Ma trận MXH – nhận diện và ứng xử: Nhận diện các thủ đoạn tấn công (Kỳ 1)

Việc nhận diện các thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để tiến hành các hoạt động phá hoại tư tưởng, làm hỗn loạn ý thức hệ tôn giáo và “xâm lăng văn hóa” là hết sức cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Không gian mạng là “môi trường chung” của nhân loại đồng thời cũng là “lãnh thổ vô hình” của mỗi quốc gia mà trong đó vẫn xác định những giới hạn về luật lệ, phép tắc, văn hóa, đạo đức, truyền thống độc lập của mỗi đất nước, dân tộc trong quá trình tiếp nhận, phản ánh thông tin và bày tỏ quan điểm. 

Việc giữ vững trận địa trên không gian mạng, khai thác phục vụ tối ưu cho phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế mà vẫn đảm bảo ổn định chính trị – xã hội, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc trên “lãnh thổ đặc biệt” này chính là yêu cầu và đòi hòi cấp thiết trên mặt trận an ninh thông tin. Vì vậy, việc nhận diện các thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để tiến hành các hoạt động phá hoại tư tưởng, làm hỗn loạn ý thức hệ tôn giáo và “xâm lăng văn hóa” là hết sức cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Các hình thức phá hoại của các thế lực thù địch gần đây biến hóa, khó lường, có thể nhận diện những thủ đoạn điển hình. 

alt text
Các hình thức phá hoại của các thế lực thù địch gần đây biến hóa, khó lường. (Ảnh: CN Vinh).

Tạo lập và khuếch trương nhiều kênh truyền thông xã hội không chính thống nhằm mục đích chống phá về chính trị và gây mất ổn định xã hội

Trong vài năm trở lại đây, trên mạng Internet có nhiều kênh truyền thông xã hội không chính thống được thiết lập và phát triển. Phần lớn những kênh này thường được xây dựng trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook …. Thông qua những kênh truyền thông xảo biện này các thế lực thù địch âm mưu tiêm nhiễm những thông tin xấu, độc hòng phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Âm mưu xuyên tạc phủ định các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Cố ý phủ định giá trị lịch sử của dân tộc và những thành quả cách mạng; Tranh thủ xuyên tạc, bóp méo các sự kiện chính trị, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; Tìm mọi cách hạ bệ thần tượng; bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế- xã hội của chính quyền các cấp, các vụ phức tạp như Đồng Tâm (Hà Nội), ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra ở các tỉnh miền Trung, việc thảo luận dự luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, một số vụ án hình sự kéo dài như vụ “Hồ Duy Hải”; Lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường… để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch, không được kiểm chứng, suy diễn xuyên tạc, từ đó kết luận các chủ trương, chính sách là sai lầm và đòi xóa bỏ. Đồng thời, kích động dư luận, hình thành tâm lý phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ chế độ.

Những kênh truyền thông của các thế lực phản động được xây dựng dưới nhiều hình thức, hoạt động tương hỗ và câu kết với nhau tạo thành mạng lưới có sự kết nối cả trong và ngoài nước. Một số kênh được xây dựng trên nền tảng mạng xã hội phổ biến như Youtube dưới dạng Chương trình thời sự hàng ngày có “ban biên tập”, “phát thanh viên” và các “nhân vật phỏng vấn”… một số kênh khác hoạt động dưới dạng Kênh riêng của các Youtuber, Facebooker độc lập…Chiêu thức hoạt động của loại hình truyền thông chống phá này là nhằm vào những vấn đề chính trị, xã hội nóng hổi, có tính thu hút dư luận cao, xây dựng cắt ghép các Clip không đúng thực tế để lan truyền trên mạng xã hội. Từ đó, đưa ra những bình luận trái chiều, đánh giá tiêu cực… 

Một đặc điểm mới nhận diện của hệ thống “ngụy tuyên truyền viên” này là có mặt trong hầu hết các lĩnh vực, kể cả những người nổi tiếng có số lượng người theo dõi đông, hoặc là giới trí thức như luật sư, bác sĩ, nhà báo ….có trình độ học vấn cao và có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Với mặt nạ tinh vi ấy, các phần tử này đã thành lập và mở rộng các hội nhóm online, thu hút hàng chục nghìn người tham gia. 

