Ngày 14/10, Báo Người Lao động đã tổ chức chương trình toạ đàm “Phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới”.
Chương trình toạ đàm diễn ra trong 2 phiên:
► Phiên thứ nhất – chủ đề “Du lịch đã “chạm đáy”: Các vị khách mời cùng trao đổi về bức tranh toàn cảnh của ngành du lịch thời gian qua và hiện tại, thực trạng tình hình du lịch ở các địa phương đến thời điểm này; khó khăn của doanh nghiệp du lịch, hàng không.
► Phiên thứ hai – chủ đề “Đề xuất và Hiến kế giải pháp”: Những mô hình có thể triển khai ngay trong giai đoạn này, khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát để “phá băng” du lịch và kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, địa phương…
Buổi tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch; Cục Hàng không Việt Nam; lãnh đạo các địa phương; Sở Du lịch, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp trong ngành du lịch, hàng không… Đại diện cho VNA, Trưởng Ban Truyền Thông – Đặng Anh Tuấn tham dự toạ đàm.
Trong 2 năm qua, có thể nói là 2 năm căng thẳng và gây rất nhiều thiệt hại cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt là ngành du lịch.
Du lịch là ngành công nghiệp không khói, đóng góp vào kinh tế. Nhưng trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, đặc biệt trong 4 tháng qua, gây thiệt hại cho ngành du lịch trong nước và cả thế giới. Các doanh nghiệp trong nước chịu nhiều thiệt hại kép, nhân lên nhiều lần do đại dịch lan rộng.
Như Báo Người Lao Động thông tin, thiệt hại đã “chạm đáy” và chúng ta phải nỗ lực phục hồi ngành du lịch. Báo đã mạnh dạn cùng với sự chỉ đạo của Thành ủy TP HCM, để tổ chức toạ đàm có sự đông đủ của các bộ, ban ngành, các địa phương và doanh nghiệp, là tín hiệu tốt cho thấy chúng ta đều quan tâm, lo lắng, trăn trở với mục tiêu làm sao khôi phục ngành du lịch.
Trong sáng nay, lãnh đạo Chính phủ là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nhắn tin, chia sẻ và đánh giá cao nỗ lực của Báo Người Lao Động khi tổ chức toạ đàm và các vị khách mời cùng tham dự chương trình. Chúng tôi xin cám ơn lãnh đạo các Bộ VH-TT-DL, Bộ GTVT, các địa phương, doanh nghiệp cùng tham gia toạ đàm.
Đối với ngành du lịch, việc mở cửa tới đâu, như thế nào còn phụ thuộc tình hình kiểm soát dịch và độ phủ vắc-xin, điều này rất quan trọng. Do đó, nếu vắc-xin chưa được phủ rộng khắp thì đưa cả nhà đi du lịch là một thách thức, như đại diện Quảng Ninh chia sẻ. Vì vậy, phủ vắc-xin càng nhanh, càng nhiều càng tốt.
Đến nay, chúng ta có khoảng 88 triệu liều vắc-xin và đã triển khai tiêm gần 60 triệu liều. Tới đây, lượng vắc-xin sẽ tiếp tục về, các trẻ em từ 12-18 tuổi được chích ngừa, chuẩn bị cho du lịch cả nhà sẽ tốt hơn. Vấn đề bảo đảm an toàn trong quá trình đi du lịch rất quan trọng.
Du lịch trong điều kiện bình thường mới nên bảo đảm 5K, vắc-xin, yếu tố xanh là cần thiết, tránh “mở ra, đóng lại” sẽ rất khó khăn cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, tăng tốc và phủ nhanh vắc-xin ở các điểm đến cũng rất quan trọng và cần thiết.
Như TP HCM dù là điểm đáng quan tâm về tỉ lệ dịch bệnh nhưng cũng là điểm an toàn về độ phủ vắc-xin, nhưng các tỉnh – thành tỉ lệ phủ vắc-xin chưa cao. Do đó, cần đề nghị các bộ ngành, địa phương tạo điều kiện đẩy nhanh tỉ lệ tiêm vắc-xin.
Đây là kinh nghiệm của một số quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Singapore. Họ làm điều này rất tốt. Như chương trình hợp tác Phuket tổ chức trong 3 tháng qua ở Thái Lan đã thu hút 42.000 du khách. Sắp tới đây, họ tổ chức chương trình và hi vọng 6 tháng cuối năm thu hút 1 triệu du khách đến Phuket. 1 triệu du khách đó thì nguồn lợi mang lại là bao nhiêu? Mỗi du khách chi tiêu trung bình 1.000-3.000 USD thì con số là rất lớn. Rõ ràng, tiềm năng là có nhưng cách làm như thế nào để an toàn, bảo đảm thu hút được nguồn khách trong nước, quốc tế.
