Những viên gạch đầu tiên
Một ngày cuối tháng 2 năm 1956, Ông Phạm Công Kế (Lớp Kỹ thuật máy bay đầu tiên năm 1956 tại Trung Quốc) được gọi lên, gặp mặt Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Hàng không Đặng Tính để nhận nhiệm vụ tuyệt mật. Đó là lên đường đi “tầm sư học đạo” về kỹ thuật máy bay để phục vụ cách mạng, xây dựng quân đội. Trước đó, ông cha ta chỉ biết tới máy bay của giặc trên trời, ngày ngày bay qua đánh phá, chứ chưa ai được lại gần một chiếc máy bay hoàn chỉnh. Háo hức lắm, và cũng rất hồi hộp!
Ngày hôm sau, đoàn học viên gồm 44 học sinh và 4 đồng chí phiên dịch, “tay nải tay bị” đi xe lửa sang Trung Quốc. Để đảm bảo bí mật tuyệt đối cho toàn bộ kế hoạch, đoàn chia nhau ra, ngồi trong 2 chiếc ô tô tải mui bịt kín trên đường từ sân bay Gia Lâm đến ga Hàng Cỏ, rồi từ đó đi Bắc Kinh, và di chuyển tới Đông Bắc Trung Quốc học tập.
Cả lái máy bay và thợ máy đều học máy bay TU-2, loại máy bay oanh tạc do Liên Xô chế tạo và sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hỏa lực mạnh, mang được 4.000kg bom, 2 khẩu pháo 37mm, 1 khẩu đại liên 12,7mm. Được các thầy giáo hướng dẫn tận tình, đoàn nhanh chóng tiếp thu được kiến thức mới. Tháng 8/1957, số thợ máy thi tốt nghiệp, được cấp bằng tốt nghiệp cấp sư đoàn trở về nước và được phân công phục vụ bảo đảm kỹ thuật các loại máy bay IL-14, Li-2, AN-2, Mi-4. Những học viên tốt nghiệp khóa học lái máy bay đều được chuyển loại sang lái máy bay IL-14, Li-2, AN-2, Mi-4, sau này là IL-18, TU-134.
Sau đoàn ông Kế đi vài tháng là đoàn đi Liên Xô học lái máy bay tại Trường Không quân Balashov. Tất cả các đoàn học ở Trung Quốc và Liên Xô đầu năm 1959 đều trở về nước, tham gia thành lập Trung đoàn Không quân vận tải 919 vào ngày 1/5/1959 (nay là Đoàn bay 919). Đây là những viên gạch đầu tiên để xây dựng lực lượng Không quân Hàng không Việt Nam.
Ký ức về chuyến bay đón Bác Hồ
Sau khi được thành lập, Trung đoàn Không quân vận tải 919 đã thể hiện xuất sắc vai trò quan trọng của lực lượng Không quân Hàng không Việt Nam trong suốt những tháng năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho đất nước. Cũng trong những năm tháng hào hùng đó, Trung đoàn đã vinh dự được thực hiện nhiều chuyến bay đưa đón các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Một trong số đó là sự kiện đặc biệt, vô cùng đáng nhớ với ông Đặng Đình Ninh – nguyên Trưởng ban Cơ vụ đầu tiên của Hàng không Việt Nam.
9 giờ tối ngày 13/6/1957, ông Ninh được gọi lên sở chỉ huy sân bay Gia Lâm. Tại đây, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Đặng Tính hỏi khá cặn kẽ về tình trạng kỹ thuật những chiếc máy bay do ông phụ trách và giao cho ông nhiệm vụ đưa một cán bộ cao cấp vào Vinh và Đồng Hới. Ông cũng được yêu cầu phải kiểm tra thật kỹ tình trạng của máy bay, thay xăng dầu mới, bay thử và tổ chức canh gác cẩn thận trước khi bay.
Dù đã thực hiện rất nhiều chuyến bay chở các cán bộ cấp cao từ Gia Lâm vào Vinh và Đồng Hới, nhưng chưa lần nào ông Ninh được dặn dò kỹ lưỡng đến vậy. Trong lòng ông khi ấy đã khấp khởi một linh tính: Có lẽ chuyến bay này, ông được chở Bác đi công tác.
Cả ngày hôm sau, Ban Cơ vụ làm việc hết mình, kiểm tra tình trạng máy bay theo nội dung chuyên cơ đặc biệt. Tới đêm, khi nằm trải bạt dưới cánh máy bay để canh giữ, anh em phi công, tổ cơ vụ đều không sao ngủ được. Ấy thế nhưng sáng hôm sau, Tổ bay nhận được thông tin Bác đã đi ô tô vào Vinh từ trước. Tổ bay sẽ vào sau, đưa Bác đi Đồng Hới.
