Bộ quy tắc ứng xử trên MXH và vai trò tiên phong của CQDN nhà nước và cán bộ đảng viên (kỳ 5)

Trước thực trạng hoạt động trên mạng xã hội có xu hướng ngày càng phức tạp trong thời gian gần đây, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và truyền thông có Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm làm lành mạnh môi trường thông tin trên không gian mạng tại Việt Nam, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi tổ chức, cá nhân theo đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ Quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng xã hội an toàn, lành mạnh tại Việt Nam góp phần truyền tải thông điệp, năng lượng tích cực cho người dùng và giúp mỗi người tham gia mạng xã hội hiểu được sự cần thiết phải thay đổi thói quen và văn hóa ứng xử trên môi trường mạng xã hội, trở thành “công dân số” biết tôn trọng người khác và có trách nhiệm trong kỷ nguyên số. 

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội điều chỉnh các hành vi, tính chất, đối tượng tham gia mạng xã hội với các nhóm: Quy tắc ứng xử chung; Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. 

Quy tắc ứng xử chung mang tính chất bao quát, áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng bao gồm: Quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật, Quy tắc Lành mạnh, Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin, Quy tắc Trách nhiệm. 

Đối với mỗi nhóm đối tượng khác nhau, những quy tắc chung được cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm và đặt ra yêu cầu tương ứng. 4 quy tắc của Bộ Quy tắc này thể hiện rõ tính tiến bộ, nhân văn và phù hợp thực tiễn của xã hội Việt Nam. Các quy tắc rõ ràng, dễ hiểu đã tạo ra một “hành lang” phù hợp để người sử dụng thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của mình nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân, tích cực cho người khác và cho xã hội. 

alt text

Các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cần đi tiên phong trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho đơn vị mình

Việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội có trách nhiệm là một đòi hỏi quan trọng và có tính bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang… Vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị có thể đề ra một bộ quy chuẩn để cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị của mình lấy đó làm căn cứ thực hiện, đồng thời là cơ sở để kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cán bộ, đảng viên.

Căn cứ Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và truyền thông ban hành, các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, các Tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp thuộc khối doanh nghiệp trung ương cần đi tiên phong trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, phù hợp với tính chất và đặc điểm hoạt động của mỗi đơn vị. Trong đó cụ thể hóa những chuẩn mực cần thực hiện và những hành vi phải tránh để bảo vệ lợi ích của tổ chức và của cá nhân cán bộ, đảng viên và người lao động, bảo vệ lợi ích của cộng đồng xã hội, của quốc gia, dân tộc.

Ngoài việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử chung cho tổ chức, các cơ quan cần phát huy vai trò của các đoàn thể như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong việc tuyên truyền, phổ biến và giám sát người lao động thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bảo đảm tuân thủ quy tắc, điều lệ, nội quy của tổ chức, đoàn thể, đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hội viên trong thực hiện các chức trách, nhiệm vụ của mình và trong vai trò của một công dân đối với cộng đồng, xã hội. 

Các cơ quan cùng với các tổ chức đoàn thể có thể khuyến khích và định hướng người lao động thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Bộ quy tắc ứng xử trên  mạng xã hội, tổ chức cuộc thi sáng tạo các thông tin đồ họa để diễn giải Bộ quy tắc ứng xử dưới dạng các biểu tượng dễ nhớ, dễ tiếp thu; khảo sát ý kiến của người lao động tham gia vào xây dựng nội dung Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của cơ quan đơn vị mình nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tổ chức; Khuyến khích việc phản ánh những biểu hiện chưa chuẩn mực trong sử dụng mạng xã hội trong cơ quan đơn vị qua các kênh thông tin phản hồi nội bộ,…và đề ra các chế tài xử lý các nội dung vi phạm nội quy sử dụng mạng xã hội của tổ chức.

Về phía các tổ chức Đảng trong cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, cần xem xét việc nâng cao tính Đảng trong công tác quản lý sử dụng mạng xã hội của các cán bộ, đảng viên, người lao động trong đơn vị đảm bảo quyền tự do sử dụng mạng xã hội đúng pháp luật đồng thời đảm bảo những hoạt động trên mạng xã hội không phương hại đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, lợi ích của quốc gia, dân tộc. 

