Tinh thần tự học của Hồ Chí Minh và tự học trong giai đoạn cách mạng công nghiệp

Nằm trong số 132 đảng viên tại Đảng bộ CNMB trực thuộc Đảng bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam, chúng tôi, các đảng viên Chi bộ Kế toán luôn nghiêm khắc với bản thân mình trong việc tự trau dồi đạo đức, tác phong, phương pháp làm việc sao cho có hiệu quả nhất đáp ứng tốt nhất cho quá trình sản xuất kinh doanh của đơn vị. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu về kiến thức và trình độ ngày càng cao. Để đáp ứng được nhu cầu ấy, con người cần phải không ngừng học tập. Trên thực tế ngày nay, khi mà trình độ công nghệ thông tin phát triển, có rất nhiều cách để chúng ta có thể học tập. 

Ngoài những kiến thức chuyên môn được đào tạo tại các trường lớp chính quy chúng ta có thể học từ các buổi đào tạo chuyên môn, từ các cuộc hội thảo, họp nhóm, đào tạo kỹ năng… do Công ty tổ chức, học qua đồng nghiệp, cán bộ phụ trách chuyên môn và chúng ta cũng có thể tự học. Nói về vấn đề tự học, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong cách học phải lấy tự học làm cốt”.

Tự học là quá trình lâu dài, tự học suốt đời, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, nỗ lực và để việc tự học đạt được thành công cần phải có kế hoạch, đồng thời phải kiên trì thực hiện đến cùng, không lùi bước trước mọi trở ngại. 

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời đấu tranh, là sự nghiệp cách mạng, là nỗi khát khao mãnh liệt cho nước mạnh dân giàu. Người luôn lấy mình làm tấm gương mẫu mực về thái độ học tập nghiêm túc, ý thức tự học thường trực, coi đó là nguồn gốc căn bản để nâng cao trình độ bản thân và ảnh hưởng lan tỏa tới người khác. 

Người quan niệm: “Tự học” là “tự động học tập”. “Tự động là không phải thụ động vào ai, là tự mình biết thực hành công việc theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú”, còn “Tự động học tập” có nghĩa là việc học tập do chính bản thân người học quyết định, người học tự giác, tự chủ không cần sự nhắc nhở, giao nhiệm vụ của người khác, tự mình nhận thấy nhu cầu của bản thân để rồi từ đó tiến hành việc tự học. Người quan niệm “học hỏi là vô cùng” và để có một trình độ hiểu biết uyên thâm thì nhất định phải tiến hành tự học, thông qua đó sự hiểu biết của người học ngày càng được nâng cao. Người còn cho rằng “học tập để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm”.

Hồ Chí Minh học mọi lúc, mọi nơi, trên hành trình 30 năm tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Người vừa lao động kiếm sống, vừa tự học, nhất là việc học ngoại ngữ. Không chỉ kiên trì mỗi ngày học thuộc mười từ vựng, mỗi ngày – trước khi thức dậy, Người còn viết những từ mới vào một mảnh giấy, dán vào chỗ hay nhìn thấy nhất, có khi viết lên cánh tay để khi vừa làm vừa nhẩm học và khi đi đường Người cũng nhẩm bài học. 

Với phương pháp học đến đâu, luyện tập và thực hành đến đó, học được chữ nào là tìm cách ghép câu để dùng ngay, cho nên sau một thời gian ngắn Người còn viết được báo và sách bằng tiếng nước ngoài.

alt text
alt text

Sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của 

chi bộ Kế toán. (Ảnh: CNMB).

Trong khoảng thời gian tìm đường cứu nước, Bác qua 28 đất nước, đi đến đâu Bác cũng học được tiếng nói nơi đấy, Bác viết và đọc thông thạo 8 thứ tiếng. Trên thực tế, Bác không có nhiều thời gian học trường lớp chính quy về chính trị nhưng Bác là một nhà chính trị kiệt xuất, chưa từng học ở trường dạy viết báo nhưng Bác là một nhà báo thiên tài, thời gian ở Pháp, Bác viết bài báo nổi tiếng nhất là “Bản án chế độ thực dân Pháp” được đăng trên một tờ báo Quốc tế cộng sản viết bằng tiếng Pháp.

