An toàn khai thác là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Nhân dịp Vietnam Airines đăng cai tổ chức Hội nghị An toàn, Khai thác của IATA năm 2023, Spirit đã có cuộc trò chuyện cùng anh Phan Quý Đốc – Ban An toàn – Chất lượng, một trong những CBNV đang góp phần xây dựng văn hóa an toàn tại Vietnam Airlines không ngừng hoàn thiện.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Được chọn là đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị An toàn, Khai thác của IATA năm 2023, Vietnam Airlines đã chứng tỏ vị thế, uy tín của mình trên trường quốc tế, đồng thời khẳng định những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chuyên viên Ban An toàn – Chất lượng và Khối Khai thác trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của mình.  

Nhân dịp này, hãy cùng VNA Spirit gặp gỡ và trò chuyện với anh Phan Quý Đốc – Ban An toàn – Chất lượng để tìm hiểu thêm về hành trình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của VNA.

Rất cảm ơn anh đã gặp gỡ và trò chuyện cùng VNA Spirit. Theo anh, an toàn ở VNA được hiểu là?

Đối với một hãng hàng không thì yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Bởi vì hàng chục nghìn hành khách mỗi ngày, hàng chục triệu hành khách mỗi năm đang đặt niềm tin và có thể nói là cả sinh mạng vào mỗi chuyến bay của Vietnam Airlines. Công cuộc đảm bảo an toàn và phát triển văn hóa an toàn sẽ luôn là hành trình trường kỳ của Vietnam Airlines. Ở Vietnam Airlines, chúng ta nỗ lực mỗi ngày để đảm bảo cung cấp cho khách hàng những giá trị này, đồng thời gìn giữ một môi trường an toàn đối với toàn thể CBNV.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo của Vietnam Airlines cũng khẳng định xây dựng văn hóa an toàn không thể là việc làm đạt được kết quả ngay mà phải là một quá trình xây dựng kiên trì, mỗi ngày; kết hợp cùng một lúc nhiều biện pháp để có được sự thay đổi nhận thức, quan niệm và hành động của mỗi một cá nhân.

Trong tuyên bố về xây dựng văn hoá an toàn tầm nhìn 2025, TCT đã xác định rõ 7 bước để xây dựng VHAT, bao gồm: Giữ vững khả năng vận hành an toàn và hiệu quả; An toàn, đúng giờ, cung cấp dịch vụ 4 sao quốc tế, hướng đến 5 sao; khai thác an toàn, tiện nghi và bảo vệ môi trường; tuân thủ về an toàn, hợp tác với độ tin cậy cao, gắn với trách nhiệm xã hội; an toàn vận chuyển hành khách, hàng hoá; an toàn là số 1, không đánh đổi bằng bất cứ giá nào; xây dựng VHAT trên cơ sở học hỏi từ các doanh nghiệp lớn như BOS, Inamori hay các hãng hàng không 5 sao.

Công cuộc đảm bảo an toàn và phát triển văn hóa an toàn sẽ luôn là hành trình trường kỳ của Vietnam Airlines. (Ảnh: VNA).

VNA bắt đầu triển khai VHAT từ khi nào, thưa anh?

Trong suốt hơn 30 năm thành lập và phát triển, Vietnam Airlines luôn xác định an toàn là nguyên tắc số một, không thể đánh đổi trong mọi hoạt động của Hãng. Vì thế việc thiết lập, củng cố và nâng cao văn hóa an toàn là một mục tiêu trọng điểm hàng đầu trong công tác điều hành khai thác của TCT.

Với đặc thù tiêu chuẩn an toàn khắt khe của ngành hàng không, với tính chất biến động của ý thức, hành vi con người, công tác về văn hóa an toàn là một hoạt động trường kỳ, liên tục, đòi hỏi chúng ta không ngừng theo dõi và hành động để củng cố, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ nhân viên, qua đó góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng trăm hành khách trên mỗi chuyến bay.

