LTQ là nữ tiếp viên trên chuyến bay VN0054 của hãng hàng không quốc gia Việt Nam về từ London ngày 2-3 vừa qua. Sau ba lần xét nghiệm, Q. có kết quả dương tính virus SARS-CoV-2 (gây bệnh COVID-19), trở thành bệnh nhân thứ 59 tại Việt Nam. Q. đang được cách ly điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương 2.
“Con không bay thì ai làm thay?”
Trò chuyện với PV Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, nữ tiếp viên Q. cho hay trong thời gian nhập viện điều trị, cô được đội ngũ bác sĩ bệnh viện quan tâm chăm sóc đặc biệt nên sức khỏe dần hồi phục, bớt ho, hạ sốt.
Q. tâm sự, những ngày này cô nhớ người thân và cảm thấy xúc động với những lời thăm hỏi, động viên của nhiều bạn bè, đồng nghiệp.
Khi được hỏi biết rằng bay đến vùng dịch là nguy hiểm mà tại sao vẫn nhận nhiệm vụ, Q. bảo lúc đó mẹ của cô cũng lo cho sự an toàn của con gái. Tuy nhiên, cô giải thích với mẹ rằng công việc của mình luôn đặt sự an toàn cho hành khách và bản thân lên hàng đầu. Đồng thời, các chuyến bay đều được trang bị khẩu trang, khử trùng cũng như tập huấn kỹ càng cho đội ngũ trước khi bay. “Con không bay thì ai sẽ làm thay công việc của con?” – nữ tiếp viên thuyết phục và mẹ cô xiêu lòng.
Q. tâm sự thêm, từ ngày cách ly đến khi phát hiện dương tính COVID-19, cô luôn chấp hành các hướng dẫn của đội ngũ bác sĩ và tự ý thức để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, đồng nghiệp, cũng như bảo vệ hình ảnh tiếp viên của hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
Cô cho hay những ngày này cô càng vững tin hơn. Đây cũng là thời gian để cô đúc kết kinh nghiệm, kỹ năng phục vụ trên chuyến bay khi có dịch bệnh và sẵn sàng chia sẻ cùng đồng nghiệp trong lúc khó khăn như thế này.
“Những ngày này, ngoài việc nghỉ ngơi, điều trị, tôi dành thời gian tập yoga để tăng cường sức khỏe vượt qua bệnh tật” – nữ tiếp viên thổ lộ.
Đoàn tiếp viên trên những chuyến bay đón khách từ vùng tâm dịch phải mặc trang phục bảo hộ y tế hơn 10 tiếng. (Ảnh do VNA cung cấp).
Nhớ những cánh bay
Từ khu vực cách ly của BV đa khoa Gia Lâm, Hà Nội, PTB, nữ tiếp viên trưởng của đoàn tiếp viên thuộc hãng hàng không quốc gia Việt Nam, cho biết chị làm nhiệm vụ trên chuyến bay VN0054 từ London về Việt Nam vào ngày 2-3, có ca nhiễm thứ 17.
Cơ quan y tế công bố số người bị nhiễm COVID-19, theo đó tổ bay của chị được đưa vào diện cách ly 14 ngày kể từ ngày 7-3 tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương 2. Lẽ ra chị và các đồng nghiệp sẽ rời nơi cách ly vào ngày 16-3 nhưng cận kề ngày được đoàn tụ gia đình, gặp lại đồng nghiệp thì Bộ Y tế công bố bệnh nhân thứ 59 là nữ tiếp viên phục vụ trên cùng chuyến bay. Cho nên chị B. cùng các đồng nghiệp lại tiếp tục cách ly thêm 14 ngày tại BV đa khoa Gia Lâm.
Theo kế hoạch, thời hạn cách ly của nữ tiếp viên trưởng PTB và các đồng nghiệp sẽ kéo dài đến ngày 28-3, vì thời gian ủ bệnh của bệnh nhân thứ 59 khá dài, sau ba lần xét nghiệm âm tính.
Nữ tiếp viên trưởng có thâm niên 16 năm trong nghề tâm sự chị là “dân bay” quốc tế chuyên nghiệp, lịch công tác dài ngày như cơm bữa nên thời gian cách ly cho dù khá dài, chị cũng không cảm thấy khó khăn lắm với nỗi nhớ nhà. Thế nhưng chị cùng các đồng nghiệp cách ly lại rất nhớ những chuyến bay và “thèm được bay”.