Về số hoá, cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao, QR code. So với nhiều nước, chúng ta chưa mạnh, cần đầu tư, bảo đảm an toàn, ứng dụng công nghệ trong du lịch.
Đối với TP HCM, du lịch là ngành tổng hợp, rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ và kết nối của các doanh nghiệp, các địa phương, như ngành vận tải và du lịch là rất cần liên kết, kết nối. TP HCM vừa qua đã làm rất tốt thí điểm du lịch Cần Giờ, Củ Chi; nhưng sắp tới cần kết nối thêm Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu… Do đó, kết nối làm sao để cùng đồng hành, chia sẻ.
Vai trò của cơ quan truyền thông báo chí trong phục hồi của ngành du lịch thời gian tới cũng rất quan trọng. Thời gian qua, Báo Người Lao Động đã mở nhiều chuyên mục hỗ trợ ngành du lịch, cùng với các báo đài khác cũng tăng cường sự kết nối, là bước khởi đầu, sự nhóm lên của ngọn lửa. Trong thời gian tới, Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục làm cầu nối giữa các Bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương; kết nối chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp để “phá băng”, phục hồi và phát triển ngành du lịch bền vững.
Chúng ta, với quyết tâm rất cao, với sự đồng hành cùng nhau sẽ đưa ngành du lịch phát triển bền vững trong thời gian tới. Riêng Báo Người Lao Động, thời gian qua, đã tổ chức nhiều chương trình như “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, “Cờ Tổ quốc biên cương”, phối hợp với 28 tỉnh – thành có biển và 25 tỉnh dọc biên giới trên bộ, cũng có thể kết hợp với ngành du lịch rất tốt, để chúng ta vừa làm du lịch vừa lan toả tinh thần yêu nước.
Làm du lịch cũng có thể tạo điểm riêng độc đáo, chung tay chung sức chung lòng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, và với cách làm mới, ngành du lịch và các địa phương cũng sẽ có sự hỗ trợ, đồng lòng. Chúng tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn để góp phần giải bài toán khó khăn về du lịch hiện nay. Các bộ, ban ngành, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng có sự đồng hành như giảm lãi suất, miễn giảm điện, nước; hỗ trợ có đủ vắc-xin, hỗ trợ nguồn nhân lực trở lại để ngành du lịch có thể cất cánh trong tương lai, cất cánh một cách bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: 4 định hướng của ngành du lịch thời gian tới
Bộ VH-TT-DL đã có định hướng đốc thúc triển khai linh hoạt, thích ứng, tập trung nguồn lực huy động xây dựng kịch bản khởi động lại hoạt động du lịch.
Đầu tiên là định hướng ưu tiên du lịch nội địa, coi là cơ sở phát triển lại du lịch. Theo đó, xem xét khảo sát đúng thực trạng nhu cầu mong muốn của khách du lịch.
Cùng địa phương thiết kế lại sản phẩm du lịch mang đặc trưng và phù hợp với tình hình. Chính phủ yêu cầu phải an toàn và chuyển biến linh hoạt.
Khởi động lại du lịch theo hướng xanh và an toàn, sản phẩm du lịch trọn gói trên cơ sở nhu cầu của khách, hướng đến gần gũi thiên nhiên, văn hóa vùng miền, tập trung các tỉnh, địa bàn đang xanh.
Thứ hai, đồng hành cùng DN, có chính sách hỗ trợ cho DN, trong đó có chính sách cụ thể mà Chính phủ đã ban hành. Ví dụ, giảm tiền ký quỹ, gói tín dụng trong tổng thể chung DN để DN du lịch tiếp cận chung với nguồn lực này.
Thứ 3, cùng DN xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy; tổ chức tập huấn, đào tạo…
Thứ 4 là số hóa, ứng dụng công nghệ. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc. Cần xây dựng app cung cấp dịch vụ cho du khách lựa chọn thay vì phải tìm đến DN lữ hành thì họ tự tìm đến trên không gian số. Đây là hướng đi trong tương lai.
Thứ 3, cùng DN xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy; tổ chức tập huấn, đào tạo…
Thứ 4 là số hóa, ứng dụng công nghệ. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc. Cần xây dựng app cung cấp dịch vụ cho du khách lựa chọn thay vì phải tìm đến DN lữ hành thì họ tự tìm đến trên không gian số. Đây là hướng đi trong tương lai.
