chúng ta trong quá trình hình thành, phát triển và lớn mạnh hôm nay và trong tương lai.

Hội thảo cũng là dịp để toàn thể Ban lãnh đạo TCT, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và CBNV cùng xem trao đổi, góp ý để hoàn thiện Sổ tay Văn hoá Vietnam Airlines sẽ ban hành trong thời gian tới.

Với nhiều năm lãnh đạo Tập đoàn FPT, xây dựng nên một trong những doanh nghiệp có văn hoá khác biệt và thành công, ông Nguyễn Thành Nam đã chia sẻ cùng Hội thảo về bài học thực tiễn trong xây dựng VHDN tại FPT. Ông đặc biệt giới thiệu về cuốn sách “Bí lục FPT”, giải mã DNA về Văn hoá FPT.

Ông Nguyễn Thành Nam đã chia sẻ cùng Hội thảo về bài học thực tiễn trong xây dựng VHDN tại FPT. (Ảnh: Thu Hà).

Ông Nguyễn Thành Nam cho biết, khi bắt đầu viết những dòng đầu tiên của cuốn sách, nhóm tác giả đã chủ đích sử dụng lý thuyết của Edgar Henry Schein – một giáo sư nổi tiếng của Mỹ chuyên nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp – để khám phá và phân tích về văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam.

Và tại Hội thảo, một lần nữa, ông Nguyễn Thành Nam giới thiệu về Mô hình văn hóa 3 cấp độ; Thuyết 4 giai đoạn của Edgar Schein. Với mô hình này của Edgar Schein cũng chỉ ra những bước nên tiến hành để mang lại những thay đổi tích cực cho văn hóa doanh nghiệp.

Với mã gen Văn hoá doanh nghiệp FPT, ông Nam chia sẻ 14 mã gen nổi bật như: Bạn bè như anh em, Đã yêu thì phải viết ra; Muốn nhiều tướng tài phải cắt đất phong vương hay “đã giao là phải tin”; Triết lý Ta, phương pháp Tây; Việc lớn bắt đầu từ đào tạo… Mô hình của FPT là tinh thần đồng đội và sự dân chủ.

Mô hình văn hóa 3 cấp độ của Edgar Schein.

Tiếp nối Hội thảo, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ về chủ đề “Agile Leadership” – Năng lực cốt lõi của nhà lãnh đạo hàng không hiện đại. Theo ông Tiến “Agile Leadership” là tố chất giúp con người thống trị thế giới chiến thắng những trận đánh vĩ đại nhất”. Tư duy linh hoạt đưa tổ chức vượt qua khó khăn, tạo ra sự phát triển đột phá, thay đổi chính bản lĩnh và năng lực mỗi nhà quản lý, nhà lãnh đạo.

Ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ về chủ đề “Agile Leadership” – Năng lực cốt lõi của nhà lãnh đạo hàng không hiện đại. (Ảnh: Thu Hà).

Ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ, tại thời điểm khó khăn này của VNA, lãnh đạo VNA hãy ghi nhớ câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ  trên chiến trường!”, nhằm lan toả tinh thần chia sẻ những khó khăn, thách thức cùng anh chị em. Bởi theo ông Hoàng Nam Tiến, không có công việc nào là nhỏ, không có thành quả nào là không quan trọng… mà đó là chủ trương đúng đắn, sáng suốt của lãnh đạo, là mồ hôi, công sức của mỗi CBNV.

Những ấn tượng của ông Hoàng Nam Tiến về Văn hoá, con người Vietnam Airlines.

Về tư duy quản trị hiện đại, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất những nội dung cơ bản về xây dựng văn hoá trong VNA “The more we know, the less we can predict”.

Đó là “Think again – nghĩ khác làm khác” không cần gì ngoài một tư duy linh hoạt, cởi mở và sẵn sàng thay đổi; Đó là văn hoá giao quyền và tin tưởng; Đó là văn hoá lấy khách hàng làm trung tâm – lấy sự hài lòng của khách hàng làm kim chỉ nam trong mọi hoạt động; hay đẩy mạnh Văn hoá học tập… Tất cả đúc kết rằng, khi bạn có đủ khát khao, quyết tâm thì cả vũ trụ sẽ ủng hộ bạn đạt được điều đó – “And when you want something, all the universe conspires in helping you to achieve it”.

Cách thức triển khai Agile.