Sáng ngày 16, tổ lái ra sân bay thật sớm, kiểm tra kỹ, rồi bay thử một vòng. Còn hơn một tiếng nữa mới làm nhiệm vụ mà anh em ai cũng bồn chồn, mắt đều hướng ra phía cổng sân bay. Khi nhìn thấy chiếc xe commancar mui trần từ từ tiến vào đường băng, mọi người reo lên mừng rỡ: “Bác Hồ! Bác đến! Bác đến!”
Sau 45 phút bay, tổ bay đã đưa Bác đến Đồng Hới. Ngày hôm đó, ông Ninh vẫn còn nhớ như in, chỉ một lúc sau khi máy bay lượn vòng quanh thị xã để Bác nhìn quang cảnh bên dưới, đôi mắt Người đã lại đăm chiêu, dõi về phương Nam, nơi đồng bào đang “chìm trong lửa bỏng”.
Máy bay hạ cánh, Bác đến thẳng sân vận động để nói chuyện với đồng bào. Tối hôm đó, Người làm việc với Tỉnh ủy Quảng Bình và gặp các cán bộ lão thành.
Theo kế hoạch, 7 giờ sáng hôm sau, đoàn bay sẽ đưa Bác về Hà Nội nhưng từ chập tối, tất cả đứng ngồi không yên. Bên khí tượng thông báo khoảng 8 giờ sáng hôm sau sẽ có giông xuất hiện trên dọc đường bay từ Đồng Hới ra Hà Nội. Cuối cùng, chuyến bay được chuyển lịch xuất phát từ 5 giờ.
4 giờ 30 phút, khi ông Ninh cùng anh em vừa kiểm tra xong máy bay thì ô tô đưa Bác đến. Người vẫy anh em tới ngồi xuống ngay vạt cỏ gần máy bay, hỏi thăm từng người.
Sau 1 giờ 40 phút bay, chuyến bay đã an toàn đáp xuống sân bay Gia Lâm. Hai ngày sau, tổ bay được đón sang Phủ Chủ tịch. Tại đây, Bác dành hẳn một giờ để tiếp các thành viên của tổ bay, như một phần thưởng vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Quanh chiếc bàn kê trong vườn, Bác hỏi chuyện từng người, động viên mọi người cố gắng học tập, công tác tốt.
Ông Ninh vẫn còn nhớ lời dặn của Bác: “Bây giờ nước ta còn nghèo, chưa có nền khoa học hiện đại, các chú phải cố gắng học tập để làm chủ kỹ thuật, phục vụ cho một ngành hàng không tiên tiến…”
Lời Bác dạy đã trở thành nguồn động viên, nhắc nhở, mệnh lệnh, và là mục tiêu để những thế hệ đầu tiên cũng như lớp kế cận của Trung Đoàn không quân vận tải 919 và Hàng không Việt Nam vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.
Những cánh bay trong niềm vui thống nhất non sông
Xuyên suốt hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Đoàn bay 919 vừa là chứng nhân lịch sử, vừa là một phần của lịch sử khi trực tiếp tham gia chiến đấu và đóng góp một phần xương máu vào cuộc cách mạng giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong ngày Bắc – Nam về chung một nhà, những cánh bay tự hào ấy lại tiếp tục sải cánh, bay trong niềm vui thống nhất.
Vào tuần đầu tháng 5/1975, Đại tá Võ Quang Bốn – Phi công Lữ đoàn 919 (là tên gọi sau này của Trung đoàn Không quân vận tải 919, và tiền thân của Đoàn bay 919) nhận lệnh chuẩn bị cho chuyến bay quan trọng. Toàn bộ tổ lái khi đó phải “cấm trại”, chờ lệnh lên đường. Mọi công tác chuẩn bị cho chuyến bay được hoàn tất, sẵn sàng đưa các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước như Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng cùng nhiều đồng chí trong Bộ chính trị… tất cả 40 người vào Sài Gòn dự lễ mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Máy bay phục vụ đoàn là chiếc IL-18 do Liên Xô chế tạo, mang số hiệu VN-195. Tổ lái vô cùng vinh dự khi được thực hiện chuyến bay đặc biệt này và cũng thấy trách nhiệm hết sức nặng nề. Nhưng tất cả quyết tâm sẽ tiến hành chuyến bay một cách tốt đẹp. Đến giờ khởi hành, anh em xếp hàng ngay ngắn tại chân cầu thang máy bay, đón chào đoàn đại biểu. Tất cả đều bình dị, chất phác, nhưng không giấu được nét mặt rạng ngời trước chiến công lớn lao của dân tộc.
Đoàn đại biểu bắt tay từng thành viên của tổ lái, chúc cho chuyến bay tốt đẹp. Đúng 9 giờ 15 phút ngày 3/5/1975, chuyến bay lịch sử cất cánh từ sân bay Gia Lâm vào Sài Gòn. Đúng 11 giờ 45 phút, chiếc “chuyên cơ đặc biệt” hạ cánh an toàn. Đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương cục miền Nam; đồng chí Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cùng nhiều cán bộ đón đoàn ngay tại chân cầu thang máy bay, trong niềm hân hoan xúc động.
TTNB Đoàn bay