[Búa Liềm Vàng 2024] Phòng chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với công tác bảo vệ chính trị nội bộ

VNA xin đăng tải bài dự thi Giải Búa Liềm Vàng 2024 của tác giả Vũ Lệ Thúy – Bí thư chi bộ Liên đội Tiếp viên 5, Đoàn Tiếp viên, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ là một bộ phận trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng; là những hoạt động nhằm bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức, đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong những năm tiếp theo, đất nước ta đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ nhưng cũng còn những khó khăn, thách thức, công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác bảo vệ chính trị nội bộ nói riêng đứng trước nhiều yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn, cần có những giải pháp trọng tâm để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của Đảng. Yêu cầu khách quan phải tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

Hợp tác và hội nhập quốc tế vẫn luôn là xu thế lâu dài của các quốc gia, khu vực trên thế giới. Bên cạnh những mặt tích cực, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp và đa chiều. Các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá cách mạng, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn là mục tiêu quan trọng mà chúng nhằm vào với mức độ ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn.

Mặt khác, tình hình chính trị nội bộ Đảng hiện nay, bên cạnh những thuận lợi cơ bản còn tồn tại những vấn đề trực tiếp hoặc gián tiếp có nguy cơ suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thực tiễn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu đối với công tác bảo vệ chính trị nội bộ như sau:

Một là, công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, trong đó gắn nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ với tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của BCH Trung ương (khóa XIII); trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm uy tín, vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Hai là, công tác phòng ngừa các vấn đề chính trị nội bộ, nhất là chính trị hiện nay phải được chú trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục, đặt trong tổng thể các mặt của công tác bảo vệ chính trị nội bộ, lấy phòng ngừa, ngăn chặn, triệt tiêu các nguy cơ từ gốc là nhiệm vụ cơ bản.

Ba là, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong bảo vệ chính trị nội bộ. Chủ động nhận diện, phân loại đối tượng, hóa giải từ sớm, từ xa, xác định chiến lược, sách lược, nội dung, hình thức và phương pháp đấu tranh phù hợp với yêu cầu chính trị và tình hình thực tế.

Bốn là, thực hiện tốt công tác rà soát, thẩm tra, xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên với phương châm “không được để lọt vào cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy những người không đủ tiêu chuẩn chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, vi phạm những điều đảng viên không được làm”.

Năm là, tăng cường quản lý CBNV tham gia mạng xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh sử dụng các phương thức tuyên truyền, đối thoại, cảm hóa, thuyết phục, làm tốt công tác định hướng dư luận, có trọng tâm, trọng điểm.

Kết quả là Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng Hàng không Việt Nam thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được Đảng uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt được một số kết quả quan trọng, từng bước đi vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của đơn vị, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu.

Góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

Cấp uỷ các cấp thường xuyên quán triệt các văn bản quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm tra, giám sát và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, như: Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị về “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”; Hướng dẫn số 01-HD/BTCTW, ngày 05/8/2022 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện Quy định số 58 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, Kết luận số 21-KL/TW hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng lần thứ XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị…

Đây là cơ sở quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, tự soi, thúc đẩy việc tự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức cách mạng, giúp các cấp ủy nâng cao trách nhiệm, ý thức cảnh giác, khả năng nhận diện những vấn đề chính trị hiện nay, góp phần hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên.

Công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên được Đảng uỷ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, thận trọng, kỹ lưỡng, đúng quy định để phục vụ công tác cán bộ.

Đảng uỷ đã chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CBNV, làm tốt công tác quản lý CBNV khi tham gia sử dụng các trang mạng xã hội, tăng khả năng nhận diện, “tự đề kháng” với các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ của các thế lực thù địch, phản động.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được thực hiện nghiêm túc, trong đơn vị không có CBNV nào có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đẩy mạnh việc thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ ngay ở cơ sở.

Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng, tăng cường. Giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp trong nội bộ, đơn thư khiếu nại, tố cáo. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ chính trị nội bộ còn những hạn chế, bất cập. Nhận thức, ý thức và trách nhiệm về yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới của một số cán bộ còn chưa đầy đủ.

Công tác nắm tình hình, cập nhật thông tin về chính trị nội bộ, nhất là vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên còn có lúc chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ với cơ quan chức năng còn chưa thường xuyên. Công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước của một số cấp ủy có lúc chưa đầy đủ, kịp thời.

Từ đây, Đảng bộ đã đề ra một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm:

Một là: Tiếp tục quán triệt và nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cấp ủy các cấp và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đơn vị về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Cần nhận thức rõ: Bảo vệ chính trị nội bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó quan trọng và thường xuyên nhất là các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy.

Hai là: Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, sự đồng thuận trong nội bộ. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Bồi dưỡng, nâng cao tinh thần, đạo đức cách mạng, đề cao cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch. Phát hiện, đấu tranh với các hoạt động phá hoại tư tưởng chính trị, các hành vi vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng, các dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”, cá nhân chủ nghĩa, tư bản thân hữu. Tôn trọng, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng Đảng thật sự trọng sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Giữ gìn đạo đức, lối sống, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên là những yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, Tổ quốc.

Ba là: Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch đến chính trị nội bộ. Duy trì thường xuyên các hoạt động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ tư tưởng chính trị của Đảng. Làm tốt công tác định hướng tư tưởng và dư luận xã hội cho CBNV.

Bốn là: Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác rà soát, thẩm định, thẩm tra, xác minh và kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đối với nhân sự tham gia cấp ủy, lãnh đạo và CBNV làm việc ở các bộ phận, vị trí trọng yếu. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy, chỉ huy những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng nhưng không bỏ sót những cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín trong đơn vị.

Quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên ra nước ngoài và có yếu tố nước ngoài. Thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn và cung cấp trao đổi thông tin với tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Kịp thời ngăn chặn các hoạt động móc nối, cài cắm của các thế lực thù địch vào nội bộ và các hành vi lộ, lọt bí mật của Đảng, Nhà nước.

Năm là: Chú trọng công tác nắm tình hình tại cơ sở, kết hợp làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, nghiệp vụ về bảo vệ chính trị nội bộ. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành địa phương và làm tốt công tác vận động nhân dân, các tầng lớp xã hội tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước.

Cảnh giác, phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề chính trị nội bộ, các cán bộ, đảng viên không bảo đảm đủ tiêu chuẩn chính trị.

Sáu là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Thường xuyên rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước. Kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, không để lộ, lọt thông tin, tài liệu bí mật Nhà nước.

Bảy là:  Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đảng và bảo vệ chính trị nội bộ.

Đồng thời, thường xuyên quán triệt các văn bản của Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, như Chỉ thị số 39-CT/TW, Kết luận số 72-KL/TW… Thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, nhất là công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ. Có cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ để họ có năng lực, trình độ nghiệp vụ cao hơn, tiếp tục phấn đấu, cống hiến; phát hiện, mở rộng các phương pháp, mô hình làm việc khoa học, hiệu quả.

Thời gian tới trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Hàng không Việt Nam thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và sự lãnh đạo, chỉ đạo Đảng uỷ cấp trên, cấp uỷ các cấp trong Đảng bộ tiếp tục thực hiện tốt cônh tác bảo vệ chính trị nội bộ gắn với phòng, chống “tự diễn biến”, “ tự chuyến hoá” trong nội bộ, góp phần vào sứ mệnh vẻ vang bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ trong giai đoạn mới./.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.