“Nói chung tâm lý của tôi và các đồng nghiệp cách ly cũng khá tốt. Chị em động viên nhau cách ly vì sức khỏe của người thân, đồng nghiệp và cộng đồng để nay mai hết cách ly còn quay lại với cánh bay quen thuộc của mình” – chị B. chia sẻ.
Nữ tiếp viên trưởng của Vietnam Airlines cho hay thời gian cách ly cùng hai đồng nghiệp là dịp hiếm để chị em chia sẻ, hàn huyên và động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn để tiếp tục hoàn thành công việc tốt hơn.
Chị B. bảo ở nơi cách ly, có thời gian để quan sát, chị dõi theo các đồng nghiệp của mình dù ý thức có thể gặp rủi ro nhiễm bệnh nhưng họ vẫn miệt mài với công việc. “Lúc này, đội ngũ tiếp viên có vướng bệnh chỉ là một chuyện, còn chuyện lớn hơn là các bạn cần được tiếp lửa để vững tâm hơn khi phục vụ trên các chuyến bay thời dịch bệnh” – chị nói.
Được hậu phương yêu thương, tiếp lửa
Tại văn phòng của đoàn tiếp viên Vietnam Airlines, nghe được nội dung trao đổi giữa Pháp Luật TP.HCM với các tiếp viên trong khu cách ly, ông Phan Ngọc Linh, Trưởng đoàn tiếp viên, không ít lần lấy khăn giấy thấm nước mắt. Ông xúc động bởi sự tự tin, quả cảm để vượt qua bệnh tật của đội ngũ mà ông gọi là chiến binh trên những chuyến bay.
Trong lúc gọi điện thoại thăm hỏi, động viên các tiếp viên trong khu cách ly, ông Linh quan tâm điều kiện sinh hoạt của họ có thiếu thốn hay không để ông lên kế hoạch tiếp tế. Ông cũng luôn nhắc các tiếp viên chăm luyện tập thể dục để giữ vóc dáng và trau dồi vốn ngoại ngữ để quay lại với đội bay, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Vị trưởng đoàn thông tin thêm, hai ngày qua đoàn thanh niên và công đoàn của Vietnam Airlines đã tổ chức chuyến xe đến thăm 18 tiếp viên hết thời hạn cách ly theo quy định tại Hà Nội và TP.HCM. Mọi người gặp lại nhau vỡ òa sung sướng. Tất thảy mọi người đều ý thức dịch bệnh lây lan nguy hiểm nhưng họ vẫn đoàn kết, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ để đưa hàng ngàn đồng bào trên thế giới trở về quê hương.
Giọng vị trưởng đoàn, chợt chùng xuống ông bảo trong niềm vui đoàn tụ rơi nước mắt ấy, biết bao gia đình mà trực tiếp là các tiếp viên phải hứng chịu biết bao kì thị, miệt thị buốt lòng mà vững tâm lắm mới họ có thể vượt qua để thực hiện công việc của mình. “Các em vừa chống chọi với bệnh tật, vừa bị hàng xóm ghẻ lạnh, tẩy chay với những lời lẽ lạnh lùng, vô cảm. Chưa kể, có em khi thực hiện cách ly chòm xóm dị nghị, rồi khi các em về với gia đình, họ cũng xúm lại, cái nhìn thiện cảm hơn nhưng vẫn tiếp xúc dè dặt”, vị trường đoàn nghẹn lời.
700 tiếp viên bị cách ly
Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines thông tin hiện đoàn có 3.200 tiếp viên. Ngoài hai tiếp viên dương tính SARS-CoV-2, còn có khoảng 700 tiếp viên bị cách ly do trong các chuyến bay có ca nhiễm hoặc phục vụ trên các chặng bay từ vùng có dịch. Dù đội ngũ tiếp viên có giảm số lượng nhưng đoàn vẫn đảm bảo đủ nhân sự phục vụ chuyên nghiệp trên các chuyến bay khi có yêu cầu.
Hàng trăm tiếp viên đăng ký không nhận lương
Ông Phan Ngọc Linh, Trưởng đoàn tiếp viên Vietnam Airlines, cho biết thống kê có khoảng 700-800 tiếp viên của hãng đã đăng ký không nhận lương chức danh. Đây là việc làm hoàn toàn tự nguyện của tiếp viên để chung tay với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn chung.
Nguồn: Báo pháp luật TP.HCM