Phi công, tiếp viên hàng không tình nguyện chống dịch

Trong những ngày nghỉ bay, một số phi công, tiếp viên hàng không đã tình nguyện làm việc tại các chốt kiểm soát dịch hay đưa hàng cứu trợ đến dân nghèo tại TP HCM.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Từ tháng 6, khi không đi bay, tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Thanh Nga (Đoàn tiếp viên VNA) lên mạng đăng ký làm tình nguyện viên chống dịch thuộc Thành đoàn TP HCM. Cô từng là tiếp viên trên những chặng bay dài từ Việt Nam đến châu Âu, Australia, rồi chuyển sang bay trong nước khi đường bay quốc tế tạm dừng. Mấy tháng qua, lịch bay của cô gần như không có khi dịch Covid-19 bùng phát.

Những ngày đầu tham gia tình nguyện, Thanh Nga được phân công đứng trực chốt kiểm dịch ở các tuyến đường quận Tân Bình để ngăn người dân di chuyển qua quận Gò Vấp – nơi đang bị phong tỏa. Sau đó, cô tham gia tiếp nhận nhu yếu phầm của người dân, phân phát đến các quận đoàn, bán hàng giải cứu cho bà con nông dân.

Thanh Nga còn nhận thêm nhiệm vụ hỗ trợ người dân xét nghiệm Covid tại chợ Bình Điền hay tiêm phòng tại khu chế xuất Tân Thuận, nhà thi đấu Phú Thọ… Một ngày làm việc thường theo ca bắt đầu từ 8h sáng hoặc 2h chiều và kéo dài đến tối, nhiều hôm Nga bận rộn không kịp ăn uống. Cô luôn trở về nhà với bộ quần áo sũng ướt mồ hôi vì mặc đồ bảo hộ cả ngày.

“Tôi nhớ mãi lần hỗ trợ người dân tại chợ Bình Điền từ sáng đến 10h tối, đứng giữa hàng nghìn người dân để đo thân nhiệt, giúp họ kê khai y tế. Có những bà con từ tỉnh xa không biết chữ, tôi phải hướng dẫn chi tiết hoặc dùng điện thoại của mình khai y tế cho họ”, Nga chia sẻ.

alt text
Tiếp viên trưởng Thanh Nga đo thân nhiệt người đi đường tại chốt kiểm dịch. (Ảnh: NVCC).

Tại các chốt trực trong hẻm, bên cạnh lực lượng dân phòng, tình nguyện viên góp mặt để giải thích và khuyên người dân đi đường lớn để kiểm soát dịch. Một số người bị chặn đường đã phản ứng, lớn tiếng mắng mỏ song Nga vẫn nhẹ nhàng trình bày quy định để người dân lắng nghe vì sức khỏe của họ.

“Khi về đến nhà chân tay bủn rủn, đói muốn lả, khản hết cổ, song chúng em vẫn nhắn động viên nhau ngày mai tiếp tục, không bỏ cuộc”, Nga nói và cho hay, niềm vui của các tình nguyện viên như cô là được nhiều người dân động viên, tặng đồ ăn, trái cây, nước uống tại các chốt.

“Chúng tôi làm việc không có chế độ trợ cấp, hoàn toàn tự nguyện và nhiều tình nguyện viên chịu áp lực lớn khi bị hàng xóm miệt thị, người thân không ủng hộ. Ngoài ra còn lo lắng bị nhiễm Covid-19 dù đã được tiêm vaccine”, Nga chia sẻ thêm.

alt text
Tiếp viên trưởng Thanh Nga cùng các tình nguyện viên bán khoai giải cứu cho nông dân. (Ảnh: NVCC).

Cũng tham gia tình nguyện viên chống dịch Covid-19 tại TP Thủ Đức (TP HCM), những ngày gần đây mỗi sáng Đặng Hoàng Hiếu, Cơ phó Đội bay A321 VNA, khoác bộ đồng phục bảo hộ kín mít khi ra đường thay cho đồng phục phi công.

“Là thanh niên có sức khỏe tốt và đã được tiêm vaccine, tôi muốn làm điều gì đó ích thay vì ở nhà”, Hiếu nói và cho hay anh tham gia làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát ở TP Thủ Đức, Gò Vấp và quận 3.

