Hệ thống nằm trong nội dung hợp tác giữa VNA và Salesforce, với 4 phân hệ chính, bao gồm phân hệ 1 là báo cáo thương mại, báo cáo phân tích quản trị; phân hệ 2 là báo cáo hỗ trợ lập kế hoạch thu bán và vận chuyển; phân hệ 3 là báo cáo hỗ trợ xây dựng, quản lý, triển khai và quản trị giá hàng hóa – bưu kiện và phân hệ 4 là báo cáo quản trị Bán và Marketing đến từng Salesman cũng như việc lập kế hoạch bán từ từng Salesman.
Trong đó, Ban TTHH đã đưa vào sử dụng phân hệ 1 và 2, áp dụng báo cáo thương mại, báo cáo phân tích quản trị, báo cáo hỗ trợ lập kế hoạch thu bán và vận chuyển. Riêng mảng báo cáo hỗ trợ xây dựng, quản lý, triển khai và quản trị hàng hoá đang được ban thử nghiệm. Còn phân hệ 4, dự kiến Ban sẽ triển khai trong năm 2022.
Trước đó, Salesforce B2C đã chính thức được VNA đưa vào hoạt động kể từ tháng 8/2020, giúp tích hợp và thu thập được khoảng 5 triệu hồ sơ khách hàng, bao gồm toàn bộ hội viên LS, khách đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Hãng và đặc biệt là toàn bộ các cán bộ nhân viên và người thân trong toàn TCT.
Từ đó, giúp VNA có thể cung cấp đến khách hàng những trải nghiệm xuyên suốt trong quá trình sử dụng dịch vụ của Hãng từ lúc tìm kiếm chuyến bay, mua vé, trước chuyến bay và sau khi kết thúc chuyến bay, quan tâm đến khách hàng vào những ngày lễ đặc biệt.
Đến nay, với mảng hàng hoá, hệ thống báo cáo thương mại, báo cáo quản trị và chương trình xây dựng, quản lý, triển khai giá cước hàng hóa của Saleforces được Ban TTHH kỳ vọng sẽ giảm thiểu được khối lượng công việc của đội ngũ nhân sự, tương lai sẽ giúp tiết kiệm đáng kể nhân lực.
Do các dữ liệu được cập nhật liên tục trên cùng một nền tảng, các báo cáo được đưa ra linh hoạt, tức thời, theo góc nhìn đa chiều, nên hệ thống cũng kỳ vọng sẽ giúp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cũng như lãnh đạo TCT có cái nhìn nhanh, tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh, giúp đưa ra quyết định kịp thời và hiệu quả hơn.
Việc ứng dụng hệ thống cũng sẽ giúp TCT nâng cao hiệu suất công việc, đặc biệt nó giúp đưa ra các quyết định tối ưu hơn về giá Ad-hoc cũng như nâng cao hơn việc quản trị Doanh thu (ước chừng hiệu quả đạt 1-2% Doanh thu sử dụng giá Ad-hoc, tương đương khoảng 15-30 tỷ VND/năm).
“Hệ thống báo cáo quản trị hàng hóa trên nền tảng của Salesforce được đưa vào sử dụng đã hòa chung vào hệ thống báo cáo của Tổng công ty và đang được sử dụng trong các buổi giao chuyên môn cũng như giao ban thương mại hàng hóa. Bên cạnh đó phần mềm lập kế hoạch hàng hóa bắt đầu được ứng dụng trong kỳ làm kế hoạch 2022, tạo sự kết nối liên thông giữa kế hoạch bán và kế hoạch vận chuyện, giảm bớt thao tác thủ công và sai sót do con người” – anh Nguyễn Trung Kiên – Phó trưởng Phòng TTHH.
“Việc thực hiện IT hóa các công đoạn nghiệp vụ dựa trên nền tảng Salesforce sẽ mang lại sự thuận tiện và trải nghiệm hoàn toàn mới đối với cán bộ và nhân viên của Ban TTHH, tôi hy vọng trong thời gian tới với các chương trình đã và đang được hoàn thiện, nâng cấp, chúng ta sẽ có được một hệ thống hoàn chỉnh, thực sự hữu ích góp phần làm tăng năng suất lao động của CBNV” – anh Đỗ Trung Hiếu – Trung tâm kiểm soát tải và ULD nhận định.
“Với việc triển khai hệ thống báo cáo quản trị đã giúp thống nhất được nguồn số liệu báo cáo và dùng chung cho tất cả các đơn vị, tạo được nhiều mặt cắt báo cáo phục vụ công tác chuyên môn cũng như tiết kiệm thời gian, nhân sự làm báo cáo” – Chị Lê Bích Liên – Phòng KHHH
Được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong công tác hàng hóa của Ban TTHH nói chung và của TCT nói riêng, việc triển khai hệ thống báo cáo quản trị cũng như các phần mềm ứng dụng trên nền tảng Salesforce đã giúp giải quyết được bài toán trong hàng chục năm qua mà Ban TTHH đã phải đối diện. Đó là không có một hệ thống báo cáo đồng bộ cũng như những công việc hàng ngày phải xử lý thủ công trên Word hoặc Excel, dẫn đến dễ gây ra sai sót và khó khăn trong quá trình quản lý đánh giá, ra quyết định.
Trong tương lai nếu một số module khác như Saleman, Quản trị Doanh thu hàng hóa được xây dựng và đưa vào sử dụng sẽ giúp nâng cao hiệu quả hơn nữa cho Ban TTHH.
Trong một buổi hội thảo về chủ đề chuyển đổi số, được VNA kết hợp cùng Tập đoàn Tư vấn & Kiểm toán Toàn cầu Ernst & Young, Ban lãnh đạo của TCT đã chỉ ra 4 hoạt động chuyển đổi số trọng tâm mà VNA đã và đang chú trọng, bao gồm Xây dựng Dự thảo đầu tiên về Tầm nhìn và Sứ mệnh CĐS với Tầm nhìn và 7 mục tiêu lớn của CĐS ở cấp độ Tổng công ty; liên tục xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên trách CĐS với Sơ đồ tổ chức của văn phòng chuyển đổi số đã được xây dựng và đề xuất; Hoạt động xây dựng văn hóa doanh nghiệp hỗ trợ CĐS liên tục và đặc biệt là xác định các sáng kiến CĐS trọng tâm ở cấp độ TCT nhằm xác định 6 sáng kiến chuyển đổi số trọng tâm tập trung vào hoạt động Quản trị nhân sự, E-office, Quản lý Chi phí-Hợp đồng- Lập kế hoạch, E-learning, Data warehouse, Báo cáo.
Hệ thống báo cáo thương mại, báo cáo quản trị, phần mềm lập kế hoạch thu bán, vận chuyển và chi phí hàng hóa, chương trình xây dựng, quản lý, triển khai giá cước hàng hóa nằm trong hoạt động trọng tâm thứ 4, và hứa hẹn sẽ là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của VNA nhanh, mạnh và hiệu quả hơn.