“Chìa khóa” giúp hàng không trở lại quỹ đạo phục hồi

Theo đánh giá của các chuyên gia, triển vọng hồi phục và phát triển của ngành hàng không sau đại dịch Covid-19 khá rõ nét. Tuy nhiên, để phục hồi và phát triển, hàng không cần được Nhà nước tập trung ưu tiên các giải pháp hỗ trợ hiệu quả.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tại hội thảo “Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới” do Bộ Giao thông vận tải phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức sáng 24/5, đại diện các cơ quan chức năng nhận định, cần một đề án tổng thể cấu trúc lại ngành hàng không của Chính phủ là “chìa khóa” giúp ngành hàng không trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

“Cú sốc” lớn nhất

Trong suốt một thập niên từ năm 2010 đến 2019, ngành hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa trong nước, trở thành phương thức và biểu tượng kết nối Việt Nam với thế giới. Năm 2019, lượng khách đi máy bay tăng gấp 4 lần so năm 2010, đạt 37,4 triệu lượt khách nội địa và 41,2 triệu khách quốc tế.

Với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2019 đạt trên 15% năm, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển của ngành Hàng không luôn là động lực, khâu đầu tiên trong thu hút đầu tư và phát triển du lịch đất nước.

Đại dịch Covid-19 là “cú sốc” lớn nhất đối với ngành hàng không thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong hai năm qua, hoạt động của ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, do thị trường quốc tế đóng cửa, các hãng hàng không trong nước gần như dừng hoàn toàn khai thác quốc tế (chiếm trung bình khoảng 60% năng lực), trong khi thị trường nội địa cũng suy giảm nghiêm trọng.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 đã kéo lùi sự phát triển của ngành hàng không, gây hậu quả tiêu cực đến các đơn vị trong dây chuyền vận tải hàng không, nhất là các hãng hàng không Việt Nam. Trong hai năm 2020, 2021, thị trường hàng không Việt Nam sụt giảm mạnh với mức giảm lần lượt là 42,1% và 80% so năm 2019. Các hãng phải chật vật xoay xở, thực hiện mọi giải pháp mang tính tự vận động cũng như được sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước để duy trì hoạt động chờ đến khi thị trường hồi phục.

Việc khôi phục và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng không là rất cần thiết và cần có sự đồng hành của các ban, ngành, nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp của ngành hàng không trong bối cảnh mới cùng với xu thế phát triển của ngành hàng không thế giới. 

alt text
Quang cảnh hội thảo.

Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhận định, sang năm 2022 thị trường hàng không Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục, nhất là thị trường nội địa, góp phần giảm nhẹ khó khăn và tạo đà cho sự hồi phục và phát triển trong các năm tới. Tuy vậy, trong giai đoạn trước mắt, vẫn có nhiều khó khăn thách thức về thị trường, tài chính, nguồn nhân lực, giá nhiên liệu cũng như tình hình xung đột Nga-Ukraine đối với ngành hàng không.

Theo phân tích của ông Thắng, dù thị trường đã có dấu hiệu hồi phục nhưng mới chỉ ở thị trường nội địa. “Tại thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy các hãng đã khôi phục phần lớn đường bay đến các thị trường truyền thống, nhưng lượng khách quốc tế chủ yếu vẫn là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh, lượng khách du lịch – nguồn khách chính của hàng không rất thấp” – ông Thắng cho hay.

Sau hai năm chống chọi với đại dịch, các hãng hàng không rất chật vật trong xoay xở để có dòng tiền duy trì hoạt động. Các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không như cảng, mặt đất, xăng dầu,… cũng buộc phải cho các hãng thanh toán chậm, giãn, hoãn nợ,.. để hỗ trợ hãng hàng không khiến tình hình tài chính của các đơn vị này cũng bị ảnh hưởng. Việc bảo đảm vốn phát triển giai đoạn hậu Covid-19 là một thách thức lớn.

Với việc khai thác cầm chừng, nửa cuối năm 2021, đã có sự xáo trộn, thay đổi nhân lực, chuyển dịch lao động sang các lĩnh vực khác của các hãng hàng không. Sau này, khi hàng không phục hồi, các hãng hàng không sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động chuyên môn (tổ bay, nhân viên kỹ thuật,…).