Phú Yên: Đề xuất ứng dụng công nghệ để du lịch an toàn
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, đại dịch Covid-19 gây thiệt hại rất lớn, nguồn nhân lực 15% nghỉ việc; 25% làm việc bán thời gian và còn lại hoạt động cầm chừng. Khách du lịch giảm 90%. Do đó, để khôi phục trở lại, tỉnh xác định mở cửa an toàn để kích cầu du lịch.
Về phía địa phương, đã thống nhất tiêm chủng và triển khai đón khách an toàn; người lao động cũng cần tiêm chủng để phục vụ du khách tốt nhất. Ngoài ra, đối với những vấn đề liên quan tới nguồn cung ứng, những tài xế vận tải trên địa bàn, tài xế taxi cũng đã cho tiêm chủng 100% mũi 1 và đang tiêm mũi 2 để phục vụ khách an toàn.
Chúng tôi cũng đang triển khai tiêm chủng cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng. Vậy sắp tới, chúng tôi nghĩ rằng đối với những khách đến, chúng tôi cũng đồng tình với Quảng Ninh là khách cũng cần có trách nhiệm và các công ty lữ hành cũng cần bảo đảm vấn đề dịch tễ, tiêu chuẩn, xét nghiệm PCR… Vẫn xác định xét nghiệm PCR để bảo đảm xác suất an toàn hơn về kiểm soát dịch tễ. Tôi đồng tình dùng ứng dụng công nghệ để nắm, có thông tin về du khách khi tới, để biết địa phương sẽ đón bao nhiêu khách, lịch sử dịch tễ và có xét nghiệm bảo đảm an toàn không.
Trong bối cảnh ngày nay, không thể dùng giấy như trước mà cần ứng dụng công nghệ; quản lý hiệu quả, trách nhiệm làm sao phục hồi kinh tế là chung của mọi người. Đơn cử, như đi bằng máy bay thì đã có thông tin rõ ràng nhưng còn đường bộ, đường thuỷ, tàu hoả… thì các cơ sở phục vụ trên đường có thể gây rủi ro cho các địa phương khác trên đường đi. Do đó, tổ chức những điểm dừng chân, điểm đến cũng phải chặt chẽ, hiệu quả để quá trình phục hồi du lịch tốt hơn.
Với vai trò bà đỡ của Nhà nước trong khôi phục ngành du lịch, tôi cho rằng cần vắc-xin để những người làm trong ngành du lịch tiếp xúc trực tiếp với du khách phải an toàn; du khách đi máy bay thì đã có tiêu chuẩn an toàn, vậy còn đường bộ thì sao? Dữ liệu thông tin của du khách cần kết nối và bảo đảm giữa các nơi đến, quét QR Code hết ở các điểm đi qua để bảo đảm thông tin, kết nối an toàn.
Đối với các doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ rất lớn của nhà nước để giảm bớt chi phí, đặc biệt trong vấn đề chi phí để kiểm soát dịch bệnh, xét nghiệm nhanh, chi phí liên quan phòng dịch… Một số địa phương cần bảo đảm năng lực xét nghiệm, trả kết quả nhanh chóng cho các đoàn khách du lịch khi đến.
Quảng Ninh: Không để xảy ra tình trạng nay mở, mai đóng
Theo Ông Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, thời gian gần đây, khi làm việc với hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, các địa phương để trao đổi kinh nghiệm hợp tác, phát triển du lịch, tôi được hỏi câu “các doanh nghiệp lo nhất gì?”.
Lo nhất là mở ra nếu không quản trị được thì đóng lại. Năm 2020 có chương trình kích cầu lớn nhưng tháng 7 lại đóng, cuối năm cũng tương tự. Khi mở lại hoạt động du lịch không hề đơn giản. Cơ sở vật chất, nhân lực như nào? Nếu không tính toán quản trị để hoạt động bền vững thì không bảo đảm. Truyền thông những vùng an toàn rồi thì thế nào để người dân yên tâm? Tâm lý người dân còn chưa an tâm. Cứ xây dựng chương trình nhưng đã tìm hiểu người dân chưa? Bao nhiều người đồng lòng với chính sách, sẵn sàng đi du lịch? Khó khăn của doanh nghiệp là gì?
Tôi tâm đắc Thủ tướng nói y tế, kinh tế xã hội đồng bộ… thì mới phát triển bền vững. Cần xác định kế hoạch chiến lược xây dựng kinh tế dịch vụ, trong đó có du lịch. Như Quảng Ninh, dịch vụ chiếm 45% kinh tế, trong đó có phát triển du lịch là nòng cốt.
