Diện mạo hàng không thế giới thay đổi nhờ CĐS
Ngành hàng không là một thị thường cạnh tranh khốc liệt với chi phí kinh doanh cao, trong khi doanh thu giảm liên tục qua các năm. Cuối năm 2019, ngành vận tải hàng không trải qua khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử do đại dịch Covid gây ra. Trong bối cảnh đó, CĐS là vấn đề tất yếu, mang tính sống còn đối với các hãng hàng không.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), tham vọng và tầm nhìn của ngành đến năm 2030 sẽ có 100% hãng Hàng không số. Xu hướng CĐS sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Lấy khách hàng làm trung tâm; Khai thác các giá trị từ công nghệ và dữ liệu để chuyển đổi vận hành hướng đến sự linh hoạt, bền vững; Mở rộng hệ sinh thái dữ liệu mở. Những xu hướng này sẽ làm thay đổi trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả vận hành và giúp doanh nghiệp tìm ra những mô hình kinh doanh mới.
Emirates là hãng hàng không đã thành công trong việc thay đổi trải nghiệm khách hàng bằng CĐS. “Hành trình thông minh không điểm chạm” của Emirates cho phép khách hàng ký gửi hành lý và làm thủ tục, nhập cảnh, vào phòng chờ và lên tàu bay mà không phải dừng lại hay tắc nghẽn ở bất cứ trạm vật lý nào. Trên tàu bay với các thực đơn có sẵn trên ứng dụng Emirates cho phép khách hàng duyệt thực đơn trên thiết bị cá nhân của họ cả trực tuyến và ngoại tuyến. Hướng đi tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng được một số hãng hàng không lớn khác như Air Asia, Air New Zealand…
Philippine Airlines lựa chọn CĐS theo hướng tối ưu hóa vận hành. Hãng đã dùng công nghệ số thay thế phần lớn các hệ thống cũ dựa trên giấy, giúp tiết kiệm tối thiểu 10 giờ cho mỗi lần thay đổi lịch bay, cho mỗi nhân viên. CĐS giúp Philippine Airlines tăng cường khả năng liên lạc và an ninh đã tác động đến hơn 8.000 công nhân toàn thời gian, bao gồm hơn 1.000 phi công và 2.700 tiếp viên. Hãng hàng không này đã thúc đẩy chương trình số hóa ở cấp độ toàn công ty, bắt đầu bằng việc tự động hoá phân lịch bay cho các thành viên tổ bay, việc trước đây thực hiện thủ công.
Eurowings, thuộc Tập đoàn Lufthansa và là một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới, đã đi tiên phong trong việc chuyển dịch từ mô hình hàng không cổ điển sang một nền tảng hàng không số. Hãng hàng không Đức đã ra mắt công ty du lịch số Eurowings Digital chuyên cung cấp các dịch vụ số được cá nhân hóa, bao gồm đặt phòng khách sạn, dịch vụ cho thuê xe và vé sự kiện, tích hợp trang web hiện tại eurowings.com vào một nền tảng du lịch số rộng lớn. Điều này đã giúp không chỉ tăng doanh thu trên mỗi hành khách mà còn mang lại mức độ trung thành để đảm bảo hoạt động kinh doanh trở lại.
Hàng không quốc gia Việt Nam – Chuyển đổi số để phát triển
Tại Việt Nam CĐS là xu thế trong thời đại ngày nay. Đó là cơ hội cho các doanh nghiệp vượt lên, nhưng cũng là nguy cơ tụt hậu, bị bỏ lại ngày càng xa đối với ai không quan tâm đến nó.
Hàng không là một ngành có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ trong phát triển kinh tế, mà còn đối với các vấn đề an ninh, quân sự và chủ quyền quốc gia. Đứng trước những cơ hội và thách thức mới, các hãng hàng không trong nước đều nhận định rằng CĐS là vấn đề tất yếu, mang tính sống còn nhưng cũng là một quá trình gian nan và đầy thách thức.
Theo Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà, với VNA, chuyển đổi số là nhiệm vụ rất quan trọng. Mục tiêu của VNA là trở thành hãng hàng không số vào năm 2025 và Hãng đang nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đó.
Để có những bứt phá phát triển và không bị bỏ lại trong cuộc CMCN 4.0, ngoài việc cần phải có sự đầu tư về nguồn lực, VNA cần có sự quyết tâm thực hiện CĐS từ Ban Lãnh đạo xuống đến toàn thể CBNV. Chậm trễ trong CĐS sẽ dẫn đến các nguy cơ: Năng suất lao động thấp; Khó khăn trong việc ra quyết định; Thiếu nhạy bén nắm bắt các cơ hội và thiếu gắn kết chặt chẽ trong hệ thống cũng như với khách hàng.
Thời gian qua, VNA đã phối hợp với các đối tác lớn trong và ngoài nước như: Ernst & Young, Google, FPT, Viettel… trong công tác tư vấn, đánh giá, xác định hiện trạng mức độ CĐS, xác định tầm nhìn, mục tiêu để xây dựng Chiến lược CĐS của VNA với các nhóm giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể làm cơ sở để mọi tổ chức, cá nhân trong TCT triển khai công tác CĐS của đơn vị mình một cách đồng bộ, đảm bảo có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ rộng khắp và hiệu quả.
Mới đây nhất, Hãng đã phát động triển khai “Văn hóa số của Vietnam Airlines” – dấu mốc quan trọng trong hành trình trở thành Hãng hàng không số. Ngoài ra, TCT cũng đang tiến hành khảo sát, quy hoạch lại hệ thống hạ tầng kết nối, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu… để đảm bảo có được một hạ tầng số tiến tiến, hiện đại nhất cho công cuộc CĐS. Cùng với đó, các nền tảng số quan trọng như nền tảng CDP để nâng cao trải nghiệm khách hàng, Omnichannel, Data Lake, VoC, e-Learning… cũng như nhiều đề án phát triển, ứng dụng công nghệ đang được triển khai tại các CQĐV theo đúng lộ trình trong Chiến lược CĐS của VNA giai đoạn 2022-2026.
Chuyển đổi số tại VNA không phải là công việc riêng của bất kỳ ai. Chính vì vậy, khi toàn thể Lãnh đạo và CBNV quyết tâm thực hiện công tác CĐS theo Chiến lược đã đặt ra, VNA sẽ đạt được những bước phát triển vượt bậc trong tương lai.