Nếu một lần có cơ hội đến xứ mộng mơ, sà vào những hàng bán bún bò dân dã ven đường, bạn sẽ được nghe câu nói vui rằng “Đối với người Huế, bún là một phần trong một lối sống kiểu Huế, là nghèo mà vẫn sang, vui rộn rã mà vẫn man mác buồn, ngoài mặt phẳng lặng mà trong lòng dậy sóng, không soi bóng mình trong gương mà soi bóng mình trong đôi mắt của người thương, bè bạn, xóm giềng…”. Như vậy là đã đủ hiểu những tô bún bò đã thật sự trở thành một mảnh ghép chẳng thể thiếu trên bản đồ ẩm thực cố đô, là hơi thở, là nhịp sống của người dân xứ Huế đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm nhưng vẫn luôn cố gắng giữ gìn trọn vẹn những nét tinh hoa của các bậc cha ông.
Ngược dòng thời gian quay về trăm năm trước, thủy tổ của nghề làm bún ở xứ Huế theo truyền tụng là O Bún. Khi ấy, O cùng nhiều người Đàng Ngoài khác theo chân chúa Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp và đến định cư tại vùng tháp Chăm cổ xưa đã đổ nát (sau này có tên là làng Cổ Tháp, nay thuộc huyện Hương Điền). Không giống người dân lúc bấy giờ chân chỉ với nghề canh tác làm ruộng, O Bún lại miệt mài sáng chế ra nghề làm bún.
Tuy nhiên, ông Trời trêu đùa, dạo ấy trong vùng bị mất mùa liên tiếp 3 năm. Có người nghi do thần linh quở phạt vì O Bún đã đem gạo là “hạt ngọc Trời” mà ngâm ủ nghiền nát ra để làm bún nên bắt O rời làng hoặc bỏ nghề. Không nỡ bỏ đi tâm huyết, O Bún quyết định rời làng. Năm người thanh niên khỏe mạnh nhất làng tình nguyện áp tải cối đá làm bún đến vùng đất mới. Cứ thế, đoàn người đi về hướng Đông ven theo sông Bồ cho đến khi người trai làng thứ năm khuỵ xuống với chiếc cối đá trên vai tại làng Vân Cù thì dừng chân. Tại đó, O Bún lập nghiệp và truyền nghề, cho ra đời sợi bún Huế trắng tròn mây mẩy nổi danh khắp vùng đến tận ngày nay.
Lúc đầu, người xứ Huế chỉ nấu bún ấy với giò heo và sau dần mới được cải biên, nâng tầm tại phiên chợ Tết Gia Lạc nhờ Định Viễn Công, hoàng tử thứ sáu của vua Gia Long. Ông đã phát động cuộc thi nấu bún giò heo với hai tiêu chí “thập toàn, ngũ đắc”. (Thập toàn là ngon lành, thơm tho, ngọt ngào, đậm đà, tinh khiết, bổ dưỡng, bắt mắt, giỏi chọn, rành nấu, khéo bày. Ngũ đắc là 5 yếu tố: Ai cũng biết được, mua được, ăn được, chế biến được, tìm được nguyên vật liệu ngay tại nơi ở). Tới sau này, khi người Pháp đến Huế, món súp thịt bò phương Tây đã ảnh hưởng rất lớn và làm cải biên món bún giò heo thành bún bò giò heo như ngày nay.
Theo thời gian, những tô bún bò huế nhỏ bé đã trở thành một phần không thể thiếu của ẩm thực cố đô rồi dần dà được nấu và yêu thích ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Việc đưa tô bún Huế nóng hổi, tỏa hương mắm ruốc cùng sả thơm nức, sóng sánh sắc cam quyến rũ của dầu điều, ớt chưng, màu nâu hồng của thịt bò, màu xanh của hành, mùi… là sự dụng công của Vietnam Airlines dành cho hành khách.
Trong không gian mát lành buổi sớm trên chuyến bay, khi mặt trời còn lấp ló sau những tầng mây, hãy vươn mình thật khoan khoái rồi hít hà thật sâu hương bún Huế thơm nồng, chầm chậm thưởng thức phong vị hòa quyện hoàn hảo giữa mặn ngọt chua cay, quả thực là một khởi đầu ngày mới hoàn hảo.
Bay cùng Vietnam Airlines trên đường bay Hà Nội – Sài Gòn, quý hành khách không chỉ đơn thuần được “ấm bụng” buổi sáng mà còn là một cơ hội chiêm nghiệm cả một quãng dài lịch sử với những “phong lưu rất mực” của vùng đất cố đô.