Đứng thứ 6 thế giới, trục bay vàng TP.HCM – Hà Nội nhộn nhịp ra sao?

Là đường bay nhộn nhịp thứ 6 thế giới với gần 1.000 chuyến qua lại mỗi tuần, trục TP.HCM – Hà Nội là con gà đẻ trứng vàng của các hãng hàng không nhưng lại đang gặp quá tải.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Là người thường xuyên bay từ Hà Nội vào TP.HCM, có tuần tới 3 lần bay khứ hồi, anh Đ. Dũng (Thanh Xuân, Hà Nội) thậm chí còn nhớ được giờ nào sẽ có chuyến bay của hãng nào.

“Giờ tròn số sẽ là chuyến của Vietnam Airlines, sau đó khoảng 10-15 phút sẽ là chuyến của Vietjet Air hoặc Bamboo Airways”, anh Dũng chia sẻ. Chuyến bay trên trục này nhiều tới nỗi theo anh Dũng, anh muốn bay giờ nào thì gần như chắc chắn có một hãng sẽ bán vé chuyến bay giờ đó.

Ai cũng muốn bay trục vàng

Theo thống kê từ Flightradar24, Nội Bài là sân bay đón lượng chuyến bay cao nhất xuất phát từ Tân Sơn Nhất, với 486 chuyến/tuần. Ở chiều ngược lại, cũng có đến 489 chuyến bay từ Nội Bài đến Tân Sơn Nhất mỗi tuần. 

Các chuyến bay từ Hà Nội đi TP.HCM gần gấp đôi lượng chuyến bay đến sân bay đứng sau là Đà Nẵng đến TP.HCM trong khi từ TP.HCM đi Hà Nội cũng hơn gấp đôi số chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi Đà Nẵng.

Theo số liệu từ Routesonline, TP.HCM – Hà Nội hiện là trục bay nhộn nhịp thứ 6 trên thế giới, đứng ngay sau trục Bắc Kinh – Thượng Hải. Trục bay vàng của Việt Nam luân chuyển lượng hành khách lên tới gần 6,8 triệu lượt trong năm 2017.

Thống kê của CAPA (Trung tâm Hàng không châu Á – Thái Bình Dương) cũng cho thấy đường bay giữa TP.HCM – Hà Nội đứng thứ 5 về số lượng hành khách đi lại, sau các đường bay như Jeju – Seoul, Tokyo – Sapporo, Sydney -Melbourne…

Thống kê mới nhất của Cơ quan Giám sát Dữ liệu hàng không OAG cũng cho thấy, đường bay trục Bắc – Nam của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 6 trong top 10 đường bay đông đúc nhất thế giới.

Đứng đầu về lượng chuyến bay qua lại giữa hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn nhất là Vietnam Airlines. Theo tính toán của Zing.vn dựa trên số liệu Flightradar24 cung cấp về lượng chuyến bay trục vàng từ 27/8 đến 2/9, Vietnam Airlines đứng đầu với 137 chuyến bay chiều TP.HCM đi Hà Nội và 138 chuyến từ Hà Nội đi TP.HCM.

Jetstar Pacific cũng sẽ thực hiện 88 chuyến từ TP.HCM đi Hà Nội và 86 chuyến từ Hà Nội đi TP.HCM trong giai đoạn từ 27/8 đến 2/9.

Hãng bay nội thực hiện ít chuyến nhất trên trục vàng trong giai đoạn này là Bamboo Airways với 58 chuyến từ TP.HCM đi Hà Nội và 58 chuyến nữa ở chiều ngược lại.

Có thể thấy lịch bay trong ngày trên trục vàng đang gần như “kín chỗ”, không còn nhiều slot cho các hãng mới khai thác và nếu có cũng là những khung giờ kém thuận lợi.

Nội Bài và Tân Sơn Nhất gồng gánh quá sức

Quá tải, tắc nghẽn dường như đã trở thành đặc trưng của sân bay Tân Sơn Nhất. Theo số liệu từ CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), mỗi máy bay phải mất khoảng 25-40 phút để xếp hàng chờ được cất cánh.

Thậm chí theo SAGS, các chuyến bay vào sáng sớm, máy bay trong các khu vực đậu qua đêm còn không kéo ra được do các chuyến bay trước đó chưa taxi (di chuyển ra đường cất hạ cánh) nên không còn bãi trống để kéo ra, hoặc trong khi kéo phải dừng chờ do kẹt kiểm soát không lưu…

Cả hai sân bay là Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều đang quá tải vì gánh trục bay vàng. (Ảnh: Zing).

Ban Không lưu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cũng ví von việc tắc nghẽn mặt đất tại Tân Sơn Nhất tương tự tình trạng giao thông đường bộ ở Hà Nội và TP.HCM, hai đô thị có quy hoạch cơ sở hạ tầng, đường xá đã có phần cũ và lỗi thời, tồn tại nhiều điểm giao cắt đồng mức giữa các làn xe lưu thông.

Năm 2018, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đón 38,5 triệu lượt khách, gấp 1,5 lần so với công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm.

Hiện nay, số lượt chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đạt hơn 700 chuyến bay/ngày, cá biệt dịp cao điểm lên tới gần 900 chuyến/ngày. Năng lực thông qua đường cất hạ cánh đang được điều phối 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.

Tắc nghẽn tại sân bay Nội Bài không trầm trọng như tại Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên theo đơn vị quản lý đường cất hạ cánh của Nội Bài lại đang xuống cấp nghiêm trọng, phát sinh nhiều hư hỏng do tần suất đón máy bay quá lớn.

Một năm trước, tình trạng xuống cấp ở đây từng được phản ánh, nhưng đến nay đường băng không được cải thiện mà còn phát sinh nhiều loại hư hỏng mới. Trên đường cất hạ cánh đã xuất hiện những vệt lún rộng 1 m, nhiều vị trí nứt vỡ, xô lệch. Ở các mép đường có hiện tượng phụt bùn mỗi khi máy bay lăn qua.

Lãnh đạo cảng này đang đưa ra biện pháp tạm thời là điều động công nhân dành 5 tiếng mỗi đêm (1-6h) từ 23/8 đến 6/9 để trám vá các hư hỏng trên đường lăn S3. Đường băng 1A ở gần đó cũng tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn.

Hiện các hãng hàng không đang đề xuất nhiều phương án giảm tải cho hai sân bay này như tăng cường bay điểm tới điểm thay vì bay trục nan cũng như tăng khai thác bay đêm, sử dụng tàu bay thân rộng để giảm số chỗ đỗ cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những phương án tạm thời, được thực hiện hạn chế nên chưa mang lại hiệu quả đáng kể.

Theo nhiều chuyên gia hàng không, nếu không có biện pháp giảm tải cho Tân Sơn Nhất và Nội Bài, khả năng mở rộng lưu lượng trục bay TP.HCM – Hà Nội dường như là bất khả thi. Khi đó, “đất” dành cho hãng mới tham gia trục bay vàng cũng trở nên hiếm hoi.

Theo news.zing.vn

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.