Tháng 10, chúng tôi triển khai du lịch nội tỉnh, tháng 11 đón khách ngoại tỉnh. Nếu ổn sẽ khai thác khách du lịch đến vịnh Hạ Long, Yên Tử với tính chất riêng tư, độc lập. Chúng tôi đề xuất để làm tốt quản trị, không để xảy ra tình trạng nay mở, mai đóng. Các bộ ngành nên quan tâm, đồng hành với địa phương, ứng dụng công nghệ trong kiểm soát, chia sẻ chi phí… Địa phương hiện chưa có phần mềm kiểm soát đối tượng nào an toàn. Đây là yếu tố rất quan trọng để chúng ta kiểm soát được.
Ngoài ra, cần phải truyền thông tích cực, chủ động, tạo niềm tin cho người dân, từ đó mới thu hút được khách đi du lịch. Cũng cần công khai điều kiện, chương trình của các địa phương để đáp ứng. Tiếp tục quan tâm xem xét hỗ trợ người lao động thời gian tới. Trong 62.000 người lao động trong ngành du lịch, đã có số lượng lớn chuyển qua các ngành khác. Chúng tôi rất cảm ơn các địa phương có thể kết nối tiếp tục phát triển.
Đà Nẵng: Đề nghị sớm có hướng dẫn thống nhất đón khách.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, một trong những tiêu chí là phủ vắc-xin thì Đà Nẵng đã phủ trên 93% dân cho mũi 1 và khoảng 13% cho mũi 2. Đến thời điểm này, cùng chung với nỗ lực phòng chống dịch của cả nước thì Đà Nẵng đang bước vào bình thường mới để khôi phục trở lại.
Đà Nẵng xây dựng 2 phương án: Đón khách du lịch nội địa và khách quốc tế. Theo hướng dẫn mới nhất của Nghị quyết 128 và quyết định của Bộ Y tế, điều kiện đi lại thuận lợi của người dân trong nước, từ đó hỗ trợ du khách trong nước di chuyển giữa các địa phương và tham quan du lịch; cơ sở để đón khách quốc tế.
Đối với đón khách quốc tế, còn tuỳ thuộc vào yếu tố quan hệ song phương với các thị trường khách đến. Hiện chúng tôi đã nhận được đề nghị từ khách Nga và Hàn Quốc, cũng như mong muốn đón khách nhập cảnh là khách thương mại, các nhà đầu tư và lãnh đạo của các công ty du lịch có thể tới Đà Nẵng để chuẩn bị đón khách du lịch tới các thị trường trọng điểm quốc tế…
Thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch; tiếp tục xây dựng các sản phẩm trong thời gian qua, dù chưa đón khách du lịch nhưng vẫn tập trung triển khai hạng mục đầu tư công, trong đó có hạng mục phục vụ du lịch. Từ đó góp phần khôi phục và tạo sự hấp dẫn cho ngành du lịch Đà Nẵng; cùng với việc hỗ trợ và giữ chân người lao động trong ngành, sớm trở lại thời gian tới.
Chúng tôi kiến nghị, sớm có hướng dẫn thống nhất đón và phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, để các địa phương triển khai đồng bộ. Kiến nghị Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Tổng cục du lịch thống nhất với các thị trường chung về hộ chiếu vắc-xin ở các thị trường trọng điểm, để tổ chức các chuyến du lịch tới Đà Nẵng và cả nước.
Hiện Đà Nẵng đang triển khai liên kết tốt với Quảng Nam, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế và sắp tới Quảng Trị, nên chúng tôi kỳ vọng có thể sớm thống nhất một bộ tiêu chí đón khách chung của cả vùng và cả Việt Nam.
Triển khai tiêu chí hàng không xanh, lộ trình 2022 mở rộng chuyến bay quốc tế
Thời gian qua địa phương, doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với ngành hàng không trong việc duy trì mức tối thiểu nhất các hoạt động hàng không, từng bước khôi phục lại ngành. Thủ tướng, bộ ngành cũng rất quan tâm đến khôi phục lại bay nội địa.
Hàng không là một trong 5 phương tiện vận chuyển, có vai trò quan trọng. Về chuẩn bị, để có hoạt động du lịch bền vững, duy trì phát triển dần chứ không phải mở ra rồi đóng lại, ngành đã có sự chuẩn bị cả năm nay, cụ thể là triển khai tiêu chí hàng không xanh.
