Trong bối cảnh mật độ chuyến bay dày đặc và điều kiện thời tiết phức tạp, thường bị ảnh hưởng của mưa dông, bão trong mùa hè, hội thảo tập trung vào việc áp dụng các “Biện pháp phòng ngừa, Kinh nghiệm thực tiễn và Cải tiến liên tục” để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách và phi hành đoàn.
Giới thiệu công cụ quản lý an toàn và thảo luận các biện pháp đề xuất
Tại hội thảo, đại diện Ban An toàn – Chất lượng của Vietnam Airlines trình bày các công cụ quản lý an toàn tiên tiến như Chương trình Đánh giá an toàn trên không (LOSA), Hệ thống Phân tích dữ liệu bay (FDM-AGS), và Hệ thống an toàn tổng thể (AQD) – Quản lý rủi ro thuộc lĩnh vực Khai thác bay. Các hệ thống này hỗ trợ phi công vận hành an toàn và hiệu quả hơn.
Hội thảo còn bàn về các biện pháp an toàn trong hoạt động khai thác hàng ngày, bao gồm liên hệ Quản lý Mối đe dọa và Sai sót (Threat and Error Management – TEM) với những nguy cơ tiềm ẩn từ hệ thống AGS và giới thiệu Mô hình Can thiệp (Intervention Model). Các thành viên tham gia hội thảo cùng thống nhất ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thảo luận trước chuyến bay để nhận diện các mối đe dọa, sai lỗi tiềm tàng, cùng với các biện pháp hạn chế, khắc phục và giảm thiểu rủi ro. Yếu tố thời tiết phức tạp trong mùa hè cũng được làm rõ để nâng cao cảnh giác và chuẩn bị phương án ứng phó phù hợp.
Chia sẻ phản hồi và đề cao cải tiến liên tục
Hội thảo là dịp để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong khai thác bay, đồng thời đánh giá, rút ra bài học quý giá. Ban An toàn – Chất lượng mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của phi công nhằm hoàn thiện hệ thống an toàn của Vietnam Airlines, cũng như điều chỉnh quy trình phù hợp với thực tiễn. Các hoạt động này còn giúp phi công hiểu rõ mục đích và cách vận hành của hoạt động đánh giá buồng lái, tạo môi trường làm việc khách quan, thoải mái hơn giữa tổ lái và các đánh giá viên.
Đại diện của Ban An toàn – Chất lượng cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục cải tiến chương trình LOSA, nâng cấp hệ thống FDM-AGS và AQD để đảm bảo hoạt động hiệu quả, chính xác. Đồng thời phát triển mô hình TEM & Intervention Model bằng việc tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức, tích hợp vào quy trình SOP và các lớp huấn luyện định kỳ cho đối tượng phi công.
Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ thúc đẩy phản hồi và cải tiến liên tục bằng việc thiết lập quy trình thu thập ý kiến hiệu quả, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, cập nhật quy trình phù hợp yêu cầu của nhà chức trách và thực tế khai thác. Bên cạnh đó là phân tích dữ liệu để dự báo xu hướng rủi ro, thiết lập các biện pháp phòng ngừa chủ động.
Ngoài ra, Ban An toàn Chất lượng sẽ tổ chức hội thảo tương tự tại TP.HCM trước cao điểm Hè 2025. Đồng thời, Ban sẽ nghiên cứu đa dạng hóa hình thức tổ chức nhằm truyền tải hiệu quả các chủ đề An toàn khai thác, qua đó mở rộng kiến thức và nâng cao nhận thức về an toàn bay.
Hội thảo “An toàn khai thác bay” không chỉ là diễn đàn trao đổi kiến thức, kinh nghiệm mà còn là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả các biện pháp an toàn, góp phần đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn trong năm 2025.