Nhân diện các loại hình tội phạm mới phát triển qua mạng xã hội (kỳ 3)

Xã hội càng phát triển thì tội phạm càng trá hình dưới những hình thức tinh vi hơn, xuất hiện nhiều loại tội phạm lừa đảo công nghệ cao qua mạng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sử dụng mạng xã hội tiếp cận và lừa đảo tham gia sàn giao dịch tiền ảo, đa cấp, sàn giao dịch ngoại hối và sàn giao dịch nhị phân…

Xã hội càng phát triển thì tội phạm càng trá hình dưới những hình thức tinh vi hơn, xuất hiện nhiều loại tội phạm lừa đảo công nghệ cao qua mạng. Nóng nhất trong năm 2021 phải kể đến là đường dây giao dịch tiền ảo và hệ thống tài chính đa cấp vừa được Bộ Công An triệt phá thành công, giá trị thiệt hại của người chơi dính líu đến những đường dây này đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Loại tội phạm này đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đánh vào lòng tham và sự cả tin của nhiều cá nhân, biến họ trở thành những nhà đầu tư đa cấp hoặc thành viên của sàn giao dịch tiền ảo mà thực chất là những sòng bạc được điều khiển bởi chính những kẻ sáng lập hệ thống. 

Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia như: Gọi điện thoại tư vấn, gửi tin nhắn, đăng tin quảng bá, mời chào qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…), tổ chức các buổi hội thảo có quy mô lớn tại nhiều tỉnh thành trong và ngoài nước.

Để người dân tin tưởng tham gia đầu tư, các đối tượng giới thiệu đây là một hình thức đầu tư mới của thế giới, là các sàn ngoại hối, sàn giao dịch tiền ảo của nước ngoài, uy tín, an toàn và hứa hẹn lợi nhuận rất cao… khiến nhiều người dân lầm tưởng là hoạt động hợp pháp và đồng ý chuyển tiền tham gia kinh doanh.

Ban đầu chủ sàn thường cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản. Sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng, dẫn đến nhà đầu tư dần mất hết tiền trong tài khoản. Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn Forex (Sàn giao dịch ngoại hối)  mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua. 

alt text
 Việc giao dịch tiền ảo gắn với nhiều rủi ro, nguy cơ về lừa đảo tài sản, tội phạm rửa tiền… có xu hướng lan rộng. (Ảnh: Internet).

Cùng với đó, các sàn Forex được các đối tượng quản trị thiết kế với các chức năng can thiệp vào tài khoản của các khách hàng, người quản trị (Admin) có thể tự đặt lệnh vào tài khoản khách hàng, thay đổi số dư tiền trên tài khoản, can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, “đánh cháy” tài khoản của khách hàng (làm hết tiền trong tài khoản khách hàng). 

Đáng chú ý, nhà đầu tư trên sàn giao dịch Forex giả này thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng. Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an và nhà đầu tư không thể đi đòi tiền…

Qua đấu tranh xác minh của cơ quan điều tra, các sàn Forex này không có tính năng kết nối với các sàn Forex trên thế giới. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng rất tinh vi. Các đối tượng phạm tội này vừa có kiến thức về tài chính, vừa sử dụng công nghệ cao, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người chơi, hành lang pháp lý về Forex và tiền ảo chưa rõ ràng… Loại tội phạm công nghệ cao này không chỉ dừng lại ở việc gọi điện, nhắn tin chào mời nhà đầu tư. 

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng xôn xao trước việc một số nghệ sĩ Việt nổi tiếng đồng loạt đăng nội dung giống hệt nhau để quảng bá cho một số đồng tiền ảo. Các nội dung này giống tới tận hashtag, dấu câu, chỗ xuống dòng và đặc biệt còn cài cắm một đồng tiền ảo bất hợp pháp. Theo các chuyên gia, đây là chiêu quảng cáo lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường, hay còn gọi là chiêu “lùa gà”, tạo cơn sốt ảo để kiếm lời thông qua lượng người theo dõi đông đảo của các nghệ sĩ.

alt text
Trên các nền tảng mạng xã hội liên tục xuất hiện nhiều hotgirl tài chính. (Ảnh: Internet).

Chưa dừng lại ở đó, thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok liên tục xuất hiện nhiều hotgirl đăng bài “khoe mẽ” bên cạnh xe sang, đồ hiệu, check-in khu nghỉ dưỡng sang chảnh… và cho biết đây là thành công đạt được nhờ tham gia các sàn giao dịch nhị phân và mời gọi mọi người cùng đầu tư để nhanh đổi đời. 