Tất cả các chuyến bay đi, đến đều có quy định cụ thể về tổ bay, tàu bay trước trong và sau chuyến bay. Tất cả cảng đều khẳng định là “xanh”, khi khách khi bước vào cảng đã được kiểm soát chặt chẽ về dịch cho đến khi ra. Với sự kiểm soát chặt chẽ, kể cả sự ra vào của taxi, chúng tôi sẵn sàng cho các chuyến bay.
Tôi hiểu vì sao hành khách hỏi tại sao tiêu chuẩn chặt chẽ như thế. Văn bản thí điểm 10 ngày bay kể từ 10-10 gần như một bước tập dượt, ngành không đặt lợi nhuận mà chuẩn bị chủ yếu về quy trình từ đặt vé, xét duyệt khách, thậm chí phối hợp chặt chẽ với địa phương. Mong có được sự chia sẻ từ hành khách.
Chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho giai đoạn 2-3 ngày tới sẽ báo cáo cấp cao hơn sẽ có bước triển khai cho giai đoạn sau thí điểm với đúng tính chất bay thương mại, điều kiện nới rộng hơn với mọi đối tượng người dân. Sau đó, tiếp tục mở rộng nhiều đường bay để đối tượng khách đa dạng hơn.
Hi vọng các địa phương, doanh nghiệp có tổng kết để mở rộng đối tượng được bay nội địa, cùng đưa ra kiến nghị. Về bay quốc tế, chúng tôi đã làm kế hoạch khai thác lại đường bay.
Chiều qua có cuộc họp phối hợp với Kiên Giang để tổ chức đường bay Phú Quốc là bước quan trọng. Trong quá trình thí điểm, cố gắng bảo đảm quy trình, quy định phê duyệt, các địa phương khác sẽ thực hiện theo đúng mô hình này. Ngoài ra, ngành hàng không tổ chức chuyến charter cấp phép, sẵn sàng tạo điều kiện cho hãng hàng không nước ngoài tham gia khai thác các chuyến bay đến. Chúng ta nhìn nhận để bảo đảm việc các chuyến bay đến các địa phương thì phải có đủ vắc-xin.
Các thành phố lớn được ưu tiên nhưng nhiều địa phương chưa có độ phủ cao. Chúng tôi đưa ra lộ trình đầu năm 2022 tổ chức lại chuyến bay quốc tế từ các địa phương, mong địa phương phối hợp để có đồng thuận cao về vấn đề này.
Phú Quốc: Sớm thí điểm đón khách quốc tế
Hiện chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến các cấp, các ngành và doanh nghiệp và đã cơ bản hoàn thành kế hoạch và đang chờ ý kiến của các bộ ngành trung ương để ban hành tiêu chí đón khách quốc tế, tiêu chí cho các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch.
Để sẵn sàng đón khách quốc tế thí điểm, tỉnh đã tổ chức tiêm vắc-xin mũi 1 và tiêm mũi 2 vét hoàn thành trong tháng 10. Phú Quốc đang triển khai về nhân lực, vật lực, phương án xét nghiệm, xử lý sự cố khi có tình huống xảy ra.
Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang dự kiến cuối tháng 11 này có thể vận hành đón khách bảo đảm kế hoạch đề ra và phối hợp các sở ngành đi tiền trạm, khảo sát để phục vụ đón khách an toàn trong tình hình mới. Ngành du lịch địa phương cũng chuẩn bị các sản phẩm du lịch trong những ngày đón khách quốc tế. Ngành du lịch tỉnh cũng lên kế hoạch hỗ trợ để giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ quảng bá, truyền thông để đón khách thuận lợi…
Trong giai đoạn thử nghiệm sẽ thí điểm đón 1-3 chuyến bay rồi đón khách quốc tế chính thức. Chúng tôi cũng xây dựng các bộ tiêu chí an toàn trong dịch Covid-19, ưu tiên thị trường cấp 1 nguy cơ thấp trong điều kiện bình thường mới, tương ứng vùng xanh, an toàn có độ bao phủ vắc-xin cao ở những điểm đến trên địa bàn để mở cửa đón khách.
Ngành du lịch tỉnh Kiên Giang cũng đề xuất các nhóm giải pháp về tuyên truyền, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm… Hiện đã mở lại các đường bay từ Phú Quốc – TP HCM, Phú Quốc – Rạch Giá chuẩn bị cho khôi phục ngành du lịch tỉnh.
Thừa Thiên – Huế: Cần điều chỉnh kế hoạch phục hồi du lịch sau Nghị quyết 128
Ông Trần Hữu Thùy Giang – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế:
Hành khách đi máy bay đến Huế không bị cách ly mấy ngày nếu đủ điều kiện, hiện đã có 3 chuyến bay đến Huế. Khách cũng có thể đăng ký lưu trú dịch vụ nếu không có điều kiện theo dõi tại nơi cư trú.