“Sổ tay Văn hóa Vietnam Airlines” – kim chỉ nam cho mỗi hành động

Một trong những nội dung quan trọng tại Hội thảo đó là trao đổi, góp ý để hoàn thiện và sớm Sổ tay Văn hoá Vietnam Airlines được Trưởng ban TCNL Vũ Đình Thuỷ giới thiệu đến Ban lãnh đạo và CBNV.

Trưởng ban TCNL Vũ Đình Thuỷ giới thiệu về Sổ tay Văn hoá Vietnam Airlines. (Ảnh: Thu Hà).

Văn hoá doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là trong một môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh và biến động. Và với mục tiêu xây dựng Vietnam Airlines trở thành doanh nghiệp vững mạnh và sải cánh vươn cao trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hàng không, mang bản sắc riêng trên nền tảng văn hóa bền vững, Tổng công ty xây dựng nên cuốn “Sổ tay Văn hóa Vietnam Airlines” và đã dự thảo lần thứ 4. Theo dự thảo, “Sổ tay Văn hóa Vietnam Airlines” gồm 5 phần:

Phần 1 – Tầm nhìn, Sứ mệnh,  Giá trị cốt lõi, Mục tiêu và Nhận diện thương hiệu

Đây được xem là linh hồn của Hãng, là thước đo chuẩn mực cho tất cả những phẩm chất, đạo đức và mục tiêu của Vietnam Airlines.

Phần 2: Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Vietnam Airlines

Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được xây dựng dựa trên nguyên lý đạo đức cơ bản và giá trị cốt lõi của Vietnam Airlines nhằm mục đích hướng dẫn hành vi ứng xử của toàn thể cán bộ nhân viên và các cấp quản lý làm việc trong Vietnam Airlines trong các giao tiếp hằng ngày, góp phần tạo nên những giá trị văn hoá đặc trưng.

Phần 3: Văn hoá Vietnam Airlines

Văn hóa Vietnam Airlines xây dựng theo “đội hình” 1-5-5 gồm: 01 trung tâm 5 trụ cột và 5 nội dung cốt lõi ở mỗi trụ cột.

Văn hóa Vietnam Airlines lấy khách hàng làm trung tâm, được xây dựng trên 5 trụ cột chính bao gồm: 1 – Văn hóa an toàn – SAFETY; 2 – Văn hóa chính trực – INTERGRITY; 3 – Văn hóa nâng tầm dịch vụ – UPLIFTING SERVICES; 4 – Văn hóa số – DIGITAL và 5 – Văn hóa học tập – LEARNING.

Phần 4: Chuẩn mực hành vi văn hóa

Ứng xử, giao tiếp chính là một bộ phận cấu thành nên giá trị hữu hình của văn hóa Vietnam Airlines.

Phần V: Giải thưởng văn hóa Vietnam Airlines

Với nội dung Giải thưởng văn hóa Vietnam Airlines được xây dựng nhằm mục đích khuyến khích, động viên các đơn vị, cá nhân trong Vietnam Airlines xây dựng tinh thần văn hóa Vietnam Airlines. Đồng thời, tôn vinh và nhân lên điển hình văn hóa trong Vietnam Airlines…

Văn hóa Vietnam Airlines lấy khách hàng làm trung tâm, được xây dựng trên 5 trụ cột chính.

Tại Hội thảo, ban lãnh đạo TCT và lãnh đạo các cơ quan đơn vị tiếp tục thảo luận và lấy ý kiến lần cuối để hoàn thiện Sổ tay văn hoá Vietnam Airlines. Những ý kiến đóng góp như giá trị linh hoạt, càng khó khăn người VNA càng nỗ lực vượt qua. Đó là nền tảng rất đặc biệt và không biết đã đưa vào chưa? Hay các trụ cột văn hoá cần cần giải mã cho hay và hấp dẫn hơn nhằm dễ dàng đi vào thực tiễn hơn…

Với những ý kiến đóng góp hôm nay sẽ được Ban tổ chức tổng hợp tiếp thu, chắt lọc, chỉnh sửa gửi lãnh đạo các cấp phê duyệt và cố gắng ban hành sổ tay vào tháng 11/2023.

Phó Bí thư Đảng uỷ, TGĐ Lê Hồng Hà tin tưởng Sổ tay sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn. (Ảnh: Thu Hà).

