TCS ứng dụng chuyển đổi số doanh nghiệp

TCS luôn tự hào là một trong những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ khai thác hàng hóa hàng không. Để duy trì được vị thế này, TCS luôn theo đuổi những giải pháp để cung cấp dịch vụ phục vụ hàng hóa chuyên nghiệp với nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng. Trong đó, giải pháp phát triển công nghệ luôn được chú trọng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển của công nghệ số, các giải pháp về Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Chuỗi khối (Blockchain),Internet vạn vật (IoT) đang được các Chính phủ, các doanh nghiệp trên thế giới quan tâm nghiên cứu và đưa vào ứng dụng. Trong cuộc cách mạng này, chuyển đổi số thường được nhắc đến như một xu thế về công nghệ với sự tác động to lớn của nó lên các lĩnh vực của nền kinh tế – chính trị – xã hội.

Hiểu một cách đại thể thì chuyển đổi số (digital transformation) là quá trình sử dụng dữ liệu và các công nghệ số để thay đổi phương thức phát triển, thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống và cách làm việc của con người và tổ chức. (theo Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương).

Trong doanh nghiệp, chuyển đổi số là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và tạo ra các giá trị mới.

Theo Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyển đổi số gồm 03 giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp.

– Giai đoạn 2: Áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp.

– Giai đoạn 3: Chuyển đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh và mô hình quản trị.

alt text
Các doanh nghiệp chuyển đổi số sớm thường tận dụng được lợi thế cạnh tranh khác biệt – điều không thể tìm thấy ở lối vận hành truyền thống (Nguồn: ceta.vn)

Ở nước ta, tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị đã xác định “Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 về “Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đặc biệt, tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định “thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số” là một trong 06 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội.

Là một trong những Đảng bộ vinh dự đạt danh hiệu tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh trong nhiều năm liền, Đảng bộ TCS luôn nghiêm túc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của cấp trên.

Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 55-NQ/ĐUTCT về việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Tổng công ty Hàng Không Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Đảng ủy và Ban Lãnh đạo Công ty TCS xác định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu khách quan trong thời đại mới, do đó cần sớm hoạch định lộ trình, chiến lược phù hợp, tận dụng tối đa cơ hội để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đón đầu công nghệ, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Để thực hiện mục tiêu này, tại Hội nghị Đảng ủy TCS ngày 10/5/2021, đồng chí Bí thư Nguyễn Cao Cường đã chỉ đạo thành lập Tổ xây dựng đề án chuyển đổi số của Công ty với nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng của TCS liên quan đến vấn đề chuyển đổi số. Đồng thời, Đảng ủy đã thống nhất đưa nhiệm vụ chuyển đổi số vào danh mục các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo thực hiện.

TCS luôn tự hào là một trong những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ khai thác hàng hóa hàng không. Để duy trì được vị thế này, TCS luôn theo đuổi những giải pháp để cung cấp dịch vụ phục vụ hàng hóa chuyên nghiệp với nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng. Trong đó, giải pháp phát triển công nghệ luôn được chú trọng.

Ứng dụng công nghệ vào công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp, TCS hiện có các phần mềm hỗ trợ như: MIS – phần mềm quản trị doanh nghiệp; HRMS – phần mềm quản lý chấm công, nhân sự; DMS – phần mềm quản lý công văn, tài liệu; phần mềm quản lý người, phương tiện vào – ra Công ty; phần mềm quản lý kho văn phòng phẩm, thiết bị…

alt text
CS sử dụng phần mềm quản lý người vào – ra Công ty. (Ảnh: TCS).

Trong hoạt động cung ứng dịch vụ, khai thác hàng hóa, COSYS (Cargo Operations System) là phần mềm cốt lõi giúp TCS ghi nhận, xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin phục vụ hàng hóa được dễ dàng, thuận tiện. Bên cạnh đó, thay vì phải kiểm tra, đối chiếu và ghi nhận thông tin lô hàng theo hình thức truyền thống khi thực hiện thủ tục tiếp nhận, xếp dỡ hàng hóa, phát hàng như trước đây, nhân viên TCS nay có thể thao tác ngay trên thiết bị cầm tay PDA (Personal Digital Assistant), dữ liệu sau đó sẽ được truyền về hệ thống COSYS để quản lý chung. 

alt text
Nhân viên TCS sử dụng PDA trong phục vụ hàng hóa. (Ảnh: TCS).