“Một thách thức lớn khác là vừa qua, giá nhiên liệu tăng cao liên tục và chưa có tín hiệu giảm nhiệt, gây áp lực chi phí lên hoạt động các hãng hàng không rất nặng nề. Chiến sự giữa Nga và Ukraine cũng ảnh hưởng đến đường bay châu Âu của các hãng hàng không Việt Nam khi phải bay vòng, phát sinh thêm chi phí”, ông Thắng đánh giá.

Cần ưu tiên hàng đầu để hàng không phục hồi

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), phải đến năm 2025, thị trường hàng không thế giới mới hồi phục ở mức như năm 2019. Thị trường vận chuyển nội địa được dự báo sẽ sớm hơn, tuy vậy, không phải tất cả các thị trường hoặc các phân khúc thị trường đều phục hồi như nhau. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tụt hậu trong quá trình phục hồi và dự báo phải đến năm 2024 mới đạt mức 97% so năm 2019.

Năm 2022, nhờ chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi, trong bối cảnh nền kinh tế chuyển sang thích ứng an toàn và hiệu quả với đại dịch, ngành hàng không Việt Nam bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu phục hồi. Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, tính trong 4 tháng năm 2022, thị trường nội địa gần như hồi phục so với năm 2019. Tổng thị trường nội địa trong 4 tháng đạt 11,5 lượt khách, bằng 98% so cùng kỳ năm 2019.

Thị trường hàng không Việt Nam có triển vọng phát triển khá rõ nét trong thời gian tới, thậm chí có thể là lĩnh vực dẫn đầu làn sóng phục hồi sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng. Theo GS Trần Thọ Đạt (Trường đại học Kinh tế Quốc dân), sau 2 năm chống chọi đại dịch, ngoài việc các hãng bay tái cơ cấu để tiết giảm chi phí, trong giai đoạn 2020-2021, Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hàng không vượt qua khó khăn như giảm giá, phí, lệ phí; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; hỗ trợ tái cấp vốn; gia hạn thời hạn nộp thuế,…

“Các chính sách này đã hỗ trợ rất hiệu quả cho doanh nghiệp hàng không, giảm áp lực về tài chính và hiệu quả của nó đã được chứng minh khi không một doanh nghiệp hàng không Việt Nam nào phải phá sản, dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch”, GS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.

Trong 2 năm 2022-2023, các doanh nghiệp hàng không có thể được hỗ trợ lãi suất 2% thông qua ngân hàng thương mại cho các khoản vay thương mại và tiếp tục được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường cho năm 2022. Chính phủ đã hành động rất cụ thể để các doanh nghiệp hàng không có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ cũng như giảm bớt gánh nặng chi phí cho hoạt động của mình. Đây thực sự là nguồn hỗ trợ quý giá, kịp thời của Chính phủ đối với các doanh nghiệp hàng không.

GS Trần Thọ Đạt kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Trên quan điểm công bằng và hiệu quả, hàng không, du lịch và một số ngành dịch vụ liên quan cần được coi là những ngành ưu tiên hàng đầu vay với mức lãi suất ưu đãi, thời hạn ít nhất trong 2-3 năm để vực dậy hai ngành vốn bị ảnh hưởng nặng nhất. 

Đồng thời, cần cân nhắc việc xem xét giảm một số chi phí để hạn chế phần nào tác động của việc tăng giá xăng dầu, nhiên liệu bay thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không; tháo gỡ một số ràng buộc về chính sách giá như điều chỉnh giá trần vé máy bay; cho phép hãng hàng không được phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ hàng không,… Về phía các hãng hàng không cũng cần chủ động có các giải pháp khắc phục và thích ứng linh hoạt.

Đồng quan điểm, TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng đề nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan hoạt động của ngành. Mặt khác, Nhà nước nên có chính sách tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và các hình thức công tư hỗn hợp để đa dạng hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh tốc độ nâng cấp, mở rộng hệ thống này theo yêu cầu của thị trường cũng như đổi mới và hoàn thiện tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống…

Theo Báo Nhân Dân

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.