Hội thảo vinh dự đón tiếp Tiến sĩ Bùi Quang Tuyến – Giám đốc Học viện Viettel; Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Trung tâm phát triển tài năng, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel và Chuyên gia Đoàn Thanh Tám – Phó Trưởng Ban, Ban Quản trị dữ liệu – Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PTGĐ Trịnh Hồng Quang nhấn mạnh về vai trò của chuyển đổi số trong sự phát triển của VNA. Và nếu chúng ta không bắt đầu bằng chuyển đổi số từ nhận thức thì chúng ta không thể làm thành công. Mỗi CBNV phải biết về chuyển đổi số để vận dụng vào công việc của mình. PTGĐ Trịnh Hồng Quang chia sẻ, sau Hội thảo này chúng ta cùng với nhau xem xét đưa chuyển đổi số đến từng người một để thay đổi quy trình làm việc của mình trước tiên.
Theo PTGĐ Trịnh Hồng Quang, chưa bao giờ Khối Thương mại có điều kiện, cơ hội để toả sáng như hiện nay, đặc biệt trong thời điểm khó khăn này. Chúng ta cần chứng minh với lãnh đạo TCT để đứng vững, phát triển và điều đó chắc chắn khiến chúng ta tự hào. Và Hội thảo này là cơ hội để mỗi CBNV trong Khối với tâm thế là người đi bán, người cần cù sáng tạo trong TCT chia sẻ về chuyển đổi số cùng với Học viện Viettel.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam – 20/10, PTGĐ Trịnh Hồng Quang không quên gửi lời chúc đến các CBNV nữ, chúc CBNV nữ luôn trẻ trung, xinh đẹp và thành công.
8 hướng tiếp cận chuyển đổi số
Mở đầu Hội thảo, Tiến sĩ (TS) Bùi Quang Tuyến chia sẻ với CBNV VNA Hướng tiếp cận Back to Basic trong Chuyển đổi số với 8 nội dung cốt lõi (Khách hàng, Đội ngũ, Văn hóa, Sáng tạo, Công nghệ…): Góc nhìn mới, Cơ hội, Gợi mở hành động.
CBNV tham gia Hội thảo đã thực hiện trắc nghiệm mức độ hiểu biết về chuyển đổi số nhằm đánh giá mức độ phù hợp về việc tiếp cận chuyển đổi số tại đơn vị. Trả lời cho phần trắc nghiệm chính là để CBNV phân biệt số hoá và chuyển đổi số.
Theo TS Bùi Quang Tuyến, chúng ta đã nghe rất nhiều về thuật ngữ “ số hóa”, “chuyển đổi số” trong những năm gần đây, và đặc biệt sau đại dịch Covid 19, thì những thuật ngữ này ngày càng xuất hiện dày đặc trên báo chí hơn. Tuy nhiên trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rõ và phân biệt được sự khác biệt giữa 2 thuật ngữ này.
Chuyển đổi số là một quá trình bao gồm nhiều bước với các cấp độ khác nhau, trong đó số hóa là bước khởi đầu. Cần có sự nhận thức thống nhất về mặt khái niệm, phân biệt giữa số hóa, ứng dụng số (hoạt động số) và chuyển đổi số.
Theo đó, số hóa là việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để chuyển đổi những thứ không phải là kỹ thuật số thành định dạng hoặc thao tác kỹ thuật số. Trong khi đó, chuyển đổi số được hiểu là việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các hoạt động của doanh nghiệp, tận dụng công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp những giá trị mới cho khách hàng, từ đó tăng vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường.
Có 8 hướng tiếp cận chuyển đổi số, gồm: Tiếp cận theo yếu tố cốt lõi của chuyển đổi số Back to basic; Tiếp cận theo mô hình đánh giá trưởng thành số; Tiếp cận từ vai trò người đứng đầu và Văn hoá doanh nghiệp; Tiếp cận từ pain points; Tiếp cận với các ứng dụng chuyển đổi số có sẵn; Tiếp cận theo mô hình kinh doanh platform; Tiếp cận theo các bước tiến hành và Tiếp cận theo 3 giai đoạn phát triển.