Để nhanh chóng đưa Văn hoá Vietnam Airlines và từng hành động cụ thể, TGĐ Lê Hồng Hà nhấn mạnh, “Sổ tay Văn hóa Vietnam Airlines” sẽ là một cẩm nang toàn diện, cô đọng, thiết thực, tóm lược sứ mệnh, tầm nhìn giá trị cốt lõi, bản sắc của chúng ta. Sổ tay cũng là bộ quy tắc đầy đủ về những chuẩn mực hành vi, tư tưởng văn hóa mà chúng ta cần thi hành thực chất và từ trong tâm thức. TGĐ Lê Hồng Hà tin tưởng Sổ tay sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn, tạo cơ sở thuận lợi để chúng ta cùng nhau xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh, trên từng khía cạnh và tới từng cá nhân.

Để văn hóa Vietnam Airlines không ngừng phát huy những giá trị tốt đẹp và ngày càng hoàn thiện hơn, TGĐ Lê Hồng Hà đề nghị:

  1. Ban Tuyên giáo Đảng ủy tiếp tục định hướng, chỉ đạo chặt chẽ công tác xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp theo hướng giữ vững bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời tiếp thu những giá trị năng động, hiện đại.
  2. Ban Tổ chức nhân lực hoàn thiện nội dung Sổ tay Văn hóa Doanh nghiệp và triển khai ngay trong Quý 4 năm 2023.
  3. Ban Truyền thông phối hợp Ban Tổ chức nhân lực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về Sổ tay Văn hóa Doanh nghiệp tới toàn thể cán bộ nhân viên của Vietnam Airlines và công ty thành viên. Nội dung, hình thức tuyên truyền cần chú trọng tính sinh động, hấp dẫn; dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng.
  4. Các cơ quan, đơn vị trên toàn hệ thống quán triệt triển khai Số tay Văn hóa Doanh nghiệp tới từng phòng ban, cá nhân, từ cấp lãnh đạo tới nhân viên, để mỗi cán bộ, nhân viên đều nắm rõ, hiểu rõ và thực thi.

Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội thảo, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà đã đưa ra ý kiến về Văn hoá doanh nghiệp sau những chia sẻ của hai chuyên gia gắn liền với Văn hoá Vietnam Airlines, đó là lãnh đạo nêu gương, nói đi đôi với làm, tạo động lực cho CBNV. Bên cạnh đó là sự đồng lòng, đoàn kết và kỷ luật để tạo nên sức mạnh tập thể, vượt qua những khó khăn, thách thức.

Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội thảo. (Ảnh: Thu Hà).

Chủ tịch Đặng Ngọc Hoà nhấn mạnh, Văn hoá doanh nghiệp của Vietnam Airlines luôn tiếp nhận và phát huy những giá trị hiện đại, tích cực, nhưng vẫn phải gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam, phát huy phẩm chất của người lính, mà chúng ta đã được thừa hưởng từ những thế hệ đi trước. Và để cụ thể văn hóa đó thành văn bản, chúng ta đã xây dựng Sổ tay Văn hóa Doanh nghiệp, với những bộ tiêu chí, quy chuẩn và giá trị được lựa chọn. Nhưng, nếu không đưa được các tiêu chí, quy chuẩn, giá trị đó vào trong cuộc sống, biến thành phương châm sống, làm việc, quan hệ, giao tiếp, ứng xử, thì chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu.

Do đó, Chủ tịch Đặng Ngọc Hoà đề nghị lãnh đạo TCT và các cơ quan, đơn vị xây dựng những chương trình hành động cụ thể, thực hiện quyết liệt và lan tỏa trong toàn TCT, để những gì chúng ta lựa chọn viết vào cuốn Sổ tay Văn hóa Doanh nghiệp thực sự trở thành những đặc trưng văn hoá của con người Vietnam Airlines, được truyền thừa và tiếp nối qua các thế hệ, để văn hóa trở thành sức mạnh đưa Vietnam Airlines vươn tầm mạnh mẽ hơn.

Hội thảo hôm nay đã khẳng định vai trò của văn hóa trong sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Đối với Vietnam Airlines, văn hóa doanh nghiệp càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ môi trường kinh doanh và từ đối thủ cạnh tranh. Những nội dung từ các chuyên gia đã trình bày, thảo luận cũng đã mang đến nhận thức rõ ràng về giá trị văn hóa đặc thù của Vietnam Airlines.

Hãy cùng nhau xây dựng Vietnam Airlines thành một tổ chức mạnh, bắt đầu bằng việc xây dựng một nền văn hoá mạnh, nhất quán.

Le Thi Hang-COMM
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.