Từ góc nhìn chuyên gia, anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế về xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà Vietnam Airlines có thể học hỏi và áp dụng?
Lifelong learning (học tập suốt đời) đã được UNESCO đưa vào tài liệu chính thức của mình hàng chục năm, tuy nhiên, ít được mọi người nhắc đến. Năm 2017, sau khi từ trường Quản trị kinh doanh Wharton, trong tất cả các bài giảng của mình tại Việt Nam, tôi liên tục nhắc đến Lifelong learning. Thế nhưng chỉ đến gần đây, khi tốc độ thay đổi của xã hội quá lớn, quá nhanh, sự thay đổi của thị trường ngày càng quyết liệt, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ, trong đó nhấn mạnh đến trí tuệ nhân tạo, thì lúc này văn hóa học tập suốt đời mới càng được nhấn mạnh nhiều hơn. Tôi hay nói đùa nếu chúng ta không có Lifelong learning thì mỗi nhà lãnh đạo hôm nay sẽ nhanh chóng trở thành những người “lỗi lạc”: Lỗi thời và lạc hậu.
Điều rất đáng mừng là Vietnam Airlines coi học tập suốt đời là một trong những nét văn hóa quan trọng nhất của mình. Ngành hàng không, đặc biệt là công nghệ hàng không, đang thay đổi nhanh chóng mỗi ngày. Vì vậy, mỗi nhà lãnh đạo, mỗi người làm kỹ thuật, dịch vụ, mỗi một cán bộ của Vietnam Airlines nếu không duy trì học tập suốt đời thì không thể nào đáp ứng được nhu cầu phát triển, không thể nào giữ được vị trí của mình trong tương lai. Rất có thể nếu bạn không duy trì được Lifelong learning – học tập suốt đời, bạn sẽ trở thành một con người thuộc “useless class” tầng lớp vô dụng, như lời của Yuval Noah Harari, tác giả cuốn “Sapiens – Lược sử loài người”.
Bất chấp những khó khăn rất lớn trong những năm vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Vietnam Airlines có thể cắt làm rất nhiều thứ nhưng không cắt giảm chi phí dành cho đào tạo và học tập. Cá nhân tôi trong suốt những năm qua, kể cả trong những giai đoạn khó khăn nhất, liên tục được Vietnam Airlines mời giảng dạy. Tôi biết còn rất nhiều khóa học khác vẫn tiếp tục được duy trì và thậm chí còn mở rộng hơn so với trước đây.
Cách đây 5 năm, tôi từng chia sẻ với Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh lúc đó rằng nếu bây giờ chưa thực hiện chuyển đổi số, Vietnam Airlines cũng chưa sao, nhưng chỉ 5 năm nữa nếu Vietnam Airlines vẫn không chuyển đổi số thì Vietnam Airlines khó có thể cạnh tranh được trong thị trường toàn cầu. Vừa qua, việc toàn bộ hệ thống đảm bảo của Vietnam Airlines đã chuyển đổi lên hệ thống mới là một trong những minh chứng. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, toàn bộ thị trường bị giảm sút, song Vietnam Airlines vẫn cam kết thực hiện chuyển đổi số toàn diện, sâu rộng trong toàn bộ Tổng công ty. Nền kinh tế trải nghiệm trong tương lai dựa trên việc cá thể hóa đến từng khách hàng, và việc đó đòi hỏi Vietnam Airlines cần phải xây dựng cho mình một CDP (Customer Data Platform – nền tảng quản lý dữ liệu khách hàng) chứ không chỉ là hệ thống CRM (Customer Relationship Management – quản lý quan hệ khách hàng). Đây là một trong những việc bắt buộc để đảm bảo việc thấu hiểu đến từng khách hàng Vietnam Airlines trong tương lai. Việc này đòi hỏi văn hóa số phải thấm sâu vào mọi hoạt động của Vietnam Airlines, con người số phải được đào tạo ở Vietnam Airlines.
Tôi rất mong muốn đưa văn hóa làm gương ở tất cả các cấp lãnh đạo trong Vietnam Airlines. Lãnh đạo không thể làm thay nhưng phải làm gương.
Tôi mong muốn đưa nụ cười, không chỉ là nụ cười xã giao mà nụ cười tạo ra sự yên tâm, tạo ra sự tin tưởng, sự ấm áp đối với mỗi người, trong nội bộ cũng như đặc biệt đối với khách hàng khi tiếp cận với dịch vụ của Vietnam Airlines.
Đặc biệt, trong giai đoạn thế giới thay đổi vũ bão mỗi ngày như hiện nay, tất cả những gì chúng ta định trước, lên kế hoạch trước đều có thể thay đổi trong chớp mắt. Vietnam Airlines cần nhanh chóng chuyển đổi toàn bộ hệ thống sang quản trị linh hoạt mới đáp ứng được. Rất có thể trong tương lai, khi thị trường thế giới ổn định hơn, khi xã hội ổn định hơn, chúng ta sẽ có những ưu tiên khác, nhưng trong giai đoạn này, quản trị linh hoạt, quản trị thích ứng là điều quan trọng nhất.
Nếu dùng 3 tính từ để nêu bật cảm quan về văn hoá doanh nghiệp của Vietnam Airlines, anh sẽ dùng từ gì?
Điều này thực sự rất khó bởi Vietnam Airlines không chỉ là một hãng hàng không mà còn là hình ảnh quốc gia, có rất nhiều giá trị, nhiều nét văn hóa cần gìn giữ và phát triển.
Tuy nhiên, nếu chỉ chọn một từ để thể hiện cảm quan về văn hóa doanh nghiệp của Vietnam Airlines, tôi sẽ chọn từ “Yên tâm”, trong đó bao gồm cả An toàn, Thân thiện và Tin tưởng. Giống như khi người ta hỏi điều gì quan trọng nhất trong hạnh phúc gia đình, mọi người hay nói chữ “Yêu” nhưng thật ra không phải, đó là thoải mái sống cạnh nhau, với sự yên tâm ấm áp.
Trăn trở về tà áo dài
Văn hóa doanh nghiệp được kết hợp từ những tinh túy tốt đẹp nhất trong nền văn hóa của thế giới và của quốc gia. Những tà áo dài của Vietnam Airlines là một thách thức qua các thời kỳ phát triển. Thế hệ lãnh đạo nào của Vietnam Airlines cũng đối mặt với những câu hỏi về việc thay bộ áo dài bằng một bộ trang phục gọn nhẹ, ít tiền hơn, và thậm chí được cho là hiện đại, thuận tiện hơn cho công tác phục vụ. Nhưng đến ngày hôm nay thì chúng ta thấy một truyền thống vô cùng tốt đẹp khi chọn áo dài là một trong những hình ảnh của Vietnam Airlines. Đó là hình ảnh vô cùng đẹp của Vietnam Airlines, hình ảnh mang đậm nét biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Khi đi ở một sân bay quốc tế nào, Narita, Incheon, Frankfurt, Charles de Gaulle, Heathrow… tôi thực sự cảm thấy như sắp được trở về nhà, gặp được một người đồng hương khi nhìn thấy một tà áo dài. “Tha hương ngộ cố tri”, không chỉ tôi mà bất cứ người Việt Nam nào cũng có cảm giác tương tự. Đó là một điều rất tốt đẹp, và còn nhiều câu chuyện khác mà Vietnam Airlines phải duy trì trong khi cần cân đối với giải bài toán chi phí để đưa những nét đẹp văn hóa doanh nghiệp bay cao, bay xa. |