Trong 8 hướng tiếp cận trên, TS Bùi Quang Tuyến đi sâu vào hướng Tiếp cận theo yếu tố cốt lõi của chuyển đổi số “Back to basic”. Bởi chúng ta cần hiểu rất “basic” về chuyển đổi số để có những nền tảng kiến thức cơ bản, dễ tiếp cận, sau đó mới tiếp tục nâng cao và chuyên sâu hơn.
Trong phần tiếp theo, TS Bùi Quang Tuyến tiếp tục thuyết giảng về hướng Tiếp cận theo mô hình đánh giá trưởng thành số với ưu điểm cơ bản đánh giá được toàn duện các mặt của CĐS, đánh giá linh hoạt theo đặc thù từng đơn vị, lượng hoá được các cấp độ đánh giá và có nhiều tiêu chí đánh giá tham khảo. Tuy nhiên, mô hình này có nhược điểm là có quá nhiều tiêu chí (136) có thể thừa hoặc thiếu theo mỗi lĩnh vực và tốn nguồn lực đánh giá.
Tiếp cận chuyển đổi số từ vai trò người đứng đầu và văn hoá doanh nghiệp. Người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy là người tư duy, lựa chọn định hướng, xác định mục tiêu và quan trọng hơn là luôn đồng hành trên hành trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới…
Chuyển đổi số là lựa chọn các ưu tiên của doanh nghiệp
Trong phiên làm việc buổi chiều, CBNV VNA lắng nghe TS. Nguyễn Quang Vinh trình bày về 3 nội dung: Xu hướng và công nghệ Chuyển đổi số; Giới thiệu mô hình kinh doanh số và Một số ví dụ về Chuyển đổi số cho ngành Hàng không.
Theo TS. Nguyễn Quang Vinh, hiện nay các doanh nghiệp đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc duy trì tính cạnh tranh và tạo ra trải nghiệm kết nối với công nghệ số. Xu hướng chuyển đổi số sẽ ngày càng trở thành tâm điểm của sự đầu tư trong doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, chuyển đổi số là lựa chọn các ưu tiên của doanh nghiệp.
Với mỗi một doanh nghiệp có cách thức vận hành, mô hình tổ chức khác nhau thì định nghĩa về chuyển đổi số cũng khác. Nhưng nhìn chung, có thể hiểu chuyển đổi theo nghĩa rộng rãi là “định hình lại các ngành bằng cách tái cơ cấu các mô hình hoạt động và kinh doanh hiện có”.
Tại Viettel, hành trình chuyển đổi số xuất phát từ chủ trương của nhà nước và Tập đoàn xây dựng chiến lược, tầm nhìn cho cả Tập đoàn cũng như cho từng lĩnh vực. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số vai trò của mỗi thành viên là như nhau, trong đó lãnh đạo đóng vai trò định hướng.
Theo TS. Nguyễn Quang Vinh, có 8 cách thức tăng ROI trong chuyển đổi số. Đó là Tăng năng suất nhân viên; Kinh doanh dựa trên dữ liệu; Nâng cao trải nghiệm khách hàng; Khả năng mobile, truy cập điều kiện làm việc mọi lúc mọi nơi với tính bảo mật cao; Tự động hoá quy trình hoạt động; Mô hình kinh doanh mới; Cung cấp sản phẩm/giải pháp mới; Tối ưu hoá chuỗi cung ứng.
TS. Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh, tư duy chuyển đổi số là tư duy về con người bằng con số và lấy nhân viên làm trung tâm – điểm chạm đầu tiên với khách hàng. Theo thống kê, những công ty có trải nghiệm nhân viên tốt thì lợi nhuận tăng gấp 4 lần. Và thông điệp đưa ra là quan tâm đến nhân viên là quan tâm đến chuyển đổi số và nó gắn liền với việc tăng năng suất nhân viên.
Trong phần trình bày của mình, TS. Nguyễn Quang Vinh cũng đã giới thiệu một số mô hình kinh doanh số của các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới như: Apple, Google, Facebook và Amazon cũng như xu hướng công nghệ trong ngành hàng không.
Data Lake – mấu chốt của chuyển đổi số
Tại Hội thảo, PTGĐ Trịnh Hồng Quang đã chủ trì phiên thảo luận và toạ đàm cùng TS. Bùi Quang Tuyến, TS. Nguyễn Quang Vinh và Chuyên gia Đoàn Thanh Tám. Toạ đàm nhằm chia sẻ cách làm, kinh nghiệm xây dựng chiến lược, lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Đồng thời, chia sẻ thực tiễn xây dựng chiến lược chuyển đổi số của VNA và Viettel, từ đó tham vấn lựa chọn hướng tiếp cận, phương pháp, xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho VNA.