Công việc đầu tiên của Hiếu là trực tại chốt cách ly đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3. Sau đó, anh tham gia nhập dữ liệu cho những buổi xét nghiệm tầm soát của TP Thủ Đức, lấy mẫu và hỗ trợ tại khu cách ly thu dung ở quận Gò Vấp. Để tập trung công việc tình nguyện và đảm bảo an toàn cho người thân, Hiếu đã dọn vào ở trong khu cách ly được một tuần nay.

Ngày đầu tiên làm công việc tại khu thu dung quận Gò Vấp, một bác trai do Hiếu hỗ trợ thở oxy trở nặng vào buổi tối, chỉ số sinh tồn thấp nên cậu phải hỗ trợ bác chuyển viện gấp. Đó là lần đầu tiên anh chứng kiến người bệnh nguy cấp và trải qua cảm giác lo lắng, bối rối.

Hoàng Hiếu không thể quên câu chuyện khi lấy mẫu tầm soát cho hai chị em ruột, người chị đang có thai 8 tháng. Kết quả là người chị âm tính nhưng người em thì nghi dương tính. Hai chị em nhận được kết quả đã khóc rất nhiều khiến anh trở thành “bác sỹ tâm lý” an ủi, động viên họ vượt qua khó khăn.

alt text
Phần cơm được nhóm tình nguyện của Nguyễn Huỳnh Đức nấu cho người nghèo. (Ảnh: NVCC).

Không tham gia tình nguyện viên của thành phố, song Cơ phó Nguyễn Huỳnh Đức, Đội bay ATR72 của VNA, tự tổ chức một nhóm tình nguyện phân phát thực phẩm cho người dân nghèo ở huyện Nhà Bè.

Xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, nơi Cơ phó Nguyễn Huỳnh Đức sống có nhiều người dân nghèo, hàng ngày họ đi bán vé số, ăn xin, lao động phổ thông. Khi thành phố phải giãn cách, những người này không có việc làm nên thiếu đồ ăn, lại ở xa trung tâm. Chứng kiến các hoàn cảnh khó khăn, Đức kêu gọi một số phi công và bạn bè cùng nhau tiếp nhận tin nhắn của người dân cần hỗ trợ, kêu gọi các “Mạnh Thường Quân” giúp đỡ những người này.

Đầu tháng 7, nhóm của Đức đã nấu được 3.000 suất ăn phát cho bà con nghèo trong các hẻm nhỏ. Song từ khi thành phố giãn cách, nguồn thực phẩm khó vận chuyển, có lúc nhóm mua 100 kg thịt gà nhưng khi về đến bếp thì thịt bị hỏng, rau héo. Nhóm không thể nấu ăn nên đành chuyển sang hỗ trợ lương thực, thực phẩm khô đến bà con như gạo, cá khô, cá hộp, dầu ăn, thuốc men…; phát sữa cho các gia đình có con nhỏ.

Đức kể, anh nhận được tin nhắn của một gia đình có chồng tật nguyện bán vé số, vợ bán hàng rong, họ đang nuôi con nhỏ 2 tuổi mà không còn tiền mua sữa. Hai vợ chồng ngỏ ý xin một thùng sữa, thuốc đau đầu, đau bụng. Khi Đức trao đồ, hai vợ chồng đều khóc vì họ nghĩ rằng chỉ kêu cứu mà không tin sẽ nhận được ngay hỗ trợ.

“Có những người chưa từng nghĩ phải lên mạng xin cứu trợ, họ rất buồn, xấu hổ. Không chỉ trao đồ ăn, chúng tôi còn động viên để tiếp thêm tinh thần cho họ”, Nguyễn Huỳnh Đức nói.

Nhóm của Đức chở hàng bằng xe lôi để vào được các hẻm nhỏ, trao lương thực tận tay người dân. Có lần không may Đức chạy xe lao vào cột điện, cả người xây xát song hôm sau anh lại tiếp tục công việc từ thiện.

alt text
Nhóm tình nguyện của Nguyễn Huỳnh Đức đưa hàng cứu trợ đến các hộ dân nghèo. (Ảnh: NVCC).

“Chúng tôi không mong xã hội trả lại gì cho mình, chỉ làm vì cái tâm”, Cơ phó Nguyễn Huỳnh Đức chia sẻ.

Với Cơ phó Hoàng Hiếu, lúc này “mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi cách, tất cả đều mong muốn góp một chút để thành phố mau khỏe hơn, trở lại nhịp sống vốn có”.

Còn Tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Thanh Nga, động lực tham gia tình nguyện là trách nhiệm của một người dân muốn đóng góp cho cộng đồng.

Theo Vnexpress

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.