Một vài suy nghĩ về nghề tuyên giáo cơ sở

Có lẽ mỗi chúng ta ai khi bước vào nghề làm công tác tuyên giáo cũng đều trăn trở suy nghĩ là làm thế nào để làm tròn vai trong công tác tuyên giáo, để có câu trả lời cho câu hỏi này không hề đơn giản.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cán bộ tuyên giáo không chỉ viết sắc, nói sâu

Tôi bước vào ngành Hàng không từ năm 2010, vốn xuất thân từ nghề sư phạm, nên dường như khi bước vào ngành nghề mới mọi cái phải học từ đầu. Qua thời gian tiếp cận với công tác Đảng, được hướng dẫn học hỏi, rèn luyện trong các công việc của Văn phòng Đảng ủy TCT, tôi đã gắn bó với công tác tuyên giáo của Đảng. Vậy công tác tuyên giáo ở TCT HKVN cần phải làm những việc gì là một câu hỏi lớn đặt ra cho những người làm tuyên giáo. 

Theo tôi đó là các hoạt động tư tưởng của Đảng bao gồm việc xây dựng, phát triển, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chinh sách của Đảng, Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và người lao động. Bên cạnh đó là đảm bảo sự lãnh đạo vững chắc của Đảng đối với các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và khoa giáo; nắm bắt thông tin tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động của TCT, kịp thời tham mưu cho Đảng ủy, lãnh đạo TCT giải quyết những vấn đề nảy sinh.

Những ngày đầu bước chân vào nghề tuyên giáo, những câu hỏi như: “Đảng ta lãnh đạo bằng gì?”. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, nghị quyết, đường lối; bằng công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức cán bộ… Thế nhưng, làm thế nào để các chỉ thị, nghị quyết đến được với cán bộ, đảng viên và quần chúng người lao động để nó trở thành hiện thực, sinh động trong thực tiễn…có nghĩa là phải biến các loại văn bản trên thành hành động của tất cả các cấp ủy đảng trực thuộc chứ không chỉ nằm trên trang giấy.

Qua thời gian tôi nhận thức được rằng, cán bộ tuyên giáo không chỉ nói – viết mà còn cần phải đảm nhiệm tốt vai trò tham mưu, đề xuất, góp ý trên rất nhiều lĩnh vực. 

alt text
Cán bộ tuyên giáo không chỉ nói – viết mà còn cần phải đảm nhiệm tốt vai trò tham mưu, đề xuất, góp ý trên rất nhiều lĩnh vực. (Ảnh: TT).

Với cá nhân tôi và những người làm công tác tuyên giáo phải nắm bắt được tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, làm tốt công tác dự báo, nếu không dự báo, không tham mưu, không đưa được các ý kiến, đề xuất góp ý mới mẻ là thua cuộc.Vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực trau dồi từ công tác chuyên môn cho đến rèn rũa rất nhiều trong việc soạn thảo các văn bản, từ công văn, kế hoạch, quyết định, tờ trình, báo cáo…

Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số, trong một thế giới mà hình ảnh, video và âm nhạc đã thống trị gần như mọi khía cạnh của cuộc sống, nhưng những từ ngữ được viết ra vẫn có tác động hiệu quả, mạnh mẽ và sâu sắc đến hành vi của con người. Do đó, viết thế nào cho uyển chuyển, truyền tải thông điệp đến các đối tượng một cách hợp lý, khoa học luôn là đòi hỏi nghiêm khắc nhất với những người làm công tác tham mưu, công tác tư tưởng của Đảng.

Để viết cho sắc, cán bộ tuyên giáo ngoài kỹ thuật viết còn cần có kinh nghiệm, vốn kiến thức tương đối rộng, phông kiến thức đa dạng, đa ngành. Từ cách xây dựng đề cương bài viết đến việc lựa chọn chủ đề, viết cho đối tượng nào đã bộc lộ kỹ năng của người làm công tác tuyên giáo. Để làm tốt việc đó, người làm công tác tư tưởng đầu tiên phải tích cực học hỏi, từ nghiên cứu, đề xuất, tham gia thẩm định, hướng dẫn đến kiểm tra việc thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng ở nhiều cấp… Một trong những yêu cầu của công việc là phải xây dựng báo cáo, tổng hợp tình hình, mà phạm vi tổng hợp rất rộng và rất lớn, viết phải đủ, phải ngắn gọn và phải chính xác. 