Hiện nay, theo xu thế chuyển đổi sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, TCS đã áp dụng hình thức xuất hóa đơn này. Khách hàng có thể nhận hóa đơn nhanh chóng qua hộp thư điện tử hoặc truy cập vào website của TCS. Hình thức này giúp TCS tiết giảm các chi phí in ấn, phát hành, lưu trữ hóa đơn… đồng thời công tác tra cứu thông tin, xây dựng báo cáo cũng được thực hiện dễ dàng hơn.

Trong kinh doanh, khách hàng là người tạo ra lợi nhuận cũng như đem lại giá trị cho doanh nghiệp. Do đó, ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ hàng hóa, TCS cũng rất chú trọng vào công tác chăm sóc khách hàng. Trong đó, cổng thông tin website TCS – cầu nối giao tiếp quan trọng giữa TCS với khách hàng luôn được quan tâm, phát triển các tính năng và giao diện mới để tăng trải nghiệm, mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Trên cơ sở nền tảng này, TCS hiện đang nghiên cứu để phát triển giải pháp duyệt thủ tục giao – nhận hàng hóa online, giải pháp thanh toán online đối với hàng nhập khẩu. Khi các giải pháp này được đưa vào áp dụng, khách hàng có thể thực hiện các thủ tục liên quan mọi lúc, mọi nơi mà không cần có mặt trực tiếp tại TCS, tiết kiệm thời gian trong giao dịch. Đối với TCS, các giải pháp này góp phần giảm thiểu chi phí vận hành, nhân lực, tăng năng suất lao động của doanh nghiệp, đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao uy tín, chất lượng với khách hàng.

alt text
Website TCS – cầu nối giao tiếp quan trọng giữa TCS với khách hàng. (Ảnh: TCS).

Trong bối cảnh cả thế giới gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, các địa phương áp dụng Chỉ thị 16, thói quen sinh hoạt của người dân cũng như cách thức hoạt động của các doanh nghiệp đều phải thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh. Thực hiện Chỉ đạo của Tổng Công ty HKVN và Đảng ủy TCS, trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, TCS đã bố trí tối thiểu nhân viên làm việc trực tiếp tại Công ty. Nhờ thành thạo trong việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ thực hiện công việc từ xa, các nền tảng họp trực tuyến, thư điện tử… nên chất lượng công việc của các nhân viên không bị ảnh hưởng nhiều. 

Bên cạnh đó, với việc phát triển Chương trình đào tạo trực tuyến E-leaning, các khóa đào tạo của TCS vẫn được tổ chức thông suốt trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo thống kê, trong 07 tháng đầu năm 2021, có 232 lượt học viên TCS được đào tạo trực tuyến. Đây là một thành quả quan trọng, giúp TCS duy trì được lực lượng nhân sự có đầy đủ các chứng chỉ đào tạo để thực hiện công việc theo quy định của Cục hàng không Việt Nam.

Mặc dù lợi ích của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là rõ ràng và TCS đã có những thành quả quan trọng trong công tác chuyển đổi số, nhưng để bước tới giai đoạn 3 – giai đoạn chuyển đổi số hoàn toàn, TCS vẫn còn chặng đường dài phía trước với nhiều thuận lợi và thách thức đan xen. Tuy nhiên, với sự quan tâm và hỗ trợ của Ban thường vụ Đảng ủy TCT HKVN và hành động kịp thời của Đảng ủy Công ty, Đảng bộ TCS tin tưởng sẽ lãnh đạo Công ty sớm chuyển đổi số thành công, chung tay cùng cả nước sớm hoàn thành nhiệm vụ “chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số” theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã ban hành.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

2. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị.

3. Nghị quyết số 55-NQ/ĐUTCT về việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Tổng công ty Hàng Không Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

4. http://digital.business.gov.vn/tin-tuc-dinh-nghia-chuyen-doi-so-1433.html

5. http://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/chuyen-doi-so-voi-doanh-nghiep-viet-nam-trong-boi-canh-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-3112.4050.html

6. https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/thuc-day-manh-me-chuyen-doi-so-quoc-gia-580776.html

7. Tờ trình số 669/TTr-TCS-TCKT ngày 30/7/2021 của Phòng Tài chính Kế toán TCS về việc đánh giá giải pháp thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ hàng nhập trên website TCS.

Nguyễn Thị Hoàng Xuân – TCS

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.