Trong bối cảnh thực trạng thông tin trên mạng xã hội hiện nay phức tạp ở mức đáng báo động, “thật, giả” đan xen, “chính, tà” lẫn lộn, rất cần thiết phải có “ánh sáng soi đường” chính là định hướng của các tổ chức cơ sở Đảng, dẫn dắt quần chúng nhân dân đi đúng hướng trong ma trận mạng xã hội. 

alt text
Việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội có trách nhiệm là một đòi hỏi quan trọng và có tính bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức… (Ảnh: internet).

Trước mắt, các chi bộ cần làm mới những nội dung, chủ đề thảo luận, học tập chuyên đề trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ. Cấp ủy cần chuẩn bị một số nội dung về những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội hiện đang “nóng” trên các diễn đàn mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều người; thu thập thông tin, hỏi ý kiến chuyên gia để xác định bản chất vấn đề. Từ đó, định hướng cho cán bộ đảng viên, người lao động trong đơn vị nhìn rõ chân tướng của các sự việc, hiện tượng bất thường trên mạng xã hội, có nhận thức đúng đắn và có thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trước những trào lưu, cuộc xung đột của những đám đông trên mạng xã hội…nâng cao “sức đề kháng” của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong môi trường mạng xã hội có xu hướng ngày càng phức tạp.

Về phía các cơ quan ngôn luận của Đảng cũng cần thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến về những vấn đề, hiện tượng kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước cho các tổ chức Đảng các cấp, giới thiệu những kênh truyền thông chính thống với những thông tin cập nhật trên mạng internet và mạng xã hội, đồng thời cảnh báo dấu hiệu nhận biết những kênh truyền thông phản động cho các cán bộ, đảng viên nhận diện và phòng tránh.

Đối với các cơ quan truyền thông của Đảng và các cơ quan công luận, cần đổi mới phương thức truyền thông, bổ sung và mở rông kênh truyền thông xã hội trên nền tảng mạng xã hội, tiếp cận tốt hơn đến người dùng mạng để cung cấp thông tin chính thống, kịp thời phản bác những luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, định hướng cho dư luận trước ma trận mạng xã hội với vô vàn “nấm độc thông tin”.

Cán bộ, đảng viên cần đi tiên phong trong việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cùng với việc thay đổi thói quen sử dụng mạng của đại bộ phận người dân, mỗi cán bộ đảng viên cần xác định mạng xã hội cũng là một môi trường tương tác rộng lớn, một trận địa quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, mà cán bộ đảng viên cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết và cập nhật để chủ động tham gia mạng xã hội với tư cách là một phần của môi trường sống và làm việc trong điều kiện hội nhập hiện nay, góp phần lan tỏa thông điệp sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm trong “thế giới số”. Đồng thời, cán bộ, đảng viên cần đi tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với những quy tắc cơ bản sau:

Quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để thực hiện đúng quy tắc này, người sử dụng cần lưu ý những yêu cầu sau:

Tuân thủ luật pháp khi sử dụng mạng xã hội

Mạng xã hội cũng là môi trường giao tiếp, ứng xử và thể hiện hành vi của mỗi công dân. Vì vậy, một khi đã tham gia mạng xã hội nghĩa là công dân cũng chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những thông tin đăng tải, chia sẻ, những hành vi ứng xử và những giao dịch đã thực hiện thông qua mạng xã hội.

Đối với cán bộ, đảng viên, ngoài những quy định của pháp luật, còn cần lưu ý thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm . Do vậy, mọi người nên sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn và chuẩn mực, biết phân biệt và chọn lọc những thông tin được đưa ra là chính xác, phù hợp với mình, không vi phạm pháp luật thì sẽ phát huy được mặt tích cực  và hạn chế được những tác động xấu mà mạng xã hội mang lại. Để lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật,mỗi cán bộ, đảng viên cần là chiến sỹ trên mặt trận truyền thông, tích cực kêu gọi, động viên mọi người chấp hành tốt các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách, các cuộc vận động trên trang cá nhân hoặc các trang cộng đồng.

