[30/4] Ngày này năm ấy: Đoàn bay 919 trong những ngày lịch sử tháng 4 năm 1975

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của KQNDVN, Đoàn bay 919 luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt  nhiệm vụ bay phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; luôn xác định rõ nhiệm vụ chính trị của mình trong công cuộc giữ vững an ninh chính trị của Tổ quốc.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuẩn bị lực lượng chi viện cho miền Nam

Ngay từ đầu năm 1975, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị, vào tháng Giêng năm 1975, cán bộ, chiến sĩ và phi công Đoàn bay 919 chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và phương tiện, để chi viện tối đa cho chiến trường miền Nam.

Trực chỉ huy sẵn sàng nhận và triển khai thực hiện nhiệm vụ tại E919 trong những ngày lịch sử tháng 4/1975. (Ảnh: ĐB).

Những ngày đầu năm 1975, sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) tấp nập như ngày hội của Lữ đoàn. Tất cả loại máy bay trực thăng MI-4, MI-6, MI-8 và máy bay có cánh cố định AN-2, LI-2, IL-14 và IAK-40 dồn dập vận chuyển quân, vũ khí, thuốc men từ sân bay Gia Lâm vào. Từ đó, quân đội dùng ô tô vận chuyển tiếp, vượt sông Bến Hải vào Đông Hà – đường 9, phân đi các chiến trường miền Nam. Sân bay lúc nào cũng mù mịt, bụi bốc lên bởi cánh quay của những chiếc trực thăng MI-6, mang trong bụng hàng chục tấn hàng. Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 919 đã phục vụ tận tình, chu đáo, an toàn ngày đêm trên sân bay Đồng Hới.

Tổ bay Li-2 trực chiến tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy 1975. (Ảnh: ĐB).

Tham gia chiến đấu, tiếp quản cơ sở vật chất tại các vùng mới giải phóng

Ngày 25/3, bộ đội ta giải phóng Huế. Ngay ngày hôm sau, một chiếc trực thăng MI-8 do tổ lái của đồng chí Nguyễn Như Chứng đã cất cánh từ sân bay Đồng Hới, chở các – đồng chí: Phùng Thế Tài – Phó Tổng tham mưu trưởng, đồng chí Lê Văn Tri – Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, đồng chí Nguyễn Hồng Nhị – Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân 371 và đồng chí Phạm Đình Cường, Lữ đoàn phó Lữ đoàn không quân vận tải 919, vào sân bay Phú Bài, Huế. Sau đó máy bay lại đưa đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tư lệnh Mặt trận miền Trung, ra Hà Nội báo cáo tình hình chiến trường với các đồng chí trong Bộ Chính trị. Nhờ những báo cáo trực tiếp từ chiến trường như vậy, Bộ Chính trị đã kịp thời nắm vững tình hình, chỉ đạo chặt chẽ từng bước của chiến dịch.

Máy bay vận tải quân sự E919 vận chuyển đạn dược, vũ khí… phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975. (Ảnh: ĐB).

Tổ bay IL-14 của đồng chí Vũ Quý Đĩnh bay thẳng từ Gia Lâm, đưa đồng chí Nguyễn Ái Đồng và Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 919, Ngô Đắc Thưởng vào sân bay Phù Cát. Ngày 29/3/1975, ta giải phóng thành phố Đà Nẵng, căn cứ quân sự liên hợp hải – lục – không quân lớn nhất của Mỹ – ngụy. Ngay lập tức từ sân bay Phú Bài (Huế), tổ bay MI-8 của đồng chí Nguyễn Như Chứng cất cánh kịp thời, chở các cán bộ của không quân, hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng. Tiếp sau đó, các tổ bay IL-14 và AN-24 chở các cán bộ của không quân vào bổ sung lực lượng tiếp quản sân bay Đà Nẵng. Lực lượng không quân đã được tổ chức thành một đơn vị kỹ thuật, tương đương cấp Trung đoàn, làm nhiệm vụ quản lý sân bay, khôi phục các hệ thống thông tin liên lạc, điện, nước, xăng dầu ở sân bay và trạm rađa dẫn đường ở bán đảo Sơn Trà.

Máy bay của Trung đoàn tham gia cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975. (Ảnh: ĐB).

Trước xu thế phát triển rất nhanh chóng của tình hình cách mạng miền Nam, ngày 31/3/1975, tư tưởng chỉ đạo tổ chức và chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh của Bộ Chính trị được phát đi: “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Cả nước bừng bừng khí thế ra trận. Các tuyến đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường không tấp nập; các đoàn tàu, ô tô, máy bay chở quân chở đạn, gạo, thuốc men… ra tiền tuyến.

Ngày 05/4/1975, máy bay vận tải AN-24 của tổ bay đồng chí Lê Văn Nha đã hạ cánh xuống sân bay Phú Bài. Hai ngày sau máy bay tiếp tục lên đường và đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Từ đó cầu hàng không dân dụng đã mở. Tuyến Hà Nội – Huế, Hà Nội – Đà Nẵng bay thẳng bằng máy bay IL-14, IL-18 và AN-24. Đơn vị trực thăng lấy sân bay Đồng Hới làm trạm tập kết trung chuyển, để từ đó bay tiếp vào Đà Nẵng. Từ đây, các chuyến bay lên các sân bay vừa giải phóng ở Tây Nguyên ngày một tăng.

Máy bay Mi-8 tại sân bay Đà Nẵng những ngày đầu tháng 4/1975. (Ảnh: ĐB).