Mô hình đa cấp nhị phân hoạt động theo hai cách chính là tuyển dụng người tham gia để hưởng hoa hồng hoặc “đầu tư”. Với hình thức đầu tư, người tham gia không mua tài sản mà chỉ đặt cược vào biến động của các loại tài sản như dầu, vàng, Bitcoin…

Có thể thấy, các “hotgirl tài chính” hoạt động theo hội nhóm chuyên nghiệp và đóng vai trò như người dẫn dắt (KOL – Key opinion leader) của các sàn, sử dụng tài khoản cá nhân và các hội nhóm trực tuyến để liên tục chiêu dụ người chơi mới. Cách thức thì vô cùng đa dạng: Từ ảnh khoe ngoại hình đính kèm hình ảnh giao dịch trên sàn, chia sẻ kiến thức tài chính, đến kể những câu chuyện đổi đời, đổi vận nhờ quyết định đầu tư vào sàn. Thậm chí, họ còn sáng tạo nội dung bắt trend trên TikTok để thu hút thêm đối tượng là các bạn trẻ.

Hoạt động của giới tội phạm trên các sàn giao dịch tiền ảo (Bitcoin,..), sàn giao dịch ngoại hối (Forex) diễn ra phức tạp và khó kiểm soát. Trong khi chúng tạo ra các sàn giao dịch giả để chiêu dụ và hút tiền của “những nhà đầu tư nhẹ dạ”, bản thân chủ sàn lại tham gia vào các sàn giao dịch tiền ảo và ngoại hối quốc tế.

Mục đích của việc giao dịch tiền ảo và Forex xuyên quốc gia của giới tội phạm không chỉ nhằm mục đích kiếm lời mà chúng sử dụng những hình thức đầu tư này trong âm mưu “ziczac hóa” các dòng tiền chiếm đoạt được bởi hành vi phạm tội thông qua các thiết chế tài chính trung gian, để xóa dấu vết tội phạm, cản trở hoạt động điều tra. Chúng thường sử dụng tiền ảo như một thứ công cụ hữu hiệu để hợp pháp hóa đồng tiền bất chính, hoặc chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Từ mạng xã hội, các đối tượng lôi kéo nhà đầu tư tham gia kinh doanh tiền ảo, trở thành một trong những mắt xích mua đi bán lại tiền ảo, vừa là nạn nhân lừa đảo công nghệ cao, vừa tiếp tay cho thủ đoạn “rửa tiền” xuyên quốc gia của giới tội phạm. Thông qua các hoạt động phi pháp, tội phạm có thể kiếm được một lượng “tiền bẩn” khổng lồ và phát sinh nhu cầu đưa chúng vào trong giao dịch tài chính một cách đàng hoàng, công khai. Bằng việc rửa tiền, khoản tiền bẩn đó được quay trở lại hệ thống tài chính với một “lý lịch sạch sẽ”. “Rửa tiền” bằng tiền ảo đã và đang gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh của mỗi quốc gia, phá vỡ sự ổn định, tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế.  

Buôn bán lan đột biến và dấu hiệu của lừa đảo đa cấp

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sự biến tướng ngày càng tinh vi, khó lường, diễn biến vô cùng phức tạp gây nhiều thiệt hại cho xã hội, làm mất an ninh trật tự tại địa phương.

Điển hình như việc đầu tư, kinh doanh lan đột biến đã tạo thành trào lưu trên mạng xã hội trong thời gian vừa qua, nhiều người nhìn từ bên ngoài tưởng việc kinh doanh này dễ kiếm lời nên bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí vay “tín dụng đen” để đầu tư. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động liên quan đến mua bán lan đột biến đang tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Bởi lẽ, giá trị được định giá tự do, không có căn cứ, là cơ hội cho hành vi thổi giá, gây hấp dẫn giả để dụ người chơi mới, kém hiểu biết tham gia. Các hoạt động mua bán, giao dịch lan đột biến diễn ra tự phát, không có kiểm soát từ cơ quan chức năng, có nguy cơ biến tướng thành hoạt động đa cấp. Do không có đảm bảo, chứng nhận hợp pháp về chất lượng lan đột biến nên dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp sau giao dịch.

alt text
Việc mua bán lan đột biến còn được thực hiện dưới hình thức kinh doanh lừa đảo đa cấp. (Ảnh: Internet).

Thực tế, cho đến thời điểm này lan đột biến chưa được cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một giống lan chính thức. Thủ đoạn lừa đảo thông qua mua bán lan đột biến phổ biến là, các đối tượng trong một nhóm thổi phồng giá trị của loại cây này, khi người mua tìm đến họ sẽ dẫn dụ để người mua đầu tư và sẵn sàng giới thiệu người mua lại (cũng là đối tượng trong nhóm) với giá cao hơn. Quá trình mua đi bán lại nhiều lần, đến khi giá đạt điểm mục tiêu, người nào không biết hoặc hám lợi chạy theo mua thì nhóm này rút, không mua lại nữa, hậu quả là người mua cuối cùng đã bỏ ra số tiền lớn để mua nhưng không bán được cho ai. 