Quá trình tự học của Bác còn thể hiện qua tập thơ bằng chữ Hán “Nhật ký trong tù”. Đối với Hồ Chí Minh, muốn tự học thành công phải có kế hoạch, phải sắp xếp thời gian học tập khoa học, phải bền bỉ kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sắp xếp thời gian và bài học… phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau, mà không xung đột với nhau”.  

Theo Hồ Chí Minh, trước hết người học phải biết “học ở sách vở”, ngoài ra “…có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày. Đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến”. Thứ nữa là học ở bạn bè, ở đồng nghiệp, “học lẫn nhau”. Học còn phải đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn là một nguyên tắc cơ bản theo quan điểm của Triết học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.  

Thành công lớn trong việc tự học của Hồ Chí Minh là nhờ tích lũy cho mình được vốn sống, kinh nghiệm phong phú trong thực tiễn đấu tranh, thực tiễn đời sống của nhân dân lao động thế giới. Những lời chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ của Bác đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. 

alt text

Đại hội Chi bộ kế toán. (Ảnh: CNMB).

Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII ngày 30/10/2016 về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, Đảng ta đã nhận diện biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của người đảng viên là: “Lười học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Cốt lõi của việc tự học là tự ý thức của bản thân, đồng thời trong quá trình tự học vấn đề quan trọng nhất là tự kiểm tra và đánh giá kết quả tự học. Bởi vì, nếu kiểm tra, đánh giá không đúng sẽ dẫn đến tình trạng ảo tưởng về năng lực hay tự ti, không tin tưởng vào khả năng tự học, tự nghiên cứu của mình. Cho nên, việc tự đánh giá còn giúp bản thân thấy rõ mặt ưu, khuyết điểm của mình, thấy rõ những nội dung cần phải bổ sung. Một lợi ích nữa từ việc tự học là giúp nhớ lâu kiến thức đã nghiên cứu học tập, còn giúp mình trở nên năng động, sáng tạo trong xử lý công việc và tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn, từ đó tiếp tục hoạt động tự học hiệu quả hơn.

Thấm nhuần giá trị quan trọng và thiết yếu của việc tự học từ Người, chúng tôi những CBNV, những đảng viên của Chi bộ Kế toán nói riêng và Đảng bộ Chi nhánh miền Bắc (CNMB) nói chung luôn luôn đề cao và nỗ lực phát huy tinh thần tự học của mỗi cá nhân để đáp ứng được đủ năng lực, đủ trình độ chuyên môn đáp ứng cho công tác chuyên môn tại vị trí mình đương nhiệm. 

Với đặc thù ngành nghề dịch vụ vận tải hàng không đang phát triển từng giờ, từng ngày với sức nóng cạnh tranh không chỉ ở thị trường nội địa mà còn là sự khốc liệt ở sân chơi quốc tế, đòi hỏi mỗi cá nhân luôn cần phải có nguồn năng lượng dồi dào, nguồn ý tưởng luôn tươi mới, nguồn kiến thức sâu rộng kịp thời đại.

VNA đang ngày một hoàn thiện hơn, để từ một cầu nối hàng không thành người bạn đồng hành chắp cánh cho các hành trình khám phá thế giới. Vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp du lịch là minh chứng cho tinh thần dám thay đổi để hướng tới thành công của VNA. 

VNA đã không ngừng hoàn thiện và nâng cấp chất lượng dịch vụ nhằm mang đến cho hành khách những trải nghiệm tuyệt vời nhất trên những chuyến bay. Đồng thời tiếp tục sứ mệnh gắn kết người dân Việt Nam đến với những thay đổi của thế giới. Với Việt Nam, VNA tập trung tạo ra những cơ hội mới cho đất nước, mở ra những chân trời mới cho hành khách, những cơ hội học tập và phát triển. Và với quốc tế, đó là mở ra cơ hội khám phá và trải nghiệm văn hóa, con người, đồng thời là hành trình tìm những mặt mới của bản thân.

