Nguyễn Bá Vương, kỹ sư máy bay thuộc thế hệ trẻ của ngành Kỹ thuật Vietnam Airlines, trúng tuyển vào Ban Kỹ thuật ngày 01/12/2016. Thấm thoắt đã 08 năm trôi qua, nay anh đã trở thành “người hướng dẫn” cho những kỹ sư trẻ mới được tuyển về Ban Kỹ thuật sau thời đại dịch Covid 2019. Ngày 13 tháng 9 năm 2024, Nguyễn Bá Vương được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 2016, ngay khi được đầu quân cho đội ngũ quản lý Chương trình Bảo dưỡng và Kế hoạch Bảo dưỡng máy bay của Ban Kỹ thuật, Nguyễn Bá Vương lập tức bắt tay vào học chuyển loại chuyên biệt về loại tàu bay, nghiên cứu các quy trình công việc, cách thức thiết lập một bộ Chương trình Bảo dưỡng máy đảm bảo đáp ứng với các tài liệu của Nhà Chế tạo, cấu hình thực tế của loại tàu bay cũng như yêu cầu của Cục Hàng không và điều kiện thực tế khai thác – bảo dưỡng của Vietnam Airlines (VNA).
Tài liệu và việc tuân thủ quy định an toàn – chất lượng bảo dưỡng kỹ thuật máy bay là những “đề bài” vô cùng mới mẻ với một kỹ sư máy bay mới ra trường, Việc theo dõi thông tin, dữ liệu và sự kiện trong quá trình khai thác-bảo dưỡng máy bay để vận dụng xuyên suốt quá trình bảo dưỡng thực tế tại cơ sở bảo dưỡng được phê chuẩn (AMO) tại VAECO hay cơ sở của các đối tác quốc tế lại còn là những câu chuyện “hết ngày dài lại đến đêm thâu” – chàng kỹ sư trẻ tâm sự.
Có lẽ do sức trẻ hoặc mối nhân duyên đặc biệt với tàu bay, chàng kỹ sư Nguyễn Bá Vương được phân công phụ trách đội A321 của Vietnam Airlines khi đội máy bay này đang dần “cứng tuổi”.
Nguyễn Bá Vương chia sẻ: “Cân bằng tốc độ “có tuổi” của tàu bay với việc cống hiến sức trẻ, bọn em coi đó là trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp ạ”. Vừa hăng hái chia sẻ, vừa “khoe” với chúng tôi tờ quyết định trở thành Đảng viên (dự bị) của mình, Bá Vương nói tiếp: “Đây cũng là khát khao, là động lực để em và các bạn trẻ đang ra sức phấn đấu, các anh ạ”.
Đội tàu bay A321 của Vietnam Airlines đang có số lượng nhiều nhất trong đội bay của Hãng với nhiều cấu hình kỹ thuật, cấu hình ghế khách và cấu hình trang thiết bị phục vụ hành khách khác nhau. “Độ tuổi”, đường bay, màu sơn Logo cũng khác nhau nhiều. Bởi vậy, công tác xây dựng, liên tục cải tiến phù hợp đối với Chương trình và Kế hoạch Bảo dưỡng Máy bay đối với đội bay vô cùng phức tạp, đặc biệt việc giảm TAT bảo dưỡng cho đội tàu A321 phải được ưu tiên trong năm 2024.
“Theo em, chủ để luôn nóng và luôn mới là lắng nghe được, nhận được các phản hồi từ thực tế bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp thiết bị và phương pháp bảo dưỡng trên thực tế mỗi tàu bay sau mỗi kỳ, mỗi đợt, mỗi năm khai thác là tài sản “sự nghiệp” lớn nhất với em để đánh giá, phân tích các diễn biến xu hướng “tin cậy” của máy bay và các hệ thống liên quan, từ đó, bọn em sẽ đề xuất các giải pháp chủ động hơn, kịp thời hơn trước các diễn biến “có tuối” của máy bay dù là sản xuất tại phương Tây nhưng khai thác tại môi trường Việt Nam rất đặc thù ạ” – Bá Vương chia sẻ.
