Có gì khác giữa bay thường lệ với bay thuê chuyến?
VNA là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam vượt qua mọi rào cản của an ninh hàng không Mỹ để được chấp thuận khai thác các chuyến bay thường lệ đến xử sở cờ hoa này.
Cần phải nhìn nhận rõ ràng sự khác biệt giữa bay thẳng thường lệ và bay thuê chuyến đến Mỹ để hiểu rõ hơn về độ khắt khe của thị trường hàng không đòi hỏi số 1 thế giới về an ninh, an toàn.
Các chuyên gia hàng không cho biết, các chuyến bay thường lệ khác biệt hoàn toàn với các chuyến bay thuê chuyến đặc biệt quốc tế mà một số hãng hàng không Việt được nhà chức trách Mỹ cấp phép. Theo đó, chuyến bay thường lệ được thực hiện đều đặn theo lịch bay mà hãng hàng không công bố, không hạn chế mọi đối tượng hành khách và mở bán vé rộng rãi tại website, ứng dụng di động, phòng vé,… của hãng bay. Tất cả hành khách đều có thể tự tra cứu lịch bay, tùy chọn đặt chỗ, mua vé với mức giá phù hợp theo nhu cầu cá nhân trên các chuyến bay thường lệ.
Trong khi đó, các chuyến bay thuê chuyến đặc biệt quốc tế bị giới hạn về lịch bay, đối tượng, mục đích như đưa công dân Việt về nước. Các chuyến bay này chỉ được phép khai thác trong khoảng thời gian quy định, sau khi kết thúc hãng hàng không phải xin phép lại từ đầu. Điển hình như thời gian qua, một số hãng hàng không Việt Nam được phía Mỹ cấp phép các chuyến bay Charter đưa công dân, chuyên gia từ Mỹ về Việt Nam theo từng chuyến đã cấp phép cố định. Và cho đến tháng 11 này, VNA mới được phía Mỹ cấp phép bay thường lệ giữa hai quốc gia, qua đó trở thành hãng hàng không đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam nhận được phép này.
Muốn bay thẳng thường lệ đi Mỹ phải được 9 cơ quan gật đầu
Theo quy định của Đạo luật Hàng không dân dụng Liên bang Mỹ, để có thể khai thác các chuyến bay thương mại thường lệ tới Mỹ, hãng hàng không nước ngoài cần hoàn thiện thủ tục và xin cấp phép tại ít nhất 9 cơ quan có thẩm quyền của Mỹ, như FAA, DOT, TSA, CBP… Trong đó, thủ tục cần thời gian ngắn nhất là khoảng 2 tuần trước khi chính thức khai thác và thủ tục cần thời gian dài nhất là khoảng 6-8 tháng trước khi chính thức khai thác.
Để hoàn thành thủ tục ở mỗi cơ quan chức năng đó, hãng hàng không cần phải chuẩn bị chi tiết, đầy đủ từ pháp lý tới kỹ thuật tới nhân sự. Do vậy, việc nhận được một, thậm chí hai hay ba giấy phép từ cơ quan chức năng nêu trên cũng chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện pháp lý và kỹ thuật cần thiết để triển khai khai thác thường lệ tới Mỹ.
Về phía nhà chức trách hàng không, vào tháng 2/2019 Cục Hàng không Việt Nam được cấp chứng nhận CAT 1 của nhà chức trách Mỹ. CAT 1 là điều kiện tiên quyết về mặt kỹ thuật để các hãng hàng không Việt Nam bay đến Mỹ. Quá trình đánh giá và chuẩn bị để đạt được CAT 1 của FAA đã kéo dài gần 10 năm – từ năm 2010 đến 2019.
Đối với ngành hàng không Việt Nam, việc FAA cấp chứng nhận CAT 1 cho Cục Hàng không Việt Nam là sự đánh giá rất quan trọng của FAA và hàng không thế giới về trình độ quản lý, trình độ an toàn khai thác bay và kỹ thuật của ngành hàng không Việt Nam nói chung và sau đó là các hãng hàng không. Sau khi Cục Hàng không Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn, FAA sẽ tiếp tục đánh giá đến năng lực của từng hãng hàng không tại Việt Nam để quyết định hãng đó có đủ tiêu chuẩn bay tới Mỹ hay không.
Dự kiến chuyến bay thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ do VNA khai thác sẽ cất cánh vào ngày 28/11 tới đây.
Theo Báo CafeF