Sàng lọc thông tin

Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thường xuyên rèn luyện kỹ năng tiếp nhận thông tin, phân tích, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên không gian mạng, tránh việc đăng tải và phát tán tin giả, một hành vi vi pháp luật khá phổ biến trên mạng xã hội hiện nay. Vì vậy, cán bộ đảng viên phải cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên internet, mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng.

Thêm đó là phải xác định tính chính danh, độ uy tín, tin cậy của trang mạng, tài khoản mạng xã hội và nội dung được đăng tải trước khi thực hiện việc chia sẻ, phát ngôn, trích dẫn, bình luận. Do đó, cán bộ, đảng viên phải làm “người sử dụng mạng xã hội thông thái” khi tiếp nhận thông tin cần phải trả lời được các câu hỏi như: nguồn gốc thông tin, đối tượng có thể tán phát thông tin, mục đích thông tin hướng tới, đối tượng bị ảnh hưởng bởi thông tin, đối tượng hưởng lợi từ thông tin ….Việc sàng lọc thông tin để loại bỏ những yếu tố xấu độc, thông tin sai lệch là hành động cần thiết có tính chất quyết định toàn bộ quá trình tiếp nhận, xử lý và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. 

Để nắm bắt kỹ năng sàng lọc thông tin, người tham gia mạng có thể nhận biết thông tin xấu, độc qua một số dấu hiệu sau:

Tiêu đề: Tiêu đề của tin rác thường gây ấn tượng mạnh, dùng câu chữ thô thiển. Nội dung của tiêu đề thường có độ kích thích cao.

Tên miền: Kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”. Các trang mạng chính thống của cơ quan tổ chức Nhà nước có tên miền quốc gia “.vn” và có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể rõ ràng trên trang. Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh). Người dân nên quan sát và phân biệt rõ các trang mạng xã hội chính thống và các trang giả mạo.

Kiểm tra tác giả: Người đọc cần xem kỹ nội dung để suy ngẫm xác định thông tin thật hay giả; tin tức giả hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Khi có nghi ngờ về tính xác thực của thông tin, người đọc có thể tìm các tin, bài viết trên các trang chính thống, uy tín có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin sự tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.

Quy tắc Lành mạnh: Quy định hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Để đảm bảo tính lành mạnh của các hoạt động trên mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên cần lưu ý những yêu cầu sau:

Lành mạnh về nội dung

Yếu tố lành mạnh trên mạng xã hội thường gắn với sự “có ích”, “tích cực” hay “truyền cảm hứng”, “lan tỏa năng lượng tích cực”… Tức là, thông tin, hình ảnh đó không làm người tiếp nhận cảm thấy khó chịu, lo lắng, sợ hãi… hoặc liên quan đến những yếu tố về giới tính, tôn giáo, văn hóa, đạo đức… Dù biết rằng xã hội luôn tồn tại các mặt tích cực lẫn tiêu cực nhưng việc thông tin, miêu tả thực tế đó nên chú ý tính liều lượng và khả năng tác động.

Ứng xử chuẩn mực

Cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu trong việc sử dụng không gian mạng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, địa phương, đất nước và dân tộc. Mỗi “Status”, mỗi bình luận (Comment) của người dùng phản ánh văn hóa giao tiếp trên mạng xã hội. Vì vậy, mỗi người sử dụng mạng cần có quy tắc nhất định khi bày tỏ hoặc chia sẻ ý kiến trên  mạng xã hội, sử dụng từ ngữ chuẩn mực, tôn trọng pháp luật, các chuẩn mực đao đức và văn hóa, phát biểu khách quan và có căn cứ về các vấn đề, tôn trọng các tổ chức, cá nhân, quốc gia, dân tộc…

Người sử dụng mạng cần lưu ý tuyệt đối không đăng tải những hình ảnh phản cảm, bạo lực,  trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc; không dùng từ ngữ mang tính chất quy chụp, kích động, bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân…

Lan tỏa những điều tốt đẹp 

Các tổ chức, cá nhân được khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về vẻ đẹp đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam; chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt và lan tỏa sự tử tế trên môi trường mạng xã hội. Trong bài viết: “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị xã hội ở Việt Nam” của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng có nêu rõ: Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài.

