Đường bay thẳng đến Mỹ của Vietnam Airlines đạt doanh thu khả quan

Sau một năm khai thác đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ, Vietnam Airlines nỗ lực duy trì tần suất ổn định, đạt những tín hiệu tích cực về lượng hành khách và doanh thu.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vào 20h57 ngày 28/11/2021, chuyến bay mang số hiệu VN98 của hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines (VNA) – từ TP.HCM đi Mỹ được thực hiện bằng tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner. Chuyến bay hạ cánh tại San Francisco lúc 19h42 ngày 28/11/2021 giờ địa phương (tức 10h42 sáng ngày 29/11/2021 giờ Việt Nam). Đây là chuyến bay lịch sử đánh dấu sự kiện đường bay thẳng thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ chính thức khai mở.

alt text

Cột mốc lịch sử cho vị thế hàng không Việt Nam

Ông Lê Hồng Hà – Tổng giám đốc VNA – nhấn mạnh sự kiện mở đường bay thường lệ đến Mỹ không chỉ khẳng định năng lực khai thác của ngành hàng không nội địa, mà còn góp phần nâng tầm, củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Ở tầm vĩ mô, đường bay thẳng là một trong những yếu tố tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước, tạo cầu nối thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài ra, thị trường Việt Nam có thêm cơ hội thu hút đầu tư, trao đổi thương mại.

alt text
Tổ bay chuyến bay thẳng Việt Nam – Mỹ đầu tiên VN98 ngày 28/11/2021.

Theo nghiên cứu của VNA, thị trường khách đi/đến Mỹ rất lớn, phát triển ổn định. Khách đi lại giữa Mỹ và Việt Nam phần lớn tới bờ tây xứ cờ hoa, trong đó, Los Angeles, San Francisco (bang California) chiếm khoảng 42% dung lượng. Vì vậy, khoảng 2,2 triệu Việt kiều tại Mỹ vẫn là lượng khách quan trọng nhất của thị trường bay Mỹ – Việt Nam trong nhiều năm tới.

“Những nỗ lực của Chính phủ hai nước thời gian gần đây trong việc tăng cường quan hệ nhiều mặt, kết hợp chính sách cởi mở của Việt Nam với cộng đồng người Việt ở Mỹ và nước ngoài là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường hàng không giữa quốc gia phát triển”, lãnh đạo VNA cho biết.

Các chuyến bay TP.HCM – San Francisco hiện được khai thác an toàn, ổn định với tần suất 4 chuyến/tuần, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân hai quốc gia.

Trong giai đoạn gần đây, đường bay thẳng đến Mỹ ghi nhận tín hiệu tích cực khi số lượt khách trên chặng đi từ Việt Nam tăng đáng kể. Điều này giúp VNA có cơ hội giới thiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao cho nhiều khách hàng hơn trên hành trình bay vốn cạnh tranh cao từ các hãng bay một điểm dừng.

alt text
Hành khách chụp ảnh lưu niệm trước chuyến bay.

Phía VNA phân tích rõ hơn, từ giữa tháng 12/2022 đến cuối tháng 1/2023 là giai đoạn cao điểm của thị trường do kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đẩy nhu cầu đi lại tăng đột biến. Vì thế, VNA nắm bắt nhu cầu và đã lên kế hoạch khai thác hợp lý để đáp ứng nhu cầu đi lại, đồng thời không ngừng tăng chất lượng dịch vụ, mang lại sự hài lòng cho khách hàng.

“Tỷ lệ hệ số sử dụng ghế trong đường bay thẳng đến Mỹ của VNA luôn đạt hơn 80%. Đây là tín hiệu tích cực ban đầu khi hãng xác định trước mắt vẫn phải bù lỗ trong 5 năm tới với đường bay này vì Mỹ là thị trường lớn, tiềm năng nhưng cũng cạnh tranh bậc nhất thế giới”, ông Hà cho hay.

Nghiên cứu các phương án bay đến Mỹ

Là Việt kiều sinh sống tại Mỹ được 15 năm, ông Michael Nguyễn cảm thấy hài lòng, sẵn sàng chọn bay hành trình dài tới Mỹ và ngược lại trên tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner mang biểu tượng bông sen vàng sáu cánh.

Theo ông Michael Nguyễn, đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ có thời gian bay dài, chiều đi hơn 13 tiếng, chiều về khoảng 16 tiếng. Trước đây, hành khách Việt muốn đến Mỹ thường phải bay vòng qua các điểm trung chuyển, trong đó các cửa ngõ tại Đông Bắc Á (Hong Kong – Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản) hay cửa ngõ Trung Đông (Doha, Qatar) dẫn đến thời gian quá cảnh lâu.

“Sau nhiều năm về Việt Nam bằng hãng bay của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, phần lớn kiều bào đều muốn về nước trên chính hãng hàng không của quê hương. Ngoài sự tiện lợi của đường bay thẳng VNA, đó còn là niềm tự hào dân tộc”, ông Michael Nguyễn chia sẻ.

alt text
Hành khách may mắn nhận quà tặng là vé máy bay miễn cước trên chuyến bay.

Với VNA, ngoài việc gặp cạnh tranh lớn trên đường bay này do giá vé rẻ được khai thác bởi các hãng hàng không bay một điểm dừng (CI, BR của Đài Loan – Trung Quốc; KE, OZ của Hàn Quốc; NH, JL của Nhật Bản), thời gian qua, giá nhiên liệu tăng cao dẫn tới chi phí các đường bay quốc tế leo thang. Đặc biệt, đường bay Mỹ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thay đổi giá nhiên liệu do thời gian bay hai chặng dài, đến hơn 30 giờ/chuyến khứ hồi.

“Việc duy trì khai thác đường bay với tần suất ổn định là nỗ lực của VNA để đáp ứng nhu cầu đi lại giao thương giữa hai quốc gia. Hãng luôn kiểm soát chặt chẽ chi phí, hiệu quả của từng chuyến bay, đảm bảo phương án khai thác hợp lý trong từng điều kiện. Hiện tại, VNA cũng nghiên cứu các phương án bay đến Mỹ để hoàn thiện và phát triển sản phẩm thời gian tới”, Tổng giám đốc VNA khẳng định.

Đơn cử, vào tháng 6, VNA đạt chứng chỉ “Khai thác tầm bay mở rộng” (EDTO) rút ngắn thời gian bay Mỹ, giúp giảm nhiên liệu, tiết kiệm chi phí, đồng thời tăng tải thương mại mở bán và hiệu quả chuyến bay (mỗi chuyến tăng trung bình 13 ghế, tối đa 32 ghế/chuyến/chiều), tối ưu doanh thu.

alt text
VNA phối hợp Hiệp hội Nông sản Mỹ phục vụ hành khách món phở bò Mỹ và bánh burger kiểu Việt Nam.

Sau một năm mở đường bay thẳng thường lệ tới Mỹ, lãnh đạo VNA cho rằng đây là cơ hội để hãng hoàn thiện trên hành trình tiến tới 5 sao. Đường bay này mở ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát có ý nghĩa chiến lược trong việc đáp ứng nhiệm vụ chính trị, thiết lập cầu nối giao thương giữa hai quốc gia, đồng thời là bước đi quan trọng để VNA nâng tầm vị thế, trở thành hãng hàng không tầm cỡ trong khu vực.

Theo Zing News

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.