Khi đã có lực lượng “Fan” hùng hậu, chúng bắt đầu tung ra các chiêu bài nhằm dẫn dụ và lợi dụng cộng đồng mạng trở thành lực lượng tung hô, ủng hộ cho các hoạt động và thông điệp truyền thông phản động, đi ngược lại chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó hòng làm mất ổn định xã hội, làm suy giảm lòng tin của người dân vào Đảng và Chính phủ và làm mất đoàn kết dân tộc.

Xã hội càng phát triển các hoạt động chống phá càng phức tạp, xuất hiện nhiều phương thức mới mà nếu không có sự cẩn trọng cần thiết thì cộng đồng mạng cũng rất dễ sa chân vào những cạm bẫy truyền thông mà các thế lực thù địch đã giăng sẵn trên mạng xã hội.

Điển hình là sự việc tung tin sai sự thật về đoàn cán bộ y tế, sinh viên y khoa tỉnh Hải Dương tăng cường tiếp sức cho Sài Gòn trong đợt dịch Covid-19 vào tháng 7/2021, là việc bóp méo hình ảnh của bộ đội Việt Nam cận kề với dân trong những thời khắc khó khăn của dịch bệnh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam từ tháng 8/2021 nhằm âm mưu chia rẽ tình đoàn kết giữa người dân TPHCM với nhân dân cả nước, giữa quân đội với nhân dân, nhằm phủ nhận tinh thần tất cả vì miền Nam yêu thương của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. 

Không chỉ có thế, những bài viết tuyên truyền chống phá sự ổn định về chính trị được biên tập ngày càng tinh vi, tìm kiếm sự ủng hộ, chia sẻ của một bộ phận cư dân mạng có kỹ năng đọc hời hợt, dễ dãi. Điển hình là câu chuyện được dựng lên từ một trang Facebook ảo mang danh “Bác sỹ Khoa”. Câu chuyện được đăng và chia sẻ trên mạng xã hội vào ngày 7/8/2021 nói về một bác sĩ đã tình nguyện rút máy thở của cha (mẹ) mình, hy sinh tính mạng của người thân bị nhiễm Covid-19 để nhường máy thở cứu sống một thai phụ. Thoạt nghe, câu chuyện có vẻ như chỉ là một tiếng lòng nhói đau trong nghịch cảnh giữa sự sống và cái chết giữa thời kỳ dịch bệnh hoành hành. Nhưng điều đáng nói ở đây là khi tìm hiểu ngọn nguồn thì toàn bộ thông tin từ nhân vật, sự kiện trong câu chuyện, đến trang cá nhân đăng bài đều là ảo, không tồn tại trên thực tế. 

Thông điệp đã được lan tỏa mang màu sắc u ám, nhằm mưu đồ hướng dư luận vào việc quy kết cho sự bất lực của chính quyền trong việc kiểm soát dịch bệnh, bộc lộ dã tâm truyền bá thông tin xấu độc đến đồng bào trong và ngoài nước, bóp méo những nỗ lực và kết quả phòng chống và kiểm soát dịch bệnh trong nước đồng thời âm mưu làm lung lay niềm tin của một bộ phận người dân có lập trường tư tưởng không vững vàng. Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp thông tin độc hại đã và đang nhân cơ hội được những kẻ xấu thẩm thấu, phát tán một cách tinh vi và thâm hiểm trong môi trường mạng.

Bản chất âm mưu của các thế lực thù địch là nhằm thúc đẩy nhanh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Để thực hiện dã tâm đó, các thế lực thù địch thúc đẩy “dân chủ hóa” trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời thực hiện “dân chủ hóa” trong truyền thông và xã hội. Chúng lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để tác động hướng lái truyền thông: truyền bá tư tưởng sai trái, vu cáo, xuyên tạc tình hình thực tế ở Việt Nam; kêu gọi tập hợp lực lượng, hình thành và công khai hóa tổ chức chính trị đối lập trá hình trên không gian mạng; lợi dụng các vấn đề nhạy cảm chính trị xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng để kích động cái gọi là “đấu tranh bất bạo động” ( biểu tình, gây bất ổn về an ninh, trật tự), tìm thời cơ tiến hành “cách mạng đường phố” tại Việt Nam…

Thực tế đã cho thấy không ít đối tượng có quan hệ khá mật thiết với tổ chức phản động nước ngoài; và khi những đối tượng xuất hiện trên các trang mạng cá nhân, lập tức được các trang tin hải ngoại dẫn lại và được các tổ chức phản động cổ xúy. Chúng sử dụng mạng để chia sẻ công cụ, cách thức, thủ đoạn phạm tội; phương thức lây nhiễm virus, phần mềm gián điệp… mượn môi trường mạng là “địa bàn” để tuyên truyền, tuyển lựa, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội. 

