IATA đã tổ chức hội nghị thường niên từ ngày 4-6/6 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm thảo luận các vấn đề của ngành Hàng không trong bối cảnh còn nhiều khó khăn của phía trước. Hội nghị năm nay do hãng hàng không Pegasus của Thổ Nhĩ Kỹ đăng cai tổ chức.
Hội nghị đã nghe trình bày tổng kết của IATA về ngành vận tải hàng không trong năm 2022, theo đó với hơn 32 triệu chuyến bay đã thực hiện trong năm 2022, tăng 25% so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn 31% so với trước đại dịch.
Trong năm 2022, các hãng hàng không trên toàn cầu đã có những cải thiện rất lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ mức thua lỗ toàn cầu 140 tỷ USD năm 2020 giảm chỉ còn hơn 40 tỷ USD năm 2021 và dự báo tổng số thua lỗ năm 2022 chỉ còn 3,6 tỷ USD.
Sự phục hồi là rất mạnh mẽ, tuy nhiên ngành hàng không vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn mang tính toàn cầu như: lạm phát tiếp tục tiếp diễn, chi phí nhiên liệu khó đoán định và sự thiếu hụt nhân công ngành hàng không ở một số khu vực.
Vấn đề an toàn hàng không là một trong những điểm sáng trong năm 2022, khi mà tỷ lệ tai nạn chỉ ở mức 2,1 triệu chuyến bay mới có 1 tai nạn. Thấp hơn rất nhiều so với mức 1 tai nạn trên 1,6 triệu chuyến bay năm 2021 và mức 1 tai nạn trên 1,4 triệu chuyến bay của trung bình 5 năm 2018-2022. Điều này cho thấy công tác an toàn đang ngày càng được cải thiện trên toàn hệ thống của IATA.
Dự báo cho năm 2023, IATA cho rằng các hãng hàng không sẽ phục vụ 4,35 tỷ lượt hành khách trong năm nay, gần mức cao kỷ lục của năm 2019. Tuy nhiên, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không dự kiến đạt 57,8 triệu tấn, thấp hơn khá nhiều so với mức 61,5 triệu tấn trong năm 2019.
IATA dự báo lợi nhuận hoạt động của ngành hàng không toàn cầu đạt 22,4 tỷ USD vào năm 2023, cao hơn gấp đôi so với lợi nhuận hoạt động 10,1 tỷ đô la ước tính cho năm 2022. Doanh thu của ngành hàng không được dự báo sẽ tăng lên 803 tỷ USD vào năm 2023, chỉ thấp hơn 35 tỷ USD so với mức kỷ lục được ghi nhận trước đại dịch Covid-19.
Ngoài các nội dung về dự báo ngành và cách thức giải quyết các thách thức, hội nghị năm nay thảo luận mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2050 của ngành. Theo đó IATA đặt mục tiêu “Net to Zero” giảm thiểu khí nhà kính về mức 0 vào năm 2050.
Tham dự hội nghị năm nay, đoàn công tác cấp cao của của VNA do Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa và Tổng giám đốc Lê Hồng Hà đã tham dự các phiên thảo luận của các diễn giả trong và ngoài ngành về các vấn đề, sự kiện ảnh hưởng đến sự phát triển, phục hồi của ngành hành không trong giai đoạn hậu Covid-19.
Song song với các Hội nghị chính thức IATA 2023, đoàn lãnh đạo cấp cao của VNA cũng có buổi họp với các thành viên của Liên minh hàng không SkyTeam. Theo đó, các hãng hàng không thành viên nhất trí thông qua các báo cáo quan trọng và đề xuất của Hội đồng Điều hành về kế hoạch triển khai các dự án trọng điểm, kế hoạch hoạt động, ngân sách trong giai đoạn tới và định hướng phát triển SkyTeam giai đoạn 2023-2027.
Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình làm việc, đoàn lãnh đạo VNA đã làm việc với các đối tác như: Singapore Airlines, Air France, China Airlines, All Nippon Airways, Boeing, Amadeus, Pratt & Whitney, AERCAP… nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác song phương. Đồng thời VNA và Turkish Airlines đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác liên danh (codeshare).
Hợp tác sẽ mang đến những lựa chọn chuyến bay linh hoạt, đa dạng hơn cho hành khách trên đường bay giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các khu vưc lân cận hai nước. Với thỏa thuận mới này sẽ góp phần quan trọng mở rộng mạng đường bay và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ của Vietnam Airlines và Turkish Airlines.