PTGĐ Trịnh Hồng Quang nhấn mạnh vai trò, sự cần thiết của chuyển đổi số, đặc biệt đối với Khối Thương mại. Với yếu tố con người đóng vai trò quan trọng nhất thì rất cần sự chia sẻ của mỗi CBNV và toạ đàm là cơ hội tốt để cùng nhau hướng tới chuyển đổi số thành công tại VNA.
Đại diện Viettel khẳng định nguồn lực (đào tạo và học tập) đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi sổ. Vì vậy cần phải đưa chuyển đổi sổ vào học tập, định hướng thực thi và số hoá các bài tập và Viettel đã làm thành công.
Trả lời cho câu hỏi của PTGĐ Trịnh Hồng Quang về đánh giá về dịch vụ của VNA với tư cách là một khách hàng đã trải nghiệm dịch vụ, TS Nguyễn Quang Vinh chia sẻ, ông ấn tượng tốt với VNA về dịch vụ, từ dịch vụ mặt đất đến chăm sóc trên chuyến bay, tiếng Anh của tiếp viên tương đối tốt. Tuy nhiên ông mong muốn trong tương lai gần VNA cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong thời đại công nghệ số mọi thứ đều phát triển và thay đổi rất nhanh.
TB TTCĐS – Vũ Nguyên Khôi chia sẻ, theo như những nội dung mà đại diện Viettel trình bày trong hội thảo thì trong hành trình chuyển đổi số VNA đang làm tắt, nếu tiếp cận theo hướng nền tảng như B2B, B2C VNA cũng đã triển khai. VNA đang xây dựng một chiến lược chung, nhưng gặp khó khăn về việc đưa ra bộ KPI.
Trả lời cho câu hỏi này, TS Bùi Quang Tuyến cho biết, có nhiều doanh nghiệp lo lắng trong quá trình chuyển đổi số bởi họ chưa xác định được chiến lược một cách rõ ràng. Vì vậy, để đi đúng hướng hãy nhìn vào “pain points”.
Quyền Trưởng Ban CNTT – Nguyễn Nam Tiến đặt ra câu hỏi, việc quản lý dữ liệu của Viettel hiện nay như thế nào?
Chuyên gia Đoàn Thanh Tám chia sẻ, để quản lý dữ liệu hãy coi dữ liệu như 1 tài sản, 1 tài sản vô hình và cần chuyển về chung 1 chỗ (Data Lake – hồ dữ liệu). Data Lake là một hệ thống hoặc một kho để lưu trữ dữ liệu dưới dạng thô được lưu trữ và sử dụng khi cần thiết. Một khối lượng dữ liệu khổng lồ được lưu trữ và tồn tại một cách tự nhiên được ví như một cái hồ đầy dữ liệu.
Hiện nay Data Lake được coi là một trong 7 xu hướng đối với dữ liệu lớn (Big data). Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định rõ mục đích sử dụng cũng như nắm rõ các thế mạnh của giải pháp Data Lake để có thể áp dụng trong tổ chức của mình một cách phù hợp. Viettel đã có hệ thống Data Lake và đã đóng gói sản phẩm.
Lắng nghe chia sẻ của đại diện Viettel và những vấn đề mà CBNV VNA đặt ra, PTGĐ Trịnh Hồng Quang kết luận, thông qua Hội thảo đã tìm thấy được mấu chốt của vấn đề chính là Data Lake. Muốn chuyển đổi số phải có được Data Lake và chúng ta phải có Data Lake cho VNA. PTGĐ Trịnh Hồng Quang cũng nhấn mạnh, công cuộc chuyển đổi số là của tất cả mọi người. Mỗi người phải có tư duy về chuyển đổi số và cùng nhau tạo nên một bước tiến mới trong TCT.
Thay mặt lãnh đạo TCT, PTGĐ Trịnh Hồng Quang cảm ơn những chia sẻ rất bổ ích và thiết thực của các khách mời đến từ Viettel và tin tưởng hơn về hành trình chuyển đổi số tại VNA sẽ có bước chuyển mình thành công.