Mặt khác, lợi dụng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), các thế lực thù địch mạnh tay chi tài chính cho quảng cáo, đầu tư, tài trợ các chương trình để khống chế, dẫn dắt giới truyền thông hoạt động theo ý đồ của chúng, mưu đồ đưa truyền thông tách khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. 

Từ ngoài nước, một số tổ chức đẩy mạnh các hoạt động tài trợ, bồi dưỡng năng lực cho các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam nhằm tác động chuyển hóa và phát triển các kênh “phản biện xã hội”. Thông qua đây, họ tác động hình thành trong nội bộ các cơ quan, tổ chức chính trị; đặc biệt là các cơ quan dân cử xu hướng hoạt động “độc lập”, thậm chí “đối lập” với sự lãnh đạo của Đảng ta. Núp dưới chiêu trò “yêu nước”, “tự do ngôn luận”, “phản biện”… gần đây và sắp tới sẽ còn điên cuồng hơn, một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dùng mọi thủ đoạn tập trung kích động, lôi kéo tụ tập đông người, biểu tình trái phép, thậm chí có hành vi quá khích, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…Các đối tượng ở nước ngoài cấu kết với số đối tượng trong nước tìm cách hình thành, phát triển cái gọi là “xã hội dân sự” cùng các tổ chức, hội nhóm bất hợp pháp.

Chúng lợi dụng “các khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng, gây hoang mang dư luận, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân; kích động trào lưu “xét lại lịch sử”, “viết lại lịch sử”, phủ nhận lịch sử dân tộc; cổ xúy, tung hô các “giá trị” dân chủ phương Tây, phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang; kích động biểu tình, gây rối, thực hiện các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” hòng lật đổ chính quyền, tạo cớ kêu gọi các thế lực bên ngoài can thiệp vào nội bộ nước ta. 

Vì thế, cuộc đấu tranh tư tưởng trên mạng xã hội, hơn bao giờ hết, đang trở nên thực sự phức tạp và quyết liệt, thậm chí có ý nghĩa sinh tử và đầy thách thức.

“Đầu độc và xâm lăng văn hóa” qua mạng xã hội

Mạng xã hội phát triển dẫn đến nguy cơ xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng gia tăng. Mục tiêu “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch là tiêm nhiễm văn hóa xấu độc, làm xói mòn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời, từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang lĩnh vực chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị, phản bội lại Đảng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa. Đối tượng mà các thế lực thù địch hướng tới là cư dân mạng, trước hết là lớp trẻ đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách, bản lĩnh chưa vững vàng, còn ít kinh nghiệm sống.

Chúng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, chiêu trò thâm hiểm; đặc biệt là chiến thuật “tâm công” theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để đánh vào lòng người. Chúng lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá các sản phẩm văn hóa xấu độc, ngoại lai cùng những hành vi phản nhân văn, phi tiến bộ để tác động vào tâm lý, sở thích, kích thích những ham muốn vật chất tầm thường của mỗi người. Qua đó, từng bước làm thay đổi các thang giá trị xã hội, đạo đức, lối sống, làm cho một số người sao nhãng nghĩa vụ, trách nhiệm; khơi dậy bản năng thấp hèn, chạy theo lạc thú, lợi ích vật chất. Từ đó làm xuất hiện các trào lưu tuyên truyền, cổ vũ lối sống phương Tây như tôn thờ tự do cá nhân, lối sống thực dụng, văn hóa bạo lực… đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc.