Bên cạnh các nhiệm vụ “giữ tốt, dùng bền” kể trên, “tiết kiệm” là chủ đề đang được lan tỏa mạnh mẽ đến các lớp trẻ. Đảng viên trẻ Nguyễn Bá Vương cũng không nằm ngoài xu thế đó. Nỗi trăn trở trong suy nghĩ của Bá Vương là làm sao cùng các công đoạn khác trong hệ thống kỹ thuật tìm hiểu mọi ngọn ngành, các góc cạnh của quy trình tổ chức công việc, nội dung bảo dưỡng phù hợp nhất, công tác điều hành năng động và linh hoạt hơn nữa. Mục tiêu của anh và đồng nghiệp là tăng cường năng lực khai thác, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Vietnam Airlines.
“Em đã đến tận từng phòng ban và tổ đội liên quan của VAECO để lắng nghe, trao đổi với các anh ấy xem thực tế ta đã có thể tiến thêm được bao nhiêu bước nữa cùng hệ quản trị của nhà khai thác nhắm nhặt nhạnh từng giờ từng phút có thể tranh thủ, phối hợp, gom công, ghép việc sao cho máy bay có thể hoàn thành bảo dưỡng sớm hơn, tốt hơn nữa trong điều kiện vẫn còn khó khan đây đó trong hệ thống cung ứng vật tư toàn cầu sau cơn đại hổng thủy Covid 2019” – Bá Vương chia sẻ đầy tâm huyết.
Sau hàng loạt các hội họp, báo cáo, đánh giá rà soát, Bá Vương cũng đã xây dựng mẫu được một dạng thức cải tiến công tác xây dựng nội dung gói công việc bảo dưỡng phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh, từng trạng thái kỹ thuật của máy bay, đề xuất lên lãnh đạo ngành kỹ thuật một số giải pháp đưa vào thử nghiệm để “cân-đong-đo-đếm” tiếp tục cải tiến.
“Bạn có thể lý giải tại sao một ngày chỉ có 24 giờ, trong đó ít nhất 8h đã phải dành cho tái tạo sức lao động của bản thân và gia đình, con cái. Vậy bạn làm gì với số thời gian còn lại cho bao nhiêu việc vậy?”, chúng tôi phỏng vấn Nguyễn Bá Vương.
“Dạ, báo cáo các anh, không có cách nào khác ngoài vận dụng thật tốt “Time Management” đối với bản thân và công việc ạ. Đối với công việc ngoài 2 việc lớn kể trên, em còn tham gia nhiều dự án khác phối hợp với các phòng ban khác như tham gia bán/trả tàu bay, nhất là gần đi em được lãnh đạo phòng tin tương cử tham gia chỉnh sửa, viết lại, nâng cấp bộ Tài liệu Điều hành Bảo dưỡng (MME/SOP) cùng các anh ạ. Đây cũng là việc quan trọng đồng thời phải cải tiến không chỉ cho hôm nay, mà còn cho cải kỷ nguyên tới, khi cả dân tộc cùng “vươn mình” trong đó có Vietnam Airlines mình ạ”, Bá Vương trả lời đầy nhiệt huyết.
Đối với bản thân, ngoài thời gian cho công việc chuyên môn, Bá Vương còn tích cực tham dự các chuyến về nguồn do Chi bộ Ban Kỹ thuật tổ chức và đi du lịch vào giai đoạn thấp điểm khai thác để tái tạo sức lao động, hiểu thêm về truyền thống đáng tự hào của dân tộc và khám phá thêm các vùng đất trên đất nước Việt Nam mình.
Chúng tôi nhận thấy chính mình cũng đang được đảng viên trẻ Nguyễn Bá Vương lan tỏa, truyền tải lòng nhiệt huyết, đam mê, sáng tạo và thái độ đầy cảm kích tích cực đối với công việc của hệ thống kỹ thuật Vietnam Airlines. Chúng tôi tin tưởng và luôn động viên, khích lệ, hỗ trợ các lớp trẻ, đảng viên trẻ có nhiều sức sống mới, năng lượng mới cùng hướng tới các chân trời mới với Đảng, với dân tộc và với Vietnam Airlines.
Chúc mừng đồng chí Vương. Cảm ơn đồng chí Huy về bài viết rất sinh động