Mạng xã hội là môi trường ảo, nhưng sự tác động của nó đến con người lại rất thực. Những thông tin chúng ta đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội sẽ thể hiện quan điểm, tính cách, giá trị của chính mình. Ý thức được sức mạnh của mạng xã hội, mỗi cá nhân hãy xác định cho mình tâm thế chủ động để ứng xử thông minh, văn hóa khi tham gia môi trường này. Có như vậy, mạng xã hội mới thực sự trở thành công cụ đắc lực để lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin.

Đối với người sử dụng mạng xã hội, cần nâng cao ý thức và thực hiện các biện pháp bảo mật tài khoản mạng xã hội và thông tin cá nhân trên không gian mạng như: Lựa chọn các mật khẩu phức tạp (kết hợp chữ cái, chữ số và ký tự đặc biệt), dùng các mật khẩu khác nhau trên các tài khoản khác nhau, không đưa các thông tin cá nhân quan trọng lên mạng xã hội, báo cáo ngay với tổ chức liên quan và bạn bè người thân khi tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu bị Hack, bảo mật thông tin về mạng nội bộ, tránh để hacker tấn công vào mạng nội bộ thông qua cổng Wifi.

Cán bộ, đảng viên cần lưu ý bất cứ sơ hở nào cũng có thể bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi hoặc gây nguy hại cho các chủ thể khác. Chẳng hạn, kẻ xấu có thể đăng nhập trái phép vào tài khoản rồi nhân danh người chủ tài khoản thực sự thực hiện hành vi lừa đảo, bôi nhọ hoặc xúc phạm người khác, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước… 

Quy tắc Trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Trong một xã hội văn minh, hiện đại, yêu cầu về trách nhiệm của mỗi cá nhân luôn được đề cao. Ở vị trí công dân, mỗi người cần ứng xử, hành động sao cho phù hợp với điều kiện và lợi ích chung của cộng đồng, xã hội trong một bối cảnh nhất định. Vì vậy, trước khi đăng tải hoặc chia sẻ thông tin, người dùng mạng xã hội phải luôn nghĩ đến hậu quả, hệ lụy và tác động của thông tin đối với cộng đồng xã hội.

Việc chia sẻ thông tin cùng với những “Status” của cá nhân thể hiện quan điểm, nhận thức và đánh giá của chủ tài khoản đối với một hiện tượng, sự kiện hay vấn đề, ít nhiều sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với định hướng thông tin truyền tải đến những người được chia sẻ. Vì vậy, khi lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật hoặc thông tin mà chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được tính chính xác của thông tin. Trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Cần đẩy mạnh thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống, đấu tranh, phê phán lên án hành vi sai trái vi phạm trên mạng xã hội. 

Mỗi hành động của cán bộ, đảng viên dù chỉ là nhấn nút “Like”, “Share” hoặc đưa ra bất cứ lời bình luận (Comment) nào trên diễn đàn mạng xã hội sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào đó, hoặc được thống kê, dẫn chiếu, trích dẫn, thậm chí suy diễn thành nhiều ý nghĩa không ngoại trừ việc bị các phần tử cực đoan quy kết, bóp méo thành những quan điểm đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

alt text
Bộ quy tắc ứng xử trên MXH. (Nguồn: SGGP).