Chúng tuyên truyền các giá trị văn hóa phương Tây; phủ nhận tính giai cấp, tính Đảng của văn hóa – văn nghệ và đòi tách lĩnh vực này ra khỏi đời sống chính trị – xã hội của đất nước. Đồng thời, đề cao chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội trong văn hóa – văn nghệ; hạ bệ những tác phẩm đỉnh cao chứa đựng sâu sắc tính nhân văn, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta,… tiến tới phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa – văn nghệ. Đặc biệt là, các thế lực thù địch còn dùng mọi thủ đoạn để kích động, lôi kéo, lung lạc đội ngũ nhà văn, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật; thực hiện âm mưu ly gián về nhân tâm, tư tưởng và chia rẽ về tổ chức, lôi kéo văn nghệ sĩ đi theo các trào lưu tư tưởng văn hóa phương Tây, đào sâu “tự do, dân chủ” trong sáng tác, thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập” để đối trọng với Hội Nhà văn Việt Nam… Thậm chí, họ còn dùng những tác phẩm văn học, nghệ thuật để tạo cớ gây áp lực đòi “nhân quyền”, kích động bạo lực và lối sống thực dụng, dung tục, hòng làm phai mờ những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam. 

alt text
Cuộc đấu tranh tư tưởng trên mạng xã hội, hơn bao giờ hết, đang trở nên thực sự phức tạp và quyết liệt, thậm chí có ý nghĩa sinh tử và đầy thách thức. (Ảnh: CN Vinh).

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu một số thành phần bất hảo bỗng chốc trở nên nổi tiếng, hái ra tiền nhờ làm Youtuber, Facebooker khi công khai “thành tích” tiền án, tiền sự liên quan hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép… Cá biệt, vài người trong số đó còn sở hữu lượng người theo dõi không thua kém nhiều ngôi sao giải trí nổi tiếng trong nước như Youtuber: “Khá bảnh”, “Huấn Hoa hồng”, “Tiến bịp”… Điều đáng nói, việc quay video và livestream về các chủ đề bạo lực, tội phạm dường như đang trở thành công việc hốt bạc của một số thành phần bất hảo trong xã hội. Đối chiếu từ những nội dung được các cá nhân, tổ chức này thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội, người xem không khỏi giật mình về các nội dung độc hại của chúng.

Điển hình của các sản phẩm văn hóa xấu, độc là dòng “nhạc tù”, phim, tiểu phẩm “xã hội đen” trên mạng xã hội cổ súy lối sống lầm lạc, bao biện hành vi phạm tội, đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan, không nhìn thẳng vào sự thật là nguồn gốc tội ác nảy sinh từ sai lầm chủ quan, từ lối sống bất chấp luật pháp, chuẩn mực xã hội. Với một bộ phận cư dân mạng trẻ tuổi, những bộ phim, bài hát ấy chẳng khác nào liều thuốc độc, ban đầu chỉ là để thỏa mãn sự hiếu kỳ, khác lạ, nhưng lâu dần sẽ là nguy cơ bị dẫn dắt, kích động sa vào con đường lầm lạc. 

Tính chất độc hại và tiêu cực của các sản phẩm này được minh chứng rất cụ thể qua hiện tượng thanh, thiếu niên phạm tội do tác động từ phim ảnh bạo lực đang có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam và trên thế giới. Cũng từ lý do ấy, giới tội phạm đang ngày càng đẩy mạnh khai thác ảnh hưởng của truyền thông trên mạng xã hội trong quá trình hoạt động. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, sự quan tâm của gia đình, trường học, sự thận trọng tỉnh táo của mỗi cá nhân khi tiếp xúc các nội dung đăng tải trên mạng xã hội.

Một hiện tượng khác khá phổ biến trên mạng xã hội trong thời gian gần đây là việc tung tin giả, lợi dụng mạng xã hội để công kích cá nhân, bình luận phản cảm bằng những tài khoản ảo, Nick ẩn danh, ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị văn hóa của cộng đồng. Một số vụ việc trên mạng xã hội thu hút số lượng rất lớn người quan tâm, theo dõi, hình thành tâm lý đám đông, áp lực dư luận, có thể tạo ra các giá trị lệch lạc hay khuynh hướng phức tạp trong văn hóa ứng xử.

