Tăng cường tuổi thọ cho xe nâng Trepel 70W với sáng kiến giảm tải áp lực cho xilanh module

Đứng trước tình trạng các xe nâng 7 tấn Trepel 70W có tần suất hư hỏng xi lanh module lớn, dẫn đến gián đoạn sản xuất và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhóm kỹ sư và thợ bậc cao của Trung tâm Bảo dưỡng sửa chữa trang thiết bị VIAGS (BDSC TTB) đã nghiên cứu, đưa ra sáng kiến điều chỉnh chế độ làm việc của các xilanh module nâng con lăn trên xe nâng 7 tấn Trepel 70W, giúp tăng cường tuổi thọ cho xe, ngăn ngừa rủi ro gây mất an toàn, gián đoạn sản xuất, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí sữa chữa lên đến cả tỷ đồng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Không ngừng cải tiến”

Để phục vụ công tác chất, dỡ hành lý, hàng hoá đối với chuyến bay thương mại và chuyến bay chở hàng sử dụng thiết bị chất xếp (Unit Load Devices, viết tắt: ULD) các công ty phục vụ mặt đất chủ yếu sử dụng các xe nâng hàng có tải trọng nâng hạ 7 tấn được thiết kế chế tạo có tự trọng rất lớn, thông thường khoảng trên 14 tấn.

Với khối lượng lớn, bánh xe di chuyển nhỏ, dạng bánh đặc, lại không có hệ thống giảm chấn nên tải trọng động và áp lực tải nhiệt tác động rất lớn đến độ bền của thiết bị. Chính vì thế các công ty phục vụ mặt đất thường bố trí xe nâng tập kết gần ống lồng, vị trí đỗ tàu bay để hạn chế quãng đường di chuyển.

Tuy nhiên trong điều kiện khai thác thực tế tại các cảng hàng không lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, do hạn chế về bãi đỗ dẫn đến các xe nâng phải di chuyển với quãng đường thường xuyên vượt khuyến cáo của hãng sản xuất. Thậm chí có thời điểm xe nâng phải di chuyển trên 5 km (cả đi và về) chỉ để phục vụ một chuyến bay hoặc nạp nhiên liệu cho thiết bị. Tổn hao của xe nâng khi di chuyển 5 km tương đương phục vụ 4-5 chuyến bay thân rộng như A350, B787.

Nhóm kỹ sư và thợ bậc cao BDSC TTB đã nghiên cứu, đưa ra sáng kiến điều chỉnh chế độ làm việc của các xilanh module nâng con lăn trên xe nâng 7 tấn Trepel 70W, giúp tăng cường tuổi thọ cho xe, ngăn ngừa rủi ro gây mất an toàn. (Ảnh: VIAGS).

Trung tâm SC&BD TTB đánh giá: “Khi di chuyển, áp suất hệ thống thuỷ lực chính của xe nâng hàng Trepel 70W lên đến 250 bar. Do thiết kế của nhà sản suất, các xilanh nâng module của hệ thống truyền tải các ULD trên sàn xe được nối trực tiếp vào hệ thống thuỷ lực chính của xe nên khi thiết bị di chuyển thì xi lanh module vẫn phải chịu áp suất 250 bar và cao hơn cả áp suất khi xi lanh module nâng hạ ULD. Tình trạng duy trì áp suất cao này dẫn đến các xi lanh module bị quá tải áp suất kéo dài.  

Việc duy trì liên tục quá tải áp suất dẫn đến hàng loạt các hiện tượng như nứt xi lanh, gãy pít tông, phá huỷ phớt của các xi lanh nâng module. Qua thống kê giai đoạn từ 2019 đến 2022, chi phí vật tư sửa chữa cho các xi lanh module cho các xe nâng Trepel tại riêng xưởng Nội Bài lên tới trên 900 triệu, không bao gồm công thay thế hoặc thời gian dừng phương tiện hoặc các nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn như tràn dầu thuỷ lực trên sân đỗ, xử lý khẩn cấp…”. Vì vậy, sáng kiến giảm tải áp lực cho xilanh module của nhóm kỹ sư, thợ bậc cao thuộc trung tâm SCBD TTB đã mang đến giải pháp nâng cao tính ổn định, an toàn trong quá trình khai thác.

“Giải pháp nhỏ – hiệu quả lớn”

Giải pháp thực hiện của nhóm đề tài là thiết kế lại cơ cấu làm việc module truyền tải ULD và điều chỉnh lại mạch thuỷ lực phần nâng hạ xilanh module để đạt 2 mục đích. Thứ nhất là chuyển nguyên tắc làm việc của xilanh module từ dạng tác dụng 2 chiều sang dạng visai để giảm tối đa áp suất cần thiết để xi lanh module hạ xuống. Thứ hai là sau khi chuyển nguyên lý làm việc dạng visai, thiết kế lại mạch thuỷ lực cô lập khoang trên xilanh với đường dầu chính và lúc này khoang trên xilanh luôn chỉ có áp suất nhỏ hơn 2 bar. Xử lý dứt điểm tình trạng khi di chuyển áp suất hệ thống chính tác động lên xi lanh module.

Việc giảm tải áp suất sẽ tăng độ bền xilanh module và đặc biệt giảm tối đa khả năng tràn dầu hoặc phải xử lý khẩn cấp đối với trang thiết bị do áp xuất tải max đã giảm từ 250 bar xuống chỉ còn 2 bar (giảm trên 120 lần). Kể cả trong trường hợp phớt xilanh Module bị hỏng, do áp suất nhỏ hơn 2 bar nên khoang trên xilanh có áp lực rất nhỏ vì thế chỉ gây rò rỉ nhẹ. Việc kiểm tra xe của người vận hành trước khi cho vào khai thác sẽ phát hiện và đưa xe vào sửa chữa kịp thời và không gây mất an toàn khai thác”.

Nhóm kỹ sư và thợ bậc cao BDSC TTB (từ phải qua) gồm: anh Trịnh Viết Tiến, anh Nguyễn Minh Tâm, anh Lưu Quang Hội, anh Vũ Đình Vinh và anh Ngô Tôn Quyền cùng anh chị em TT đã hoàn thành chỉnh sửa toàn bộ các xe nâng Trepel 7 tấn. (Ảnh: VIAGS).

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sáng kiến giảm tải áp lực cho xilanh module được đánh giá là phương án kỹ thuật đơn giản và không làm thay đổi kết cấu cơ bản của TTB, giúp giảm chi phí sửa chữa đồng thời tăng cường độ an toàn cho trang thiết bị khi khai thác. Tính năng khai thác thiết bị vẫn đáp ứng theo thiết kế của nhà sản xuất.

Hiện tại VIAGS đã hoàn thành chỉnh sửa toàn bộ các xe nâng Trepel 7 tấn. Qua quá trình đánh giá khai thác thực tế cho thấy phương án đã loại bỏ hiện tượng hỏng xilanh module nâng con lăn trong khai thác, giảm chi phí sửa chữa và đảm bảo chất lượng kỹ thuật, an toàn cho trang thiết bị trong quá trình phục vụ. Đây quả thực là một sáng kiến có hiệu quả lớn, không chỉ mang lại lợi ích cho VIAGS mà còn cho cả những khách hàng đáng quý của VNA.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.