Kế đến là việc mua bán lan đột biến còn được thực hiện dưới hình thức kinh doanh lừa đảo đa cấp, hình thức này được tiến hành trên các Fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội thay vì tổ chức các hội nghị đình đám, tập trung đông người. Những người kinh doanh Lan đột biến lôi kéo người tham gia qua trò chuyện trực tuyến, livestream trên mạng xã hội, họ lợi dụng sự thiếu hiểu biết nhẹ dạ, cả tin và đánh vào lòng tham, tâm lý muốn làm giàu nhanh của nhiều người. 

Các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi đã lôi kéo được nhiều thành phần  vào mạng lưới đa cấp phi pháp. Cộng đồng mạng cần cảnh giác với các loại hình buôn bán tương tự, sẽ không chỉ diễn ra ở mặt hàng lan đột biến mà nguy cơ còn xuất hiện ở những “hàng hóa đột biến” khác như: sinh vật cảnh, kim khí quý, đá quý, xương, cốt động vật quý ….dưới những hình thức biến tướng khôn lường. 

Hiện tượng lợi dụng mạng xã hội dàn cảnh để trốn thuế, “rửa tiền”…

Trong các giao dịch lan đột biến có giá trị từ hàng chục triệu đến hàng trăm tỷ được các nhà vườn livestream rầm rộ trên mạng xã hội vừa qua, lượng tiền mặt rất lớn được xếp chồng chất trong các giao dịch chính là những điểm đáng ngờ. Hiện nay, các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng lan đột biến diễn ra tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, nên dễ xuất hiện nguy cơ biến tướng hoặc lợi dụng để rửa tiền.

Dưới góc độ pháp lý, các giao dịch mua bán lan đột biến là quan hệ dân sự (về mua bán tài sản, hàng hóa), được thực hiện theo sự thỏa thuận và thống nhất giữa người bán và người mua. Nhà nước không ngăn cấm hoặc can thiệp “thái quá” vào các quan hệ này. Tuy nhiên, với những mức giá quá “phi thực tế” thì các giao dịch này đã thể hiện sự “bất thường”, không đảm bảo tính minh bạch và đã đặt ra nhiều vấn đề về mặt pháp lý.

Bên cạnh nguy cơ lừa đảo để kiếm lời trên lòng tham của một số người hám lợi thông qua các giao dịch mua bán lan đột biến đa cấp, các giao dịch “khác thường” này cũng tiềm ẩn nguy cơ của các hành vi trốn thuế và “rửa tiền”…Việc dựng lên các giao dịch mua bán lan đột biến với số tiền hàng chục, hàng trăm tỷ có thể là vở kịch do chính những kẻ trong cuộc diễn và đăng lên mạng xã hội.

Thực tế, một số giao dịch trăm tỷ mua bán lan đột biến hoàn toàn có thể là giao dịch ảo, không có thật. Mục đích của hội nhóm lừa đảo một phần để tạo ra cơn sốt lan đột biến nhằm tiếp tục hoạt động lừa đảo kiếm tiền, một phần khác giao dịch ảo này nhằm hợp thức hóa những khoản tiền thu nhập có nguồn gốc bất chính hay còn gọi là tội phạm “rửa tiền”. 

Hoàn toàn có khả năng, những khoản tiền khủng được gắn mác là thu nhập từ bán lan đột biến vốn dĩ là tiền kiếm được từ những hoạt động phi pháp, sau khi được “hô biến” trên mạng xã hội cùng với một giao dịch mua bán lan đột biến bỗng chốc trở thành tiền sạch, thậm chí còn tránh được các loại thuế do chỉ là giao dịch dân sự qua tay, không có hợp đồng. Trong các giao dịch này, mạng xã hội có thể đã được lợi dụng để bóp méo sự thật, tạo scandal cũng như hiệu ứng truyền thông nhằm mục đích “rửa tiền”. Từ đó, có thể thấy mức độ khôn lường của các loại hình tội phạm lấy mạng xã hội làm phương tiện để khuếch tán thông tin và lấy người sử dụng mạng làm “con mồi” đồng thời là người chứng kiến giao dịch hay chính là diễn viên quần chúng trong màn kịch hợp thức hóa dòng tiền.

Về góc độ quản lý Nhà nước, những thương vụ rất “khó tin” này có bản chất là hành vi kinh doanh không lành mạnh, đe dọa đến tính ổn định, cân bằng và sự phát triển lành mạnh của thị trường. Do đó, những vấn đề được đặt ra qua các vụ việc này đã không chỉ còn là câu chuyện riêng biệt của thị trường lan đột biến mà chúng có thể phát sinh và gây bất ổn thị trường đối với nhiều lĩnh vực hoặc loại hàng hóa khác (kim khí quý, đá quý, sinh vật cảnh, xương cốt động vật quý hiếm…). Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu và xây dựng được các hành lang pháp lý và các cơ chế quản lý đồng bộ và chặt chẽ, để có thể quản lý, giám sát và xử lý hiệu quả  đối với các vụ việc tương tự trong tương lai và đối với các lĩnh vực kinh doanh và các loại hàng hóa khác nữa, đặc biệt là hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh online trên mạng xã hội.

Chi bộ CN Vinh

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.