Nữ tiếp viên hàng không kể chuyện vào tâm dịch đón đồng bào

Giữa “cơn bão” dịch bệnh Covid-19 lan rộng khắp toàn cầu, những nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines đã không quản ngại khó khăn, vững tin bước lên những chuyến bay xuyên vào tâm dịch đón đồng bào với một tâm thế tự hào và vinh dự.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text
Tiếp viên Phan Trà My (Ảnh: VNA).

Chuyện chưa kể về chuyến bay thẳng lịch sử đến Hoa Kỳ

Nhắc đến những chuyến bay giải cứu đồng bào trong thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp, nữ tiếp viên Phan Trà My cho biết, cô không thể nào quên chuyến bay lịch sử với hành trình 25.000km bay thẳng đến Hoa Kỳ hồi tháng 5/2020 để đón đồng bào về nước.

“Tự hào, vinh dự, đương nhiên rồi nhưng bên cạnh đó còn là nỗi lo. Lo chuẩn bị tinh thần, sức khoẻ để nhận nhiệm vụ quan trọng; lo làm sao để tránh sai sót, bất cẩn trước đại dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng”, Phan Trà My chia sẻ.

Trước đây, Vietnam Airlines chưa thực hiện chuyến bay thương mại thẳng đến Hoa Kỳ. Do không phải là điểm đến thường lệ như các chuyến bay khác nên hành trình xin phép, cấp phép bay cũng thật nhiều khó khăn. Dù phi hành đoàn không nhập cảnh mà chỉ ở lại 3 tiếng để đón đồng bào, song vẫn phải làm thủ tục xin visa. Vài tiếp viên bị từ chối visa khiến quân số thay đổi liên tục. Gần như các tiếp viên đội dự bị đã thành đội chính thức với vỏn vẹn 16 tiếp viên cho hành trình dài 33 tiếng.

alt text
Các tiếp viên mặc đồ bảo hộ khi máy bay sắp hạ cánh tại sân bay San Francisco, Hoa Kỳ (Ảnh: VNA)

Thế rồi giây phút lịch sử cũng đến khi máy bay hạ cánh xuống sân bay San Francisco, bang California, Hoa Kỳ. Tiếp viên Phan Trà My nhớ lại: “Khi nhìn phi hành đoàn bước vào, bà con mình dù đeo khẩu trang kín mít tôi vẫn nhận thấy ánh mắt bừng sáng trên gương mặt họ. Tôi cảm nhận được niềm hân hoan hạnh phúc cuả đồng bào khi mọi người đứng lên vỗ tay chào đón chúng tôi”.

Hành khách ưu tiên của chuyến này là người lớn tuổi có bệnh nền, thậm chí có người phải ngồi xe lăn, du học sinh, bà con kiều bào, một số cán bộ đi công tác bị kẹt lại do đại dịch… “Thương nhất là nhiều cháu nhỏ mới vài tháng tuổi, ánh mắt ngái ngủ vì phải dậy sớm và di chuyển từ xa đến sân bay cho kịp chuyến bay”, Trà My nhớ lại.

alt text
Niềm hạnh phúc vỡ oà của cả phi hành đoàn khi chuyến bay thẳng đến Hoa Kỳ kết thúc an toàn (Ảnh: VNA).

343 hành khách là con số không hề nhỏ với việc sắp xếp hành lý, chỗ ngồi trong thời gian nhanh nhất có thể nên các tiếp viên đã phải rất khẩn trương và chuyên nghiệp. Cả tổ bay đều hối hả, nghiêm túc thực hiện công việc của mình để hành khách không phải chờ lâu nhưng vẫn phải đặt an toàn, an ninh là ưu tiên số 1.

Mặc đồ bảo hộ, đeo kính chắn giọt bắn, khẩu trang N95 trong suốt 20 tiếng là những trang phục hoàn toàn khác xa với những chuyến bay thông thường, Trà My kể: “Chúng tôi phải dùng bút dạ viết tên nhau trên ngực áo và phía sau lưng để có thể gọi nhau vì ai cũng giống ai, chẳng phân biệt được”.

Giây phút hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, tất cả đều vỡ òa niềm vui. “Giọng phát thanh chào khách như thường lệ là công việc của tôi suốt 17 năm qua, ấy vậy là trong giây phút đó, tôi thấy nghẹn lời, thậm chí còn vấp khi đọc những dòng chữ hết sức bình thường”, quen thuộc: Máy bay của chúng ta đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn, Việt Nam. Bây giờ là 18h45 ngày 8/5 giờ Hà Nội…”.

