Xin chào ông! Là một diễn giả và cũng là lãnh đạo cấp cao của 1 tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam – FPT, ông đã từng tham gia rất nhiều talk show về công nghệ, kinh tế… Và lần này là khách mời của Vietnam Airlines chia sẻ về Văn hoá doanh nghiệp. Vậy cụ thể ông sẽ có những chia sẻ gì dành cho Ban lãnh đạo cũng như CBNV của Hãng?
Xin chào anh chị em Vietnam Airlines. Tôi rất vui và vinh dự khi tham gia hội thảo VHDN tại Vietnam Airlines vào ngày 12/9.
Vietnam Airlines là hãng hàng không yêu thích của tôi và cũng là thương hiệu hàng không quốc gia với bề dày lịch sử. Ngày hôm nay, Vietnam Airlines là đại gia đình lớn với nhiều thế hệ, tôi chắc chắn, văn hóa doanh nghiệp sẽ là sợi dây gắn kết, giúp các bạn chinh phục thành công.
Ở buổi chia sẻ sắp tới, tôi sẽ nói về thực học, về triết lý học tập suốt đời và thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường, đối thủ, khách hàng. Các bạn sẽ ám ảnh khách hàng và biến nó thành động lực thay đổi.
Có một thực tế là sau đại dịch rất nhiều DN gặp khó khăn và phải vực dậy mạnh mẽ, Vietnam Airlines cũng không ngoại lệ? Và lúc này VHDN là sức mạnh bởi Giá trị cốt lõi, uy tín thương hiệu, truyền thống văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất giúp DN vượt qua được thách thức, bứt phá và phát triển bền vững. Vậy quan điểm của ông như thế nào về điều này?
Tôi hoàn toàn đồng ý với điều này. Văn hóa doanh nghiệp là thứ còn lại sau cùng, giúp doanh nghiệp đứng vững sau biến cố.
Video ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ về ý nghĩa của VHDN đối với doanh nghiệp nói chung và Vietnam Airlines nói riêng.
Chúng ta hay nói về việc xây dựng Văn hoá doanh nghiệp, vậy xây dựng VHDN cần được xây dựng trên những nền tảng như thế nào thưa ông?
Xây dựng VHDN cần dựa trên niềm tin và sự minh bạch. Ở FPT, chúng tôi có 6 chữ Vàng: Tôn – Đổi – Đồng – Chí – Gương – Sáng. Đây chính là giá trị cốt lõi, là tinh thần của những ai đang khoác trên mình màu áo FPT.
Giá trị đầu tiên là Tôn – tôn trọng cá nhân. Mỗi thành viên của FPT được quyền là chính mình, được phát triển theo đam mê của mình, được lắng nghe, được nói các ý kiến của mình với cấp trên. Đổi – chính là đổi mới. Điều này đồng nghĩa với việc FPT rất coi trọng giá trị của việc học hành, coi trọng giá trị sáng tạo của mỗi cán bộ nhân viên. Đồng – mỗi người FPT coi các đồng nghiệp của mình là đồng đội, sẻ chia lúc khó khăn, đồng tâm đoàn kết trong suốt quá trình làm việc.
Để lãnh đạo nhân viên đồng lòng, người quản lý phải tạo dựng niềm tin bằng sự công bằng, công tâm, làm việc minh bạch. Người đứng đầu sẽ là tấm gương sáng cho đội ngũ noi theo, đồng thời tầm nhìn xa cùng sự quyết đoán của người lãnh đạo có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc phát huy giá trị văn hóa cũng như điều hành kinh doanh vững vàng. Đó chính là giá trị Chí – Gương – Sáng mà FPT xây dựng và theo đuổi nhiều năm qua.
Như ông chia sẻ, một trong những nền tảng của xây dựng VHDN chính là “nhân viên hạnh phúc thì sẽ tạo ra trải nghiệm khách hàng hài lòng, yêu thích”? Vậy để đạt được điều đó, triết lý này sẽ được xây dựng và phát triển như thế nào, đặc biệt là thành công như FPT đã làm?
Với tôi để nhân viên hạnh phúc – khách hàng hài lòng thì là sự đồng nhất, thống nhất từ trên xuống dưới, lãnh đạo làm gương là điều quan trọng nhất
Ở FPT có một văn hoá rất nổi bật đó là “tôn trọng sự khác biệt”. Và ở Vietnam Airlines hiện nay cũng đang có một nguồn lực lao động trẻ với các bạn Gen Z có nhiều sự khác biệt so với các thế hệ trước. Vậy theo ông làm cách nào để chúng ta có được sự hoà hợp, đặc biệt là ở môi trường doanh nghiệp lớn như FPT hay Vietnam Airlines?
Theo tôi, lãnh đạo làm gương là điều đầu tiên. Lãnh đạo phải là một hình mẫu hoặc tấm gương để nhân viên mình quan sát và học tập. Còn với các bạn trẻ, hãy kiên nhẫn và đừng quên thực học trọn đời, đó là nền tảng củ mọi thành công.