Ngày 08/4/1975, phi công Nguyễn Thành Trung, phi công lái máy bay F-5 trong biên đội máy bay chiến đấu của ngụy quân Sài Gòn, đã mưu trí, dũng cảm, công kích ném bom dinh Độc lập – cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Sau đó phi công Nguyễn Thành Trung đã thoát ra khỏi vùng trời Sài Gòn, tìm đường hạ cánh xuống một sân bay ngoài vùng giải phóng.

Ngày 20/4/1975, chiếc máy bay IL-18 từ Hà Nội bay vào Đà Nẵng, chở các phi công tiêm kích: Từ Đế, Mai Xuân Vượng Phạm Ngọc Lan, Phạm Bổn, Nguyễn Văn Lục… và 6 thợ máy để huấn luyện chuyển loại, sử dụng máy bay A-37 thu được của địch, chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi giải phóng sân bay Phan Rang, quân ta đã tóm được Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi – Tư lệnh trưởng Quân đoàn 2 của địch và Chuẩn tướng Sang – Tư lệnh không quân ngụy ở Phan Rang. Lập tức cấp trên cử tổ bay AN-24 khẩn trương cất cánh đưa 2 viên tướng ngụy này ra Hà Nội, để Bộ Tổng tham mưu khai thác tình hình bố phòng của địch, chuẩn bị cho trận tổng tấn công cuối cùng giải phóng Sài Gòn.

Đêm ngày 28 và rạng sáng ngày 29/4/1975, không quân chính quyền Sài Gòn cho 2 đợt máy bay A-37 và F-5E từ Sài Gòn bay ra ném bom xuống đường băng và bãi để máy bay MI-6, AN-24 của Lữ đoàn 919, nhưng đều không trúng máy bay, chỉ làm bị thương một thợ máy và một chiến sĩ cảnh vệ canh gác máy bay tại sân bay Phan Rang.

Tổ bay AN-24 phục vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN Trần Nam Trung (1975). (Ảnh: ĐB).

Trong quá trình chuẩn bị và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, các máy bay vận tải của Lữ đoàn 919 đã thực hiện 163 chuyến bay, cơ động 4.250 cán bộ chiến sĩ, vận chuyển 120,7 tấn vũ khí, phương tiện kỹ thuật (trong đó có 48 tấn đạn pháo cho xe tăng), bản đồ thành phố Sài Gòn, nhiều cờ, biểu ngữ, truyền đơn, thuốc men…, đáp ứng cho nhu cầu cấp bách của chiến dịch.

Sáng ngày 30/4/1975, một buổi sáng trời quang mây và khí hậu oi ả, 5 cánh quân lớn của quân đội ta đồng loạt tiến vào Sài Gòn, cùng với quần chúng nổi dậy, giải phóng hoàn toàn thành phố. Vào lúc 11h30′, lá cờ cách mạng tung bay trước tòa nhà chính Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn toàn đại thắng. Bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, có một không hai trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.

Ngày 01/5/1975, chiếc máy bay trực thăng MI-6 do tổ bay của đồng chí Lê Đình Ký – chiếc máy bay đầu tiên sơn phủ hiệu Không quân nhân dân Việt Nam, hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đem theo một lá cờ Tổ quốc rất lớn để cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Một đoàn cán bộ kỹ thuật của Không quân, trong đó có các cán bộ kỹ thuật của Ban kỹ thuật Lữ đoàn 919 do đồng chí Nguyễn Văn Chung dẫn đầu, đã có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất, tiếp quản trung tâm kỹ thuật của hàng không dân dụng chính quyền Sài Gòn.

Chuyên cơ IL 18 phục vụ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, cùng đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta vào thành phố Sài Gòn, dự Lễ mừng chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 15/5/1975).

Ngày 15/5/1975, chiếc máy bay chuyên cơ IL-18, số hiệu VN-195 của Hàng không dân dụng Việt Nam do tổ bay của đồng chí Võ Quang Bốn, cất cánh từ sân bay Gia Lâm, bay thẳng đến sân bay Tân Sơn Nhất lần đầu tiên, đưa đồng chí Tôn Đức Thắng – người công nhân của nhà máy đóng tàu Ba Son năm nào kéo cờ phản chiến để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đạiđã hoạt động cách mạng bất chấp hy sinh, tù tội… nay là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cùng đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta vào thành phố Sài Gòn, dự Lễ mừng chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 03/6/1975, Quốc hội và Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã ra quyết định tuyên dương danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Binh chủng Không quân nhân dân Việt Nam. Với thành tích vẻ vang đó, chúng ta tự hào có sự đóng góp xứng đáng của cán bộ, chiến sĩ và phi công Lữ đoàn không quân vận tải 919 – Đoàn bay 919, Vietnam Airlines ngày hôm nay.

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của KQNDVN, Đoàn bay 919 luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt  nhiệm vụ bay phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; luôn xác định rõ nhiệm vụ chính trị của mình trong công cuộc giữ vững an ninh chính trị của Tổ quốc; chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiên phong xông pha khắp các châu lục, từ chiến trường Lybia, Ai Cập đến khói bụi núi lửa Châu Âu, bạo loạn ở Thái Lan, sóng thần ở Nhật Bản… và hàng trăm chuyến bay đưa đồng bào trên khắp thế giới trở về quê mẹ trong cơn đại dịch Sars năm 2003 và đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử thế giới. Lần gần đây nhất là chiến dịch sơ tán đồng bào về nước do ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ucraina. Từ những chuyến bay giải cứu, những chuyến bay phục vụ công tác an ninh quốc phòng, đội ngũ phi công Đoàn bay 919 luôn tự hào đã cùng các đồng nghiệp VNA xây dựng hình ảnh Hãng HKQG mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, nhân văn, hết mình phụng sự Tổ quốc, hết mình vì sự phát triển bền vững, an toàn, an ninh của cộng đồng, của xã hội.

TTNB Đoàn bay

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.