Cụ thể, từ năm 2007, Vietnam Airlines đã thành công trong việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý an toàn và triển khai VHAT dựa vào dữ liệu an toàn để dự báo, xác định các nguy cơ, từ đó xử lý, phòng ngừa rủi ro kịp thời. Hệ thống quản lý an toàn đã và đang không ngừng hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chuẩn của các nhà chức trách hàng không, các hiệp hội, liên minh mà Vietnam Airlines tham gia.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn ban hành chỉ thị về việc nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động khai thác và văn hóa báo cáo. Mô hình văn hóa báo cáo được hưởng ứng tích cực với ngày càng nhiều các báo cáo an toàn tự nguyện bên cạnh các báo cáo bắt buộc từ đơn vị khai thác bay, kỹ thuật hay khai thác mặt đất.

Điểm nổi bật trong văn hóa an toàn của Vietnam Airlines là đề cao tính trung thực, minh bạch, tạo môi trường làm việc mà mọi nhân viên luôn sẵn sàng báo cáo lỗi; không áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với bất cứ nhân viên nào khi chủ động báo cáo trung thực về các sự cố, sự việc ảnh hưởng tới an toàn, các lỗi do sơ ý. Mỗi năm Vietnam Airlines đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nội bộ về hệ thống quản lý an toàn (SMS) và văn hóa an toàn.

Một chặng đường dài thực hiện VHAT, vậy tới nay, VNA đang ở đâu trong hành trình này?

Trước hết, theo IATA, VHAT được chia ra thành 5 mức độ như sau:

  • Mức độ Sơ khai (Pathological): An toàn không quan trọng, không cần thiết và không đóng vai trò gì trong tổ chức.
  • Mức độ Thụ động (Reactive): an toàn là gánh nặng của tổ chức, chủ yếu đáp ứng nhu cầu quy định của pháp luật.
  • Mức độ Cân nhắc (Calculative): An toàn được coi là yếu tố quyết định của lãnh đạo, nhưng an toàn chưa là giá trị cốt lõi của tổ chức. Hệ thống báo cáo chỉ đáp ứng các yêu cầu cảu luật định.
  • Mức độ An toàn chủ động (Proactive): An toàn được coi là điều kiện tiên quyết, là giá trị cốt lõi của tổ chức. Hệ thống báo cáo được xem xét toàn diện. Các hậu quả an toàn sẽ được xem xét và công tác cải tiến an toàn sẽ được tiến hành thường xuyên.
  • Mức độ An toàn tiên tiến (Generative): An toàn là yếu tố cần thiết và được cải tiến liên tục trong tổ chức. Hệ thống báo cáo được áp dụng rộng rãi và hiệu quả. CBCNV tự nguyện và chủ động báo cáo các sự cố/vụ việc. Xác định rõ được các hành vi an toàn.
Theo IATA, VHAT được chia ra thành 5 mức độ.

Lộ trình phát triển VHAT tại VNA được lập kế hoạch từ năm 2018, VNA đã cho ra đời website vhat.digitalpower.vn để truyền thông các thông tin quan trọng xoay quanh vấn đề văn hoá an toàn của VNA, nhằm tạo cơ sở cho mọi hoạt động của TCT. Chúng ta cũng đã tổ chức Hội thảo VHAT 2018 cũng như triển khai nhiều hoạt động để đào tạo, truyền thông CBNV về VHAT.

Năm 2019, VNA đã thực hiện thay đổi giao diện trang web vhat.digitalpower.vn để phù hợp với nhu cầu thực tế hơn, đồng thời tổ chức Khảo sát VHAT 2019 cũng như cập nhật một số tài liệu, bài giảng.

Năm 2020, qua khảo sát của một tổ chức hàng không quốc tế độc lập, VNA đạt mức độ 3 (Calculative) trong VHAT cùng với đó là một loạt các cải biến trong hoạt động của chúng ta, như cho ra đời website: vhat.vietnamairlines.com và ứng dụng trên di động. Chúng ta cũng thực hiện khảo sát VHAT/mệt mỏi; đào tạo AT, VHAT cũng như tổ chức cuộc thi “Gamification”, thu hút hàng nghìn CBNV tham gia dự thi

Hiện nay, VHAT của VNA đang ở mức độ 3.8, mức chủ động (Proactive) trong tất cả các mặt bao gồm: báo cáo an toàn, điều tra an toàn, xử lý các thông tin an toàn, phòng ngừa an toàn.