Cán bộ tuyên giáo là… định hướng đúng, kiên định và linh hoạt

Làm cán bộ tuyên giáo là không ngừng rèn luyện, nâng cao khả năng tư duy tổng hợp, phân tích đánh giá, dự báo và kỹ năng đề xuất. 

Bên cạnh đó, người làm công tác tuyên giáo còn phải nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, phải am hiểu thực tiễn trên các lĩnh vực hoạt động thực tiễn của mình đồng thời nhạy bén với thông tin, biết phân tích, định hướng, sàng lọc. Có như vậy, mới đảm bảo yếu tố định hướng đúng và kiên định đường lối.

Vậy cán bộ tuyên giáo là gì? Ngoài những phẩm chất như bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường ổn định, đam mê nghề nghiệp, tôi trộm nghĩ: cán bộ tuyên giáo là “viết sắc, nói sâu, định hướng đúng, kiên định và linh hoạt”. 

Cán bộ tuyên giáo phải nói cái người ta cần nghe, cần biết vì bây giờ thông tin báo chí nhanh nhạy, mạng xã hội lan truyền quảng bá thông tin tốt – xấu cực kỳ nhanh chóng, thêm vào đó trình độ dân trí được nâng cao, nên việc kiểm tra thông tin rất dễ dàng, cán bộ nói không đúng định hướng, không sắc sảo, sẽ bị người nghe phản ứng tức thì. 

Có viết sắc, nói sâu mới đảm bảo “Viết sao cho lọt tai người, để người cùng khóc cùng cười với ta”. Bên cạnh kỹ năng soạn thảo, chuẩn bị văn bản và tham mưu, góp ý đề xuất vào các báo cáo, các chuyên đề, đề tài khoa học, cán bộ tuyên giáo trẻ còn phải trau dồi kỹ năng nói. 

Làm công tác chuyên môn nên chúng tôi hiểu, có những người viết rất tốt, nhưng khả năng trình bày trước đám đông đôi khi hạn chế bởi họ không “lợi khẩu”, không hoạt ngôn, nên việc trình bày các ý tưởng, các ý kiến trước nhiều người là khá khó khăn. Luôn học hỏi, phải tập nói chuyện, giao tiếp trước đám đông, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình nêu vấn đề, rèn luyện kỹ năng tự tạo động lực cho bản thân để vượt qua chính mình, chúng tôi thấy cần có kỹ năng quản lý thời gian khoa học để cố gắng hoàn thiện mình trong công việc.

Để chuẩn bị các bài nói chuyện tốt, kinh nghiệm đi trước của các bậc đàn anh là phải xác định chủ đề, xác định đối tượng người nghe để xây dựng đề cương; tiếp đó là xây dựng đề cương, soạn bài nói chuyện một cách cụ thể, khoa học. Đối với các buổi nói chuyện về tình hình thời sự, thì phải cập nhật thông tin mới gì liên quan đến chủ đề thời sự; đối với các buổi giảng nghị quyết chuyên đề phải triển khai các ý trọng tâm, từ đó mở rộng triển khai các ý cơ bản… Sau khi nắm vững các bước chuẩn bị cơ bản cho một buổi giảng nghị quyết, thông báo tình hình thời sự đến các đối tượng khác nhau như cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đảng viên, người lao động của TCT hay cơ quan đơn vị trực thuộc… chúng tôi dần bắt đầu mạnh dạn tham gia công tác tuyên truyền miệng.

Tuyên giáo là một công việc không dễ, tôi luôn được các thế hệ đi trước dạy bảo rằng: là cán bộ tuyên giáo phải thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, giữa nói và làm phải đi đôi với nhau, thường xuyên tự học, tự rèn luyện để từng bước trưởng thành. Để làm tròn trách nhiệm người làm nghề tuyên giáo đòi hỏi phải luôn nêu cao tư tưởng độc lập tự chủ, tích cực học tập rèn luyện bản thân, nhất là tư tưởng lý luận, năng lực hoạt động thực tiễn, phẩm chất đạo đức cách mạng. Có nói thế nào, cũng luôn phải đảm bảo đúng với nghị quyết, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Thời gian thấm thoát cũng chục năm có lẻ, đôi chút suy tư, vấn vương về nghề tuyên giáo, những trăn trở với nghề và mong luôn nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ, chia sẻ, góp ý của các đồng nghiệp để hoàn thành công việc được giao.

Hoàng Minh Phương  – COMM

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.