Trong những năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt những thay đổi đáng tự hào của VNA. Lấy chất lượng dịch vụ làm cốt lõi phát triển trước những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, VNA liên tục đặt những dấu ấn về văn hóa lên hệ thống sản phẩm, dịch vụ. VNA – hãng hàng không Việt Nam duy nhất được chứng chỉ 4 sao đã gặt hái được những bước đầu thành công với tinh thần dám thay đổi. World travel Award – “Giải Oscar” của ngành công nghiệp du lịch đã gọi tên VNA 3 năm liên tiếp với hai giải thưởng danh giá: “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về hạng Phổ thông đặc biệt” và “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa” …

Đây là giải thưởng giá trị cho những doanh nghiệp dám tiên phong, thiết lập những tiêu chí cao hơn nữa trong ngành công nghiệp hàng không. Đây cũng là động lực để VNA tiếp tục cải thiện về sản phẩm, dịch vụ, con người… hướng tới hãng hàng không đẳng cấp 5 sao quốc tế. 

Để đạt được những thành quả đáng tự hào này không thể không nói đến tinh thần “tự học”, tự nâng cao chất lượng công việc của đội ngũ CBNV. Những sáng kiến hay, những ý tưởng táo bạo, những suy nghĩ tích cực dám nghĩ dám làm của tập thể VNA cũng là nguyên do từ việc “tự học”.

Nằm trong số 132 đảng viên tại Đảng bộ CNMB trực thuộc Đảng bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam chúng tôi, các đảng viên Chi bộ Kế toán luôn nghiêm khắc với bản thân mình trong việc tự trau dồi đạo đức, tác phong, phương pháp làm việc sao cho có hiệu quả nhất đáp ứng tốt nhất cho quá trình sản xuất kinh doanh của đơn vị. 

Mặc dù không trực tiếp tham gia vào công tác bán nhưng chúng tôi luôn nỗ lực hết mình hoàn thành công việc với mục đích đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu. Tham mưu cho Ban lãnh đạo những thông tư, quy định, cập nhật chính sách thuế, tài chính mới để đảm bảo công tác sản xuất kinh doanh vừa hiệu quả vừa đúng quy định của Nhà nước, tháo gỡ những vướng mắc gặp phải khi áp dụng chính sách tài chính cho phù hợp với sự phát triển như vũ bão của thương mại và kinh doanh điện tử.

alt text
Đội ngũ đảng viên năng động, nhiệt huyết chi bộ Kế toán. (Ảnh: CNMB).

Bước vào thời kỳ công nghệ 4.0 để bắt kịp xu thế phát triển chung của thế giới, cá nhân những kế toán viên như chúng tôi cũng không thể đứng một chỗ dập khuôn theo phương pháp cũ và lỗi thời. 

Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay đã giúp chúng tôi có thêm nhiều công cụ học tập như: học điện tử (e-learning), học trên điện thoại thông minh (mobile learning), học cộng tác/xã hội (social learning), học siêu ngắn (microlearning)… mà người học có thể tiếp cận nội dung học rất nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi và trên nhiều phương tiện, công cụ khác nhau (máy tính, máy tính bảng, điện thoại…). Thay vì trước đây khuyến khích học dài trong một thời gian ngắn, thì cách học mới đang khuyến khích học ngắn trong một thời gian dài và có tính duy trì liên tục (learning continuity).

Ngày nay, các cá nhân, tổ chức có điều kiện và cơ hội tự học lớn hơn nhiều so với sinh thời của Bác, với sự trợ giúp của công nghệ và khả năng tiếp cận kho tri thức trên mạng internet, thư viện ảo. 

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt. Những lời chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ của Người đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo của dân tộc ta. 

Tư tưởng và tinh thần tự học của Người mãi mãi tỏa sáng, soi rọi cho mỗi chúng ta phấn đấu, rèn luyện, tự vươn lên hoàn thiện bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng cần ghi sâu những lời dạy của Bác, noi theo Người về nghị lực học tập, rèn luyện để có đủ phẩm chất, đủ tài, đủ năng lực phục vụ cho vị trí công tác của mình, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Chi bộ Kế toán – Đảng bộ CNMB

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.