Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện giữ vị trí chi phối trong nhiều lĩnh vực quan trọng và cung ứng một số nguyên vật liệu đầu vào cơ bản cho nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như trước tình hình biến động, khó lường trong khu vực lẫn quốc tế, DNNN tích cực triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Gánh vác nhiều mục tiêu
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh của DNNN giai đoạn 2016-2020 ghi nhận khu vực doanh nghiệp này có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân là 10,46%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp tư nhân trong nước là 1,26%. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 14 lần doanh nghiệp dân doanh.
Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt gánh nặng từ ngân sách Nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, qua đó góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trong đại dịch Covid-19, vai trò của DNNN càng quan trọng khi đảm nhận nhiệm vụ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Ví dụ trong lĩnh vực xăng dầu, biến động của thị trường thế giới khiến hàng loạt cây xăng trong nước đóng cửa, bán cầm chừng nhằm giảm lỗ, nhưng DNNN vẫn phải gánh lỗ, duy trì bán hàng 24/7, không để đứt nguồn cung, ổn định thị trường.
Trong lĩnh vực điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2022 ghi nhận mức lỗ 31.000 tỷ đồng vì giá đầu vào tăng cao, nhưng vẫn phải neo giá bán điện để ổn định đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp. Đó là hoạt động bảo đảm ổn định vĩ mô, nhưng cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến hiệu quả kinh tế của DNNN không thể cao như các thành phần doanh nghiệp khác.
Chính vì vậy, nhiều quan điểm cho rằng nếu tính hết những giá trị xã hội mà DNNN đang gánh vác, mức độ đóng góp của DNNN thực tế lớn hơn con số khoảng 29% GDP như hiện nay.
Trong đại dịch Covid-19, DNNN trở thành lực lượng chủ đạo hỗ trợ Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Nhưng trở lại với trạng thái bình thường mới, chính DNNN lại bị vướng mắc cơ chế và không thể thực hiện ngay các biện pháp để tự vực dậy giống như các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Quá trình tái cơ cấu của một số DNNN vì thế diễn ra chậm, có thể ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi chung của cả nền kinh tế như tình trạng đang diễn ra trong ngành hàng không.
Từ đầu năm 2021, Vietnam Airlines đã xây dựng và báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025. Đến nay, đề án đang chờ phê duyệt, nhưng nếu thời gian kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến năng lực tài chính, thậm chí tạo hậu quả xấu cho doanh nghiệp.
Khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng
Trong các nhóm giải pháp lớn đề ra nhằm cải thiện tính thanh khoản, Vietnam Airlines dự kiến bán công ty thành viên đang hoạt động tốt và phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ trong giai đoạn 2022-2023.
Nếu ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, hãng hàng không này sẽ cân nhắc tiếp tục phát hành tăng vốn trong giai đoạn 2024-2025 thông qua hình thức chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.
Các giải pháp nói trên đang vướng mắc quy định của Luật Chứng khoán và Luật số 69 về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Nguyên nhân là từ năm 2020 đến nay, Vietnam Airlines rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu vì tác động của đại dịch Covid-19, không đủ điều kiện phát hành; nếu có bảo lãnh của Chính phủ để phát hành trái phiếu trong nước hoặc quốc tế sẽ phải tính toán đến trần nợ công. Hơn nữa, lĩnh vực kinh doanh của Vietnam Airlines cũng không thuộc danh mục Nhà nước phải đầu tư vốn.
TS Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương – cho rằng khi viện dẫn các quy định của pháp luật, chúng ta thường chỉ nhìn ở góc độ Chính phủ với vai trò quản lý Nhà nước nên mặc định rằng không xử lý được những kiến nghị về thanh khoản tại Vietnam Airlines.
Nhưng nếu nhìn ở vai trò chủ sở phần vốn tại doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh, không có luật nào cấm chủ sở hữu đầu tư vốn vào doanh nghiệp để bù đắp thanh khoản, đặc biệt là một doanh nghiệp có kỹ năng quản trị tốt, nắm giữ khối tài sản lớn và có triển vọng phục hồi mạnh mẽ.
“Về mặt pháp luật, không có gì ngăn cản Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu đứng ra bảo lãnh, thực hiện toàn diện quyền chủ sở hữu tại Vietnam Airlines. Nhưng quy trình ra quyết định về việc bảo lãnh phát hành hoặc đầu tư thêm vốn vào doanh nghiệp trong hệ thống Nhà nước sẽ phức tạp và chậm hơn so với doanh nghiệp tư nhân vì phải tùy vào từng cấp ra quyết định”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích.
TS Cung cho hay điểm mấu chốt nằm ở chỗ nếu thống nhất quan điểm cần duy trì và phát triển Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, thì tiến độ sẽ được thúc đẩy. Chính phủ với vai trò là chủ sở hữu nắm hơn 86% phần vốn tại doanh nghiệp cần hành động nhanh để hãng hàng không quốc gia sớm phục hồi và phát triển bền vững, bắt kịp đà phục hồi của hàng không quốc tế.
Tình hình của Vietnam Airlines hiện nay khó khăn hơn so với giai đoạn bùng phát đại dịch vì những khó khăn cũ chưa có đủ thời gian, giải pháp và nguồn lực để tháo gỡ; nay lại bồi thêm nhiều rủi ro đến từ yếu tố biến động giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh tăng tỷ giá, lãi suất trong nước.
Bên cạnh đó, tốc độ phục hồi của hàng không chậm hơn so với các lĩnh vực khác, vì nguồn thu chủ yếu đến từ vận tải hành khách quốc tế hiện chưa tăng trưởng trở lại. Thị trường chủ đạo là Trung Quốc chưa mở cửa, còn thị trường Nga chịu ảnh hưởng từ chiến sự.
Để vượt qua khủng hoảng, Vietnam Airlines đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục hậu quả của đại dịch bằng nỗ lực tự thân như cắt giảm chi phí, tận dụng từng cơ hội doanh thu, sắp xếp lại lao động, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu thị trường… nhằm giảm lỗ so với kế hoạch.
Nhưng thế khó của Vietnam Airlines là không được chủ động, linh hoạt thực hiện kế hoạch tái cơ cấu toàn diện như các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, không được đầu tư kinh doanh ngoài ngành để tạo doanh thu bù chéo cho khoản lỗ từ kinh doanh vận tải.
Trong bối cảnh hiện nay, đề xuất Chính phủ thực hiện giải pháp tình huống điều tiết giá trong giai đoạn bất thường lại được đặt ra khi các yếu tố đầu vào của ngành hàng không, đặc biệt là xăng dầu, đã tăng lên nhiều so với mức giá tại thời điểm quy định khung giá được ban hành và có hiệu lực.
Việc các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm đánh giá, điều chỉnh quy định về khung giá hiện nay là cần thiết. Điều này vừa đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp hàng không phát triển bền vững, an toàn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước.
Triển vọng kinh tế năm 2023 dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi mọi nguồn lực được khơi thông và khai thác hiệu quả để tạo ra động lực cho tăng trưởng. Sớm tháo gỡ những điểm nghẽn thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong các DNNN cũng là để DNNN sớm trở lại quỹ đạo phát triển, đóng góp tốt hơn vào sự tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Theo Zing News