Trước thực trạng “Uy tín” trên mạng xã hội phụ thuộc phần lớn vào lượng “Like”,  “Share” của mỗi tài khoản,  mỗi cán bộ, đảng viên càng phải có trách nhiệm hơn trước hành vi ứng xử, tương tác trên mạng xã hội để tránh bị lợi dụng vào những mục đích không lành mạnh. Bên cạnh đó, mỗi người cần xây dựng cho mình nét văn hóa khi tham gia môi trường mạng: sử dụng thời gian một cách hợp lý, ứng xử đúng mực, có văn hóa khi giao tiếp trên mạng xã hội, thậm chí mạnh dạn chọn “dislike”, báo xấu đối với những thông tin vu khống, bịa đặt, những điều trái thuần phong mỹ tục, đi ngược lại đạo đức xã hội, phản bác, bày tỏ chính kiến… 

Bên cạnh những quy tắc cần tuân thủ, Bộ quy tắc ứng xử của mỗi cơ quan đơn vị cũng cần chỉ rõ những điều cần tránh khi tham gia vào môi trường mạng như: Cán bộ đảng viên cần lưu ý không đưa những thông tin, hình ảnh, tư liệu nội bộ cơ quan, đơn vị; không đưa thông tin một cách lập lờ để dẫn dắt dư luận nhằm mục đích công kích cá nhân hoặc tổ chức với dụng ý tiêu cực. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên nên luôn ý thức nên đưa những thông tin, “Status” có ích cho tổ chức, cho cộng đồng xã hội, mang tính chất xây dựng; Không đăng thông tin, hình ảnh nhân thân và tài sản, những sản phẩm sáng tạo của người khác, của tổ chức mà không có sự đồng ý của họ; Không tùy tiện click vào các đường link và trang Web lạ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho hệ thống mạng của cơ quan, tổ chức…

Như vậy có thể thấy, chuẩn mực dành cho cán bộ, đảng viên có phần khắt khe hơn nhưng thực sự là cần thiết, bởi trong nhiều trường hợp, những gì được đưa lên mạng internet và mạng xã hội không còn là vấn đề cá nhân mà trở thành hình ảnh, uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, của đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ trong hệ thống, của Đảng, chế độ…Với những nội dung cơ bản ấy, Bộ Quy tắc sẽ thiết lập những “hàng rào” bảo vệ người dùng mạng xã hội trước sự “bủa vây” của các nguồn, loại hình thông tin; góp phần tạo ý thức, thói quen tích cực, xây dựng môi trường văn hoá, văn minh, tuân thủ pháp luật trên không gian mạng.

Mặc dù chưa có những chế tài cụ thể, việc Bộ TT&TT ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là bước đầu tiên mang tính chất hướng dẫn, định hướng những hành vi hợp lệ và chuẩn mực cho người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Để từ đó dần dần hình thành khung pháp lý chặt chẽ, nghiêm khắc cho hoạt động trên mạng xã hội trong tương lai. Vì vậy, trong thời gian tới, để triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, các cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa, xây dựng quy chế, áp dụng triệt để các quy tắc, quy định sử dụng mạng xã hội đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị mình. 

Và trên hết, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nhận thức rõ việc giao tiếp, tương tác trên mạng xã hội cũng như trong đời sống thực hàng ngày, luôn ứng xử có văn hóa, trách nhiệm và trên hết là phải tuân thủ các quy định pháp luật. Có như vậy, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mới thực sự là “áo bảo hộ” phòng ngừa, ngăn chặn những yếu tố xấu độc, phản văn hóa; đồng thời lan tỏa những thông tin giá trị, tích cực trên không gian mạng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

[1] TS Nhị Lê – Mạng xã hội, nhận diện và nguy cơ, Báo Công an nhân dân ngày 21/6/2021

[2] Quang Minh – Cảnh giác với tình trạng hoạt động tội phạm trên mạng xã hội, báo Nhân dân ngày 15/3/2019 

[3] Tâm Công – Hãy cảnh giác với Pháp Luân Công, Website Học viện chính trị ngày 19/11/2018

[4] Mai Hà – Cảnh báo 8 thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua Mạng xã hội, Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/7/2021 

[5] Đào Trung Hiếu – “Rửa tiền” bằng tiền ảo, Báo Công an nhân dân ngày 19/7/2021 

[6] Nguyễn Hiền – Cơn sốt lan đột biến tiềm ẩn nguy cơ trốn thuế, rửa tiền, VOV.VN ngày 27/3/2021

[7] Phạm Quế Nghi – Nhận diện Thuyết âm mưu, Báo Biên phòng ngày 13/6/2020.

Chi bộ CN Vinh

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.