Dù trước nay ngành du lịch Huế vẫn hoạt động nhưng chủ yếu đón khách nội tỉnh. Đề nghị các tỉnh thành, ban ngành liên quan lưu tâm vấn đề là đã có Nghị quyết 128 quy định rõ 4 mức xanh, vàng, cam, đỏ. Vùng xanh hầu như mở cửa, không có chuyện yêu cầu tiêm chủng, xét nghiệm, được tự do đi lại nên tôi nghĩ nên bàn sâu để mở rộng thêm các điều kiện hoạt động du lịch.
Cần giải pháp quan trọng là tăng tốc phủ vắc-xin, trước hết cho lực lượng phục vụ trong ngành du lịch, dịch vụ và người dân ở điểm đến. Đề nghị điểm đến đẩy nhanh hoàn thành thẻ QR liên thông quốc gia. Nghị quyết 128 mở nhiều điều kiện cho công dân ở vùng xanh. Do đó đề nghị xem xét điều chỉnh sát với thực tế phục hồi phát triển du lịch.
Doanh nghiệp đã xây dựng 5 nhóm sản phẩm cho khách nội địa với khẩu hiệu ” Hanoitourist – du lịch bình thường mới” bao gồm homestay an toàn, khách sạn an toàn, du lịch Mice an toàn, du lịch caravan an toàn và du lịch mùa thu an toàn.
Sau khi Hà Nội nới lỏng một số hoạt động, Hanoitourist đã chủ động đề xuất với các cơ quản quản lý tại 1 số điểm đến là vùng xanh và đề xuất tổ chức tour an toàn kèm theo các phương án tổ chức và chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1, du lịch nội vùng: Đề xuất thí điểm tour caravan Đường Lâm với Sở Du lịch và UBND TP Hà Nội.
Giai đoạn 2: Du lịch vùng xanh với vùng xanh. Cụ thể đề xuất với UBND tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Ninh tổ chức thí điểm loại hình tour caravan không chạm như: Sử dụng xe tự lái do các cá nhân, trong qua trình di chuyển dùng bộ đàm để hướng dẫn cho khách, cơ sở lưu trú chỉ chọn 1 điểm, khách check in theo nhóm có cùng yếu tố dịch tễ, nhà hàng sử dụng ăn theo giờ và theo nhóm và quan trọng là bảo đảm các quy định về phòng chống dịch. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đều gặp phải do quy định mỗi địa phương khác nhau và còn e dè trong việc đề xuất thí điểm tổ chức tour an toàn do khách hàng chủ yếu ở Hà Nội được coi là vùng đỏ.
Giai đoạn 3: Các hoạt động du lịch hoạt động trạng thái thích ứng an toàn.
Ngày 11-10, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 128 về việc thích ứng trong giai đoạn bình thường mới, trong toạ đàm hôm này, chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương điểm đến nên sớm ban hành bộ quy tắc chung, có sự thống nhất để khai thông việc khôi phục các hoạt động du lịch trở lại tránh tình trạng mỗi địa phương, mỗi tỉnh lại có các quy định khác nhau để các doanh nghiệp chủ động trong việc chào bán các sản phẩm cho khách hàng.
Đối với các hãng hàng không, cần xem xét về kế hoạch bay giữa các tỉnh thành phố, giá vé phù hợp theo từng nhóm nhỏ linh hoạt và với khách dưới 18 tuổi.
Sungroup “phủ áo mới” cho các khu nghỉ dưỡng
Với mảng du lịch nghỉ dưỡng của tập đoàn ở phân khúc cao cấp nên tiếp cận tiêu chuẩn dịch vụ quốc tế, có tiêu chuẩn làm sao vận hành bảo đảm an toàn cho du khách. Sự chuẩn bị của Sungroup đối với phục hồi du lịch sau dịch Covid-19 đến thời điểm này, ngay trong gian đoạn giãn cách thì chúng tôi đã tranh thủ lập chiến dịch “phủ áo mới” cho các cơ sở nghỉ dưỡng để cung cấp dịch vụ tốt nhất khi khách hàng nội địa và quốc tế quay trở lại.
Chúng tôi cũng không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực. Xây dựng sản phẩm dịch vụ mới, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khoẻ. Đồng thời, chuyển đổi số là cần thiết để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, nhất là hạn chế tiếp xúc theo yêu cầu an toàn.