Tổ chức và mở rộng các hội nhóm sinh hoạt tôn giáo không chính thống mang tính chất tà đạo thông qua mạng xã hội

Ở Việt Nam, những năm qua, một số loại tà đạo thường xuất hiện và phát triển mạnh không chỉ ở vùng nông thôn, vùng sâu xa, mà một số hiện tượng tôn giáo mới không chính thống còn thu hút được lượng không nhỏ người dân thành phố thậm chí cả một số khu vực có dân trí cao, người có học vấn, trình độ tin theo. Việc tuyên truyền, phát triển tôn giáo mang tính chất tà đạo đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, gây tâm lý bức xúc, hoang mang trong một bộ phận quần chúng và tín đồ các tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, truyền bá những đức tin phản khoa học, phản văn hóa và chuẩn mực chung về đạo đức, lối sống. 

Ở một số nơi, số đối tượng cầm đầu các tà đạo còn vu cáo chính quyền vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tìm cách khoét sâu hoặc phóng đại những hạn chế, thiếu sót của chính quyền và cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; vu cáo Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền; kích động tư tưởng ly khai, tạo cớ cho bên ngoài can thiệp, chống phá Nhà nước Việt Nam. 

Nguy hiểm hơn, nhờ tính ảo của mạng xã hội mà nhiều tổ chức truyền giáo đã thực hiện truyền đạo trái phép, kết nối những tổ chức tà đạo trong nước và ngoài nước, mở rộng mạng lưới, kết nạp thành viên. Việc truyền bá và tổ chức các hoạt động truyền đạo, sinh hoạt tôn giáo trái phép được thực hiện trên mạng xã hội khó quản lý hơn việc truyền đạo trực tiếp do không cần phải có địa điểm cụ thể, khó xác định được danh tính những người tham gia, phạm vi liên kết có thể rất rộng và khó kiểm soát. Các tổ chức tà đạo có thể được điều hành từ ngoài nước thông qua mạng xã hội, người theo tà đạo thậm chí càng có lòng tin mù quáng hơn khi cho rằng hoạt động của tôn giáo ấy mang tính toàn cầu, được quốc tế thừa nhận, có hệ thống tổ chức quy mô, có tầm ảnh hưởng rộng lớn. 

Xã hội càng phát triển thì loại hình quấy phá về hệ tư tưởng, phá hoại sự ổn định và hòa hợp của các tôn giáo chính thống lại càng trở nên tinh vi, phức tạp và khó nhận diện. Nhiều hiện tượng tôn giáo mới chưa được thừa nhận trá hình dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, điển hình là Pháp Luân công và Hội thánh đức chúa trời mẹ…. Những nhóm này mang tính lai tạp giữa một số tôn giáo khác nhau, như: Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian hoặc Thiên chúa giáo và Đạo Tin Lành… Dù thuộc nhóm nào thì đặc điểm chung của các tà đạo này luôn tự coi mình là một tổ chức tôn giáo; giáo lý của họ chỉ là sự vay mượn hay chính xác hơn là xuyên tạc, bóp méo giáo lý của các tôn giáo khác theo hướng mê tín dị đoan để phục vụ cho ý đồ của những kẻ cầm đầu; giáo lý, lễ nghi của các tà đạo thường không có hệ thống và hoàn chỉnh như tôn giáo truyền thống, hàm chứa yếu tố mê tín, có màu sắc chính trị.

Một trong số những hiện tượng tôn giáo không chính thống hiện nay là Pháp Luân Công xâm nhập trái phép vào Việt Nam từ năm 2000, lấy việc truyền đạo qua các tài liệu online, Website và mạng xã hội là một trong những phương tiện để mở rộng địa bàn hoạt động và gia tăng thành viên. Những người theo Pháp Luân Công còn lập ra nhiều trang Web, Facebook, các nhóm trên mạng xã hội; rải tờ rơi, phát tán tài liệu tuyên truyền về Pháp Luân Công để quảng bá và thu hút các đệ tử.

Lợi dụng một số tác dụng của khí công đến thể chất và sức khỏe của người tập luyện, Pháp Luân Công tranh thủ truyền bá nhiều tư tưởng mê tín dị đoan, phản khoa học. Mặc dù những kẻ truyền đạo luôn cho rằng, tuyên truyền là để thu hút đệ tử tập luyện nâng cao trí tuệ, sức khỏe nhưng thực chất là tán phát tài liệu trái phép, kích động, gây rối trật tự công cộng, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần cảnh giác, nhìn nhận rõ chân tướng và vạch trần âm mưu, thủ đoạn hoạt động trên mạng xã hội của những đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động chống Đảng, Nhà nước gây mất ổn định chính trị.

Chi bộ CN Vinh

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.