Khúc hát ru những hành khách “nhí” xa vòng tay cha mẹ

Tiếp viên Bùi Lệ Uyên thì ám ảnh mãi với hành khách nhí trên chuyến bay Pusan (Hàn Quốc) – Hà Nội trong mùa dịch Covid-19. Đó là một bé gái mới 6 tháng tuổi, còn chưa kịp cai sữa, đã sớm phải rời vòng tay cha mẹ trở về quê nhà để ông bà chăm sóc.

Bé được cha mẹ gửi một người bạn (nam thanh niên tầm 25-27 tuổi, chưa từng chăm sóc trẻ nên khá lúng túng) đưa về quê nhà. “Khi chuyến bay chuẩn bị cất cánh, bé đã bật khóc ngặt nghẽo. Người thanh niên trông bé lúc này loay hoay thử mọi cách từ bế, dỗ rồi đưa ti giả vào miệng mà bé nhất định không chịu nín”, tiếp viên Bùi Lệ Uyên nhớ lại giây phút ám ảnh ấy.

Chị kể, nhìn em bé quấy khóc vì khát sữa và thiếu hơi ấm của mẹ, các nữ tiếp viên trên máy bay đều không thể cầm lòng. Tiếp viên Thục Trinh đã không ngần ngại hỗ trợ anh thanh niên này thay bỉm cho bé. Sau đó, các tiếp viên thay nhau bế và dỗ cho bé nín.

alt text
Tiếp viên Trần Thục Trinh (áo vàng) bế em bé (Ảnh: VNA).

Đã thực hiện nhiều chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam nên chị thường xuyên chứng kiến những em bé được gửi về Việt Nam để ông bà nội ngoại chăm sóc như em bé này. “Những khi máy bay giảm độ cao, các bé thường quấy khóc vì chênh lệch áp suất khiến tai bé bị đau. Hơn ai hết, các nữ tiếp viên hàng không, vốn cũng là những người mẹ sớm phải xa con đi làm nhiệm vụ, luôn hiểu và cảm thông với những hoàn cảnh đặc biệt này”, Lệ Uyên cho biết.

“Lúc bé khóc, dỗ mãi không nín, tôi liên tưởng đến các bé trong “khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” (nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm) mà thấy thương các hành khách bé bỏng vô cùng”, tiếp viên Lệ Uyên chia sẻ cảm xúc của mình.

Gia đình cách ly mỗi người một nơi

Trong câu chuyện của mình, tiếp viên Bùi Lệ Uyên còn chia sẻ về hoàn cảnh của một nữ đồng nghiệp – tiếp viên tên Thảo. Thảo và Uyên cùng thực hiện chuyến bay chở khách từ Canada về sân bay Đà Nẵng cuối tháng 7/2020, đúng thời điểm Đà Nẵng có ca dương tính đầu tiên trong cộng đồng.

alt text
Tiếp viên Bùi Lệ Uyên (Ảnh: VNA).

Lúc đó, Thảo có chồng là Cơ trưởng, cũng đang phải đi cách ly. Sau khi kết thúc chuyến bay an toàn, Uyên và Thảo đã có 14 ngày cách ly tập trung.

“Cứ mỗi khi bản tin thời sự 19h đến là 2 chị em mong sao các ca dương tính mỗi ngày một ít hơn. Cầu mong cho Đà Nẵng sớm khống chế được dịch để 2 con của Thảo sớm được về với bố mẹ ở Hà Nội. Cả bố và mẹ vì công việc và phải đi cách ly nên trước đó đã gửi con cho bà ngoại ở Đà Nẵng. Và lúc này thì Đà Nẵng phải cách ly toàn thành phố. Thương lắm!”, Lệ Uyên bùi ngùi nói về đồng nghiệp của mình.

Một cảm giác thật… “háo hức”

Tưởng vào tâm dịch sẽ là nỗi sợ hãi của nhiều người nhưng không có chuyện đùn đẩy trách nhiệm, nữ tiếp viên Lư Uyển Thuý nói: “Đó là một cảm giác… háo hức. Nghe có vẻ vô lý thật nhưng đấy lại là sự thật”.

Lư Uyển Thuý kể: “Từ hôm được chị Tiếp viên trưởng thông báo về việc chuẩn bị thực hiện chuyến bay đón du khách mắc kẹt ở vùng tâm dịch Đà Nẵng về Hà Nội, tôi chưa hề có một phút giây nào sợ hãi, hay là nghĩ đến việc đùn đẩy cho ai, chỉ chờ đến ngày được đi làm nhiệm vụ. Tôi cảm thấy tự hào, thấy mình là những người lính đang được đi thực hiện sứ mệnh cao cả. Hạnh phúc hơn là khi gia đình tôi biết tin này thì bố mẹ, anh chị em đều ủng hộ tôi. Cả nhà đều động viên tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cả nhà đều rất tự hào về tôi”.

Theo: Báo Phụ nữ Việt Nam

Nguyen Mai Huong-COMM

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.