Với lộ trình thí điểm đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vắc-xin, ngay trong giai đoạn Covid-19, chúng tôi cũng khai trương một resort mới hơn 1.300 phòng và một khách sạn khác… Chúng tôi cũng đang hợp tác, khởi động lại trao đổi với đối tác quốc tế và trong nước, nhất là ở những thị trường tiềm năng, làm sao đưa khách quốc tế tới Phú Quốc thông qua hộ chiếu vắc-xin.
Sungroup đã chuẩn bị sẵn sàng với những đối tác hàng đầu thế giới, khi các đối tác này có tiêu chuẩn rất cao về hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh do đó doanh nghiệp chúng tôi có điều kiện để triển khai, với quy trình phối hợp chính quyền địa phương để sắp tới khi đón khách bay charter thì sẵn sàng.
Từ Phú Quốc, sẽ mở cửa ra các địa phương khác, để không chỉ là bay charter mà còn những chuyến bay thương mại khác. Để làm điều này, doanh nghiệp kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin nhất là những địa phương đón khách du lịch; thống nhất quy trình đón khách để có trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Cần quảng bá thêm ra quốc tế để du khách thấy Việt Nam là điểm đến an toàn và sẵn sàng đón khách trong thời gian tới khi điều kiện cho phép.
Vingroup ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nâng cao trải nghiệm cho khách
Theo Ông Lê Khắc Hiệp – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Vingroup có Vinpearl hoạt động trong lĩnh vực nghỉ dưỡng lớn với 45 cơ sở lưu trú, khách sạn 5 sao và trung tâm vui chơi giải trí hàng đầu Việt Nam.
Chúng tôi chuẩn bị đón khách theo quy định nhà nước: 100% nhân viên được tiêm 2 mũi, tham gia khóa đào tạo gồm phương án bảo hộ an toàn, đúng chuẩn. Bên cạnh việc tuân thủ hướng dẫn của địa phương, các bộ, Vingroup cũng đưa ra tiêu chuẩn an toàn, nâng cao hơn, cụ thể nhân viên được bố trí 3 tại chỗ, khoanh vùng sinh hoạt, theo dõi lịch trình…
Vingroup sẽ liên tục nâng cao trải nghiệm của du khách, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, cho ra mắt ứng dụng quản gia thông minh, hỏi đáp thông tin nhà hàng, cập nhật thông báo giúp khách tiện lợi, hạn chế tiếp xúc. Chúng tôi đang chuẩn bị nhiều sản phẩm mới để đón khách du lịch, như tàu ngầm vô cực trong suốt 360 độ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp biển. Ngoài ra, tại Nha Trang, chúng tôi chuẩn bị nhiều sản phẩm vui chơi giải trí để khách trải nghiệm.
Tại Phú Quốc, VinWonders có kế hoạch sẽ đưa vào hoạt động Cung điện Hải Vương – Công trình thủy cung hình rùa lớn nhất thế giới với 5 phân khu đặc sắc…, tin rằng sẽ có trải nghiệm thú vị không ngừng nâng cấp sản phẩm để tạo trải nghiệm cho du khách quốc tế với 1 điểm đến mọi nhu cầu.
Chúng tôi mang đến kỳ nghỉ trọn vẹn trong nội khu với độ an toàn cao, sở hữu hạ tầng đáp ứng được nhu cầu cao cấp, du lịch sức khỏe, hội họp… Chuẩn bị để đón khách khi điều kiện cho phép. Thời gian tới, chúng tôi có khuyến mại lớn về giá phòng, giá dịch vụ rất hấp dẫn. Khách có thể theo dõi trên website để nắm được thông tin chi tiết.
Quảng Bình: Thí điểm tour trọn gói 1 cung đường – 2 điểm đến
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết, trong câu chuyện khôi phục kinh tế, trong đó có ngành du lịch, đóng thì dễ, mở thì khó. Muốn khôi phục trở lại cần làm “ấm hòn than hồng”.
Hiện chúng tôi thấy có 3 xu hướng, khách du lịch có nhu cầu đi theo nhóm nhỏ, đi gần và đi xa. Do đó, du khách thích trở về thiên nhiên, sinh thái, du lịch biển là xu thế phù hợp.
