Mỗi một thế hệ, lớp lãnh đạo – dù là đất nước hay một doanh nghiệp, đều có tư duy và triết lý khác nhau về kinh tế và văn hóa. Đa số lấy kinh doanh và lợi nhuận đặt lên hàng đầu; đây là sự sống còn của một doanh nghiệp.
Điều đó không hề sai, bởi từ cổ đến kim, triết học Mác đã từng khẳng định “vật chất có trước, ý thức có sau”. Mà nguồn gốc của các cuộc chiến tranh cũng hầu hết xuất phát từ kinh tế là chiếm đất đai, tài nguyên khoáng sản… Ngay ở Việt Nam ta, các cụ xưa có câu “có tiền mua tiên cũng được” và “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn’’…
Thời buổi hiện nay, mở cửa, cơ chế thị trường và hội nhập; triết lý lấy kinh tế làm hàng đầu càng hiện hữu sức mạnh vĩ đại, vô hình của nó. Nhưng theo tôi, có lẽ chưa hoàn chỉnh, bởi thực tế ở Vietnam Airlines (VNA), mấy chục năm qua đã chứng minh và khẳng định vai trò của văn hóa doanh nghiệp với sản xuất kinh doanh như thế nào. Lợi nhuận “tiền” và “người” đã được gặt hái, ngày càng được khẳng định vị thế, tên tuổi của VNA trong nước và quốc tế.
Ngay từ những năm đầu mới thành lập, giới lãnh đạo của VNA chủ yếu là của Quân chủng Không quân chuyển sang. Họ là những phi công đã từng chinh chiến trận mạc với không quân Mỹ, để bảo vệ bầu trời của Tổ quốc. Trên mặt trận kinh tế, họ phải “chiến đấu” bằng trí tuệ, bản lĩnh và tình yêu bầu trời. Và thành công nhất là họ đã sớm nhận ra sức mạnh của kinh tế và văn hóa để “nhào nặn”, tạo ra giá trị đích thực xây dựng kinh tế và xây dựng con người VNA.
Là một nhạc sĩ, lớp cán bộ của Quân chủng không quân chuyển sang VNA làm việc gần 20 năm và đã chứng kiến, kiểm nghiệm VNA đi bằng “hai chân” kinh doanh và văn hóa như thế nào – nhất là thời kỳ Ban lãnh đạo do anh Nguyễn Xuân Hiển làm Tổng Giám đốc. Anh quan niệm: Muốn xây dựng VNA phát triển toàn diện, phải chú trọng xây dựng con người.
Đó là đội ngũ phi công, tiếp viên và lực lượng đông đảo mặt đất; giỏi về chuyên môn và có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Từ quan điểm này của Ban lãnh đạo, các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa văn nghệ đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, như một chất xúc tác lan tỏa đến từng nhân viên, từng công việc mang lại hiệu quả.
Với hoạt động văn hóa văn nghệ, cứ hai năm là TCT tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng một lần với tiêu chí “Hát cùng những cánh bay VNA”. Đây như một ngày hội của cán bộ công nhân viên chức TCT. Ngay Đoàn bay 919, các phi công cũng tích cực hưởng ứng tham gia, kể cả sáng tác và trực tiếp lên sân khấu biểu diễn.
Nhiều đơn vị trở thành ngọn cờ đầu nhiều năm về văn nghệ như: Đoàn tiếp viên, Mặt đất Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất; NASCO… Và tham gia hội diễn nghệ thuật toàn quốc bao giờ VNA cũng đạt giải xuất sắc toàn đoàn.


Trong những năm 1996 đến năm 2009, lãnh đạo VNA tham vọng muốn có một bài hát truyền thống về VNA. Nhiều gương mặt nhạc sĩ nổi tiếng đã được mời đến để viết như: Hoàng Vân, Huy Du, Hoàng Hiệp, Phạm Tuyên, Hồng Đăng, Văn Dung, Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thế Song, Phú Quang, Nguyễn Cường, Đức Trịnh, Từ Huy… Trong gần 10 năm, đã có gần 40 bài hát sáng tác về VNA.
Như lời anh Nguyễn Xuân Hiển nói: Đây là tài sản vô giá về văn hóa văn nghệ mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được. Anh có ý tưởng tiếp tục cho lan tỏa các bài hát này trong toàn TCT để mọi người cùng hát. Nhưng rất tiếc anh đã ra đi quá sớm, nên khối tác phẩm vô giá này vẫn còn nằm nguyên trong bản thảo mà tôi vẫn giữ được.
Mở rộng thị trường, mở các đường bay trong nước và quốc tế là yêu cầu sống còn của một Hãng hàng không. Thời kỳ đó cứ mỗi lần khai trương đường bay quốc tế, được Ban lãnh đạo VNA giao cho nhiệm vụ là liên hệ với một số đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp để xây dựng chương trình biểu diễn chào mừng như: Nhà hát ca múa nhạc Trung Ương, Nhạc viện Hà Nội, Đoàn văn công Bộ đội biên phòng… với ý tưởng kết hợp quảng bá hình ảnh VNA với giới thiệu văn hóa Việt Nam cùng bạn bè khắp năm châu. Đây chính là “tầm” chiến lược văn hóa văn nghệ lâu dài của VNA.

Trộm nghĩ: Nếu VNA chúng ta vẫn được kế tục quan điểm, triết lý “kinh doanh và phát triển văn hóa văn nghệ”, nhất định chúng ta sẽ gặt hái được nhiều mùa bội thu cả về kinh tế và năng lượng con người; tạo thành sức mạnh cùng sải cánh đại bàng xanh bay cao, bay xa…
Cuộc thi viết “Vietnam Airlines trong tôi là…” là nơi để mỗi cán bộ, nhân viên trải lòng, sẻ chia những ký ức, những khoảnh khắc khó quên trên hành trình đồng hành cùng “cánh chim xanh”. Thời gian nhận bài dự thi: Từ 26/3 đến 26/6/2025 Email nhận bài dự thi: contest@vietnamairlines.com |