Trong giai đoạn tiếp theo, VNA sẽ cần tới big data và AI để thực hiện, kiểm soát các hoạt động nhằm tự động hoá và chuẩn hoá an toàn…Mục tiêu năm 2025, VNA tiệm cận mức 5, mức tiên tiến (Generative), tức là an toàn trở thành giá trị cốt lõi và nền tảng trong văn hóa doanh nghiệp cũng như mọi hoạt động của từng cá nhân của VNA.

Trong khảo sát của IATA tới đây, IATA sẽ thực hiện khảo sát các khía cạnh nào của tổ chức?

Khi thực hiện khảo sát mức độ VHAT, IATA sẽ khảo sát 6 chỉ số, bao gồm:

  1. Cam kết: của cấp quản lý, của các cá nhân, đầu tư cho an toàn
  2. Công bằng: đánh giá đúng hành động an toàn và hành vi mất an toàn, khen thưởng và kỷ luật, trách nhiệm dựa theo nguyên nhân gốc.
  3. Thông tin: Huấn luyện an toàn, truyền tải thông tin, hệ thống báo cáo, mong muốn báo cáo, kết quả xử lý báo cáo.
  4. Nhận thức: nhận thức rủi ro an toàn, nhận diện mối nguy hiểm mới, quan tâm đến an toàn
  5. Thích ứng: ứng phó vụ việc an toàn, phòng ngừa chủ động, sự sẵn sàng tham gia của nhân viên
  6. Hành vi: sự hài lòng với công việc, điều kiện làm việc, coi trọng an toàn trong hành vi của nhân viên, mong chờ và khuyến khích các hành động an toàn.

Anh Phan Quý Đốc (thứ 2 từ trái sang) cùng anh chị em Ban ATCL chụp hình lưu niệm trong dịp VNA cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thương mại Việt-Mỹ.

Tới nay, VHAT của VNA đã đạt được những kết quả gì đáng chú ý?

Điều mà chúng tôi đánh giá là thành công lớn nhất, chính là được thấy hành khách đi đến nơi về đến chốn một cách an toàn và hài lòng với các chuyến bay của VNA. Số sự cố, vụ việc nguy hiểm ngày càng giảm theo từng năm. Cùng với số lượng thì mức độ nghiêm trọng của các vụ việc cũng trong xu thế giảm.

Đặc biệt, Vietnam Airlines tự hào là đơn vị đầu tiên của ngành Hàng không Việt Nam áp dụng Hệ thống quản lý an toàn theo tiêu chuẩn Doc 9859 của ICAO từ năm 2007.

Hãng đã trải qua 10 lần thành công đạt và gia hạn chứng chỉ an toàn khai thác IOSA của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA, rà soát cập nhật và thực hiện đánh giá nội bộ các cơ quan đơn vị, đảm bảo hoạt động của Vietnam Airlines luôn tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất của ngành hàng không khu vực và quốc tế.

Ngày 21/6/2022, Vietnam Airlines đã được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt chứng chỉ EDTO, chứng chỉ khai thác tầm bay mở rộng, với 8 tàu bay Boeing 787 và 14 tàu Airbus A350 có thời gian EDTO lần lượt là 207 phút và 240 phút. Vietnam Airlines là hãng đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đạt được chứng chỉ này.

Bên cạnh các hoạt động trên, Vietnam Airlines đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực an toàn bằng cách tích hợp, hiển thị bảng tin (dashboard) dữ liệu an toàn giai đoạn 2017-2022 trên website văn hóa an toàn. Song song với đó, Vietnam Airlines tổ chức các buổi đào tạo huấn luyện và tuyên truyền về an toàn, hội thảo về quản lý rủi ro và khủng hoảng trong hàng không với các chuyên gia nước ngoài và lãnh đạo cấp cao nhất để đảm bảo các hoạt động được thực hiện đầy đủ, hiệu quả.

Chúng ta lạc quan về những thành công trong việc xây dựng văn hóa an toàn vẫn không ngừng hoàn thiện, phát triển một môi trường an toàn trên mọi chuyến bay và là điển hình trong việc đưa an toàn hàng không vào mỗi việc làm hàng ngày.

Cảm ơn chia sẻ của anh và chúng ta cùng chờ đón Hội nghị An toàn, Khai thác của IATA năm 2023 mà Vietnam Airlines đăng cai tổ chức vào tháng 9 tới đây. 

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.