Trong 4 làn sóng dịch Covid-19 thì Quảng Bình tránh được 3 lần đầu. Đến lần thứ 4, Quảng Bình là một trong 5 tỉnh bùng phát dữ dội, có gần 2.000 F0 và chống dịch trong gần 3 tuần. Sau đó, địa phương cũng mở cửa ngay và khôi phục du lịch. Quảng Bình ban hành ngay văn bản khung về khôi phục vụ du lịch trong trạng thái bình thường mới, để ai cũng có thể làm ngay. Ban hành hướng dẫn an toàn về y tế, theo tinh thần của Chính phủ; không cách ly y tế đối với khách đã tiêm 2 mũi vắc-xin, khách đã lành bệnh thì tự theo dõi y tế tại nhà hoặc tại cơ sở lưu trú với điều kiện cơ quan y tế giám sát chặt chẽ. Điều này tạo yên tâm, thoải mái cho du khách.
Quảng Bình thí điểm du lịch trọn gói khi vừa phê duyệt cho Công ty Oxallis trong 2 tháng tổ chức tour trọn gói 1 cung đường – 2 điểm đến từ các địa phương khác tới Quảng Bình.
Hết đợt mưa bão này, công ty sẽ có tour ngay và hiện đã bắt đầu bán tour đón khách. Từ những đốm lửa này, hy vọng sẽ có tín hiệu khả quan trong thời gian tới.
Bình Định: Nếu mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng, du lịch khó khôi phục
Ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Tôi đánh giá cao ý tưởng tổ chức tạo đàm của Báo Người Lao Động trong bối cảnh chuyển từ “Zero Covid-19” sang thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Dịch đã ảnh hưởng sâu trên tất cả lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội đặc biệt dịch vụ, du lịch. 9 tháng đầu năm, Bình Định chỉ 1,2 triệu, giảm 33,5%, doanh thu giảm 25,7%. Đợt dịch lần thứ 4 này tỉnh có 1.435 ca mắc, đứng 25/63 tỉnh, thành.
Tại thời điểm này, dịch đã được khống chế cơ bản. Tỉnh quyết định mở cửa nhiều hoạt động từ 15-10, trong đó có hoạt động lưu trú đáp ứng điều kiện không quá 50% công suất. Để chuẩn bị mở cửa, tỉnh tập trung ưu tiên tiêm vắc-xin cho các đối tượng nguy cơ và địa bàn trọng điểm để tạo vùng xanh an toàn. Các hướng dẫn viên, cơ sở kinh doanh khách sạn nhà hàng đều được ưu tiên tiêm trước. Đầu tháng 10, tỉnh có chủ trương tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân bán đảo Phương Mai, nơi đây tập trung nhiều cơ sở du lịch lớn trọng điểm của cả tỉnh. Mở cửa được Phương Mai là bài học để thực hiện ở địa bàn khác.
Tỉnh đã giao Sở Du lịch xây dựng đề án đón các chuyến bay quốc tế trong tháng 12. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mùa này là mùa thấp điểm, để bảo đảm được hiệu quả khi mở cửa cần có sự phối hợp chặt chẽ các địa phương cả nước, đặc biệt doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này.
Việc kết nối địa phương là hết sức quan trọng. Chính phủ đã có Nghị quyết 128 để địa phương thống nhất với nhau điều kiện, tiêu chuẩn trong mở cửa phục hồi kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. Nếu mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng thì không thể thực hiện mở cửa, phát triển du lịch được. Bình Định thời gian qua đã xúc tiến nhiều hoạt động mở cửa, khôi phục. Đa số thống nhất mở lại các đường bay trong nước. Nhưng hiện mới kết nối được với TP HCM, còn Hà Nội, Hải Phòng thì chưa vì lý do tiêu chuẩn của các địa phương này.
Để đạt được hiệu quả, vấn đề quan trọng là khách. Nếu khách còn e ngại thì mở cửa cũng không thu hút được. Truyền hông để có thông tin cụ thể, kịp thời về điểm đến an toàn là hết sức cần thiết. Tỉnh cũng quyết liệt phòng chống dịch để tạo được điểm đến an toàn, tâm lý thoải mái cho khách. Cần hợp tác, phối hợp chặt chẽ tất cả cơ quan nhà nước, đơn vị tạo thống nhất, trong đó cơ quan nhà nước phải là cầu nối, tác động tích cực cho mở cửa, phục hồi du lịch để doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất. Nếu không, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, không có tâm lý thoải mái.
Để có khách, sự phối hợp mở tour, tuyến của các tỉnh thành là cần thiết làm ngay trong thời điểm này vì nếu để khách đi tự phát sẽ không an toàn và không tạo được hiệu ứng phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ. Đặc biệt, cần sự phối hợp của cơ quan truyền thông. Trong đó ý tưởng kết nối của Báo Người Lao Động có ý nghĩa quan trọng.
Quảng Nam